Hợp tác Việt - Mỹ về công nghệ thông tin

Hôm thứ Ba vừa qua, phái đoàn các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, trước khi Diễn Đàn Công Nghệ Thông Tin Thế Giới WIFOR 2009 khai mạc tại Hà Nội.

0:00 / 0:00

Nhằm hưởng ứng Diễn Đàn Công Nghệ Thông Tin Thế Giới WIFOR 2009 mà Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, khai mạc hôm thứ Tư 26 vừa qua ở Hà Nội, Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ -ASEAN đã hướng dẫn đoàn đại diện các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của Mỹ như Oracle, IBM và Microsoft , đến Việt Nam từ ngày 24.
Đây là những công ty mà nhiều bộ ngành ở Việt Nam đang sử dụng các giải pháp vi tính của họ.

Quan hệ đối tác chiến lược.

Đoàn doanh gia Mỹ đã gặp gỡ các giới chức lãnh đạo phụ trách công nghệ thông tin trong chính phủ Việt Nam như Bộ Tài Chính, Bộ Thông Tin Và Truyền Thông, Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội, Bộ Khoa Học Công Nghệ, Bộ Công Thương, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam.

Hôm thứ Ba, lên tiếng với đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin Hoa Kỳ, phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đứng đầu mảng công nghệ thông tin trong nước, bày tỏ mong muốn là qua sự kết nối và giúp đỡ của Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ -ASEAN, quan hệ đối tác chiến lược về công nghệ thông tin giữa Mỹ với Việt sẽ sớm thành hình và có nhiều thành phần tham gia.

Hai phía đang xây dựng một chương trình làm việc hầu đẩy mạnh thế hợp tác trên lãnh vực công nghệ thông tin.

Ông Anthony Nelson

Thông cáo báo chí của Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ -ASEAN trích dẫn lời phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân rằng hai bên phải tạo cơ hội thuận lợi để đào luyện nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin.

Được hỏi về tiến trình hợp tác song phương này, giám đốc phụ trách các vấn đề về Việt Nam trong Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-ASEAN , ông Anthony Nelson, trả lời:

“Hai phía đang xây dựng một chương trình làm việc hầu đẩy mạnh thế hợp tác trên lãnh vực công nghệ thông tin. Thực sự cái gọi là khung làm việc đó chưa thành hình nhưng phải nói sự hưởng ứng từ phía Việt Nam rất tích cực. Có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tiến tới một chương trình làm việc cụ thể và rõ ràng.

Việt Nam muốn hoàn tất mục tiêu đẩy mạnh tiến độ phát triển xã hội giai đoạn 2010-2020 mà theo tôi hiểu đó là một trong những tiêu chí sắp tới của chính phủ nước này.”

Dưới mắt người chuyên trách vấn đề Việt Nam trong Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ -ASEAN, hợp tác trên lãnh vực công nghệ thông tin với Việt Nam nói riêng và các nước trong vùng nói chung là kế hoạch đường dài với mục đích sau rốt là Việt Nam có thể cạnh tranh cũng như sánh vai với các nước bạn trong khu vực về mặt công nghệ thông tin:

“Vậy một trong những kế hoạch đường dài phải thực hiện là đầu tư vào việc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm Việt Nam có sẵn nguồn nhân lực để ngành công nghệ thông tin càng ngày càng phát triển tốt đẹp.

Chính vì thế các doanh nghiệp công nghệ thông tin Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ cũng như chịu đổ tiền vào các chương trình giáo dục và đào tạo mà đại sứ Michael Michalak khởi xướng cho Việt Nam.

Điểm quan trọng tôi thấy ở đây là với sự tiếp tay của sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cùng sự hưởng ứng của chính phủ Việt Nam thì kết quả không phải là chuyện xa vời.”

Về kết quả những buổi hội họp giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin Hoa Kỳ và các cấp lãnh đạo ngành bộ chuyên trách công nghệ thông tin ở Việt Nam, ông Vũ Tú Thành, đại diện của Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ -ASEAN tại Việt Nam, nhận định rằng những nội dung thiết thức và hữu ích cho cả hai phía đã được chia sẻ:

“Các doanh nghiệp thì hiểu được những gì là ưu tiên cho Việt Nam trong việc phát triển công nghệ thông tin, cụ thể là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Thứ hai là những nhu cầu của Việt Nam về các giải pháp trong công nghệ thông tin hầu giúp các bộ ngành có thể quản lý nhà nước tốt hơn hiệu quả hơn.”

Việt Nam muốn hoàn tất mục tiêu đẩy mạnh tiến độ phát triển xã hội giai đoạn 2010-2020 mà theo tôi hiểu đó là một trong những tiêu chí sắp tới của chính phủ nước này.

Ông Anthony Nelson

Và để tiếp tục những chương trình hợp tác trong tương lai, ông Vũ Tú Thành nói tiếp, phía Việt Nam đã đưa ra những yêu cầu là các giải pháp giúp đỡ phải phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Ông nói điều này được phía đối tác ghi nhận và cam kết thực hiện, nghĩa là đưa những công ty hàng đầu của thế giới vào Việt Nam.

Với câu hỏi là ông hiểu thế nào về lời tuyên bố của phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân rằng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ Việt về ngành công nghệ phải có nhiều thành phần tham gia, ông Vũ Tú Thành nói đây là một trong bốn điểm tổng thể mà ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập tới, thí dụ các khu vực tư nhân, các trường đại học Mỹ và cả chính phủ Mỹ, nhưng:

“Thì cái đấy đang còn là một ý tưởng cần phải được phát triển thêm, bây giờ chỉ là triển khai cho nó cụ thể hóa khi có một cái khung lớn như thế thì sẽ có rất nhiều việc phải làm.”

Quyền sở hữu trí tuệ?

Thực tế khi nói đến công nghệ thông tin là phải nói đến Internet và chuyện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong việc sử dụng Internet tại Việt nam, một vấn đề mà phía Hoa Kỳ thường cho là chưa được giải quyết rốt ráo.

Với câu hỏi là trong buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu của Mỹ với giới chức các bộ ngành ở Việt Nam thì vấn đề sở hữu trí tuệ có được bàn đến không, ông Vũ Tú Thành cho biết:

Đúng là nhiều doanh nghiệp thành viên của hội đồng cũng có băn khoăn về việc vi phạm bản quyền nội dung số trên Internet.

Ông Vũ Tú Thành

“Trong chuyến làm việc lần này thì hoàn toàn không bàn nhiều đến lãnh vực Internet. Chúng tôi dự tính sẽ đưa một đoàn công nghệ thông tin qui mô lớn hơn vào Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể trong vòng một năm tới chúng tôi sẽ bàn thêm về lãnh vực Internet, bản quyền và sở hữu trí tuệ đối với các nội dung số ở trên Internet các thứ.

Đúng là nhiều doanh nghiệp thành viên của hội đồng cũng có băn khoăn về việc vi phạm bản quyền nội dung số trên Internet. Internet ở Việt Nam phát triển rất là mạnh thì có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều bất lợi trong kinh doanh.

Các công ty thành viên của chúng tôi tức các công ty Hoa Kỳ cho là việc vi phạm bản quyền nội dung số, những chương trình truyền hình tivi hay các phần mềm phát tán trên Internet thì rất nhiều và khó kiểm soát. Cái đấy sẽ là nội dung làm việc giữa chúng tôi với phía Việt Nam trong thời gian tới.”

Được biết từ năm 2007, Phòng Mậu Dịch Quốc Tế thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ khởi xướng chương trình đối thoại công nghệ thông tin với Bộ Thông Tin Và Truyền Thông Việt Nam, nhằm thảo luận nhiều vấn đề trong lãnh vực công nghệ thông tin được coi là ảnh hưởng đến giao thương giữa hai quốc gia.

Buổi họp đầu tiên giữa hai nhóm làm việc về đối thoại công nghệ thông tin diễn ra ở Washington DC tháng Mười Một năm 2008.