Có nhận định cho rằng giới trẻ Việt Nam từ sau năm 1975 không quan tâm mấy đến tình hình chính trị. Tiếng nói chính thức của thanh niên trên mọi diễn đàn được cho phép của quốc gia là tiếng nói của Đoàn thanh niên cộng sản, lực lượng hậu bị của đảng cộng sản cầm quyền. Tuy thế, nay có những tín hiệu cho thấy có thay đổi.
Một thế hệ mới
Thanh niên Việt Nam lên tiếng ngày càng nhiều về những vấn đề xã hội- chính trị của quốc gia. Và những tiếng nói này không phải là tiếng nói của cơ quan chủ quản của nhà nước dành cho thanh niên nữa. Họ lên tiếng về mọi vấn đề, đến cả vấn đề rất lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia như sửa đổi Hiến pháp.
Một nhóm mệnh danh là "Những công dân tự do" mà trong đó có rất nhiều bạn trẻ, đã ra một tuyên bố nhằm vào việc sửa đổi Hiến pháp, thậm chí có phần nào mạnh mẽ hơn kiến nghị 72 của các nhân sĩ trí thức đưa ra trước đây. Nhóm "Những công dân tự do" không chỉ phải yêu cầu sửa Hiến pháp 1992 mà làm một Hiến pháp mới. Blogger Mẹ Nấm, một trong những người đề xướng của tuyên bố này, nói"bản Hiến Pháp 1992 là một văn bản sai."
Một công dân trẻ tuyên bố công khai về tính đúng đắn của một văn bản do đảng cộng sản ban hành là một việc làm hiếm thấy.
Nhóm "Những công dân tự do" cũng đề cập đến sự việc nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị cho thôi việc vì phản biện lại tổng bí thư đảng cộng sản VN, bày tỏ chính kiến ủng hộ anh Nguyễn Đắc Kiên, chống lại điều bất công mà anh ấy phải chịu.
Các bạn trẻ hơn em rất nhiều….những bạn thanh niên trẻ đã bắt đầu quan tâm, thể hiện thái độ của mình.<br/> - Blogger Mẹ Nấm <br/>
Facebooker Hành Nhân, người cũng ký tên vào tuyên bố của Nhóm Công dân tự do nói "Điều này rất là bình thường, như anh Nguyễn Đắc Kiên viết lời chỉ trích tổng bí thư NPT, anh ấy biết là sẽ gặp hệ lụy cho bản thân và công việc nhưng anh ấy vẫn chấp nhận. Tụi mình muốn lên tiếng và sát cánh bên anh ấy."
Blogger Mẹ Nấm nói "Các bạn trẻ hơn em rất nhiều….những bạn thanh niên trẻ đã bắt đầu quan tâm, thể hiện thái độ của mình."
Tuổi trẻ, thanh niên và sinh viên VN có một lịch sử dấn thân từ những năm đầu của thế kỷ 20 cho độc lập dân tộc, đến những cuộc biểu tình đòi tự trị đại học, chống chiến tranh của sinh viên Sài gòn những năm 60-70 thế kỷ trước.
Từ khi đảng cộng sản nắm quyền trên toàn bộ lãnh thổ kể từ 1975, âm thanh phản kháng của tuổi trẻ VN biến thành vô thanh suốt ba thập kỷ. Nhà nước đã tổ chức đưa thanh niên học sinh, sinh viên vào những đoàn thể quần chúng. Tiếng nói chính thức được coi là của thanh niên, duy nhất được chấp nhận là của Đoàn thanh niên cộng sản, mà các lãnh đạo của nó không phải là những thủ lĩnh thanh niên mà chỉ là những quan chức hành chánh ngấp nghé leo lên những bậc thang trong hệ thống chính trị độc đảng.
Dám lên tiếng
Cuộc biểu tình chống TQ vào cuối năm 2007 tại Sài gòn như một ngọn gió giúp hồi sinh tinh thần dấn thân của tuổi trẻ VN. Trước đó Tập hợp thanh niên dân chủ đã được thành lập. Thanh niên học sinh không còn bàng quan trước vận mệnh của đất nước nữa. Năm 2010 xuất hiện bài viết về sự cần thiết phải quan tâm đến chính trị của bloger trẻ tuổi Huỳnh Thục Vi. Toàn cầu hóa và sức mạnh của công nghệ làm cho đoàn thanh niên cộng sản dường như không còn kiểm soát được tất cả mọi thành viên thanh niên trong xã hội. Một không gian ý tưởng đa dạng hơn đã hình thành.
Sự đàn áp, bắt bớ của nhà cầm quyền ngay sau năm 2007 cho thấy họ rất lo ngại sự quan tâm của thanh niên đến đất nước, một điều ngược lại với những tuyên truyền chính thức của họ, họ lo ngại vì sự quan tâm đó không do họ kiểm soát. Sự kiện "Những công dân tự do" đã khơi lại hy vọng sự dấn thân của thanh niên vượt qua sự sợ hãi mấy mươi năm nay.
Bogger Mẹ Nấm nói tiếp: "Rất nhiều bạn, nói rất nhiều thì cũng có thể hơi lạc quan nhưng mà nó không buồn giống như ba năm trước nữa."
Bây giờ không phải chỉ có chống âm mưu xâm lăng của Trung quốc, mà là bênh vực nạn nhân của bất công, bênh vực người can đảm dám cất cao tiếng nói chống lại sự trí trá của giới cầm quyền.
Bây giờ họ đã không ngần ngại nữa khi nói đến tự do tư tưởng như Facebooker Hành Nhân nói:
Thể hiện quyền tự do tư tưởng, chính kiến của mình không có gì sai cả. Tuổi trẻ bây giờ có ý kiến về chuyện đó rồi, dám lên tiếng và trả giá về những điều mình làm. Mình phải đòi quyền lợi của mình.<br/> - Facebooker Hành Nhân
“Thể hiện quyền tự do tư tưởng, chính kiến của mình không có gì sai cả. Tuổi trẻ bây giờ có ý kiến về chuyện đó rồi, dám lên tiếng và trả giá về những điều mình làm, họ biết là những điều đó không ai dám lên tiếng thì họ phải lên tiếng để xã hội nó thay đổi đi. Đó là chuyện bình thường, mình phải đòi quyền lợi của mình, nếu mình không đòi thì ai đòi cho mình?”
Sau sự kiện thanh niên VN biểu tình chống TQ ngày 19/12/2007, luật sư Lê Công Định, người có nhiều bài viết mang tính dấn thân cho một Việt Nam tốt đẹp hơn, đã thốt lên “xin ngả mũ chào một thế hệ dấn thân.”
Nhà nước độc đảng đang cai trị rất sợ những tập hợp chính kiến nằm ngoài sự kiểm soát của nó, nó sẽ không nằm yên. Chúng ta cũng chưa biết chắc đã có một thế hệ thanh niên mới dấn thân để thay đổi xã hội và chính trị của VN hay chưa! Trường đại học, cái nôi của trí tuệ và phản kháng vẫn còn im lìm đằng sau các biểu ngữ của đoàn thanh niên cộng sản. Nhưng tập hợp “những công dân tự do” phải chăng đang cho chúng ta một hy vọng?