Việt Nam đứng hạng 59 năng lực cạnh tranh toàn cầu

Diễn đàn kinh tế thế giới vừa cho công bố bản báo cáo đánh giá môi trường cạnh tranh toàn cầu 2010.

0:00 / 0:00

Bản báo cáo lần này đã cho thấy nhiều thay đổi, với sự vươn lên của các nước đang phát triển, trong đó có Việt nam, và tụt hạng của các nước giàu, đặc biệt là Hoa Kỳ. Việt Hà phỏng vấn ông Thierry Geiger, chuyên gia kinh tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về bản báo cáo này.

Thụy sĩ giữ ngôi vị đầu bảng

Việt Hà: Xin ông cho biết những điểm chính đáng chú ý trong bản báo cáo về khả năng cạnh tranh toàn cầu năm nay là gì?

Thierry Geiger: Điều đầu tiên đáng chú ý trong bản báo cáo năm nay là Thụy sĩ vẫn dẫn đầu bảng, sau khi lấy ngôi vị này từ Hoa kỳ hồi năm ngoái. Hiện Thụy sĩ vẫn là nước cạnh tranh nhất thế giới. Điều đáng chú ý thứ hai là Hoa kỳ đã tụt xuống hai bậc, hiện đang ở vị trí thứ 4, mặc dù vậy Hoa kỳ vẫn là một trong những nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trên thế giới.

Điều đầu tiên đáng chú ý trong bản báo cáo năm nay là Thụy sĩ vẫn dẫn đầu bảng, sau khi lấy ngôi vị này từ Hoa kỳ hồi năm ngoái. Hiện Thụy sĩ vẫn là nước cạnh tranh nhất thế giới.

Ông Thierry Geiger

Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm cho các vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt trở nên trầm trọng hơn, ví dụ như sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách, nợ nước ngoài cao, và thị trường tài chính cũng còn nhiều vấn đề. Những điều này giải thích nguyên nhân tụt hạng của Mỹ. Các điểm đáng chú ý khác là Trung quốc đã tăng hạng, và hiện xếp hạng thứ 57. Trung quốc đã nới rộng khoảng cách của mình so với các nước trong khối BRIC bao gồm Brazil, Nga, Ấn độ, và Trung quốc. 3 nước kia không hề có cải thiện về thứ hạng lần này.

Việt Hà: Những điều mà ông vừa nói đến về bản báo cáo lần này nói lên điều gì thưa ông?

Thierry Geiger: Điều mà chúng ta nhìn thấy trong bản báo cáo lần này là có một sự chuyển dịch nhỏ, các nước phát triển thì đang tụt hạng, nếu tính trung bình giữa các nước giàu, thì mức độ cạnh tranh của các nước này đang giảm xuống, còn ở các nước đang phát triển thì thứ hạng về môi trường cạnh tranh lại đang tăng lên. Điều này là rất đáng quan tâm và nó cho thấy những gì mà chúng ta đang chứng kiến trên thế giới ngày nay.

hierry_geiger-00.jpg
Ông Thierry Geiger, chuyên gia kinh tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Photo courtesy of wikimedia.org (Ông Thierry Geiger, chuyên gia kinh tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Photo courtesy of wikimedia.org)

Đó là sự chuyển dịch về sức mạnh kinh tế, hoạt động kinh tế, và GDP về hướng các nước đang phát triển. Mặc dù chúng tôi không đo lường mức tăng trưởng kinh tế mà chỉ đo lường khả năng cạnh tranh, nhưng chúng tôi cho rằng các nước phát triển sẽ tiếp tục là các nước có khả năng cạnh tranh cao trong một thời gian dài tới, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận là đã có sự chuyển dịch.

Các nước phát triển tụt hạng

Việt Hà: Những nhân tố nào dẫn đến sự chuyển dịch này? Liệu cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi có phải là một yếu tố khiến các nước phát triển như Mỹ bị tụt hạng, trong khi các nước như Trung quốc và Ấn độ thì vẫn duy trì được thứ hạng hoặc tăng hạng do họ đã có được mức tăng trưởng khá trong suốt thời gian khó khăn?

Thierry Geiger: Một phần nguyên nhân của những thay đổi này là từ khủng hoảng tài chính vừa qua, mặc dù chúng tôi không cố gắng đo lường tăng trưởng kinh tế các nước, nó không có nghĩa là nước đã trải qua thời kỳ khủng hoảng thì không có tính cạnh tranh, bởi vì định nghĩa của môi trường cạnh tranh trong báo cáo này là liên quan đến năng suất lao động, nhưng như chị đã nói thì đúng là kinh tế Trung quốc và Ấn độ vẫn tăng trưởng khá tốt trong thời kỳ khủng hoảng.

Trong số các nhân tố mà chúng tôi đo lường có môi trường kinh tế vĩ mô, vốn chịu ảnh hưởng của chu kỳ tăng trưởng kinh tế. Trong thời kỳ khủng hoảng, chính phủ các nước phải chi tiêu rất nhiều như gói kích cầu, tiền thu ngân sách từ thuế bị giảm sút, nó ảnh hưởng đến tình hình tài chính chung và do đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Sức khỏe của thị trường tài chính giúp thúc đẩy kinh tế và tạo điều kiện cho môi trường cạnh tranh.

Chúng ta đang nhìn thấy sự tụt hạng của rất nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, trong khi đó tình hình ở các nước đang phát triển thì lại có cải thiện chút xíu.

Ông Thierry Geiger

Các nhân tố khác như giáo dục, hạ tầng cơ sở thì ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế hơn. Chúng ta đang nhìn thấy sự tụt hạng của rất nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, trong khi đó tình hình ở các nước đang phát triển thì lại có cải thiện chút xíu. Điều này giải thích sự chuyển dịch kinh tế, nó không chỉ là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, mà là do một loạt các yếu tố khác, cả ngắn hạn và dài hạn.

Việt Hà: Việt nam năm nay đã tăng bậc từ thứ hạng thứ 75 năm ngoái lên hạng 59 năm nay. Đây là một bước tiến khá lớn, nếu so với năm trước đó Việt nam bị tụt 5 hạng. Xin ông cho biết nguyên nhân nào đã khiến Việt nam thăng hạng trong năm nay?

Thierry Geiger: Sự thay đổi năm nay chủ yếu là do nền kinh tế vĩ mô đã được cải thiện, bởi năm ngoái Việt nam phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, và điều đó đã khiến Việt nam tụt hạng. Năm nay chính phủ, ngân hàng nhà nước đã có thể kiểm soát được vấn đề, nhất là lạm phát và gây dựng lại lòng tin với những nhà đầu tư, điều này giải thích sự cải thiện trong yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt nam. Đây là yếu tố quan trọng trong đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt nam. Cho nên nguyên nhân chính khiến Việt nam thăng hạng là do kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn hôm nay.

Theo dòng thời sự: