Theo dõi báo chí thì đây là vụ án xử những người đã tổ chức rải truyền đơn, tố cáo tham nhũng, hướng dẫn người dân Đà Nẵng đi khiếu kiện đông người và dài ngày ở Hà Nội và họ đã bị qui kết là hành động sai trái có mục đích.
Những đối tượng gọi là bị hại trong vụ này, phải kể tới ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên trung ương Đảng, bí thư thành ủy Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh từng được báo chí đánh giá là người có những hành động mạnh mẽ, không theo khuôn mẫu trong đảng cộng sản VN.
Bị cáo là công an, cán bộ cao cấp
Theo Vn Express, ngày 23/9 Tòa Án Đà Nẵng đã trả hồ sơ về Viện Kiểm Sát để điều tra bổ sung, ngoài ra tòa còn đề nghị khởi tố Thiếu Tướng Trần Văn Thanh, chánh thanh tra Bộ Công An, nguyên Giám Đốc Sở Công An Đà Nẵng về tội danh đồng phạm. Tòa cũng yêu cầu làm rõ vai trò chủ mưu của Tướng Thanh trong vụ này.
Tướng Thanh có thể bị khởi tố hay không còn tuỳ thuộc quyết định của trung ương. Nhưng trước đó đã có ba người lần lượt bị bắt giam và khởi tố gồm: trung tá công an Dương Ngọc Tiến, bút danh Dương Tiến, trưởng văn phòng đại diện Báo Công An TPHCM tại Hà Nội, cựu thiếu tá công an Đinh Công Sắt và một người nữa là Nguyễn Phi Duy Linh 39 tuổi cư trú Đà Nẵng.
Theo báo chí mô tả thì ông Đinh Công Sắt thuộc gia đình có công với cách mạng, bà nội và bà ngoại là bà mẹ VN anh hùng. Ông Sắt phạm kỷ luật và bị tước quân hàm năm 2005. Tới trước kỳ bầu cử 2007 thì ông Sắt tham gia vào các hoạt động như đã nói.
Không phải họ nói sai sự thật, mà sự thật nó có chiều sâu hơn nữa chẳng hạn, chuyện đó mình không thể biết được. Tại sao lúc thì lại được thưởng lúc thì lại bị bắt mà cũng là một quyền lực một nhà nước đối xử với họ chứ có phải là hai nhà nước đâu.
Nhà báo Văn Lang
Được yêu cầu nhận định về các tình tiết của vụ án, LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội phát biểu:
“Đấu trường chính trị khá phức tạp, trong trường hợp ấy người ta đặt sứ mạng chính trị của mình vào. Thế nhưng tôi nghĩ rằng phải đặt ra một cơ chế thế nào để người ta không lợi dụng để hại người này, người kia một cách có chủ ý.
Thực tế ở VN có những chuyện tham nhũng thật, người dân biết thật nhưng cuối cùng không thấy có xử lý gì cả, tức là gây hoài nghi lớn, nhiều người có trọng trách cũng biết điều đó thật và họ tìm cách đấu tranh bằng phương thức này phương thức kia thật, để đem những việc ấy ra ánh sáng.
Nhưng nếu họ đấu tranh hoàn toàn khách quan thì lại khác, nhưng mà họ lại đấu tranh dưới dạng gắp lửa bỏ tay người, nhân dịp đấu đá nội bộ thì lại là vấn đề khác. Tôi nghĩ là để khách quan trong những việc này cực kỳ khó, chính vì thế quan điểm của tôi là cơ quan pháp luật, đặc biệt là tòa án và Viện Kiểm Sát càng ngày càng phải độc lập, không bị ảnh hưởng của ông A bà B các thế lực chính trị nào, mà chỉ làm đúng theo pháp luật.
Mọi lời tố cáo phải đúng theo pháp luật, cho dù địa vị thế nào cũng vẫn phải xem xét đơn tố cáo, cho dù người tố cáo là bất kỳ ai, nhưng người tố cáo đúng thì phải điều tra xử lý đến cùng. Nếu người ta tố cáo sai thì cũng có những biện pháp để xử lý, luật lệ cũng rõ rồi. Cơ quan pháp luật phải hoàn toàn độc lập, nhưng cũng phải bảo đảm có một thiết chế để bảo vệ người tố cáo.”
Tham nhũng, Quyền lực, Phe cánh
Vụ án này khá phức tạp, vì có thể có sự tròng tréo giữa vấn đề chống tham nhũng, tranh chấp quyền lực cũng như có thể có tư thù tư lợi. Dư luận chưa quên câu chuyện xảy ra với tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14 trưởng ban chuyên án PMU18 hồi tháng 4 vừa qua.
Trong vụ tướng Quắc và các nhà báo, người bị hại là ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, khi ông Nguyễn Việt Tiến được trả tự do, thì các nhà báo năng nổ trong vụ PMU18 bị bắt vào tù, tướng Quắc bị khởi tố vì bị cho là người cung cấp thông tin. Vụ Đà Nẵng cũng có những sự kiện tương tự.
Ngược dòng thời gian, năm 2007 trước cuộc bầu cử quốc hội nhiệm khoá mới, Đà Nẵng liên tục xảy ra những vụ rải truyền đơn tố cáo tham nhũng, liên quan tới một số giới chức lãnh đạo thành phố, đặc biệt tố cáo đích danh ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên trung ương Đảng, bí thư thành ủy kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân TP Đà Nẵng.
Cùng thời gian nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo tham nhũng được gởi lên cấp cao nhất của Nhà Nước liên quan tới những dự án lớn ở Đà Nẵng như công trình cầu sông Hàn, dự án Đồng Nò, dự án Cụm Cảng Hàng Không miền Trung.
Ngoài ra còn có vụ các bà mẹ VN anh hùng từ Đà Nẵng ra giăng biểu ngữ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội để đòi công lý.
Tất cả những biến động vừa nói, được chính quyền cho rằng do một tổ chức ba người thực hiện gồm: nhà báo Dương Tiến, tức trung tá Dương Ngọc Tiến, trưởng văn phòng Hà Nội của báo Công an TPHCM, thứ nhì là nguyên thiếu tá công an CSGT Đinh Công Sắt và thứ ba là Nguyễn Phi Duy Linh.
Người thì tham mưu lập kế hoạch người thi hành và công cụ thông tin là các bài báo của Trung Tá Dương NgọcTiến trên báo Công An TPHCM. Diễn biến mới nhất là vai trò của thiếu tướng Trần Văn Thanh, chánh thanh tra Bộ Công An, nguyên giám đốc sở công an Đà Nẵng.
Ông Văn Lang, một nhà báo tự do ở Saigon, người từng tham gia nhiều diễn đàn trên mạng, đã phát biểu với chúng tôi:
“Tôi cũng đọc báo, nhưng nguồn thông tin báo chí trong nước đôi khi mình cũng không tin cậy lắm. Không phải họ nói sai sự thật, mà sự thật nó có chiều sâu hơn nữa chẳng hạn, chuyện đó mình không thể biết được. Do đó tôi theo dõi báo chí như một nguồn tham khảo thôi, chứ tôi ít tin cậy vào những thông tin đưa ra, bởi vì những gì đưa ra trung thực thì trước sau cũng bị nghỉ việc, hoặc thế này thế nọ.
Như chuyện hai nhà báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ đó, mình không biết được là họ có trung thực hay không, cái đó rất là khó. Tại vì trước kia thì họ được thưởng trong vụ PMU18 rồi sau đó họ lại bị bắt, như vậy thì người ta hỏi hai người này là người như thế nào. Tại sao lúc thì lại được thưởng lúc thì lại bị bắt mà cũng là một quyền lực một nhà nước đối xử với họ chứ có phải là hai nhà nước đâu.”
Tư thù trong giới lãnh đạo?
Theo quan điểm của hội đồng xét xử Tòa Án Đà Nẵng, thì thiếu tướng Trần Văn Thanh có vai trò đồng phạm và có thể là chủ mưu trong vụ án. Liệu đây có thể bị xem là hành động có tổ chức hay không khi 1 thiếu tướng, 1 trung tá nhà báo, 1 thiếu tá và một thường dân lên kế hoạch gây ra những sự kiện khá là chấn động. LS Trần Vũ Hải nhận định:
Không loại trừ có những hành vi nào đấy coi là tư thù cá nhân. Các vị lãnh đạo cấp cao vị nào cũng có kẻ thù cả, thì không biết là ai trả thù ai, chưa thể biết được. <br/>
LS Trần Vũ Hải
“Tôi là luật sư, chưa biết rõ về vấn đề này cũng chỉ nghe những thông tin một chiều thôi. Tôi thấy rằng khó có khả năng được coi là có tổ chức, không lọai trừ có những hành vi nào đấy coi là tư thù cá nhân, thế rồi tư thù không biết từ phiá ai, nhất thiết cần làm rõ.
Nhất là cơ quan điều tra lại là cơ quan điều tra của Đà Nẵng, mà trước đây ông chánh thanh tra lại là giám đốc sở công an Đà Nẵng, anh biết rồi, các vị lãnh đạo cấp cao vị nào cũng có kẻ thù cả, thì không biết là ai trả thù ai, chưa thể biết được.
Tất nhiên một vấn đề là có khả năng xảy ra, dẫn tới có việc nọ việc kia, thì cũng chưa thể kết luận được là có tổ chức hay không, mà có thể là có hành vi tư lợi, chưa biết từ phía nào.”
Vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân có lẽ sẽ còn kéo dài.
Nhưng quả là sự kiện chưa từng có trong chế độ xã hội chủ nghĩa VN, khi các bị cáo là đảng viên, sĩ quan công an cao cấp lại có những hành động như rải truyền đơn, tố cáo tham nhũng hàng loạt, kích động dân oan khiếu kiện và một trong các đối tượng bị nhắm tới là ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên trung ương đảng, bí thư thành ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng.