Trẻ em Việt Nam chết đuối, sự thật đáng ngại

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, chết đuối là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, con số này tăng cao khi mùa hè đến gần.

0:00 / 0:00

Nếu đem so sánh với các quốc gia phát triển thì tỉ lệ trẻ em Việt Nam bị chết đuối cao gấp 10 lần. Cứ mỗi độ hè sang, báo chí lại nhan nhản các tin tức về những trường hợp tai nạn chết đuối ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân được nêu lên như trẻ ham chơi nên bị trượt chân té xuống ao, sông, hồ; trẻ bị tai nạn do sử dụng các phương tiện di chuyển thiếu an toàn trên sông nước, và có cả những tai nạn chết đuối vô lý đến đau lòng, chỉ vì sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn.

Mỗi ngày 10 trẻ chết đuối

Trả lời với báo Vietnamnet, ông Nguyễn Trọng An – Cục phó Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em – cho biết trẻ em Việt Nam hiện nay bị tử vong nhiều nhất không phải do bệnh tật, cũng không phải do tai nạn giao thông, nhưng chính là do chết đuối.

Trẻ con mà từ nhỏ, được nói là "chỗ này nguy hiểm, con đừng đi đến", thì ngay từ nhỏ nó sẽ tránh những nơi nguy hiểm ra. Nhưng tiếc là hiện nay ở trong nhà trường chưa có chuyện này.

TS Phạm Anh Tuấn

Số liệu thống kê cho biết, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2005 – 2007, đã có hơn nửa triệu trẻ em và vị thành niên bị tai nạn thương tích, trong số đó, có hơn 50% do chết đuối. Nếu tính trung bình thì mỗi ngày có khoảng 10 trẻ em Việt Nam bị chết đuối.

Mục tiêu của Việt Nam là năm 2010 sẽ giảm 2/3 số trẻ em bị chết đuối so với năm 2006. Thế nhưng chỉ mới bắt đầu mùa hè, đã có nhiều trường hợp chết đuối liên tục xảy ra.

TS. Phạm Anh Tuấn, quá bức xúc trước tình trạng nhiều trẻ em Việt Nam bị chết đuối, đã quyết định làm một cái gì đó trong tầm tay, ông lập ra một website e-bơi để… dạy bơi cho trẻ và cả những người lớn có nhu cầu. TS. Phạm Anh Tuấn cho biết:

Xuất phát từ chuyện trẻ em Việt Nam bị chết đuối nhiều quá, mà nếu chúng ta cứ học bơi theo cách truyền thống thì chúng ta không có đủ người dạy, mà sách vở thì đang còn thiếu. Thế thì bây giờ, nếu chúng ta cứ theo cách cũ thì không giải quyết được vấn đề. Tôi có làm ra website này, nó có cái đặc biệt là tôi dạy bằng cách cho các em học bằng tư duy, học bằng trí khôn, làm một số bài tập cơ bản, các kỹ thuật bơi tự cứu. Khi có sự cố rơi xuống nước thì nó biết cách ứng xử.

Trẻ Em tắm sông ở Cái Răng, Cần Thơ. Photo courtesy of vietbalo.vn
Trẻ Em tắm sông ở Cái Răng, Cần Thơ. Photo courtesy of vietbalo.vn

Báo Tuổi trẻ trong tuần qua liên tục đưa tin về những tường hợp trường hợp trẻ bị chết đuối do té ao. Người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM hẳn còn bị ám ảnh bởi những cái chết thương tâm của trẻ ngay trên đường phố vì bị rơi xuống những công trình đào đường mà người dân hay gọi đùa là những lô cốt hay bẫy giết người. Chỉ mới hai tuần trước, vào ngày 20/4, tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, hai cháu bé 3 tuổi khi đang chơi trên đường bị ngập nước, đã bị thụt chân rơi xuống một hố chôn cột điện đang làm dở mà không hề được che chắn an toàn.

Đến hè lại “cảnh báo”

Cứ mỗi khi xảy ra một trường hợp tử vong, báo chí lại rộ lên những nhận định, đánh giá và giải pháp. Thế nhưng, con số trẻ em chết đuối vẫn không dừng lại. Một giáo viên dạy bơi ở trường tiểu học đã trả lời với IRIN, một mạng lưới thông tin nhân đạo cộng tác với Liên Hiệp Quốc, rằng báo chí không có hiệu quả và các chính quyền địa phương cũng chẳng đề cập đến vấn đề này trong các trường học.

Theo Bộ Giáo dục Đào tạo, từ năm 2010 – 2015, cả nước sẽ thí điểm mô hình dạy bơi trong trường tiểu học bằng những hình thức phù hợp với từng địa phương. Đây là một giải pháp đã được đề nghị trong nhiều năm. Thế nhưng, theo TS. Phạm Anh Tuấn, vấn đề quan trọng vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”:

Tôi có làm ra website e-bơi , tôi dạy bằng cách cho các em học bằng tư duy, học bằng trí khôn, làm một số bài tập cơ bản, các kỹ thuật bơi tự cứu.

TS Phạm Anh Tuấn

Hiện nay, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các em không được học bơi, nhưng một nguyên nhân nữa tôi nghĩ là do cách mình hay nói là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thực ra, ví dụ như trẻ con mà được giáo dục từ nhỏ, được nói là “chỗ này nguy hiểm, chỗ kia nguy hiểm, con đừng đi đến, sông nước nó như thế như thế”, thì trẻ em được học trong tiềm thức, ngay từ nhỏ thì nó sẽ tránh những nơi nguy hiểm ra. Nhưng tiếc là hiện nay ở trong nhà trường chưa có chuyện này. Thực ra mà nói, việc dạy bơi là biện pháp cuối cùng chứ còn thực ra là phải phòng chống.

Trước đây, công việc vận động, tuyên truyền, giúp người dân ý thức được hiểm họa chết đuối đối với con em mình được giao cho các Hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em thực hiện. Thế nhưng, ý thức của người dân vẫn còn rất thấp. Nhiều người dân ở miền quê vẫn rất tự tin với khả năng tự bơi của con em mình.

Chị Nguyễn Thị Phượng ở An Giang cho biết:

Ở quê là khỏi dạy. Cứ mùa nước lên rồi mua áo phao, nó tự tập lội không à, ít có ai tập lội lắm chị ơi, tại vì ở quê nó vậy đó. Còn ở chợ thì mình bắt buộc phải đem con em đi tắm hồ thì khó chứ ở dưới quê nó tắm, nó tự lội mình ên nó không à. Con nít dưới quê thì 10 đứa biết lội hết trơn.

Mùa hè chỉ mới bắt đầu, nhiều tiếng chuông báo động đã được gióng lên như thường lệ phải có, các chương trình tài trợ của các tổ chức nhân đạo cũng đã được thực hiện như vẫn được thực hiện hằng năm. Thế nhưng, nhiều trẻ em vẫn chết vì vẫn phải tự bơi!

Theo dòng thời sự: