Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Đầu tuần này, Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh thông báo mới tìm thấy thêm 75 người Thượng từ Việt Nam trốn sang Kampuchea. Toán người này lẩn trốn trong rừng ở tỉnh Rattanakiri từ tháng 11 cho đến ngày tiếp xúc được với Cao Ủy.
Tại sao người Thượng vẫn bỏ trốn, trong khi Chính Phủ Việt Nam tiếp tục lên tiếng nói đang thực hiện rất nhiều chính sách nhằm nâng đỡ đời sống của người thiểu số, trong đó bao gồm cả lời cam kết tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng?
Ban Việt Ngữ chúng tôi đã hỏi ông Scott Johnson về vấn đề này. Ông Scott Johnson là cố vấn và là người phát ngôn của tổ chức Sáng Hội Người Thượng (the Montagnards Foundation) có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.
Những tin tức mới nhất
Nguyễn Khanh: Trước hết, xin ông cho chúng tôi biết những tin tức mới nhất mà Sáng Hội nhận được.
Ông Scott Johnson: Tin mới nhất mà chúng tôi được do những người ở Kampuchea cung cấp cho hay có thêm 75 người Thượng liên hệ được với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và hiện đang được Cao Ủy giúp đỡ. Theo chỗ tôi hiểu thì toán người này vượt biên giới qua ngã Pleiku.
Chúng tôi cũng mới được biết có 2 người Thượng bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt và có tin nói rằng họ đã bị giết, nhưng chúng tôi chưa thể kiểm chứng được xem thực hư ra sao. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, Sáng Hội chúng tôi rất quan tâm đến tình trạng của 2 người mới bị bắt giữ và của hàng trăm người khác vẫn còn bị giam cầm.
Ngay chính Human Rights cũng nói họ có bằng chứng xác nhận trên 200 người Thượng đang bị giam giữ ở Việt Nam. Tại sao họ bị bắt giam? Họ bị giam cầm chỉ vì đòi hỏi phải được quyền tự do thờ phượng, không chấp nhận lệ thuộc vào những giáo hội do nhà nước dựng lên và đòi hỏi phải được đất canh tác.
Nguyễn Khanh: Hiện nay số người Thượng đang bị giam giữ ở Việt Nam là bao nhiêu người, và tại sao họ bị giam giữ?
Ông Scott Johnson: Con số chúng tôi có được hiện đã lên đến hơn 300 người. Sáng Hội đã phổ biến danh sách này cho tất cả các chính phủ, các tổ chức quan tâm đến tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Chúng tôi cũng được những người đang sinh sống ở Việt Nam cung cấp hình ảnh của khoảng 185 đang bị giam giữ.
Ngay chính Human Rights cũng nói họ có bằng chứng xác nhận trên 200 người Thượng đang bị giam giữ ở Việt Nam. Tại sao họ bị bắt giam? Họ bị giam cầm chỉ vì đòi hỏi phải được quyền tự do thờ phượng, không chấp nhận lệ thuộc vào những giáo hội do nhà nước dựng lên và đòi hỏi phải được đất canh tác.
Nguyễn Khanh: Ông có liên hệ được với thân nhân những người đang bị giam giữ hay không? Thân nhân của họ cho ông biết những gì?
Ông Scott Johnson: Đương nhiên chúng tôi có cách liên hệ với thân nhân những người đang bị tù tội, và họ kể cho chúng tôi nghe chuyện người thân của họ bị đánh đập, tra tấn trong trại giam như thế nào.
Chúng tôi còn được biết là ở trại giam Nam Hà, mỗi khi có phái đoàn quốc tế đến quan sát thì giám thị đem tù nhân người Thượng đi dấu để tù nhân không thể kêu cứu được. Trách nhiệm của chúng tôi là phải vận động dư luận quốc tế để những người không may này được trả tự do trước khi Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO thu nhận Việt Nam làm hội viên.
Sáng hội Người Thượng
Nguyễn Khanh: Mức độ chính xác những tin ông nhận được tới đâu? Tôi muốn hỏi là ông có gặp khó khăn khi tìm cách tiếp xúc với những người đang ở Việt Nam để thu thập tin tức không?
Ông Scott Johnson: Không. Không có gì khó khăn cả. Chúng tôi có cả một mạng lưới cung cấp cũng như kiểm chứng tin tức. Người Thượng ở Tây Nguyên ủng hộ việc làm của chúng tôi, sẵn sàng chia sẻ những tin họ nhận được với chúng tôi, và sau khi kiểm chứng xong, chúng tôi giúp họ lên tiếng với thế giới bên ngoài.
Ở Tây Nguyên, chuyện đàn áp vẫn còn, công an vẫn đánh đập, tra tấn, khủng bố những người theo Thiên Chúa Giáo. Trước đây, họ bắt người dân phải bỏ đạo, bây giờ họ thay đổi chính sách, bắt người dân phải gia nhập các giáo hội do nhà nước thành lập. Nói cách khác, người Thượng vẫn không được tham gia những nhóm cầu nguyện và ai không tuân theo lệnh của nhà cầm quyền thì bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị gây khó khăn.
Nguyễn Khanh: Trong những tháng gần đây, Chính Phủ Việt Nam đã tìm cách giải quyết vấn đề. Nhiều chính sách được nhà nước thực hiện để nâng cao đời sống của các sắc tộc thiểu số, và nhiều đoàn cấp cao được cử vào tận Tây Nguyên làm việc ngay tại chỗ.
Thế tại sao vẫn còn người Thượng bỏ nước ra đi? Có phải vì họ bị xúi dục từ bên ngoài không? Nếu ông cho phép, tôi xin nói rõ là Chính Phủ Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc đích danh Sáng Hội Người Thượng của các ông là tổ chức xúi dục người Thượng gây rối.
Ông Scott Johnson: Hiện đang có hơn 300 người Thượng bị kết án và đang bị cầm tù. Tôi hỏi ông là làm sao một sớm một chiều người ta có thể quên những điều nhà nước đã làm? Tự do tôn giáo vẫn là điều mà tất cả người Thượng đang quan tâm, đang đòi hỏi. Việt Nam đã ký bản thỏa thuận với chính phủ Hoa Kỳ, hứa sẽ cải thiện tình trạng tự do tôn giáo, nhưng tình hình đã thay đổi gì mấy đâu.
Ở Tây Nguyên, chuyện đàn áp vẫn còn, công an vẫn đánh đập, tra tấn, khủng bố những người theo Thiên Chúa Giáo. Trước đây, họ bắt người dân phải bỏ đạo, bây giờ họ thay đổi chính sách, bắt người dân phải gia nhập các giáo hội do nhà nước thành lập. Nói cách khác, người Thượng vẫn không được tham gia những nhóm cầu nguyện và ai không tuân theo lệnh của nhà cầm quyền thì bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị gây khó khăn.
Người Thượng vẫn tiếp tục bị bắt, vẫn tiếp tục bị tra tấn. Mới tháng trước vào dịp Lễ Giáng Sinh, công an, bộ đội được đưa vào từng làng, bắt giữ hàng chục người, dùng roi điện dí họ, bắt họ phải cam kết không được lập nhóm để cầu nguyện nữa.
Mục đích của Sáng hội
Nguyễn Khanh: Ông đừng quên là chính phủ Việt Nam nghi ngờ hoạt động của các ông. Mục đích của Sáng Hội là gì? Mục tiêu mà Sáng Hội muốn đạt được là gì?
Ông Scott Johnson: Sáng Hội chúng tôi quyết tâm đòi hỏi những quyền căn bản cho tất cả những người thiểu số ở Tây Nguyên. Chúng tôi khẳng định không liên quan gì đến các cuộc biểu tình mà người Thượng ở Tây Nguyên tổ chức hồi năm 2001 và năm 2004 cả, mà là những cuộc biểu tình tự phát. Chúng tôi cũng muốn khẳng định trước dư luận thế giới rằng Sáng Hội Người Thượng chỉ làm trách nhiệm lên tiếng bênh vực cho người thiểu số và hoàn toàn không có một ý đồ nào cả.
Nguyễn Khanh: Chứ không phải các ông đang âm mưu gây rối để lật đổ chính quyền hay đòi tự trị?
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Ông Scott Johnson: Không có. Chúng tôi chỉ huần túy hoạt động cho nhân quyền, không hề có ý định lật đổ Chính Quyền, không hề có ý muốn đòi một nước độc lập riêng cho người Thượng. Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam không phải lo âu về những chuyện đó.
Chắc ông cũng biết để có thể loại trừ chúng tôi ra khỏi các hoạt động của những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, Chính Phủ Việt Nam từng tố cáo trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc rằng Sáng Hội chúng tôi là một tổ chức khủng bố. Nhưng chúng tôi không nản chí, tiếp tục vận động dư luận quốc tế, tiếp tục kết hợp với các cộng đồng thiểu số khác ở Mỹ để cùng bênh vực cho những người Thượng đang sinh sống tại Việt Nam.
Vấn đề người Thượng
Nguyễn Khanh: Theo ông, vấn đề người Thượng phải được giải quyết như thế nào?
Ông Scott Johnson: Vấn đề có thể giải quyết thật dễ dàng. Chính Phủ Việt Nam phải tôn trọng quyền lợi của người Thượng, đối xử với họ như những người dân Việt bình thường khác. Người Thượng phải tranh đấu chỉ vì chính sách đàn áp mà Chính Phủ đang cho áp dụng với họ.
Tập thể người Thượng ở Tây Nguyên thấy nếp sống, văn hóa và ngay cả thiên nhiên gần gũi với họ, của họ, đang bị đe dọa. Những đòi hỏi của người Thượng cũng là những đòi hỏi mà các tập thể người thiểu số ở khắp nơi đã đặt ra, như tập thể thổ dân ở Úc, người Da Ðỏ ở Mỹ, người da đỏ ở Nam Mỹ. Ðây không phải là điều mới lạ. Căng thẳng có thể giải quyết ổn thỏa, nếu Chính Phủ Việt Nam đừng đối xử với người Thượng như đối xử với những tên khủng bố.
Nguyễn Khanh: Sáng Hội có liên hệ với chính quyền Hoa Kỳ để trình bày nguyện vọng của mình không? Nếu có, câu trả lời mà ông ghi nhận được từ Washington như thế nào?
Ông Scott Johnson: Tôi nghĩ rằng Washington hiểu rõ vấn đề. Về mặt chính trị, ai cũng biết khi nói đến Việt Nam là nói đến tự do tôn giáo, nhân quyền, nói đến người Thượng, và ngay cả Chính Phủ Hà Nội cũng hiểu đó là những vấn đề họ phải giải quyết.
Sự kiện Bộ Ngoại Giao Mỹ đặt Việt Nam trong danh sách những nước phải đặc biệt quan tâm đến vì quyền tự do tín ngưỡng của người dân không được tôn trọng, là bằng chứng cho thấy Washington ủng hộ việc làm của chúng tôi. Thượng Nghị Sĩ Richard Lugar, dân biểu Chris Smith cũng quan tâm đến việc làm của Sáng Hội chúng tôi. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của hành pháp và lập pháp Mỹ.
Nguyễn Khanh: Ông có liên hệ với các tôn giáo khác, chẳng hạn như các Giáo Hội Tin Lành ở Mỹ để yêu cầu hỗ trợ không?
Ông Scott Johnson: Chúng tôi liên hệ với mọi tôn giáo trên toàn thế giới, phổ biến những lời kêu gọi vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Tự do tôn giáo là quyền mà người dân khắp nơi đều được hưởng, đương nhiên kể cả những người đang sống ở Việt Nam.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Johnson.