Sự kiện vừa kể có gì đáng chú ý? Mời quý vị theo dõi Trân Văn tổng hợp và tường trình thêm...
Nên học như thế nào?
Cô Bích chưa có Tiến sĩ. Cô Bích nói cho mình biết là cô có gửi CV cho BBC. CV là lý lịch và trong CV đó có nói là ABD Tiến sĩ. Thực sự một người ABD có nghĩa là chưa có bằng, chưa nộp luận văn.
Tiến sĩ Erik Harms
Việc bà Đỗ Ngọc Bích phê phán chuyện chống Trung Quốc, rồi cho rằng đó là các biểu hiện không lành mạnh của phong trào bài Hoa, cảnh báo về sự xuất hiện “chủ nghĩa dân tộc mù quáng”, đồng thời gợi ý nên tìm hiểu và học lại về lịch sử Việt Nam, bởi hình như lịch sử Việt Nam thiếu chính xác,... đã bị người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam phản bác mạnh mẽ.
Đáng chú ý là ngoài những bài phản biện của giới nghiên cứu văn hoá – lịch sử, giới sử dụng Internet ở trong và ngoài Việt Nam cũng đã góp thêm rất nhiều ý kiến phản bác các luận điểm như: Người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hoặc vua Việt cũng xuất thân từ Trung Quốc, thậm chí đã coi Trung Quốc như cha, anh. Hoặc xét cho cùng, lãnh thổ Việt Nam hiện nay cũng nhờ chiếm đóng đất đai Chiêm Thành, Kh’mer,... của bà Đỗ Ngọc Bích.
Trên website "anhbasam.com", một độc giả tự giới thiệu tên là "Thanh", đã giải thích với bà Đỗ Ngọc Bích, vì sao người Việt chống Trung Quốc: Theo Luật Biển quốc tế, Việt Nam có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên biển Đông nhưng "đường lưỡi bò" của Trung Quốc khiến Việt Nam chỉ còn bờ biển. Trung Quốc "thực thi chủ quyền" trên lãnh hải của Việt Nam "không" theo cách của một quốc gia văn minh mà theo kiểu của một quốc gia mọi rợ, dùng tàu chiến đâm chìm tàu cá, đánh đập ngư dân, bắt cóc đòi tiền chuộc, chưa kể vụ thảm sát năm 2005 giết chết 11 ngư dân Hậu Lộc, Thanh Hóa. Đó chính là lý do khiến tinh thần căm ghét Trung Quốc bùng nổ. Chỉ cần bà có một chút đồng cảm với những ngư dân tan cửa nát nhà, bà sẽ không viết như thế...
Độc giả vừa kể chất vấn thêm: Bà hỏi thanh niên Việt Nam đã bao giờ đọc Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu từ nguyên bản chưa (?) nhưng Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu chỉ còn 29 đoạn chép trong Toàn thư, làm sao đọc từ nguyên bản?.. Bà viết về quá trình chiếm hữu Hoàng Sa – Trường Sa, phải nói ngay kiến thức của bà là một số 0 tròn trĩnh. Chỉ cần bà lên diễn đàn "hoangsa.org", chịu khó đọc kho tư liệu về mà các bạn trẻ đó dày công sưu tập, bà sẽ hiểu rằng kiến thức lịch sử về Hoàng Sa – Trường Sa của bà thua xa các bạn sinh viên đó... Bà nói các vua Việt Nam coi vua Trung Quốc như là cha, là chú? Bà lấy thông tin đó ở đâu vậy?
Không ngộ nhận
Sự kiện vừa kể, còn một điểm đáng chú ý khác là cả giới nghiên cứu văn hoá – lịch sử, lẫn giới sử dụng Internet ở trong và ngoài Việt Nam, cùng tỏ ra băn khoăn trước tương quan giữa thông tin về cá nhân bà Đỗ Ngọc Bích với nội dung bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”.
Cô Bích là sinh viên cao học, sắp viết luận văn ở Đại học Hawaii trong Khoa Hoa Kỳ học, chứ không phải là Tiến sĩ đang giảng dạy ở Yale.
Tiến sĩ Erik Harms
Theo giới thiệu trên Diễn đàn của BBC, bà Đỗ Ngọc Bích hiện là Tiến sĩ, đang giảng dạy về Việt Nam học tại Đại học Yale, cũng như đang tham gia dịch thuật các chương trình sử học cổ, trung, cận đại tại Đại học Yale, song nội dung của “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”, lại có nhiều điểm không tương xứng với hàm lượng tri thức, cũng như các thuộc tính vốn không thể thiếu, trong bài viết của một người chuyên làm công việc nghiên cứu.
Với một tiến sĩ như thế, học giới và nhiều người sử dụng Internet cùng tỏ ra nghi ngại về việc Đại học Yale đã cũng như sẽ đào tạo ra sao về chuyên ngành Việt Nam học?
Tiến sĩ Erik Harms, Phó Giáo sư Khoa Nhân học của Đại học Yale, giải đáp các thắc mắc này trực tiếp bằng Việt ngữ: Cho tôi giải thích vấn đề này. Trên BBC người ta ghi cô Bích là Tiến sĩ giảng dạy ở Yale. Nó sai nhiều điểm.
Điểm thứ nhất là cô Bích chưa có Tiến sĩ. Cô Bích nói cho mình biết là cô có gửi CV cho BBC. CV là lý lịch và trong CV đó có nói là ABD Tiến sĩ. Chữ ABD bằng tiếng Anh nó hơi phức tạp cho người không biết. ABD có nghĩa là “All but dissertation”, nghĩa là đang học Tiến sĩ nhưng có qua quá trình giảng dạy rồi, mình đang viết luận án. Nếu không hiểu chương trình Mỹ, người ta nghĩ: Ồ!Là Tiến sĩ rồi. Thế nhưng thực sự một người ABD có nghĩa là chưa có bằng, chưa nộp luận văn.
Thực sự bây giờ cô Bích là sinh viên cao học, sắp viết luận văn ở Đại học Hawaii trong Khoa Hoa Kỳ học, chứ không phải là Tiến sĩ đang giảng dạy ở Yale.
Erik phải điều chỉnh lại thông tin một cách rõ rang nữa là cô Bích đang sống ở đây, ở New Haven (bang Connecticut, nơi Đại học Yale tọa lạc).
Có một chương trình ngoại ngữ cho những sinh viên ở Yale muốn học thêm về ngoại ngữ. Ở Yale mình dạy tiếng Việt đến lớp hai. Có nghĩa là dạy hai năm tiếng Việt. Sau đó có sinh viên nào giỏi tiếng Việt, muốn tìm người dạy kèm tiếng Việt thì Yale sẽ thuê một người để dạy thêm một chút.
Trước đây mình không biết nhưng mà cô Bích có dạy tiếng Việt cho hai sinh viên ở đây. Sinh viên rất là giỏi tiếng Việt, muốn đọc báo hay là đọc sách gì đó thì họ gặp cô Bích. Ví dụ một tuần, một tiếng đồng hồ gì đó.
Thực sự thì có thể nói là cô Bích có dạy nhưng không phải trong chương trình chính thức ở Yale. Cô Bích có dạy kèm cho mấy sinh viên học ở Yale nhưng mà là dạy kèm ngoài giờ học cho mấy sinh viên ở Yale học thêm, ngoài giờ học bình thường.
Có thêm một câu mình nhớ là người ta có hỏi là cô Bích có dịch thuật tài liệu? Đây không phải là việc chính của Yale. Ví dụ có một ông giáo sư chuyên môn về Việt Nam muốn có sự giúp đỡ trong một vài tài liệu về lịch sử…
Do sự kiện có liên quan đến đồng nghiệp, chúng tôi đã liên hệ với nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt ngữ của Đài BBC. Ông cho biết, đây là một cuộc thảo luận nên BBC sẽ có ý kiến chính thức khi cuộc thảo luận chấm dứt.
Ngoài Tiến sĩ Erik Harms, nhiều người sử dụng Internet còn cung cấp thêm các thông tin, cho biết, bà Đỗ Ngọc Bích chỉ mới rời Việt Nam cách nay ít năm chứ không phải là người Việt, sinh ra hoặc trưởng thành ở nước ngoài.
Những người theo dõi sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam nhận định, trước khi các thông tin có liên quan đến học vị, nguồn gốc của bà Đỗ Ngọc Bích được bạch hoá, tuy không đồng tình với cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề của bà Bích, song nhìn chung, dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam tỏ ra khá điềm tĩnh.
Gần như không có ý kiến nào khái quát sự kiện vừa kể theo luận điểm quen thuộc mà người ta vẫn nghe như: Việt kiều là vong bản, mất gốc. Hoặc các ý kiến mà Việt kiều đóng góp cho những vấn đề liên quan đến chủ quyền, quan hệ Việt – Trung đều từ ý đồ xấu, do các thế lực thù địch, phản động kích động. Có thể là nhờ vậy, sự đồng thuận giữa trí thức nói riêng, cũng như giới sử dụng Internet nói chung, ở cả trong và ngoài Việt Nam, trước các vấn đề thời cuộc nóng bỏng, liên quan đến vận mệnh quốc gia, không bị sự kiện này làm cho rạn nứt.
Mục tiêu và phương tiện
Sau khi các diễn đàn điện tử, các blog giới thiệu hàng trăm bài phản biện và ý kiến phản bác “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”, ngày 20 tháng 4, Ban Việt ngữ BBC tiếp tục giới thiệu thêm quan điểm của bà Đỗ Ngọc Bích đối với ý kiến độc giả.
Bà cho biết, bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”, được viết từ cảm giác bực dọc, khó chịu khi phải đọc những lời phỉ báng, lăng mạ của các blogger trong nước và hải ngoại đối với nhà nước Việt Nam hay nhân vật lãnh đạo Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc trên Facebook hay diễn đàn BBC, VOA tiếng Việt.
Điều em quan tâm là những người đang nắm vận mệnh dân tộc trong thời điểm hiện nay có quan điểm thế nào kia.
Nguyễn Quang Lập
Theo bà: Tôi thấy họ có vẻ ghét Trung Quốc quá thể, nên muốn tìm ra nguyên cớ tại sao họ ghét Trung Quốc và một số lãnh đạo Việt Nam đến thế, và cố gắng làm cho họ bớt thù hận, bình tĩnh, rộng lượng hơn một chút với một số bối cảnh ngoại giao Việt Trung hiện thời.
Tôi tin rằng kiểu phê phán lăng mạ chỉ gây phản cảm, phản tác dụng, và theo tôi không thể có kết quả gì.
Giới sử dụng Internet tại Việt Nam nghĩ gì? Một người sử dụng Internet, có nickname la "Tin Kinh tế" nêu nhận xét trên blog Quê choa, của nhà văn Nguyễn Quang Lập: Thực ra em chả quan tâm đến quan điểm của bà Ngọc Bích, bà muốn bày tỏ thế nào tùy bà, đó là quyền của bà. Điều em quan tâm là những người đang nắm vận mệnh dân tộc trong thời điểm hiện nay có quan điểm thế nào kia, bao nhiêu % "đồng thuận" với bà Ngọc Bích? Bao nhiêu % phiếu trắng? Bao nhiêu % phiếu chống?
Bác nào có đủ dữ liệu, phân tích cho bà con mở mang tầm hiểu biết thì tốt quá.
Đến nay, ba ngày sau khi "Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc" trở thành sự kiện nóng, khiến cả ngàn người lên tiếng. Hệ thống truyền thông Việt Nam vẫn im lặng, cho dù gần đây, một số cơ quan truyền thông trong nước như Nhân Dân, Quân đội nhân dân vẫn lặp đi, lặp lại những lời kêu gọi kiều như bài "Chủ động phản bác thông tin xuyên tạc", trên tờ Quân đội nhân dân số ra ngày 21 tháng 3 vừa qua: Để ngăn chặn ảnh hưởng xấu của các loại thông tin này, một mặt, chúng ta vẫn phải kiên quyết vạch trần âm mưu chế tác, truyền bá loại thông tin phản tuyên truyền, xuyên tạc. Mặt khác cần thiết phải tìm ra nguồn gốc phát sinh, nhận diện loại thông tin đó để cảnh báo cho đông đảo công chúng. Qua đó, từng bước ngăn chặn chiến thuật gây nhiễu loạn thông tin.
Theo dòng thời sự:
- Giới trẻ nghĩ gì khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm?
- Khi ra biển lớn (phần 1): Nỗi ám ảnh chính trị
- Khi ra biển lớn (phần 2): Lối sống và thói quen
- Khi ra biển lớn (phần 3): Cuộc chơi không dành cho người yếu tim
- NGS thừa nhận đã "hiểu sai" khi dùng từ "China" ở quần đảo Hoàng Sa
- Phát áo, mũ "Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam" tại hồ Hoàn Kiếm
- Hoa Kỳ sẽ hiện diện lâu dài tại biển Đông
- National Geographic Society đăng bản đồ đảo Hoàng Sa với chữ "China"
- Việt Nam tuyên bố bản đồ của National Geographic Society là sai
- Hai thái độ trước chuyện Hoàng Sa là của Trung Quốc