Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, vừa thúc giục các cơ quan liên hệ trong nước phải triển khai nghiêm chỉnh các luật lệ như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Trước nay Việt Nam vẫn thường bị thương giới than phiền về tình trạng quan liêu thư lại, thủ tục rườm rà, thì nói chung những luật lệ như vậy hiện đã được thực thi tới đâu? Qua cuộc phỏng vấn do Thanh Quang thực hiện từ Bangkok, Tiến Sĩ Đinh Sơn Hùng thuộc Viện Kinh Tế TP Hồ Chí Minh nhận xét:

Ts Đinh Sơn Hùng: Các luật lệ được ban hành tại Việt Nam bao giờ cũng phải có nghị định, thông tư hướng dẫn. Và hiện nay những luật lệ như về doanh nghiệp đầu tư đã có hướng dẫn rồi, nhưng mà đôi khi trong thực tế, thì các cơ quan thực thi pháp luật lại thực thi các luật đó đôi lúc không nghiêm chỉnh, cho nên làm bóp méo luật và làm cho những luật đó không đi vào cuộc sống.
Cũng chính vì tình trạng như vậy nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương phải nghiêm chỉnh triển khai luật là như vậy.
Thanh Quang: Thưa Tiến sĩ, hiện giờ, giai đọan Việt Nam ngày càng ra sức cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thương giới, thì các thủ tục hành chính về việc thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận kinh doanh, đầu tư, các thủ tục quản lý đầu tư, v.v…có được đơn giản hóa đúng mức chưa, nhất là ở các địa phương?
Ts Đinh Sơn Hùng: Hiện nay có thể nói Việt Nam đang trong quá trình đơn giản hóa thủ tục. Còn việc đơn giản hóa có đáp ứng được nhu cầu hay chưa thì, theo tôi, có nơi này, nơi kia, việc đơn giản hóa chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhưng chính phủ, các địa phương cũng như các bộ, ngành của Việt Nam đang tập trung cải cách thủ tục hành chính để làm thế nào mang lại những thủ tục đơn giản nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Thanh Quang: Theo Tiến sĩ thì những điều kiện, quy định cần thiết trong lãnh vực đầu tư có được giới hữu trách Việt Nam công bố đúng mức và rõ ràng, minh bạch không?
Ts Đinh Sơn Hùng: Hiện nay giới hữu trách Việt Nam đã công bố việc này rõ ràng minh bạch rồi. Thí dụ như Bộ Kế Họach Đầu Tư đã công bố những dự án kêu gọi đầu tư, và những nhà đầu tư tham gia thì được hưởng những quyền lợi gì.
Và các sở kế họach của các tỉnh thành thì họ cũng công bố những dự án đầu tư ở địa phương mình, và đầu tư như vậy thì những nhà đầu tư được quyền lợi gì. Như vậy tôi cho đây là điểm tiến bộ trong môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Thanh Quang: Như vậy, thưa Tiến sĩ, một cách cụ thể thì dư luận của thương giới trong và ngòai nước phản ứng như thế nào về môi trường kinh doanh hiện nay tại VN?
Ts Đinh Sơn Hùng: Hiện nay giới đầu tư trong và ngòai nước cho là môi trường đầu tư tại Việt Nam rất tốt. Thậm chí so với một số nước, như Ấn Độ và cả Trung Quốc, Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá tốt hơn, trong một số lãnh vực.
Thanh Quang: Tiến sĩ vừa nhắc tới một số nước trong khu vực, như vậy thì trong thời gian gần đây, một số nước như Thái Lan, Philippines tiếp tục gặp bất ổn về chính trị, bạo động… trong khi tình hình Việt Nam tương đối ổn định, Việt Nam nên khai thác sự thuận lợi đó như thế nào?
Ts Đinh Sơn Hùng: Tôi nghĩ hiện nay Việt Nam có một số thuận lợi so với một số nước trong khu vực, và thậm chí trên thế giới, vì tình hình an ninh và chính trị của Việt Nam rất ổn định. Do đó đây là một trong những điều kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngòai.
Như vậy chuyện Việt Nam phải làm hiện giờ là cải thiện các thủ tục hành chính, làm thế nào để nó thuận lợi, thông thóang và minh bạch nhất cho các nhà đầu tư.
Thanh Quang: Nhân đây xin được hỏi Tiến sĩ là có nhiều người Việt ở nước ngòai không muốn về đầu tư tại Việt Nam, vì họ nhận thấy bị đối xử khác biệt, bị gây nhiều khó khăn…chỉ vì họ gốc là người Việt, so với những doanh nhân Phương Tây. TS nhận xét vấn đề này như thế nào?
Ts Đinh Sơn Hùng: Tôi cho là có một số nhà đầu tư Việt kiều chưa hiểu đầy đủ tình hình. Vì hiện nay, tôi thấy, tình hình đầu tư trong nước không có sự phân biệt, vì thứ nhất về phương diện pháp lý, tất cả các luật đầu tư đã thống nhất chung rồi; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngòai, trong đó bao gồm Việt Kiều.
Thứ hai là có một số trí thức Việt Kiều đang có ý định đầu tư để xây dựng những trường đại học tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Mà những nhà trí thức này rất am hiểu Việt Nam vì đã làm việc tại Việt Nam rất lâu rồi.
Thanh Quang: Cách đây vài ngày, Đại biểu Dương Trung Quốc của VN có viết rằng "sự công nhận đội ngũ doanh nhân là một lực lượng xã hội quan trọng, trong đó vị thế của nền kinh tế tư nhân và ngòai quốc doanh ngày càng được khẳng định…để chúng ta có cùng quỹ đạo phát triển với sự vận hành của nền kinh tế thế giới". TS nhận xét như thế nào về lời nói đó?
Ts Đinh Sơn Hùng: Chính tôi cũng đã thực hiện đề tài nghiên cứu về doanh nhân Việt Nam trên địa bàn TPHCM: Hiện trạng và Giải pháp, thì tôi cho rằng nhận xét đó của Đại biểu Quốc hội kiêm nhà sử học Dương Trung Quốc là phù hợp với tình hình hiện tại.
Hiện nay chính phủ Việt Nam đánh giá cao và rất đúng về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó chính phủ Việt Nam đang làm những gì có thể làm được để tạo điều kiện cho thương giới phát huy hết tiềm lực của mình – người có vốn thì đầu tư vốn, người có trí tuệ thì đầu tư trí tuệ - trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay.
Thanh Quang: Cảm ơn Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng.