Vì sao một hành động tội ác được che đậy nhiều năm?

0:00 / 0:00

Sự việc một công ty cổ phần ở Thanh Hóa, đã chôn xuống đất hàng chục thùng phuy thuốc trừ sâu từ năm 2005, đang được chú ý trở lại vào khi mẫu hóa chất độc hại được thu thập để xét nghiệm lần thứ hai trong lúc người dân quyết định tiến hành một cuộc xét nghiệm độc lập.

Tại sao hành động chôn thuốc trừ sâu xuống đất bị người dân lên án đến vậy, và tại sao việc vỡ lỡ bao năm mà đến giờ chưa ngả ngũ?

Một thủ đoạn tàn ác

Đó là công ty cổ phần Nicotex Thành Thái, hoạt động trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Từ 2005, Nicotex Thành Thái đã chôn hàng chục thùng phuy chứa thuốc trừ sâu trong khuôn viên của xã Cẩm Vân này.

Điều đáng nói là khi chôn thì muối và vôi được phủ quanh thùng hóa chất trước khi lấp đất lại. Mục đích của việc rảy vôi và muối là nhằm làm cho thùng phuy bị hư thủng nhanh đi để nước mưa có thể ngấm vào bên trong khiến thuốc trừ sâu tràn ra ngoài và thấm dần dần vào trong đất.

Chôn như thế là vi phạm luật pháp, là cái dã man vô cùng, là cách giết dần mọi người. Bởi vì vôi sẽ làm bong sơn ra và muối sẽ làm thủng phuy. <br/> -TS Nguyễn Văn Khải

Hậu quả là hóa chất, tức chất thuốc trừ sâu độc hại đã tan ra trong đất, sẽ thấm vào các mạch nước ngầm rồi làm nguồn nước mặt bị ô nhiễm, hủy hoại cây cối, hoa màu và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người.

Dòng nước ngầm bị nhiễm độc chất hóa học là cách giết người âm thầm, bền bĩ vì tác hại của nó kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau.

Đó là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, nguyên giàm đốc Trung Tâm Tư Vấn Tiết Kiệm Điện Và Dung Dịch Hoạt Hóa Điện Hóa:

“Năm 2005 là bão rất to ở Thanh Hóa. Sau cơn bão tôi vào giúp dân xử lý nước. Khi đi qua những vùng ấy thì thấy có mùi rất nặng. Hỏi thì có người nói rằng có lẽ đây là do các công ty thuốc trừ sâu người ta đang vận chuyển thuốc, vận chuyển nguyên liệu rồi bão nước ngập cho nên thuốc trừ sâu no lan ra, chắc chỉ vài hôm nữa là hết. Còn việc công ty Nicotex Thành Thái bị phát hiện đó là dân, người ta đã phục vào ngày 26 tháng Tám năm nay người ta đã tóm được cái xe vận chuyển các thùng phuy, thì lại bị cảnh sát giải tán dân để cho xe đi. Thế nhưng dân đấu tranh kiên quyết giữ xe lại và mở ra thì trong đó có 16 phuy chất độc.”

Với kinh nghiệm ba mươi năm chuyên tâm nghiên cứu về môi trường ở trong cũng như ngoài nước, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhận định việc chôn thuốc trừ sâu xuống đất rồi cho vôi và muối vào để làm lủng các thùng phuy đó là thủ đoạn tàn ác nhất mà ông chưa từng thấy trước giờ.

Thùng phuy chứa hoá chất độc được chôn xuống đất, ảnh chụp hôm 25/08/2013. Photo courtesy of giaoduc.
Thùng phuy chứa hoá chất độc được chôn xuống đất, ảnh chụp hôm 25/08/2013. Photo courtesy of giaoduc.

“Chôn các chất thải sau một quá trình sản xuất theo tôi là chuyện thường có, thậm chí đấy là chất độc. Ở Việt Nam, ai cũng biết thuốc trừ sâu là chất độc hại. Khi một nông dân phun thuốc trên đồng lúa thì phải đeo khẩu trang, phải đeo găng tay. Khi có dịch bệnh, thú y đi phun Chloramine cũng phải có khẩu trang và đeo găng tay. Công ty Nicotex Thành Thái chôn các bình chất độc, tôi chưa biết có phải thuốc trừ sâu hay không bởi tôi chưa tân mắt, nhưng nếu như tất cả người dân sau khi khai quật chúng lên phải bịt mũi, tất cả các phóng viên phải bịt mũi, nhìn các cái vỏ thì giống như vỏ của thuốc trừ sâu, thì tôi nghĩ đó là thuốc trừ sâu và một số chất độc khác. Họ là những người rất giỏi, họ biết dùng vôi và muối chôn cùng với các thùng phuy.

Chôn như thế là vi phạm luật pháp, là cái dã man vô cùng, là cách giết dần mọi người. Bởi vì vôi sẽ làm bong sơn ra và muối sẽ làm thủng phuy. Nếu trong thùng phuy chứa chất lỏng thì chất lỏng sẽ chảy ra. Tất nhiên đến giai đoạn nào đó mực chất lỏng thấp hơn, khi nước mưa ngấm vào nó sẽ chảy dần ra, làm chất độc lan tỏa một cách chầm chậm từ từ. Chất độc giết hại người ta không phải chỉ trong vài năm mà có thể hàng trăm năm. Đấy là cái tội ác.”

Trách nhiệm của chính quyền?

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, xã Cẩm Vân huyện Cẩm Thủy nằm trên vùng cao, nguồn nước bị nhiễm độc sẽ chảy xuống Cẩm Mỹ, Yên Định là vùng thấp hơn, như vậy hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn.

Nguồn tin trên báo Lao Động hôm cho hay hôm 2 tháng Chín người dân sống gần trụ sở của Nicotex Thành Thái một mặt dựng lán trại quanh cơ sở sản xuất thuốc trừ sâu này nhằm ngăn chặn sự tẩu tán tang vật hoặc thay đổi hiện trường, mặt khác tiếp tục truy tìm thêm những hố chôn thuốc trừ sâu khác trong khu vực.

Chính quyền phải xây một cái bể xi măng cực lớn, cất vào đấy, đây kín lại, để hơi độc không bay bốc, không lan tỏa trên mặt đất. Phải xứ lý khoa học nhất, sao cho an toàn nhất. <br/> -TS Nguyễn Văn Khải

Bước sang ngày 4 tháng Chín, dưới sự giám sát của Phòng Cảnh Sát Môi Trường, Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường. nhân viên của Chi Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng thuộc Trung Tâm Dịch Vụ Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Đo Lường tỉnh Thanh Hóa, tiến hành lấy mẫu chất độc lần thứ hai và đưa đi xét nghiệm, Tin nói nhiều người dân tham gia công việc lấy mẫu giúp cơ quan chức năng đã tự đào bới bằng tay, không đeo khẩu trang cũng không được trang bị bất cứ dụng cụ bảo hộ chống độc nào.

“Tại những chỗ đó người ta đào được các thùng phuy, các túi ni lông đựng rất nhiều vỏ bao thuốc hoặc là hóa chất …Tất cả những chuyện này là báo chí biết cả rồi, cái quan trọng nhất là cái số thuốc trừ sâu đó sẽ được khai quật như thế nào, sẽ được xử lý như thế nào. Trong trường hợp này dân phát hiện ra và bước thứ hai là chính quyền phải xử lý.”

Vẫn theo nguồn tin do báo Lao Động thu thập được, từ năm 2003 lượng độc chất mà Nicotex Thành Thái chôn xuống đất vào khoảng 5 tấn, nơi chôn đến lúc này chưa được khai quật. Như vậy, cùng với khoảng hơn 20 thùng phuy mà người dân tìm ra sau khi tự dùng cuốc xẻng đào xới mấy ngày, thì tổng cộng khoảng 10 tấn thuộc trừ sâu chôn dưới đất đã được tìm thấy, chưa kể 15 hay 16 thùng phuy thuốc sâu bị người dân bắt quả tang khi trên đường tẩu tán khỏi hiện trường.

Cảnh báo về vấn đề nhiễm độc khi người dân tay tự đào bới để tìm tang vật mà không được trang bị dụng cụ bảo hộ để tránh nhiễm độc, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nói đây không phải trách nhiệm của dân mà là của chính quyền:

“Bởi vì khi máy xúc mà xúc vào cái thùng phuy hoặc khi cuốc vào thùng phuy thì hóa chất bắn tung ra, khi người ta giở những cái túi thì tất cả vỏ thuốc bắn tung ra thì đầu tiên người ta bị hơi độc. Hơi độc đó có thể làm người ta ngất ngay, cũng có thể vài hôm sau người ta mới bắt đầu bị bệnh đường hô hấp. Cho nên người dân, nếu không có chuyên môn, không nên khai quật những chỗ này mà các cơ quan chuyên môn phải có nghĩa vụ khai quật.

Thứ hai là chính quyền phải xây một cái bể xi măng cực lớn, cất vào đấy, đây kín lại, để hơi độc không bay bốc, không lan tỏa trên mặt đất. Phải xứ lý khoa học nhất, sao cho an toàn nhất.”

Một câu hỏi, đúng hơn một vấn đề khác, mà người dân Thanh Hóa nói chung cũng như tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nói riêng đặt ra ở đây, là vụ việc Nicotex Thành Thái chôn những thùng phuy thuốc trừ sâu xuống đất được nghe đến từ 2003 mà bao năm qua chưa thấy động thái, phản ứng hoặc biện pháp xử lý rốt ráo từ giới chức thẩm quyền địa phương.