Việt Nam cho tiếp tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo

Việt Nam quyết định cho tiếp tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo sau gần 3 tháng tạm ngưng. Song hành với sự kiện này là lúc giá gạo trên thị trường thế giới đang tụt giảm nhanh.

0:00 / 0:00

Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

Ngày 5/5/2009 Hiệp Hội Lương Thực Việt nam thông báo, chấp nhận làm thủ tục cho các công ty đã ký hợp đồng bán gạo cho khách hàng nước ngoài hồi cuối tháng 2, mà chưa được phép đăng ký. Tổng lượng gạo này khoảng 340.000 tấn, tuy nhiên đã bị Hiệp Hội ngăn chặn bằng thủ tục ngừng đăng ký hợp đồng xuất khẩu từ ngày 21/2/2009, nếu điều kiện giao hàng trong 6 tháng đầu năm.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ Tịch Hiệp Hội Lương Thực VN, cơ quan thực tế nắm quyền kiểm soát lượng gạo xuất khẩu, xác nhận rằng, việc cho đăng ký lại đưa lượng gạo thực tế xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 4 triệu tấn.

“Những hợp đồng xuất khẩu lúc trước còn tồn tại bây giờ tiếp tục cho đăng ký để thực hiện.”

Một quyết định đúng?

Hiệp Hội Lương Thực VN qui định rằng, bản hợp đồng bán gạo cho doanh nhân nước ngoài, chỉ có thể thực hiện nếu được Hiệp Hội chứng nhận đăng ký. Việc ngừng chứng nhận từ ngày 21/2 được giải tỏa vào ngày 5/5, trên thực tế đã làm nhiều doanh nghiệp mất cơ hội bán hàng đang lúc được giá. Việt Nam quyết định ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới, vào lúc khách hàng sẵn sàng trả 460 đô la một tấn gạo trắng 5% tấm. Đến nay khi Hiệp Hội thay đổi quyết định, thì khách hàng nước ngoài có nhiều chọn lựa hơn, do Thái Lan và Ấn Độ cùng đưa gạo tồn kho tham gia thị trường thế giới, với tổng lượng gạo trắng gần 5 triệu tấn.

Do vậy Hiệp Hội Lương Thực VN quyết định cắt giá sàn gạo 5% tấm dành cho xuất khẩu còn 430 đô la một tấn, tức giảm 30 đô la so với hồi tháng 2. Riêng gạo 25% tấm vẫn giữ nguyên giá 400 đô la.

Đến nay khi Hiệp Hội thay đổi quyết định, thì khách hàng nước ngoài có nhiều chọn lựa hơn, do Thái Lan và Ấn Độ cùng đưa gạo tồn kho tham gia thị trường thế giới, với tổng lượng gạo trắng gần 5 triệu tấn.

Sự kiện này đã ít nhiều ảnh hưởng tới giá lúa gạo trong nước. Ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng giám đốc công Ty Du Lịch Thương Mại Kiên Giang, một nhà xuất khẩu gạo lớn ở miền Tây cho biết:

“Giá lúa hiện nay đang xuống khoảng 70 chục đồng một kg, lúa hạt dài vừa qua 4.500đ-4.550đ/kg, loại lúa tốt bữa nay khoảng 4.400đ/kg. Còn gạo 5% tấm người ta cung ứng cho công ty chúng tôi vừa qua khoảng 7.300đ/kg hiện nay còn 7.250đ/kg trở lại.”

Trên thực tế giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long không đồng nhất, những nơi giao thông thuận lợi được giá hơn vùng sâu, nơi doanh nghiệp không trực tiếp thu mua, mọi việc mua bán phải qua thương lái. Một nông dân nói với chúng tôi:

“Lúa 4900( hạt dài) hiện tại chỗ em bán có 3.900đ, 3.850đ/kg tại vì dưới em không phải như trên An Giang, công ty về mua tại ruộng, còn ở đây chỉ có thương buôn mua, qua tay thương buôn hết.”

Nhiều ý kiến nhận định là Việt Nam có thể đã tính chưa đúng, khi quyết định ngưng ký hợp đồng xuất khẩu hồi tháng 2/2009. Khoảng thời gian tiếp theo gạo tiếp tục được giá trên thị trường thế giới. Đến nay khi thị trường thế giới có nhiều nguồn cung cấp hơn, thì mới vội vã cho các doanh nghiệp nối lại giao dịch. Tuy nhiên Hiệp Hội Lương Thực VN cho rằng xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm sẽ thông suốt. Ông Trương Thanh Phong phát biểu với chúng tôi:

“Không trở ngại gì hết, hợp đồng của VN đã có 4 triệu tấn rồi, còn thêm một triệu tấn nữa không có vấn đề gì.”

Chuỗi sự kiện dừng đăng ký xuất khẩu dù gạo đang có giá tốt, được một số chuyên viên cho là cần thiết, trên quan điểm bảo đảm an ninh lương thực, nhất là để bảo vệ lợi nhuận của các tổng công ty lương thực Nhà nước, vốn chiếm giữ hơn 60% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Các doanh nghiệp Nhà nước đã ký các hợp đồng lớn của chính phủ, họ muốn kiểm soát việc mua gạo không phải bị cạnh tranh giá, không có tranh mua tranh bán thì giá lúa sẽ khó tăng.