Vấn đề quản trị và tài liệu giảng dạy cho trường đại học đẳng cấp quốc tế

Trong hai kỳ phát thanh vừa qua quý vị đã theo dõi một số ý kiến các chuyên gia và giáo sư trong cũng như ngoài nước về việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và kế hoạch xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ được thành lập ở Việt Nam vào năm 2013.

0:00 / 0:00

Trong bài viết kỳ này Mặc Lâm sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề quản trị cũng như tài liệu giảng dạy phải như thế nào để phù hợp với khuynh hướng chung mà các trường đại học nổi tiếng áp dụng. Đây cũng là bài chót trong loạt bài trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam mời quý vị theo dõi.

Cuộc hội thảo bàn về thành lập đại học đẳng cấp quốc tế do phó thủ tướng Nguyễn Thiện nhân đã quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham dự. Trong phần đóng góp ý kiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long phân tích, không có công thức chung và diệu kế để "tạo ra" trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Mỗi quốc gia phải chọn cách đi phù hợp những thế mạnh và nguồn lực của mình...Ý kiến này được nhiều người chia sẻ, thế nhưng chọn cách đi phù hợp ra sao thì lại nảy sinh nhiều vấn đề hết sức quan trọng.

Quản trị yếu kém

Nhìn ra các nền đại học bên ngoài, ai có mặt trong hội nghị cũng thấy ngay đây là việc không dễ giải quyết. Hai vấn đề quan trọng nhất được nêu lên là giảng dạy theo chương trình nào và việc quản trị sẽ như thế nào cho phù hợp với mục tiêu đề ra. Về vấn đề quản trị, các trường đại học công lập hiện nay đã cho thấy mức yếu kém như thế nào vì hệ thống chằng chịt từ trên xuống cũng như nội tại của từng trường không theo kịp nhịp độ yêu cầu về điều hành trong thời đại tin học. Chế độ bao cấp vẫn còn hiện hữu trong nhiều mặt nên việc ỷ lại vào Bộ GD và ĐT không ngớt xuất hiện. Tư duy để làm sao nâng viêc giảng dạy tốt hơn bị ùn tắt tại nhiều khâu, nhiều người và những hệ lụy này không ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Tập thể vẫn là một lá bùa hộ mệnh đầy sức mạnh để chống đỡ búa rìu dư luận. Nhận xét về mối lo ngại cần có một ban quản trị đúng mức, GS Chu Hảo nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ cho biết:

Tôi thấy đây là một quan điểm thấp kém khi lấy chương trình nước ngoài rồi copy dạy trong trường gọi là tiêu chuẩn quốc tế thì tôi cho là ảo vọng.

GS Nguyễn Đăng Hưng

“Đáng lo nhất là vấn đề quản trị các trường đó. Quy chế thì có được ngay nhưng con người thực hiện những cái đó thì không thể.”

Nhập khẩu chương trình giảng dạy

Về vấn đề chương trình giảng dạy, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì trước mắt, có thể "nhập khẩu" chương trình đào tạo của các trường ĐH hàng đầu thế giới, "nhập khẩu" phương pháp và công nghệ quản lý của các chuyên gia nước ngoài rồi từ đó khai thác những điểm mạnh phù hợp với văn hóa trong nước để thúc đẩy hiệu quả.

Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng, với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm tại nhiều trường tại Châu Âu và Bỉ đã cho biết:

“Tôi thấy đây là một quan điểm thấp kém khi lấy chương trình nước ngoài rồi copy dạy trong trường gọi là tiêu chuẩn quốc tế thì tôi cho là ảo vọng.”

Riêng về con người trong lĩnh vực giảng dạy và quản trị GS Hưng nhận xét:

“Không phải đem một ông ở Mỹ hay ở Châu Âu về mà nói rằng GS quốc tế. Vấn đề là người này phải có một lịch trình giảng dạy kinh nghiệm và được minh chứng bởi một hội đồng khoa học.”

Trong cuộc hội thảo, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng trường ĐH đẳng cấp quốc tế trước hết phải là trường ĐH đa ngành và là ĐH nghiên cứu, biết tập trung trọng điểm, hướng nhu cầu xã hội.

Không phải đem một ông ở Mỹ hay ở Châu Âu về mà nói rằng GS quốc tế. Vấn đề là người này phải có một lịch trình giảng dạy kinh nghiệm và được minh chứng bởi một hội đồng khoa học.

GS Nguyễn Đăng Hưng

GSTS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trường bộ Giáo Dục và Đào Tạo lo ngại rằng việc mở 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế với nhiều chuyên khoa như vậy là khó khả thi, ông đề nghị tập trung vào một vài ngành có thế mạnh tại Việt nam hiện nay:

“Theo tôi cách hay nhất là trên những ngành cụ thể vốn đã có thế mạnh rồi thì nên phát triển thêm lên để ngang tầm trường quốc tế.”

Căn bệnh phô trương

Giáo sư Trần Hữu Dũng hiện giảng dạy tại đại học Wright tiểu bang Ohio cho rằng ý định thành lập một loạt các trường đại học đẳng cấp quốc tế chỉ nói lên thêm tính cách phô trương của các lãnh đạo mà không căn cứ một thực tế nào về sức mạnh nội tại của mình trước khi làm chuyện lớn:

“Cách mà ông Nhân ổng làm việc là xẻng đất này đất nọ để mà lấy tiếng thành ra tôi nghĩ tình trạng này cũng là có đất rồi tới lấy xẻng xúc đất và cắt băng khánh thành là xong.”

Một Giáo Sư TSKH hiện giảng dạy tại Đại học Quốc Gia Hà Nội không muốn nêu tên kể lại những điều mà ông cho là hết sức trái khoáy trong một thời gian ngắn trước đây về việc chạy theo thành tích, ông nói:

Vào năm 2005 tôi có gặp một cụ vào lúc ấy ngành giáo dục dự kiến xây dựng 900 trường Đại học cao đẳng vì cho là đến năm 2020 Nhật sẽ có 900 trường thì ta cũng phải theo.

Một GS TSKH tại ĐHQG Hà Nội

“Vào năm 2005 tôi có gặp một cụ vào lúc ấy ngành giáo dục dự kiến xây dựng 900 trường Đại học cao đẳng vì cho là đến năm 2020 Nhật sẽ có 900 trường thì ta cũng phải theo. Tôi nói là Nhật có GDP là 4600 tỷ còn ta chỉ 50 tỷ thì làm sao theo họ được. Đấy là tư duy của các nhà hoạch định chính sách của ta như thế.”

Theo nhiều nhà giáo tâm huyết trong nước thì chính sách giáo dục không nhất thiết phải thành lập nhiều trường đại học đẳng cấp quốc tế như dự án của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Giáo dục vẫn đang bị lung lay từ gốc khi các lớp bậc tiểu học vẫn còn phải mang hơn 5 ký sách đến trường và trở về nhà với kiến thức không cập nhật cho phù hợp với sức tiến triển của nền giáo dục thế giới. Bậc trung học thì lo ngay ngáy các ngày thi tuyển sinh mà không hề quan tâm đến cách học cũng như cách tiêu hóa kiến thức từ nhà trường. Một thời đại học sinh như thế lấy đâu ra sinh viên đủ khả năng thật sự chen nhau vào trường đại học đẳng cấp quốc tế khi nó được mở ra?