Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong những kỳ phát thanh trước, chúng tôi đã gửi đến quý vị các bài từơng trình liên quan đến bệnh lao kháng thuốc lan rộng XDR-TB trong nước, một căn bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo mà Việt Nam đang là một trong những quốc gia bị hoành hành nặng nề nhất.

Điều khiến mọi người hết sức quan ngại là tuy các bệnh nhân lao đựơc điều trị miễn phí theo chương trình mở rộng của nhà nước, nhưng đến khi trở thành hoặc bị nhiễm lao kháng thuốc thì hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ nào, trong khi đó thì chi phí trị liệu lại quá cao so với thu nhập ngừơi dân, khiến nhiều bệnh nhân phải đành ôm bệnh chờ chết.
Làm thế nào có thể ngăn chặn, kiểm soát tầm lây lan của chủng vi trùng lao kháng thuốc cực mạnh XDR-TB này một cách hiệu quả?
Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, tiến sĩ Tupasi Thelma, Chủ tịch của tổ chức “The Stop TB Partnership”, một nhóm hoạt động quốc tế chuyên về phòng chống lao đa kháng thuốc, cho biết:
Tầm quan trọng
Tiến sĩ Tupasi Thelma: Có hai bước cần làm để kiểm soát sự phát tán của vi trùng lao kháng thuốc cực mạnh lan rộng XDR-TB. Trước tiên, cần ngăn chặn sự xuất hiện của lao đa kháng thuốc MDR bằng cách thực hiện chương trình điều trị lao ngắn hạn có kiểm tra trực tiếp (DOTS). Nếu chương trình trị liệu này đựơc tiến hành một cách chặt chẽ, hợp lý thì sẽ không dẫn tới trường hợp lao đa kháng thuốc MDR.
Trong trường hợp xuất hiện lao đa kháng thuốc rồi, thì cần phải tăng cường các phương pháp quản lý thật hiệu quả, theo dõi thật sát và thừơng xuyên, cũng như áp dụng các loại thuốc hàng thứ hai vào việc điều trị để bệnh nhân bị lao MDR không phát triển thành chủng kháng thuốc cực mạnh lan rộng XDR.
Có hai bước cần làm để kiểm soát sự phát tán của vi trùng lao kháng thuốc cực mạnh lan rộng XDR-TB. Trước tiên, cần ngăn chặn sự xuất hiện của lao đa kháng thuốc MDR bằng cách thực hiện chương trình điều trị lao ngắn hạn có kiểm tra trực tiếp (DOTS). Nếu chương trình trị liệu này đựơc tiến hành một cách chặt chẽ, hợp lý thì sẽ không dẫn tới trường hợp lao đa kháng thuốc MDR.
Trà Mi: Bà đánh giá như thế nào về đề xuất đưa kiến thức về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV/AIDS hay lao kháng thuốc vào giảng dạy trong học đường?
Tiến sĩ Tupasi Thelma: Việc này rất quan trọng vì những người trẻ mới là động lực thay đổi xã hội. Giáo dục dân chúng ý thức bảo vệ sức khoẻ cho cá nhân và cho cộng đồng là một công tác hết sức cần thiết. Hơn thế nữa, cũng cần phải lồng ghép kiến thức về các chương trình phòng chống lao vào trong học trình của chuyên ngành y tế.
Bệnh lao không chỉ là 1 vấn đề của y tế mà nó cũng là nguyên nhân của tình trạng nghèo đói. Quốc gia nào quan tâm đến sức khoẻ ngừơi dân, xem việc điều trị lao như một chiến lược phát triển, thì dân chúng của nước đó khoẻ mạnh hơn, cống hiến năng lực cho xã hội nhiều hơn, và dĩ nhiên, đất nước đó sẽ thịnh vượng hơn.
Kinh nghiệm học hỏi
Trà Mi: Đã có quốc gia nào thành công trong việc này chưa, thưa bà? Và theo bà, có những kinh nghiệm gì Việt Nam nên học hỏi?
Tiến sĩ Tupasi Thelma: Lao kháng thuốc cực mạnh lan rộng XDR chỉ mới xuất hiện cách đây 2 năm, và một ví dụ điển hình như Ấn độ chẳng hạn. Họ đã rất thành công trong việc đưa các chương trình về bệnh lao lồng vào trong giáo án giảng dạy cho các sinh viên theo ngành y. Đây là kinh nghiệm rất quan trọng và rất hữu ích.
Vượt xa hơn thế, tôi cho rằng việc đưa kiến thức về phòng chống lao vào giảng dạy cho các học sinh từ cấp phổ thông cũng là một chiến lược rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại con vi trùng lây lan nguy hiểm này.
Trà Mi: Ở Việt Nam có một nghịch lý là bệnh nhân lao thì được điều trị miễn phí theo chương trình mở rộng của nhà nước, nhưng đến khi bị nhiễm lao kháng thuốc thì hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ nào, trong khi đó thì chi phí trị liệu lại quá cao so với thu nhập ngừơi dân, khiến nhiều bệnh nhân phải đành phó mặc cho số phận. Bà có đề nghị gì giúp giải quyết tình trạng này không?
Tiến sĩ Tupasi Thelma: Trong trường hợp của Việt Nam, tôi chắc chắn là có những cơ quan tài trợ ủng hộ kinh phí cho các loại thuốc hàng thứ hai trong việc điều trị lao. Nếu tôi không lầm, thì hẳn là phải có những dự án từ Quỹ toàn cầu hỗ trợ một số chương trình phòng chống lao tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần khuyến khích bệnh nhân lao mạnh dạn đi khám chữa bệnh, xoá bỏ những mặc cảm bệnh tật hay sự kỳ thị của xã hội. Nếu có triệu chứng lao, ngay lập tức phải đến các cơ sở y tế để được điều trị hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức của người dân rằng đây là căn bệnh mà mọi người cần phải quan tâm phòng tránh.
Theo tôi, chính phủ Việt Nam có những nguồn tài chính hỗ trợ trong việc này, nhưng vấn đề đáng nói là phải kiểm soát làm sao cho số bệnh nhân bị lao kháng thuốc không tăng hơn nữa. Và để làm được điều đó, cần phải thực hiện việc quản lý trị liệu một cách tới nơi tới chốn. Nếu phát hiện bệnh nhân lao đa kháng thuốc MDR, phải lập tức áp dụng phương cách điều trị đặc biệt dành riêng cho bệnh nhân MDR, theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn do Tổ chức y tế thế giới phổ biến để ngăn chặn việc xuất hiện chủng lao kháng thuốc cực mạnh XDR.
Hơn nữa, cần phải cổ võ kêu gọi sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội, nhất là các cấp lãnh đạo để có được sự đầu tư, quan tâm, và trách nhiệm hơn nữa đối với cuộc chiến chống lao.
Cần tuyên truyền cho từng bệnh nhân hiểu rõ rằng một khi họ đã mắc phải vi trùng lao, họ bắt buộc phải tuân thủ việc điều trị thật nghiêm túc, có như vậy, mới tránh đựơc khả năng bị vi trùng lao kháng thuốc cho bản thân và cho cộng đồng xung quanh.
Ngoài ra, cần khuyến khích bệnh nhân lao mạnh dạn đi khám chữa bệnh, xoá bỏ những mặc cảm bệnh tật hay sự kỳ thị của xã hội. Nếu có triệu chứng lao, ngay lập tức phải đến các cơ sở y tế để được điều trị hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức của người dân rằng đây là căn bệnh mà mọi người cần phải quan tâm phòng tránh.
Chúng ta cũng có thể có những hoạt động tôn vinh các gương sáng điển hình, chẳng hạn như những người đã từng bị lao và điều trị thành công, cần khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, vì sự đóng góp của chính những người trong cuộc có thể làm thay đổi nhận thức của xã hội về bệnh lao.
Nên nhớ rằng quản lý bệnh lao không phải là công tác riêng của một quốc gia nào, mà nó là trách nhiệm chung của toàn cầu, nghĩa là bệnh nhân lao không phải trả tiền điều trị bởi đã có những nguồn quỹ quốc tế, và nhà nước có nhiệm vụ phải đảm bảo những nguồn tài trợ đó được dành cho việc phòng chống lao vì sức khoẻ của ngừơi dân. Đó cũng là điều mà Tổ chức WHO đang nỗ lực thúc đẩy.
Trà Mi: Để bảo vệ thế giới trước sự tấn công của vi trùng lao kháng thuốc cực mạnh XDR, Tổ chức Y tế thế giới, đã hoặc sẽ, có kế hoạch gì cụ thể để giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề như Việt Nam tăng cường khả năng đối phó với virus nguy hiểm này chăng, thưa bà?
Tiến sĩ Tupasi Thelma: Tổ chức WHO có phổ biến rộng rãi các tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể các phương sách làm thế nào để phòng chống lao hiệu quả.
Ngoài ra, hiện cũng có rất nhiều tổ chức từ thiện sẵn sàng giúp đỡ tài chính cho các nước nghèo trong việc này. Các quốc gia có nhu cầu, cần phải trình bày thực trạng và lên tiếng đề nghị xin các nguồn tài trợ như từ Quỹ toàn cầu chẳng hạn.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Tupasi Thelma, Chủ tịch của Nhóm hoạt động quốc tế chuyên về phòng chống lao đa kháng thuốc, đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
Quý vị vừa nghe cuộc phỏng vấn của Trà My với tiến sĩ Tupasi Thelma, Chủ tịch Nhóm hoạt động quốc tế chuyên về phòng chống lao đa kháng thuốc “The Stop TB Parnership”, nói về các phương pháp cần thực hiện để ngăn chặn, kiểm soát tầm lây lan của vi trùng lao kháng thuốc cực mạnh XDR-TB một cách hiệu quả. Phần chuyển ngữ do Thy Nga trình bày.
Thông tin trên mạng
- HƯỚNG- DẪN QUẢN LÝ ÐIỀU TRỊ BỆNH LAO - ÐA KHÁNG THUỐC CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI NĂM 1997
- Multidrug-Resistant Tuberculosis Fact Sheet
- What Is Multidrug-Resistant TB (MDR TB)?