Vào ngày 1 tháng 2 vừa qua, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam họp báo cho hay 1 tỷ trái phiếu chính phủ vừa phát hành tại Hong Kong, New York, Boston và London trong tháng giêng vừa rồi đã về đến tài khoản Việt Nam.
Ông thứ trưởng Trần Xuân Hà, cho rằng đợt vay tiền quốc tế lần này đã thành công, và khoản vay đó dành một phần đầu tư cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các dự án khác.
Càng vay càng khó trả
Gia Minh hỏi chuyện tiến sĩ Vũ Quang Việt, một cựu chuyên viên Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, về vấn đề trả nợ khoản mới vay được từ nước ngoài của Việt Nam. Trước hết ông Vũ Quang Việt cho biết:
Trong trường hợp lạm phát của Việt Nam, việc tiếp tục đi vay nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong trả nợ.
Ô. Vũ Quang Việt.
Ông Vũ Quang Việt: Tại Việt Nam, lãi suất vay bình thường tiền đồng của người dân đi vay hơn 10% rồi (đến 11%). Với lãi suất như thế thì khó cho sản xuất, vì sản xuất phải được 7,8% cho đến 10%, vì khi gửi ngân hàng cũng được 10% rồi.
Vay tiền nước ngoài bằng USD cần phải nghĩ đến việc trả nợ. Trong tình hình lạm phát tại Việt Nam hiện nay là 7%, và trong tương lai có thể hơn nhiều; vậy lãi suất vay 7% phải cộng thêm 7% nữa. Từ đó phải sinh lợi ít nhất 14%. Khi lạm phát tiền mất giá, mà tiền mất giá phải tương đương tốc độ lạm phát để cho nền kinh tế quân bình. Vay trong vòng thời hạn 10 năm, thì tốc độ lạm phát và tốc độ mất giá của tiền đồng Việt Nam phải tương đương.

Như vậy, người Việt khi phải trả lại tiền vay bằng tiền nước ngoài, thì ngoài mức lãi suất 7% còn phải cộng thêm tốc độ lạm phát nữa. Trong trường hợp lạm phát của Việt Nam, việc tiếp tục đi vay nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong trả nợ. Về lâu về dài, việc trả nợ sẽ rất nguy hiểm. Càng vay nhiều dẫn đến lạm phát, mà lạm phát cao sẽ dẫn đến khả năng vỡ nợ rất lớn, giống trường hợp nước Brazil và các quốc gia ở Nam Mỹ từng xảy ra. Như thế việc vay mượn tiền nước ngoài cần phải cân nhắc rất nhiều vào lúc này.
Gia Minh: Tiền đã vay rồi, vậy sử dụng thế nào để có lợi nhất?
Ông Vũ Quang Việt: Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam đi vay, nên sẽ đưa cho các công ty quốc doanh sử dụng để đầu tư. Thường lãi cho các công ty quốc doanh rất thấp; ví dụ như Vinashin và một số khác lãi độ chừng 1-2% so với mức lạm phát rất lớn. Đó chưa kể trong thực tế những công ty quốc doanh đó làm ăn lỗ. Tại Việt Nam, hiện một số công ty quốc doanh gặp khó khăn "cực kỳ".
Đặc biệt trường hợp Vinsahin. Trước đây Việt Nam vay 750 triệu đô la cho công ty này. Công ty này đầu tư ra hằng trăm công ty con khác. Những công ty con này thường là những công ty gia đình- tư nhân, với một phần vốn Nhà nước vào có nhiều quyền lợi về vốn, đất đai được cấp hay thuê rẻ…tạo ra một hệ thống quan chức hoặc người thân thuộc được hưởng những quyền lợi như thế. Như vậy họ càng mở rộng càng tốt cho họ.
Theo tôi nghĩ, chính phủ Việt Nam đi mượn tiền cho loại những công ty như Vinashin, những doanh nghiệp và tập đoàn tương tự như vậy.
Gia Minh: Ngoài Vinashin còn có những tập đoàn như Dầu khí Việt Nam và những công ty nào khác?
Ông Vũ Quang Việt: Ví dụ như điện, rồi nhiều tổng công ty như xây dựng …
Không dành cho cơ sở hạ tầng
Gia Minh: Còn đầu tư vào những công trình cơ sở hạ tầng thì thế nào?
Ông Vũ Quang Việt: Không phải những công ty xây dựng cơ sở hạ tầng, mà là những công ty chính phủ Việt Nam nghĩ có thể xây dựng thành tập đoàn lớn để cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Chính sách này tưởng đúng nhưng hầu hết đã không thành công.
Bao nhiêu tập đoàn xây dựng với công nghệ xi măng lò đứng đều phá sản, bao công ty sản xuất đường đều phá sản- đóng cửa hết. Riêng về ngành đường, chính phủ Việt nam đầu tư hết khoảng một tỷ đô la. Nhà nước Việt Nam mượn tiền để xây dựng những công ty như thế mà không có biện pháp kiểm soát, để cho họ “tự tác” sinh ra nhiều công ty khác có lợi cho họ mà không tập trung vào sản xuất đáng lẽ ra họ có thể làm tốt nhất.
Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam đi vay, nên sẽ đưa cho các công ty quốc doanh sử dụng để đầu tư.
Ô. Vũ Quang Việt.
Gia Minh: Không lẽ chính phủ Việt Nam không thấy tình trạng đó? Qua theo dõi ông thấy có chỉnh sửa gì không?
Ông Vũ Quang Việt: Có thể nhiều người cũng thấy, nhưng vẫn làm vì mang lại nhiều lợi ích cho những người đó hơn thiệt hại. Thiệt hại cho quốc gia chứ không phải cho bản thân họ. Quốc gia trong tương lai phải trả nợ, chứ không phải bản thân "họ" trả nợ.
Gia Minh: Hiện các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn cho rằng mức nợ của Việt Nam vẫn đang trong mức an toàn?
Ông Vũ Quang Việt: Đúng vẫn còn trong mức an toàn, nhưng sẽ nhanh chóng vượt mức đó.
Gia Minh: Theo tính toán đến bao giờ sẽ vượt mức an toàn đó?
Ông Vũ Quang Việt: Khó biết lắm. Ví dụ vào năm tới Việt Nam thiếu hụt chừng 20 tỷ đô la mà Việt Nam có chừng 15 tỷ đô la dự trữ. Áp lực thiếu vốn không chỉ để đập vào cán cân thanh toán mà còn cần vốn để đầu tư phát triển…
Vay không phải của nước ngoài mà còn vay trong nước nữa, cần phải tính vào hết.
Gia Minh: Cám ơn Ông về những nhận định của ông.