Cuộc sống người Việt tại Đức

Nếu như người Do Thái trước đây phải lưu lạc vì không có Tổ Quốc thì người Việt Nam ngày hôm nay, chua xót thay, vẫn có Tổ Quốc nhưng lại tìm mọi cách để ra đi, đánh đổi tất cả hòng mong có một cuộc sống đầy đủ hơn cả về vật chất lẫn tinh thần cho mình và cho các thế hệ sau.

Người Việt ở Đức

Con đường ra đi của họ và cuộc sống của những người lao động và người tị nạn Việt Nam trên đất khách có trăm ngàn nỗi cay đắng, không thiếu những giọt nước mắt, máu và nhiều khi cả cái chết nữa.

Tại Đức, số người Việt Nam hiện đang sinh sống tại đây có thể tạm chia làm 3 lớp người khác nhau. Lớp người thứ nhất là những thuyền nhân, ra đi bằng con đường vượt biên sau năm 1975.

Lớp người này cho đến nay có khoảng 40 ngàn người, hầu hết định cư ở Tây Đức cũ, nhìn chung có đời sống ổn định và con cái của họ đa số học hành giỏi, tương đối thành đạt do được sinh ra và lớn lên ở Đức.

Thế hệ thứ hai này được chính phủ Đức đánh giá là một ví dụ tốt đẹp cho sự hội nhập với xã hội, văn hoá Đức hơn cả cộng đồng Ba Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Con đường ra đi của họ và cuộc sống của những người lao động và người tị nạn Việt Nam trên đất khách có trăm ngàn nỗi cay đắng, không thiếu những giọt nước mắt, máu và nhiều khi cả cái chết nữa.

Lớp người thứ hai là những người từ phía Bắc và Trung Việt Nam đi lao động xuất khẩu tại Đông Đức từ thời Đông Đức còn là một nước xã hội chủ nghĩa, tức là từ những năm 60 cho đến trước những năm 90.

Trước năm 1990 lớp người này lên đến khoảng 60 ngàn người. Từ sau khi Đông Đức sụp đổ, các nhà máy giải thể và cơ cấu kinh tế chuyển đổi, các nhà máy mới lại chỉ nhận người Đức hoặc biết tiếng Đức, có trình độ văn hoá tương đối nên những người công nhân Việt Nam này không còn làm việc trong các nhà máy như trước nữa, họ trở về lại Việt Nam hoặc chạy sang Tây Đức và các nước khác.

Số người ở lại còn khoảng 20 ngàn người chuyển sang kinh doanh, buôn bán lẻ các mặt hàng như quần áo, thực phẩm, mở nhà hàng ăn uống, làm dịch vụ các loại cho người Việt Nam. Ở Berlin hiện nay có khu chợ Đồng Xuân của người Việt rất lớn, bán đủ các loại mặt hàng từ quần áo, giày dép túi xách…đa số là hàng của Trung Quốc, mẫu mã, chất lượng và giá cả dành cho người bình dân.

Cho đến nay thì những người thuộc lớp thứ hai cũng đã có giấy tờ và cuộc sống ổn định, nhìn chung số người trí thức hoặc hội nhập tốt vào xã hội Đức rât ít, hầu hết là buôn bán nhỏ, sống loanh quanh trong cộng đồng với nhau, rất chăm chỉ kiếm tiền và cũng như lớp người thứ nhất, họ dồn tất cả tiền bạc vào việc đầu tư cho tương lai của con cái.

Lớp người thứ ba là những người qua Đức từ sau năm 1990, ra đi bằng đủ mọi con đường khác nhau nhưng đa số cho đến nay vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp. Số người này cũng đã lên đến khoảng 40 ngàn người. Vì không có giấy tờ, không được phép đi làm chính thức nên cuộc sống nhiểu bất ổn, một số bị trục xuất về nước.

Những người còn trụ lại phải tìm mọi cách để hợp pháp hoá giấy tờ và vì cuộc sống bấp bênh nên tỷ lệ tội phạm trong lớp người thứ ba khá cao. Trước năm 2000 chủ yếu là tội buôn lậu thuốc lá và sau này là tội đưa người trái phép từ Việt Nam sang.

Vào những năm 94, 95 ở khu vực Đông Đức xảy ra nhiều vụ án người Việt giết nhau vì tranh giành mối thuốc, tranh giành khu vực…có vụ cả 9 người bị giết cùng lúc. Số người phải vào tù giai đoạn nhiều nhất lên đến khoảng 200 người, còn hiện nay có khoảng 150 người đang phải thụ án. Chính lớp người này đã gây ra cái nhìn không thiện cảm của người Đức, làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng người Việt ở Đức.

Chị Nguyễn Los Hoài Thu sống tại Đông Berlin là một người phụ nữ Việt Nam khá là đặc biệt. Được sự cho phép và hỗ trợ của chính phủ Đức tại Berlin, chị mở một “Tổ chức tư vấn và đào tạo cho phụ nữ Việt Nam” gọi tắt là vinaphunu. Tổ chức này đã tồn tại được 19 năm nay.

Văn Phòng “Tổ chức tư vấn và đào tạo cho phụ nữ Việt Nam” gọi tắt là vinaphunu
Văn Phòng “Tổ chức tư vấn và đào tạo cho phụ nữ Việt Nam” gọi tắt là vinaphunu (Photo by Nhật Hiên,RFA)

Tại đây có khá nhiều sinh hoạt dành cho phụ nữ Việt Nam, họ có thể đến xin tư vấn về luật pháp, giấy tờ, sức khoẻ, công ăn việc làm cũng như tư vấn về tâm lý, gia đình…

Có những lớp dạy tiếng Đức dành cho người mới bắt đầu và nâng cao hơn, lớp học nữ công gia chánh, có tủ sách tiếng Việt khoảng 5000 cuốn đủ loại từ truyện kiếm hiệp Trung Hoa cho đến văn học cổ điển Việt Nam và nước ngoài, các loại báo, tạp chí, DVD phim ca nhạc, phim truyện…, có những buổi sinh hoạt ngoài trời dành cho các bà mẹ và những đứa trẻ con của họ.

Đến với ngôi nhà này, những người phụ nữ Việt Nam sống tha hương có cảm giác như đang sống giữa nhà mình tại Việt Nam, có thể ngồi uống ly nước vối, ăn những món ăn thuần Việt và kể chuyện, tâm tình với nhau về hoàn cảnh, cuộc sống gia đình của mình.

Nhiều vấn đề

Nhiều năm gắn bó với người Việt Nam tại Đức nói chung và người phụ nữ Việt Nam tại Đức nói riêng, đồng thời là một trong rất ít người Việt từng đi phiên dịch cho những phạm nhân trong tù từ 15 năm qua, chị Hoài Thu biết khá nhiều số phận cay đắng. Rất nhiều người trong số họ phải trải qua những bi kịch khác nhau trong cuộc sống tha hương trên xứ người, kể cả vào tù vì các tội buôn lậu, đưa người trái phép sang Đức như đã kể ở trên.

Trên những bức tường trong ngôi nhà còn có cả những bức thư tâm tình của những phạm nhân gửi cho chị Hoài Thu. Vì tất cả những nỗ lực này, chị đã từng nhận được giải thưởng người phụ nữ của thành phố Berlin do chính quyền Đức tại thành phố này trao tặng.

Cuộc sống vất vả, bi kịch cũng nhiều nhưng theo chị, không thấy ai tâm thần cả. Điều đó chứng tỏ ý chí, sức sống, khả năng sống để tồn tại, vươn lên của người Việt thật là mạnh mẽ.


Nhận xét về cộng đồng người Việt tại Đức, theo chị Hoài Thu: “Thế hệ thứ nhất chủ yếu là hy sinh tất cả thân mình để nuôi nấng con cái. Thế hệ thứ hai đỡ hơn nhiều nhưng vẫn mang rất nhiều thói quen tập tục của thế hệ trước để lại mặc dù sinh ra và lớn lên ở đây”.

Cuộc sống vất vả, bi kịch cũng nhiều nhưng theo chị, không thấy ai tâm thần cả. Điều đó chứng tỏ ý chí, sức sống, khả năng sống để tồn tại, vươn lên của người Việt thật là mạnh mẽ.

Nhưng“tâm thần chủ yếu lại là thế hệ thứ hai. Họ đứng ở giữa không biết họ về đâu. Đứng ở giữa hai nền văn hóa mà cái nào cũng lơ lửng. Bi kịch của sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ bao giờ cũng có nhưng lại kèm sự mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa.

Bố mẹ không tiếp cận được với con cái nếu con cái sinh ra lớn lên ở đây. Họ không hội nhập được, họ không hề biết bất cứ một chuyện gì xảy ra ở đây nhưng con cái của họ cũng không tiếp cận được với họ bởi vì nó không cảm được những gì bố mẹ nó cảm. Đó là bi kịch cực lớn”.

Khi được hỏi về những bi kịch chung nhất đối với người phụ nữ Việt Nam tại xứ người mà cụ thể là tại Đức, chị Hoài Thu cho biết: “Bi kịch chung nhất là những chịu đựng về mặt gia đình. Chồng Việt hay chồng Đức cũng vậy thôi. Có nhiều phụ nữ khi sang đây tuổi cũng trung trung rồi, toàn bộ sức lực dành cho ở nhà, chồng con.

Còn với người chồng, xa nhau một thời gian như vậy cộng với định kiến là vợ ở đây cũng bồ bịch, nên có những người phụ nữ cuối đời mất trắng toàn bộ. Con cái thì theo bố, theo gia đình ông bà nội rủa xả lại mẹ mặc dù họ vẫn tiêu tiền của người đàn bà ấy gửi về, cái đê tiện nhất là chỗ đấy...

Làm sao họ còn đủ nghị lực để làm lại cuộc đời? Họ mất luôn cả ý chí, họ mất luôn cả niềm vui sống, mất tất cả. Họ sống đây vật vờ, sống như không còn sống”.

Một vị linh mục không muốn nêu tên, là người Đức nhưng nói tiếng Việt rất tốt và nhiều năm nay gắn bó với cộng đồng Thiên chúa giáo người Việt, từ khi ông làm việc với người tị nạn Việt Nam tại các trại tị nạn ở châu Á, cho đến sau này, với cộng đồng người Việt ở Đức. Ông là một trong những người hiểu khá rõ về cuộc sống, tâm tư của người lao động và người tị nạn Việt Nam tại đây.

Đứng ở giữa hai nền văn hóa mà cái nào cũng lơ lửng. Bi kịch của sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ bao giờ cũng có nhưng lại kèm sự mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa.

Chị Hoài Thu

Theo ông, cộng đồng Việt nhìn chung là một cộng đồng lương thiện, chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Chỉ có lớp người Việt mới qua và chưa có giấy tờ định cư vĩnh viễn, chưa có cuộc sống ổn định là có nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều bi kịch do hoàn cảnh sống bấp bênh và khả năng hội nhập kém.

Ông đã từng được nghe kể hoặc chứng kiến biết bao số phận buồn khác nhau, những bi kịch do gia đình không hợp, không hiểu được nhau; hoặc có những người phụ nữ sống một mình bị lợi dụng, sau đó sinh con, phải tìm một người Đức hoặc người nước ngoài sống tại Đức trả tiền để người đó chịu nhận con trên mặt giấy tờ và có cớ ở lại Đức; có người phạm pháp bị tù; có những người trốn sang Anh bất hợp pháp bị bắt...

Trong đó có trường hợp một người phụ nữ trên đường vượt rừng để trốn sang Anh, chiếc xe chở chị cùng với những người Việt Nam khác bị xe của cảnh sát Anh đuổi sát đã chạy quá nhanh và bị tai nạn, 6 người trên xe bị chết, còn lại chị và một người khác bị thương nặng. Chị bị hôn mê một thời gian dài nhưng sau đó lại tỉnh lại và sống sót như một điều kỳ diệu...

Vị linh mục kể với chúng tôi đã có một đài truyền hình Mỹ sang liên hệ dự tính năm tới sẽ làm một bộ phim tài liệu về người phụ nữ may mắn được trở về với cuộc sống này.

Và còn nữa, biết bao số phận buồn, không may khác của người Việt Nam trên bước đường đi tìm một cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn cho mình và cho người thân, chẳng thua gì những bi kịch, rủi may mà những người đồng bào của họ đã trải qua, hơn 30 năm trước khi vượt biển ra đi tìm tự do.