Nghị định được ban hành là một Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật, mà ở điều số 6 có nêu những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng Internet tại Việt Nam. Một trong các hành vi ấy là việc lợi dụng Internet với mục đích “chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”
Xiết chặt thông tin trên blog
Điều quan trọng và khá mới trong nghị định này, mà các văn bản luật trước đây chưa có, là một số khoản liên quan đến qui định về nhật ký cá nhân, tức các “blog.”
Gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2007, người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.
Blogger Điếu Cày
Theo Nghị Định, các website (hay trang nhà), các blog (hay trang thông tin điện tử cá nhân), và các portal (tức cổng thông tin điện tử), cùng một số hình thức tương tự khác, là đối tượng quản lý dựa theo luật mới.
Theo giới quan sát tại Việt Nam, thì Nghị Định vừa được ban hành, bên cạnh những mục đích chính đáng khác, còn là một biện pháp nhằm xiết chặt sự tự do thông tin trên Internet, mà nhiều thông tin trong số ấy ngày càng mang tính chính trị.
“Gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2007, người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.”
Vừa rồi là nhận định mà nhà báo tự do Nguyễn Hoàng Hải, người được giới “blogger” Việt ngữ biết đến với bút danh Điếu Cày, phát biểu trên đài chúng tôi hồi đầu năm nay, lúc chưa bị bắt tạm giam.
Ở Điều số 2, nơi định nghĩa “Đối Tượng Áp Dụng” của Nghị Định mới, có đoạn ghi rõ, là Nghị Định “áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam.”
Thông tin điện tử trên Internet là các thông tin được cung cấp và trao đổi trên trang thông tin điện tử. Các trang thông tin đó, theo Nghị Định, bao gồm cả các blog nhật ký cá nhân.
Một nhà báo Việt Nam nói rằng, Nghị Định mới bao hàm cả blog là điều không ngạc nhiên. Trước đây, tức là trước khi có sự bùng nổ “nhật ký cá nhân,” thì luật pháp liên quan đến loại hình thông tin này rất giới hạn do hạn chế về mặt luật pháp.
Internet và thông tin “nhạy cảm”
Tuy nhiên, khi Internet ngày càng trở thành nơi chia xẻ những thông tin “nhạy cảm,” thì sự ra đời của Nghị Định quản lý Internet là điều có thể tiên đoán trước.
“Sự xuất hiện của Internet góp phần vô hiệu hoá nỗ lực kiểm soát thông tin của chính quyền Việt Nam. Những thông tin, suy nghĩ xưa nay được xem là “cấm kỵ” “nhạy cảm” thì càng ngày càng được chia xẻ trên Internet.”
Một trong số các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng Internet tại Việt Nam, được nêu nơi Điều số 6, là “Chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo…”
Có khá nhiều thông tin không thể có trên báo chí chính thức, đã được đưa lên Internet. Các nhà báo chia sẻ suy nghĩ với công chúng qua blog là một cách bày tỏ tâm tư tình cảm về nhiều vấn đề xã hội, trong đó có chính trị, kinh tế, giáo dục… Có nhiều blog có thông tin rất khá. Những blog này có thể đóng vai trò như những “nhiệt kế” đo lường nhiệt độ chính trị và tiết lộ nội tình Việt Nam.
Một nhà báo VN
Một luật sư tại Việt Nam nói rằng, các hành vi bị cấm trong Nghị Định mới nằm trong một số bộ luật của Việt Nam, trong đó có cả Luật Hình Sự và Luật Báo Chí. Trong Luật Hình Sự thì các hành vi này liên quan đến 1 số điều nằm trong chương qui định về các tội xâm hại an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây, vẫn theo luật sư này, thì Nghị Định mới không xác định tính chất của các hành vi bị cấm, hay chính xác hơn, là “định danh mà không định tính.” Nói cách khác, thì điều luật không xác định đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm. Điều này tạo nên một phạm trù áp dụng rất rộng và từ đó dẫn đến những áp dụng tuỳ tiện và thiếu công bằng.
Blog, nhiệt kế đo lường nhiệt độ chính trị
Trở lại với phong trào blog cá nhân hiện nay tại Việt Nam, theo nhận định của một nhà báo, thì nhiều blog tại Việt Nam hiện nay có thể đóng vai trò của một “nhiệt kế” đo lường nhiệt độ chính trị nội tại.
“Rõ ràng là ngày càng nhiều nhà báo làm blog. Trong số này có những nhà báo thuộc các tờ báo lớn, có cả những phóng viên của các báo nhỏ. Có khá nhiều thông tin không thể có trên báo chí chính thức, đã được đưa lên Internet.
Các nhà báo chia sẻ suy nghĩ với công chúng qua blog là một cách bày tỏ tâm tư tình cảm về nhiều vấn đề xã hội, trong đó có chính trị, kinh tế, giáo dục… Có nhiều blog có thông tin rất khá. Những blog này có thể đóng vai trò như những “nhiệt kế” đo lường nhiệt độ chính trị và tiết lộ nội tình Việt Nam.”
Theo nhận định của một số nhà báo và luật sư trong nước, thì hiện tại Việt Nam có khá nhiều qui định “chung chung, cố tình không làm rõ khái niệm để dễ vận dụng.”
Nghị Định mới cũng nằm trong ý nghĩa đó, và đóng vai trò của một “tiền đề để xem xét trách nhiệm”.