Tình trạng tham nhũng đáng quan ngại tại Việt Nam

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tình trạng tham nhũng tại Việt Nam có thể ví như cây kim trong bọc lâu ngày phải lòi ra. Và mức độ không chỉ giới hạn trong phạm vi Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới cũng phải chú ý đến tệ nạn này ở Việt Nam. Vừa qua vào ngày 4 tháng 5, tờ International Herald Tribune có bài viết về tình trạng đáng quan ngại vừa kể.

CorruptionMoney200.jpg
Tình trạng tham nhũng đáng quan ngại tại Việt Nam. AFP PHOTO

Tác giả Seth Mydans dùng lời của ông Lê Đăng Doanh, viên chức cấp cao cố vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, để kết luận bài viết. Theo đó ông Lê Đăng Doanh cho rằng chỉ có 5% của tảng băng tham nhũng lộ ra mà thôi; còn đến 95% vẫn còn chìm khuất.

Bản thân ông Lê Đăng Doanh, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với chúng tôi, có giải thích thêm về con số 5% tham nhũng tại Việt Nam bị lộ diện mà ông đưa ra: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tác giả Seth Mydans viết rằng vụ việc vở lở thành scandal khi những vụ các độ bóng đá trị giá chừng 7 triệu đô la bị phanh phui. Đến lúc đó thì người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam lên tiếng cảnh báo rằng nạn tham nhũng đang đe doạ sự sống còn của Đảng và hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.

Mối nguy

Đây không phải là phát hiện mới; mà theo đánh giá của nhiều người thì một khi dân chúng mất lòng tin vì Đảng bê bối, tham nhũng … chắc chắn vị thế của Đảng sẽ bị lung lay. Giáo sư Scott Fritzen, người chuyên nghiên cứu về chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore, cũng nói về điều đó như thế: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bài báo trích dẫn lời của Ông Mai Chí Thọ, cựu bộ trưởng nội vụ, rằng hiện có một sự khủng hỏang niềm tin trầm trọng trong nhân dân và ngay trong nội bộ Đảng. Giới phân tích cho rằng mối nguy đối với chế độ là nhiều người nay thấy cán bộ, đảng viên lo làm giàu hơn là thực thi trách nhiệm theo lý thuyết của ngừơi cộng sản.

Cựu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng lên tiếng cho rằng Đảng đã trở thành bình phong che chắn cho những viên chức tham nhũng. Ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng nhiều lần dùng lời lẽ mạnh mẽ để nói đến tình trạng tham nhũng; thế rồi cựu bí thư Lê Khả Phiêu cùng lên tiếng.

Đối với những người chuyên quan sát tình hình Việt Nam suốt nhiều năm qua; thì phát biểu thừa nhận của người đứng đầu Đảng CS VN là một phát biểu gây choáng. Theo họ thì điều đó phản ánh mối quan ngại của chính những người trong cuộc về một trong những vấn nạn không thể giải quyết tại đất nước này.

Nan giải

Tác giả bài báo cho rằng không ai bên ngoài giới lãnh đạo Việt Nam có thể biết được là những nhà điều tra có truy đến được tận cùng của đường dây tham nhũng lớn mới bị phát hiện tại Bộ Giao thông- Vận tải hay không. Hoặc mới đến lưng chừng thì quá trình điều tra phải ngưng lại do lệnh của những nhân vật thế lực nào đó.

Trong quá trình mở cửa nền kinh tế, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường lên tiếng về nhu cầu thiết yếu phải đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, những cuộc điều tra và khởi tố chưa hề bao giờ động được đến những viên chức cao cấp nhất trong Đảng và chính phủ. Từ đó, giới quan sát quốc tế lại tỏ rõ hồ nghi không biết những phát biểu của những người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam là dấu chỉ cho những hành động hay cũng chỉ là lời nói suông mà thôi.

Theo tác giả của bài báo thì Việt Nam là một đất nước với nhiều tầng quan chức cũng như các cơ quan chính phủ to lớn và thiếu minh bạch. Cơ chế đó lại kiểm soát nhiều lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế trong khi đó lại chẳng có mấy kiểm tra hoạt động của họ. Về mặt này thì Tổ Chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam vào số những quốc gia tham nhũng nhất tại Châu Á.

Hồi tháng hai, công ty tài chính Merrill Lynch đưa ra nhận xét rằng cộng đồng doanh nghiệp đến làm ăn tại Việt Nam đều có than phiền đầu tiên liên quan đến tệ nạn tham nhũng ở đây.

Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhận xét là công cuộc thực thi chương trình chống tham nhũng tại Việt Nam chứa đầy những mâu thuẫn: chính những viên chức có có khả năng tham nhũng lại đóng vai trò then chốt trong hoạt động này. Ông Cù Huy Hà Vũ, một viên chức chính quyền Việt Nam nói về điều đó: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Báo chí dưới sự kiểm soát của nhà nước vừa qua cũng được phép đưa tin cũng như bình luận nhiều về vụ PMU 18. Tờ Thanh Niên cho rằng không thể để những khối u như PMU 18 làm tê liệt toàn đất nước. Điều này cũng làm một số nhà quan sát cho rằng đó là dấu hiệu tốt như phát biểu của giáo sư Scott Fritzen sau đây: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tác giả Seth Mydans cũng đưa ra một nhận xét không nặng nề về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. Đó là ý kiến của ông Martin Gainsborough, chuyên gia về Việt Nam thuộc Đại học Bristol và là chủ đề tài nghiên cứu về quan điểm đổi mới sau Đại hội X vừa diễn ra vào tháng tư vừa qua. Ông này cho rằng tham nhũng là tệ nạn nội tại, tràn lan ở Việt Nam thế nhưng không phải hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát. Và tham nhũng tại Việt Nam không như ở những nơi khác.