Chính sách kiểm soát báo chí tại Việt Nam và những thay đổi ở tờ Tuổi Trẻ

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Đã hơn một tháng trôi qua từ ngày ban biên tập tờ báo Tuổi Trẻ có thay đổi nhân sự quan trọng, đó là sự ra đi của hai Phó tổng biên tập Huỳnh Sơn Phước và Quang Vĩnh. Sự thay đổi này thoạt đầu có ảnh hưởng đến một số quan niệm cho rằng sắp có những thay đổi đến cách vận hành của tờ báo lớn nhất nước này.

newspaper200.jpg
AFP PHOTO.

Mặc Lâm phỏng vấn ông Bùi Chí Vinh, một trong những thành viên đầu tiên thành lập tờ báo Tuổi Trẻ để tìm hiểu thêm về những diễn biến liên quan.

Báo chí là công cụ của nhà cầm quyền

Mặc Lâm: Thưa ông Bùi Chí Vinh, hơn một tháng đã trôi qua từ khi tờ Tuổi Trẻ có sự thay đổi nhân sự quan trọng. Là một trong những người đầu tiên dính liền với tờ báo, cảm tưởng của ông ra sao khi nhìn lại quá trình hoạt động của tờ Tuổi Trẻ cho tới nay? Ông có cảm thấy rằng tờ Tuổi Trẻ đã hoạt động đúng như những tiêu chí ban đầu của những ngày mới thành lập hay không? và sự thay đổi nhân sự lần này có cho phép ông lạc quan hơn?

Bùi Chí Vinh: Bởi vì chế độ này là chế độ độc đảng chính quyền cai trị cho nên báo chí chỉ là một công cụ tuyên truyền của chế độ mà thôi vì vậy sự thay đổi nhân sự của báo Tuổi Trẻ chỉ là thay đổi công chức, không hy vọng gì kéo theo thay đổi cơ chế chính trị hay mở cửa như phương Tây nhìn nhận.

Nếu có thay đổi thì thay đổi một cách tiệm tiến nhưng nhân sự không thể lôi kéo cái giòng thác cách mạng mới, hay tạo nên một cái đột phá mới, mà là do chủ trương đường lối từ trên.

Nhà dột từ nóc dột xuống, thượng bất chính hạ tất loạn. Nếu ở trên làm tốt thì không bao giờ dột ngang.

Mặc Lâm: Ông có vẻ không tin tưởng lắm vào những vị trí cốt cán, ông có thể nói rõ hơn hay không?

Bùi Chí Vinh: Nếu thay đổi nhân sự thì nên thay đổi cái nhìn của lãnh đạo phía trên của tờ báo tức là những người sắp xếp nhân sự của tờ báo, dám mở cửa hay không? dám dùng những người không thuộc phe cánh và không nằm trong tính toán trước của mình.

“Tự do nếu đi đúng lề bên phải”

Mặc Lâm: Một yếu tố làm người ta tin rằng có liên quan đến sự thay đổi nhân sự đột ngột trong tờ báo Tuổi Trẻ, đó là việc ông Lê Doãn Hợp, Bộ Trưởng Thông Tin Và Truyền Thông, trong cuộc họp báo chiều 6.8.2007 tuyên bố thẳng thừng rằng: "Lâu nay báo chí bị quản lý theo mệnh lệnh, bị một số điều hành làm mất tự do. Báo chí sẽ có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải. Tôi sẽ cố gắng để cho báo chí có một lề đường rộng, thông thoáng hơn." Là một người làm báo lâu năm ông nghĩ gì về lời tuyên bố này?

Bùi Chí Vinh: Cái phát biểu vừa rồi của ổng chẳng khác gì một ông chủ nói chuyện với đày tớ, tức là cầm tay chỉ việc phải làm như thế nào. Nguyên tắc báo chí của cách mạng thì luôn luôn đứng về phía nhân dân đứng về phía người cùng khổ bị bóc lột. Báo chí phải làm đúng chức năng của một hiệp sĩ, còn không thôi thì đổi nghề khác. Báo chí phải là hiệp sĩ thậm chí tử đạo trong tư thế của một hiệp sĩ.

Mặc Lâm: Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt cũng có những quan tâm đến việc thay đổi của tờ Tuổi Trẻ và ông Kiệt đã đến ủy lạo cũng như chia sẻ nhiều ý kiến cho sự phát triển của tờ báo. Ông nghĩ gì về việc này?

Bùi Chí Vinh: Tôi không quan tâm đến ông Võ Văn Kiệt tôi thú thực với anh như thế. Hồi còn cầm quyền thì ông Võ Văn Kiệt tôi thấy ổng chỉ nói nhiều và làm những công việc ngao du nhiều hơn. Người dân người ta không thấy chiến lược của ổng đem lại những cụ thể gì mà thấy trên lý thuyết thì nhiều.

Bây giờ thì ổng mất chức rồi ổng muốn trở lại chính trường một lần nữa, và tôi không có ý kiến gì đối với những phát biểu của ông ta.

Kỳ vọng ở thế hệ mới

Mặc Lâm: Cuối cùng thì ông có thấy rằng sự thay đổi nhân sự lần này có làm cho tờ báo khỏe khoắn hơn hay không? Ý tôi muốn nói là những rào cản của các chính sách kiểm duyệt như lời ông Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp từng tuyên bố?

Bùi Chí Vinh: Có khi tôi hy vọng nó khá hơn. Trong khi trả lời phỏng vấn của anh tôi không có một tất sắt trong tay và thậm chí không có công ăn việc làm ở cái đất nước này, nhưng khi trả lời anh như thế thì nó sẽ có tác động dây chuyền rất lớn cho những người cầm quyền mới ở tờ báo.

Họ phải để ý đến lời nói của tôi vì tôi là một nhà văn nhà thơ, một tác giả có uy tín và có độc giả rất đông ở đất nước này. Khi tôi nói thì người ta đã nghe và lọc ra, gạn đục khơi trong và thậm chí xem xét, theo dõi xem có gì hớ hay không và thậm chí nhân dân đang kỳ vọng những người ăn nói như tôi điều này rất hiếm ở Việt Nam

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Bùi Chí Vinh về thời gian ông dành cho chúng tôi ngày hôm nay.