Thiền sư Nhất Hạnh kêu gọi tách biệt tôn giáo và chính trị

Thiền sư Thích Nhất Hạnh mới đây nhắc lại lời kêu gọi yêu cầu nhà nước Việt Nam phải tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính quyền ngưng kiểm soát các hoạt động tôn giáo. Theo ông thì đó là nguyện vọng thiết tha của người dân Việt.

0:00 / 0:00

Kêu gọi tự do tôn giáo

ton-giao-1-afp-
Tượng Phật lớn ở núi Bà Nà - Đà Nẵng (AFP Photo/Hoang Dinh Nam)

Ông cũng nhấn mạnh rằng vì sao các quốc gia khác trên thế giới được hưởng quyền tự do tôn giáo, còn dân chúng Việt Nam thì bị cấm đoán bằng đủ mọi cách?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói, Phật Giáo đòi hỏi tự do, và tự do tư tưởng chính là điều kiện cơ bản của sự tiến bộ.

Ông cũng cho rằng hành động thuê mướn côn đồ để đàn áp, tấn công, xua đuổi các tăng sinh pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ là “một vết nhơ trong lịch sử Phật giáo tại Việt Nam”.

Trong suốt bao nhiêu thế kỷ và qua nhiều triều đại, các vị vua và giới lãnh đạo đã tôn sùng đạo Phật, còn chánh quyền đương thời thì tạo ra bao nhiêu cản trở đối với đạo Phật và các tôn giáo khác. Theo Thiền sư Nhất Hạnh thì các tăng sinh Làng Mai chỉ mong ước được yên ổn tu tập, phụng sự đạo pháp trong tinh thần từ bi, nhân ái.

Ông đặt câu hỏi, vì sao nhà nước phải giải tán Bát Nhã bằng mọi cách,cho dù phải áp dụng biện pháp mạnh như vu khống, đánh đập, đe doạ, lừa gạt?

Mỗi người có tín ngưỡng của mình, nhà nước phải cho người ta điều kiện để thực hiện hoài bão đó, đạt tới mục tiêu mà trọn đời đã hy sinh.

Thiền sư Nhất Hạnh<br/>

Hàng trăm tu sinh Bát Nhã tin rằng sở dĩ họ bị săn đuổi, hành hung, buộc phải ra khởi chốn tu tập , hiện phải sống lén lút, ly tán từ nhiều tháng nay là do lời kêu gọi của Thầy Nhất Hạnh yêu cầu nhà nước chấm dứt mọi sự kiểm soát đối với các tôn giáo. Lời kêu gọi này được Thiền sư Nhất Hạnh trình bày trong cuộc tiếp xúc với chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hồi năm 2007.

Qua câu chuyện với Ban Việt Ngữ, ông Nguyễn Thanh Triết, chức sắc Phật Giáo Hoà Hảo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tán thành chủ trương tách rời tôn giáo khỏi chính trị, vì đó là một quan điểm chính đáng:

“Thiền sư Nhất Hạnh đã trở về Việt Nam để phát huy cái chân lý của đạo Phật, tình thương đại đồng. Tổ chức Làng Mai là để thể hiện sự đoàn kết, mà nghe nói có sự xô xát giữa côn đồ và nhà tu, không được sự can thiệp của chánh quyền, để có sự bảo vệ nơi tôn nghiêm.

ton-giao-2-afp
Một tiệm bán tranh ảnh tôn giáo ở Sài Gòn. AFP Photo/Hoang Dinh Nam (AFP Photo/Hoang Dinh Nam)

Qua sự phát biểu của Thiền sư Nhất Hạnh yêu cầu nhà nước không can dự vào tôn giáo, mỗi người có tín ngưỡng, theo tôn giáo, theo đạo lý của mình, làm thế nào cho tốt đời, đẹp đạo, để sống thực với chính mình, lợi ích cho đời, tôi nghĩ rằng điều đó coi như là không vi phạm nhà nước, thì nhà nước phải cho người ta điều kiện để thực hiện hoài bão đó, đạt tới mục tiêu mà trọn đời đã hy sinh.

Việc đó là hợp lý, cái mong mỏi chung của tín đồ Phật Giáo Hào Hảo là muốn làm sao thể hiện đúng với vai trò của mình, cũng như yêu cầu của Thiền sư Nhất Hạnh, sống cho tốt đẹp đối với đất nước có pháp quyền, có tự do, hạnh phúc, đó là sự mong mỏi chung của tín đồ và bản thân tôi, đều có sự tán thán.”

Tôn giáo và pháp luật

Ông Nguyễn Công Hoàng, một tín đồ Thiên Chúa giáo ở Đồng Nai tin rằng, tất cả các tôn giáo đều hướng đến hoà bình, công lý, bác ái, tuy nhiên đối với nhà cầm quyền Việt Nam thì họ không có cùng quan niệm như thế:

“Chuyện tôn giáo và chính trị là vấn đề ai cũng muốn tất bật cả, nhưng khi người ta có chức, có quyền thì họ muốn thể hiện cái thái độ chính trị của họ thôi chứ còn tôn giáo nào thì muốn người tín hữu phục vụ quê hương, đất nước, chính đạo, chính nghĩa của mình.

Tôn giáo mà tách khỏi quy định của nhà nước thì chắc là khó, ai cũng phải sống trong một đất nước có luật pháp, không thể tách rời mình khỏi luật pháp.

Ô. Lê Thanh Long<br/>

Tôn giáo là phục vụ con người, muốn có cuộc sống bình an, đó là tôn chỉ chung, mưu cầu hạnh phúc cho con người, còn họ muốn xen lấn sao đó thì tùy theo quan điểm sống của họ.

Thông tin một chiều thì không rõ nội tình gì cả, không biết vụ Bát Nhã thật hư như thế nào? Tôn giáo thì ai cũng muốn xây dựng đời sống tinh thần, đời sống hoà bình cho con người, cũng chỉ biết vậy thôi.”

Về phía quan chức nhà nước, ông Lê Thanh Long, phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng là địa phương có tu viện Bát Nhả và chùa Phước Huệ toạ lạc thì khẳng định, tôn giáo được tự do hoạt động tại Việt Nam:

"Cái chuyện đó là có chánh sách rõ ràng rồi. Sinh hoạt tự do tín ngưỡng, tôn giáo, làm những cái điều trong pháp luật quy định thôi. Làm trái với quy định của pháp luật thì cái đó không cho phép. Mọi công dân Việt Nam cũng như là tôn giáo đều phải làm việc theo đúng pháp luật. Tôn giáo mà tách khỏi quy định của nhà nước thì chắc là khó, ai cũng phải sống trong một đất nước có luật pháp, không thể tách rời mình khỏi luật pháp.

ton-giao-afp-3
Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. AFP Photo/Hoang Dinh Nam (AFP Photo/Hoang Dinh Nam)

Đất nước nào cũng vậy thôi, cả Mỹ và cả thế giới đều phải sống theo pháp luật, ở nước nào thì người dân cũng phải tôn trọng pháp luật nước đó. Tôn giáo tách khỏi pháp luật thì cái đó không thể được, tôi xin nói ông vậy.

Anh là một nhà báo thì anh cũng phải nhìn nhận rằng, ở Việt Nam rất tôn trọng tự do tín ngưỡng, quyền tự do đó, người ta khẳng định rất là cao, và ông sẽ hiểu điều đó, vì là tình hình chung hiện nay, không ép buộc ai hết, hay bị ràng buộc vấn đề này, vấn đề khác. Chúng tôi cũng là người thực thi pháp luật, chúng tôi rất tôn trọng vấn đề đó, tôi cám ơn.”

Nhà nước Việt Nam luôn quả quyết rằng, những rắc rối, xung đột xảy ra tại Bát Nhã là do tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ giữa các môn phái Phật giáo.

Trong khi đó, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu cùng nhiều chánh phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên bày tỏ quan ngại trước sự việc “máu, nước mắt” đã đổ xuống Bát Nhã và Lâm Đồng, theo như tường thuật của giới truyền thông quốc tế, suốt nhiều tháng nay.