Đề án 112, “chi ngàn tỷ để mua vịt giời”

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Hơn nửa năm trôi qua, kể từ khi Đề án 112 tin học hoá quản lý hành chánh Nhà nước bị khai tử, báo chí Việt Nam đã đưa lên mạng thật nhiều thông tin, liên quan tới cái chết được báo trước của một đề án tầm cỡ quốc gia tiêu tốn mấy ngàn tỷ đồng.

computerIT200.jpg
Tin cho hay có 17 chương trình, dự án, đề án, trong đó có đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, hay thường gọi là đề án 112 vừa bị phanh phui vi phạm. AFP PHOTO

Một đề án mà phạm vi thực hiện rộng lớn liên quan tới tất cả cơ cấu chính phủ Việt Nam từ trung ương xuống địa phương, sao lại trở thành điều gọi là ‘chi ngàn tỷ để mua vịt giời’ như sự ví von của báo chí Việt Nam. Đây chính là đề tài đọc báo trên mạng tuần này.

“Quả bom bẩn”

Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 19/4/2007 đưa lên mạng một bản tin ngắn loan báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo dừng triển khai Đề án Tin học hoá quản lý hành chánh Nhà nước giai đoạn 2001-2005, quen gọi là Đề án 112. Theo đó người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho rằng đề án này đã không thực hiện được mục tiêu đề ra như tên gọi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét, nhiều năm làm việc ở trụ sở chính phủ, từ khi có Đề án 112 đến nay, ông không thấy đề án mang lại tiện ích, ứng dụng nào cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng cũng như của toàn bộ chính phủ.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu khẩn trương thực hiện kiểm toán, giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan. Tuy vậy thủ tướng Việt Nam khẳng định là tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ.

Một nhà báo trong nước nói với chúng tôi là, thủ tướng Việt Nam đã nhấn nút cho nổ quả bom bẩn Đề án 112. Theo lời nhà báo không muốn nêu tên này, thì đây là một hành động dũng cảm, dám cắt bỏ khối u ác tính không để tình trạng di căn nhiều hơn nữa.

Như tên gọi tin học hoá quản lý hành chánh Nhà nước, Đề án 112 là bước cơ bản để Việt Nam tiến lên chính phủ điện tử. Đề án này được nguyên thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành năm 2001. Việt Nam Express trích kết quả kiểm toán cho biết, đề án 112 được duyệt tổng đầu tư là ba ngàn tám trăm tỷ đồng.

Ở đây có hai vấn đề, chúng ta có thể không đòi hỏi những nhà chính trị hiểu biết chuyên môn, nhưng mà cùng một lượt nếu không biết chuyên môn… thì lại không thể nào xử lý những dự án có tính cách công nghệ cao như dự án 112. Cho nên vấn đề đặt ra ở chỗ là…có thể nói là sự lựa chọn cán bộ không đúng tầm và giao cho cán bộ những công việc mà không đánh giá được, không có minh bạch…

Tổng kinh phí đã được cấp phát một ngàn năm trăm ba mươi tư tỷ đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng là gần một ngàn một trăm sáu mươi tỷ đồng. Nói chung núi tiền khổng lồ đó không thực hiện được mục tiêu đề ra là tin học hoá quản lý hành chánh nhà nước, một sự lãng phí và thất thoát vô cùng to lớn.

TS Nguyễn Đăng Hưng một Việt Kiều Bỉ đang đầu tư làm ăn ở Việt Nam đã đưa ra nhận xét của ông qua phỏng vấn của phóng viên Thanh Trúc:

“Ở đây có hai vấn đề, chúng ta có thể không đòi hỏi những nhà chính trị hiểu biết chuyên môn, nhưng mà cùng một lượt nếu không biết chuyên môn… thì lại không thể nào xử lý những dự án có tính cách công nghệ cao như dự án 112. Cho nên vấn đề đặt ra ở chỗ là…có thể nói là sự lựa chọn cán bộ không đúng tầm và giao cho cán bộ những công việc mà không đánh giá được, không có minh bạch…”

Thất thoát, lãng phí

Tuổi Trẻ Online ngày 28/10 trong bài ‘Chi tiền tỉ để mua vịt giời’ đã mô tả : Đề án 112 có năm mục tiêu với sáu nhóm đề án cụ thể, khởi động năm 2001 giai đoạn 1 kết thúc năm 2005. Hơn 1 ngàn tỷ đồng đã thực tế được sử dụng nhưng kết quả thu về là những đống máy móc, tài liệu vô tác dụng.

Theo Tuổi Trẻ Online, mô tả về đề án 112 có thể chia làm ba phần. Một gọi là là thể xác gồm toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị đầu não là các trung tâm tích hợp dữ liệu gồm 115 trung tâm trên cả nước. Mạch máu theo ví von của nhà báo, kết nối từ trung tâm này đến cơ sở (gồm sở ban ngành và quận huyện) là các mạng cục bộ mang LAN.

Hai là phần mà nhà báo gọi là linh hồn gồm 48 phần mềm ứng dụng để dùng chung và để xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia. Phần thứ ba là con người sử dụng, cán bộ được thông qua các chương trình đào tạo.

Bài viết trên báo Tuổi Trẻ Online có đoạn, sau bảy năm triển khai những trung tâm này vẫn là những đống máy móc bất động, vô tác dụng. Hàng ngàn tỉ đồng đã đổ ra, mục tiêu điện tử hoá tử cấp huyện trở lên nhưng đến giờ này ngay cả công việc từ Văn Phòng Chính Phủ liên quan đến các cơ quan khác, phần việc khác của chính phủ vẫn phải làm thủ công. Lý do là mạng cục bộ của văn phòng này chưa thể nối được với mạng diện rộng của chính phủ.

Theo Tuổi Trẻ Online, phần lớn các trung tâm dữ liệu được xem là hoạt động hiện chỉ thực hiện được việc tương tự như các máy tính của một cửa hàng dịch vụ Internet ngoài phố, đó là vào các trang web.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, nhà đầu tư Việt kiều ở TP.HCM có thêm nhận xét:

Các ngài trong ban quản lý dự án đã chọn lựa những phần mềm chưa được thử nghiệm và bắt những địa phương phải sử dụng nó…trong khi đó địa phương đã có những phần mềm đã chạy tốt rồi…những người ở trung ương nắm những vấn đề này rõ ràng là họ không hiểu biết gì hết về phần mềm quản lý hành chánh. Họ đã sử dụng những khoản tiền rất lớn để mua những phần mềm này và bắt địa phương phải sử dụng một cách vô tội vạ…

“Các ngài trong ban quản lý dự án đã chọn lựa những phần mềm chưa được thử nghiệm và bắt những địa phương phải sử dụng nó…trong khi đó địa phương đã có những phần mềm đã chạy tốt rồi…những người ở trung ương nắm những vấn đề này rõ ràng là họ không hiểu biết gì hết về phần mềm quản lý hành chánh. Họ đã sử dụng những khoản tiền rất lớn để mua những phần mềm này và bắt địa phương phải sử dụng một cách vô tội vạ…”

Đề án 112 được giao cho một hệ thống ban điều hành mà cao nhất là ban điều hành ở trung ương do ông Vũ Đình Thuần nguyên phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ làm trưởng ban, ở các Bộ cũng như các Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh đều có ban điều hành đề án 112.

Hà Nội Mới online ngày 31/10 nói rằng, kết quả kiểm toán cho thấy sự thất thoát lãng phí với sai phạm không chỉ dừng lại ở ban điều hành đề án 112, mà còn ở một số bộ, ngành và địa phương.

Một trong các thí dụ về sự lãng phí thất thoát được Tuổi Trẻ Online nêu ra, Ban điều hành đề án 112 của chính phủ đã chi thanh toán 23 tỷ đồng cho 45 phần mềm mà tờ báo gọi là phần mềm vịt giời vì chưa có ai được trông thấy chúng.

Hoặc văn phòng Bộ Giáo Dục ký hợp đồng và chi 300 triệu đồng cho công ty công nghệ tin học Tinh Vân để xây dựng trang web cho Bộ. Tuổi Trẻ Online cho rằng trang web này cho tới nay chưa thấy. Hơn nữa năm 2004 văn phòng Bộ Giáo Dục lại chi tiếp 444 triệu đồng cho công ty máy tính truyền thông CMC để xây dựng phần mềm chương trình quản lý văn bản và tới giờ theo cách nói của nhà báo thì đàn vịt giời ấy chưa thấy về.

Không rõ ràng minh bạch

Cùng về việc này Việt Nam Express ngày 31/10 nói rằng, cho tới nay Trung Tâm Tin Học của văn phòng Bộ Giáo Dục chưa nhận bàn giao phần mềm của CMC và nhà thầu có thể bị thu hồi số tiền đã ký.

Vẫn theo Việt Nam Express, ban tổng giám đốc CMC ngay sau đó đã họp báo phản ứng rằng hợp đồng không hoàn thành, không thể triển khai phần mềm giải pháp là do Bộ đã không bố trí được nguồn lực và thời gian tiếp nhận dù CMC nhiều lần đề nghị.

CMC nói rằng không có chuyện trả lại số tiền 444 triệu đã nhận từ hợp đồng này, thậm chí CMC có đủ cơ sở để yêu cầu Bộ Giáo Dục trả thêm các khoản chi phí khác chưa thể liệt kê trong thoả thuận.

Khi trả lời phóng viên Mặc Lâm, Luật Sư Võ Hữu Thiên Ân ở TPHCM đưa ra nhận xét về khả năng thực hiện một đề án tầm cỡ như đề án 112:

“Trong chỉ định mà chính phủ muốn làm một dự án như vậy mà đưa ra công khai, đấu thầu công khai mọi chuyện rõ ràng minh bạch thì cái này thừa sức làm, Việt Nam thiếu gì nhân tài”

Ngày 31/10 Cơ Quan Kiểm Toán Nhà Nước họp báo về kết quả kiểm toán đề án 112. Các nhà báo đã nêu lên hàng trăm câu hỏi, theo Tuổi Trẻ Online ông Vương Đình Huệ Tổng kiểm toán Nhà nước tuyên bố rằng, sai phạm đã rõ ràng còn về tổng thể thì chưa thể kết luận con số thất thoát là bao nhiêu.

Trong chỉ định mà chính phủ muốn làm một dự án như vậy mà đưa ra công khai, đấu thầu công khai mọi chuyện rõ ràng minh bạch thì cái này thừa sức làm, Việt Nam thiếu gì nhân tài.

Theo Hà Nội Mới Online, tổng mức đầu tư cho đề án là 3.836 tỷ đồng, đã có 1.534 tỷ đồng được cấp phát. Trong 1.159 tỷ đồng kinh phí đã sử dụng thì có tới hàng trăm tỷ đồng được chi mà không đủ điều kiện quyết toán. Tuy nhiên, số thất thoát này vẫn chưa phản ánh đầy đủ do đoàn kiểm toán thiếu thời gian, nhân sự nên chỉ kiểm toán được ở 24 trong số 116 đơn vị đầu mối.

Một trong những vấn đề đáng chú ý, đó là Ban điều hành đề án 112 đã chi sai nguyên tắc cả vốn vay của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á. Số vốn vay này khoảng gần 170 tỷ đồng và có đến 103 tỷ đồng bị kiểm toán Nhà nước xác định loại khỏi quyết toán, xuất toán, thu hồi nộp ngân sách.

5 nhóm mục tiêu của đề án 112

Tất cả các báo điện tử đều có trích đăng kết luận của cơ quan kiểm toán Nhà nước cho thấy ở cả 5 nhóm mục tiêu của đề án 112.

Theo đó chưa rõ nét một hệ thống thông tin phục vụ trực tiếp cho công tác chỉ đạo, điều hành trong quản lý hành chính Nhà nước. Kết quả còn hạn chế trong chỉ đạo điều hành của các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương qua hệ thống tin học hoá quản lý hành chánh.

Thứ nhì về mục tiêu tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia thì đề án 112 sau 6 năm thực hiện cũng mới chỉ xác định xong giải pháp khả thi.

Thứ ba về mục tiêu tin học hoá các dịch vụ công, cho đến nay mới đang thử nghiệm một số dịch vụ tại TP.HCM và các ngành thuế, hải quan, hàng không.

Thứ tư về mục tiêu đào tạo tin học, phổ cập công nghệ thông tin cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ nghiệp vụ của các cơ quan hành chánh cấp huyện trở lên, thì cho tới nay nghiệp vụ cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Về mục tiêu thứ 5 , kết luận của Kiểm toán Nhà nước nói rằng đề án 112 cho tới nay hoàn toàn không có tác dụng đối với mục tiêu thúc đẩy cải cách hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Một công dân TP.HCM đang sinh sống với nghề buôn bán nhỏ, sau khi xem báo biết được những thất bại của đề án 112 với kinh phí hàng ngàn tỷ, vẫn trông đợi một ngày không xa Việt Nam đạt mục tiêu chính phủ điện tử:

“Tuy là những con người không tốt, làm thất thoát tiền tỷ của nhà nước, nhưng chủ trương của đề án tôi cho là rất tốt.”

Thưa quí thính qua một số ý kiến từ giới báo chí trong nước mà chúng tôi ghi nhận được thì việc khai tử Đề án 112 là cấp bách, nhưng giải quyết hậu quả của nó thì thật muôn vàn khó khăn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội phát biểu trên báo tuổi Trẻ rằng, chính phủ Việt Nam nên có một cơ chế, một hệ thống để có thể thu thập được tiếng nói của nhân dân cho những đường lối chính sách và để điều chỉnh kịp thời, tránh những thất thoát, thất bại như đã thấy.