Gặp người Việt ở nước Ý

Minh Thùy, đặc phái viên đài RFA

Người Việt ở nước Ý không đông, đa số sống tập trung ở các thành phố phía bắc nước Ý, nên rất khó gặp được người Việt ở Rome. Dù vậy, nhân dịp Liên hoan văn hóa Việt Nam tại Rome vừa qua, Minh Thùy cũng đã gặp được một số đồng hương để biết thêm về cuộc sống, tâm tư của cộng đồng người Việt tại nước Ý.

LiLaVietnameseItalian200.jpg
Bà Lilia Nguyễn ở tiệm Lá Xanh. PHOTO RFA/Minh Thuy

Nếu không nhờ người bạn Ý, Lisa Poleri ở Rome, tôi không biết làm sao gặp được vài đồng hương ở nước Ý. Người Việt sống trên cả nước Ý không đông, có khoảng 3,000 người, chỉ bằng số người Việt Nam ở một thành phố Hamburg, nước Đức.

Ở Rome, con số lại còn nhỏ hơn nhiều, chỉ có hơn 20 gia đình người Việt, đa số sống ở ngoại ô thành phố. Đi dạo ở Rome gần 1 tuần, tôi gặp nhiều người Á châu như Philipine, Đại Hàn, Nhật, Ấn độ, Pakistan, ngưòi Tàu thì có cả một khu China Town ở Saint Giovanni, mà không gặp được ai để hỏi một câu quen thuộc: “Chị sang đây lâu chưa?"

Lisa đưa tôi đi lòng vòng qua những con đường hẹp ở khu phố cổ gần ngôi đền Pantheon, những con đường lát đá hơi gồ ghề, không ngay hàng, nhưng người Ý lại yêu từng viên đá, từng khúc đường đã trải qua hàng mấy thế kỷ, in dấu bao thời đại hưng thịnh của đế quốc La Mã.

Đi qua một đoạn đường đang phải đào lên để sửa chữa đường cống bên dưới, thấy từng viên đá được cạy lên, rất công phu và cẩn thận, xếp đống bên cạnh, để sau khi sửa xong, những viên đá thế kỷ đó lại được lát xuống trở lại, giống hệt đoạn đường ngàn năm xưa.

Tiệm mỹ phẩm “Lá xanh”

Cho đến một hôm tôi gặp một đám tang trên đường phố, mọi người đều mặc áo tang trắng, khóc thân nhân; ngay lúc đó, tôi chợt hiểu cái nguồn cội Việt Nam của tôi là ở trong con người tôi, trong máu tôi, chứ không phải là sợi dây liên hệ nào bên ngoài tôi. Tôi vẫn là một phụ nữ Việt Nam cho dù tôi không nói được tiếng Việt, và tôi chấp nhận điều này.

Những khu phố cổ với các cửa hàng chật hẹp vẫn giữ nguyên bảng hiệu xưa cũ. Lisa đưa tôi đến tiệm mỹ phẩm “Lá xanh”, nhỏ hẹp, chỉ có 1m, 2 bề ngang và 2m bề dài.

Lisa cho biết: “Cửa tiệm nhỏ thế thôi, nhưng khách hàng đến đây có những bà triệu phú, những nhân vật nổi tiếng ở nước Ý’’. Người chủ tiệm đứng trước cửa chờ tôi, đón tôi rất tình cảm như đón một người em. Tôi ngạc nhiên nhìn người phụ nữ mắt nâu, vóc dáng nhỏ bé, tóc bới cao, giống như một phụ nữ miền Nam, không có vẻ gì Tây phương, dù bà mang hai giòng máu Việt-Pháp, lấy chồng Ý, sinh sống ở nước Ý hơn 30 năm. Bà có cái tên ngắn: Lilia Nguyễn.

Bà nói: "Tôi đã hai lần lập gia đình nhưng vẫn giữ họ Nguyễn, dù theo tục lệ Tây phương tôi có thể đổi sang họ của chồng."

Bà nói chuyện với tôi, bằng tiếng Ý! Thế nên cô bạn Lisa trở thành thông dịch viên cho hai ngưòi Việt cùng họ Nguyễn! Bà Lilia cho biết, mấy năm gần đây bà đã 4 lần trở về Việt Nam để tìm lại nguồn gốc mình, bà kể:

“Cha của tôi tên Nguyễn văn Bài, xuất thân từ miền Bắc, đã đến nước Pháp sinh sống từ những năm 1950 ở Marseille, lập gia đình với một phụ nữ Pháp và sinh ra tôi.

Ông không bao giờ nói tiếng Việt và kể gì về nguồn gốc gia đình, chỉ cho biết một việc là ông rất buồn vì mẹ ông đã treo cổ tự tử chết khi ông còn trẻ, nên ông không bao giờ muốn quay về Việt Nam. Tôi sống hơn nửa đời người ở nơi đây như một người Âu châu, không nghĩ gì đến Việt Nam.

Nhưng khoảng mấy năm gần đây tự nhiên có gì thôi thúc trong tôi, khiến tôi muốn biết về nguồn gốc mình, tổ tiên mình là ai, ở đâu. Tôi đã quay về Việt Nam, về Hà Nội, về Thủ Đức, để tìm thân nhân, nhưng không ai biết cha tôi.

Cho đến một hôm tôi gặp một đám tang trên đường phố, mọi người đều mặc áo tang trắng, khóc thân nhân; ngay lúc đó, tôi chợt hiểu cái nguồn cội Việt Nam của tôi là ở trong con người tôi, trong máu tôi, chứ không phải là sợi dây liên hệ nào bên ngoài tôi. Tôi vẫn là một phụ nữ Việt Nam cho dù tôi không nói được tiếng Việt, và tôi chấp nhận điều này.”

Hiện tại bà Lilia Nguyễn là bạn thân, thường giúp đỡ người bạn là Luisa Saba, người đã thành lập tổ chức Xa Mẹ, để giúp đỡ những người Việt Nam lưu lạc tìm về nguồn cội, tìm lại thân nhân ở Việt Nam, đồng thời giúp những trẻ em mồ côi Việt Nam có được cha mẹ nuôi người Ý. Bản thân chị Luisa Saba cũng có một đứa con nuôi Việt Nam.

Nhà hàng Thiên Kim

GhettoItaly200.jpg
Khu Ghetto của người Do Thái. PHOTO RFA/Minh Thuy

Hôm sau Lisa Poleri đưa tôi đến nhà hàng Thiên Kim ở khu phố cổ khá đẹp đường Giulia. Theo Lisa và nhiều người bạn Ý của cô, thì Rome, nếu không có Thiên Kim chắc sẽ bớt thú vị rất nhiều, vì nhà hàng đã có mặt ở đây gần 30 năm và là nhà hàng Việt Nam độc nhất. Chủ tiệm nhiều lần thay đổi, đều là bà con hay trong gia đình, và thực đơn thì “ngon đặc biệt’’.

Anh Nguyễn Phước, chủ tiệm, người gốc Huế, cho biết: “Những ngày lễ hay mùa đông, khách hàng nếu không đặt bàn trước, phải đứng xếp hàng ngoài trời mà chờ, cửa tiệm không cách nào nới rộng vì luật xây dựng ở Rome rất khó, do chính sách bảo tồn lịch sử, mà dọn đi nơi khác cũng không được vì khách hàng đã xem Thiên Kim gần như một “di tích’’ quen thuộc tại khu phố cổ này, nên nhiều khi đành chịu mất khách hàng.’’

Gia đình anh Phước là một trong số 200 người Việt Nam có mặt đầu tiên trên nước Ý từ tháng 4-1975. Bên cạnh nhà hàng Thiên Kim là cửa tiệm bán trà của chị Bích Từ, một cửa tiệm nhỏ, thanh lịch rất quen thuộc với người Ý. Chị Bích Từ nói về cuộc sống người Việt tại đây:

“Đầu tháng 4-1975 nước Ý nhận 200 người Việt Nam, nhưng sau đó nhiều người xin di tản qua Mỹ, Úc hay Canada. Sau đó theo phong trào cứu vớt người Việt ở biển đông, chính phủ Ý cho 3 chiếc tàu đi đến vùng biển đông nam Á để cứu giúp những người Việt Nam vượt biên.

Từ năm 1980 mới có chính sách tị nạn chính trị, chỉ có dân hai nước Chile và Việt Nam được Ý chấp nhận. Sau khi vào nước Ý thì phải tự xoay sở sinh sống, chứ không có trợ cấp xã hội. Tính đến nay nước Ý đã cứu khoảng trên 2000 người Việt Nam và họ được bảo lãnh gia đình sang Ý sinh sống, sống tập trung khá đông ở Bắc Ý.

Lúc đầu có những người Ý tài trợ, vì họ có xưởng hay nông trại cần ngưòi Việt làm việc, sau một thời gian vững vàng thì người Việt Nam xin ra làm ở các hãng xưởng, phần lớn là ở các hãng xe hơi, từ từ dành dụm được số tiền thì ra mở tiệm hay xưởng riêng.”

Đi tìm một tương lai tốt đẹp

Sống tại đây hơn 20 năm, chưa một lần về thăm quê hương, chị Bích Từ cho biết lý do: "Tôi qua đây lâu rồi, cũng muốn về thăm quê hương vì ai cũng có nguồn cội, nhưng lại thấy không còn tình cảm gì, vì tôi không chấp nhận cái chế độ hiện tại. Tôi chỉ trở về khi có sự thay đổi. Những gia đình Việt Nam ở đây đến nay đều sống yên ổn. Lớp trẻ lớn lên đều hội nhập xã hội Ý dễ dàng và học giỏi, có nhiều thành công tốt đẹp."

Từ năm 1980 mới có chính sách tị nạn chính trị, chỉ có dân hai nước Chile và Việt Nam được Ý chấp nhận. Sau khi vào nước Ý thì phải tự xoay sở sinh sống, chứ không có trợ cấp xã hội. Tính đến nay nước Ý đã cứu khoảng trên 2000 người Việt Nam và họ được bảo lãnh gia đình sang Ý sinh sống, sống tập trung khá đông ở Bắc Ý.

Tại Rome, tôi gặp một bạn trẻ Phạm Cường, mới 20 tuổi, vừa đến nước Ý hơn một tháng theo con đường vượt biên khá dài và nguy nan, từ Việt Nam qua Tiệp khắc, qua Đức, đến Ý, với chi phí khá lớn 8.000 dollar.

Cường ngần ngại không kể nhiều về con đường gian nan đã đi qua, chỉ nói vắn tắt lý do phải ra đi: "Cháu qua đây một năm, một tháng, sang đây lao động, tìm cách sinh sống, vài năm rồi trở về. Cháu đi từ Việt Nam qua Tiệp, qua Đức rồi qua đây, tốn hết 8,000 đô, đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn."

Theo Phạm Cường, có một số người Việt trẻ tuổi, sau khi bỏ một số tiền lớn từ Việt Nam qua Tiệp, qua Đức, sinh sống, bị trục xuất, nhưng không muốn về nước, phải trôi dạt đến nước Ý, đa số sống chui, làm chui, vì hiện nay luật cư trú ở Ý hết sức gắt gao, khó hy vọng được ở lại. Họ chỉ mong làm chui được một thời gian, trả nợ hết món tiền chi phí chuyến đi, kiếm được ít vốn thì về nước.

Những người đến nước Ý từ thập niên 80, hay 90 sau 5 năm tạm trú thì hầu hết đều được thường trú, rồi vào quốc tịch Ý, nhiều người lập gia đình với người Ý.

Phần lớn các gia đình Việt Nam sống tập trung ở 3 thành phố phía bắc là Milano, Torino, Verona, nơi có nhiều hãng xưởng lớn. Họ thường tụ họp vui chơi với nhau trong những ngày lễ Tết, Trung Thu hay Giáng Sinh, chia thành 2 nhóm: nhóm tị nạn thì quây quần bên nhà thờ và Hội Caritas, nhóm thân chính quyền thì có mặt của đại diện Sứ quán Việt Nam.

Minh Thùy tường thuật từ nước Đức