Ráo riết chuẩn bị các lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Trong thời gian qua – và nhất là từ đây cho tới tháng 10 năm nay, VN xem chừng như rộn rịp và ráo riết chuẩn bị đánh dấu 1.000 năm ngày Kinh đô Thăng Long được hình thành.

0:00 / 0:00
1000-yrs-thang-long-2008-200.jpg
Lễ khai trương Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hôm 13/01/2008. RFA photo/Hoang Dinh Nam.

Thanh Quang tìm hiểu những nét chính chuẩn bị đó, và trình bày hầu quý vị sau đây:

Năm nay, Canh Dần 2010, có lẽ là một năm đặc biệt đối với dân tộc VN khi cách đây đúng một thiên niên kỷ, vào năm 1010, tương truyền rằng vua Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của nhà Lý, dời kinh đô từ Hoa Lư đến vùng Đại La thì thấy rồng bay lên nên đặt tên kinh đô mới ở nơi nầy là Thăng Long. Sau khi kinh thành Thăng Long đã trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, thì tới năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng, Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội.

Nhiều hoạt động lễ hội

Để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhiều nơi trong nước đã ráo riết chuẩn bị đánh dấu thời điểm lịch sử nầy, nhất là từ giờ cho tới tháng 10, khi diễn ra đại lễ mừng Thăng Long tròn một thiên niên kỷ.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan từ trong nước cho biết:

“Bây giờ thì đã vào kế hoạch từ lâu rồi. Và sẽ có một phim về Vua Lý Thái Tổ. Vì đấy là Người khai sinh Kinh đô Thăng Long. Nếu phim làm xong trong dịp nầy thì ý nghĩa sẽ rất tốt đẹp, phù hợp với lòng người lẫn dịp kỷ niệm nầy.”

Bây giờ thì đã vào kế hoạch từ lâu rồi. Và sẽ có một phim về Vua Lý Thái Tổ.

GS sử học Lê Văn Lan

Được biết nhiều hoạt động, lễ hội, những cuộc vui... đã hay sẽ diễn ra đều hướng đến Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long; từ việc giới văn học nghệ thuật ở Saigòn vừa tổ chức Ngày Thơ VN lần thứ 8 với chủ đề “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, qua đó, có diễn tuồng hát bộ về cảnh Vua Lý Thái Tổ đọc Chiếu dời đô; rồi Đà Nẵng có kế hoạch bắn pháo bông quốc tế với sự tham dự của các đội pháo hoa Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản; việc vào đầu tháng 3 nầy khánh thành Trung tâm Biễu diễn Nghệ thuật Âu Cơ tại Hà Nội với hội trường 730 chỗ ngồi có hệ thống sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại...;cho tới giải bóng đá quốc tế mang tên “1000 năm Thăng Long-Hà Nội”; những tour du lịch đậm nét văn hóa, lịch sử trong dịp Đại Lễ, cũng là lúc trời đã vào Thu tại Hà Nội, tạo thêm bối cảnh thơ mộng nếu khách chọn đi du thuyền xuôi dòng sông Hồng để đến viếng Đền Đại Lộ, Đền Thánh Gióng, Đền Hai Bà Trưng, Đền Chử Đồng Tử-Tiên Dung, làng cổ Bát Tràng...

Tu bổ, sửa chửa

Bài “Hà Nội: Gấp rút tu bổ các di tích đón Đại Lễ” được báo Hànộimới online phổ biến mới đây cũng đã đề cập tới những nỗ lực nhằm góp phần “lưu giữ những dấu ấn nghìn xưa”, để “bóng dáng cố nhân hiện diện ở nơi nầy”. Qua đó, nhiều đền, miếu, đình, chùa đã được khôi phục, từ Đền Đồng Cổ đời Lý để lại, Đền Cơ Xá Nam thờ Lý Thường Kiệt, cho đến việc trùng tu lại nét uy nghi của Tứ Trấn từng bảo vệ Kinh Thành Thăng Long gồm Bắc Trấn Quan Thánh, Đông Trấn Bạch Mã, Tây Trấn Linh Lang, Nam Trấn Cao Sơn. Ngoài những di tích đời Lý, các thắng tích lịch sử của những triều đại khác cũng được trùng tu để tưởng nhớ Thăng Long, kể cả đình làng Mai Động thờ tướng Triệu Tam Trinh của Trưng Nữ Vương.

ho-hoan-kiem-250.jpg
Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa. Photo courtesy of Wikipedia.

Nhân sắp tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, GS Lê Văn Lan bày tỏ quan ngại rằng giới hữu trách chưa có nỗ lực đúng mức để giúp người dân ý thức hết tầm quan trọng của thời điểm lịch sử nầy:

“Trong dịp Đại Lễ kỷ niệm nầy, Nhà nước, chính quyền, các cơ quan phần lớn lo toan và làm được nhiều việc. Nhưng dân chúng thì chưa được động viên đúng mức, chưa được làm cho hiểu biết tất cả ý nghĩa của dịp đại lễ nầy. Cho nên phần đóng góp, tham gia của quần chúng, nhân dân chưa mạnh, chưa đầy đủ”.

Như vậy là, trong năm Canh Dần đặc biệt nầy, có biết bao chương trình, sinh hoạt, lễ hội đặc biệt để cống hiến cho di tích Thăng Long một ngàn năm tuổi, nơi mà dân tộc Việt luôn tưởng nhớ - nói theo thơ của thi sĩ Vũ Đình Liên - "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ", từ hàng chục chương trình quan trọng diễn ra tại Hà Nội trong 10 ngày đầu tháng 10 năm nay cho tới những sự kiện nổi bật được tổ chức ở nhiều tỉnh thành khác, như Festival Biển Vũng Tàu, Carnaval Biển Quảng Ninh, Lễ Hội "Nhịp Cầu Xuyên Á" tại Quảng Trị, Festival huế 2010...

Vấn đề mặt trái

Cầu Thê Húc ở Hà Nội. Photo by Dolinh
Cầu Thê Húc ở Hà Nội. Photo by Dolinh (Photo by Dolinh)

Nhắc tới lễ hội tại VN, báo Hànộimới online số ra hôm thứ Tư vừa rồi có bài tựa đề “Nói không thừa”, có đoạn đề cập rằng “Lễ hội ở nước ta có thật là nhiều. Lễ hội truyền thống, có từ xưa, truyền đời đến nay vẫn còn được trọng vọng. Lại có lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội mới hình thành. Lễ hội nhỏ, lễ hội to, hội làng bên, lễ hội cấp quốc gia. Loại cả nước biết đến thì có Lễ Hội Đền Hùng, Lễ Hội Chùa Hương, Hội Lim, Hội Xuân Yên Tử...Festival Huế...”

Vấn đề là, theo bài báo, “Lễ Hội nhiều là thế, ắt nảy sinh vấn đề...mặt trái”, từ chuyện thương mại hóa lễ hội, cá cược nhân lễ hội, nhiều kiểu trục lợi...cho tới dịch vụ biến tướng, giá cả tăng cao, bệnh ăn theo lễ hội, móc túi tung hoành...đã trở thành mãn tính.

Nhân nhắc tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, diễn đàn Đàn Chim Việt, qua bài tựa đề “Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long kiểu trật đường rầy”, có đoạn nhận xét rằng “Một ngàn năm trước đây và những năm sau đó, khi vua tôi nhà Lý dời đô về thành Đại La, đã thương mến, khoan sức, che chở muôn dân bằng cách giảm tô bãi thuế, tha tội tù nhân, cho non sông được phục hồi năng lực sau chiến tranh, những mong dân giàu nước mạnh, tạo cơ và tạo lực trước ông láng giềng cường bạo kia khiến luôn ưu tư lo lắng phải chuẩn bị đối phó”. Và bài báo nêu lên câu hỏi “Còn đảng và nhà nước CSVN ngày nay thì sao, có học được gì từ ông cha không ?”

Theo dòng thời sự: