Thú vui “độ” xe chơi Tết

“Độ” xe từ lâu đã trở thành một phong trào khá phổ biến trong giới thanh thiếu niên Việt Nam.

Niềm vui ngày Tết

Càng đến những ngày cận Tết, dân thích độ xe càng gấp rút “tút” lại chiếc xe của mình cho kịp những cuộc hẹn đi chơi với bạn bè đồng sở thích, mặc cho số tiền để “độ” một “con xe” đôi khi lên đến hơn cả giá trị của chiếc xe.

Đã thành lệ, cứ đến dịp gần Tết, giới thanh thiếu niên Việt Nam lại đưa xe đi “làm đẹp” hay còn gọi là “độ” xe.

Tết thường hay đi chơi, gặp gỡ bạn bè thì dạng như một hình thức “khoe mẽ” vậy mà. Mình muốn chứng tỏ mình là một người biết chơi xe, yêu xe.

Bạn Dũng

“Độ” xe được chia ra thành nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ đơn giản là trang trí bề ngoài xe bằng tem, decal hoặc làm đẹp các chi tiết xe bằng inox sáng. Cấp độ cao hơn là thay đổi toàn bộ từ sơn bên ngoài đến phụ tùng trong xe như mặt đồng hồ, vỏ lóc máy, mặt nạ, chụp đèn, phuộc…

Dũng, một tay chơi độ xe nhiều năm cho biết công việc độ xe đòi hỏi nhiều công đoạn rất tỉ mỉ và tùy thuộc rất lớn vào túi tiền của chủ nhân:

“Làm đẹp” thì mình chủ yếu là “tút” lại dàn áo hoặc sơn lại màu thì mình đem ra tiệm.Còn tem thì mình lên thành phố để thiết kế ra rồi về mình tự đi dán. Nếu làm tem có dạ quang thì hết chừng 400.000 – 500.000 đồng, còn tem thường mà là loại tem tốt thì khoảng 350.000 đồng. Muốn độ xe thì chủ yếu tùy thuộc vào túi tiền của mình thôi. Mình mới làm xong chiếc của mình, hết chừng 24 – 25 triệu, làm mới từ trong ra ngoài luôn, chỉ còn cục máy và bộ giấy là cũ thôi.”

imagesuiyfui250.jpg
Một chiếc xe được "độ". Photo courtesy of zing.vn

Trào lưu độ xe hiện nay phát triển nhanh đến độ có cả một hệ thống dịch vụ đồ sộ ăn nên làm ra nhờ công việc chăm sóc cho thú vui này. Ở tại các thành phố lớn, dịch vụ độ xe chia ra thành nhiều công đoạn khác nhau, từ dịch vụ thiết kế tem, decal đến sơn, dán, thay phụ tùng… Thậm chí một số thành phố lớn còn có những khu vực độ xe được chia ra tùy theo chi tiết xe muốn độ, chẳng hạn khu đường Ký Con, Q.1, TPHCM nổi tiếng về các loại ánh sáng và âm thanh dùng để “độ” xe, còn khu Dương Tử Giang, Q. 5 lại chuyên về độ khung xe…

Riêng công nghệ, mẫu mã và các phụ kiện để độ xe cũng rất phát triển và cập nhật, từ việc gắn những âm thanh lạ, ánh sáng bắt mắt trên thân hay gầm xe đến công nghệ sơn phun 3D hoặc gắn đèn theo điệu nhạc. Chính vì sự cầu kỳ và phức tạp của công nghệ độ xe nên đối với giới thanh thiếu niên còn chưa tự kiếm tiền được cách tốt nhất là tự làm những công việc có thể tại nhà, mặc dù khả năng làm tại nhà khá hạn chế. Dũng cho biết:

“Nói chung là tự làm ở nhà thì chỉ có thể tháo banh một chiếc xe ra, mang những món đồ nhỏ đó đi sơn sửa, rồi về ráp vô lại, tự ráp được mà không cần thợ. Còn máy với sơn, tem… là mình phải có người chuyên về việc đó làm cho mình thì đẹp hơn.”

Yêu xe

“Làm đẹp” thì mình chủ yếu là “tút” lại dàn áo hoặc sơn lại màu thì mình đem ra tiệm.Còn tem thì mình lên thành phố để thiết kế ra rồi về mình tự đi dán.

Bạn Dũng

Từ những kinh nghiệm riêng trong việc chơi xe, giới "độ" xe thường tổ chức chơi thành nhóm hay câu lạc bộ để giới thiệu và hướng dẫn nhau những kiểu làm đẹp mới, sáng tạo của mình.
Số tiền để "độ" một chiếc xe rất vô chừng, thường phụ thuộc vào túi tiền của chủ nhân. Những sinh viên, học sinh có túi tiền hạn chế thì thường "độ" xe nhiều lần, đặc biệt chọn vào những dịp gần lễ, Tết. Hữu Huy, chủ nhân một tiệm độ xe cho biết:

“Mùa này Tết thì nhiều lắm. Thường thì họ vẫn ‘độ xe’ nhưng Tết thì họ làm một ít đồ thêm nữa. Ví dụ như tiền của họ được chừng nào thì họ làm chừng đó trước, rồi cứ làm từ từ thôi.”

Tại sao chọn dịp lễ Tết để độ xe? Theo Dũng, đây là dịp nghỉ ngơi, có thời gian và tiền bạc hơn để chăm sóc cho chiếc xe, đồng thời cũng là dịp tốt để tụ tập bạn bè, khoe công trình của mình. Dũng nói:

“Tết thường hay đi chơi, gặp gỡ bạn bè thì dạng như một hình thức “khoe mẽ” vậy mà. Mình muốn chứng tỏ mình là một người biết chơi xe, yêu xe. Lúc nào xe mình cũng phải sạch đẹp, cũng “đồ dữ” trên đó.”

489c4426_c-250.jpg
Một chiếc xe Honda SH "độ". Photo courtesy of longxuyenonline.

Tuy nhiên, thú vui độ xe cũng đi kèm với không ít rắc rối. Đã có một thời gian, nhiều cư dân ở các thành phố đã phải lên tiếng than phiền vì những âm thanh lạ như tiếng chó sủa, tiếng còi cảnh sát, xe cứu thương… những chiếc xe độ phát ra đã khiến cho nhiều người phát hoảng và gây ra tai nạn. Vì vậy, những chiếc xe độ bắt mắt cũng chính là điểm ngắm của cảnh sát mỗi khi ra đường. Bên cạnh đó, thú vui này cũng tiêu tốn thời gian và số tiền không nhỏ của nhiều sinh viên, khiến việc học của họ bị ảnh hưởng không ít. Thêm vào đó, nếu việc độ xe không được làm cẩn thận, giá trị của chiếc xe cũng bị ảnh hưởng:

“Chủ yếu là máy bạn làm chưa hay chưa làm thôi. Một khi bạn “chẻ” máy, làm nổ máy thì bán không được giá như lúc mình mua, cho dù là bạn chơi “đồ dữ” ở trong đó.”

Ngoài ra, những chiếc xe độ đòi hỏi phải được chăm sóc cẩn thận, kỹ lưỡng nên khả năng đi xa cũng bị hạn chế.

“Nói chung xe độ hạn chế đi xa. Mình muốn xe mình tiếng máy trong thì đừng đi xa, đi gần gần đâu đó uống café nói chuyện, tán dóc chơi thôi.”

Do có những điểm hạn chế trên nên không phải bạn trẻ nào cũng thích và có đủ khả năng để theo đuổi thú vui độ xe. Chính vì vậy, một chiếc xe sạch sẽ và được bảo dưỡng cẩn thận để đi chơi Tết vẫn là lựa chọn an toàn nhất đối với số đông.

Theo dòng thời sự: