Ukraine vô cùng bấp bênh, như lời TTK/ LHQ

Không ràng buộc

Phe dân quân thân Nga tuyên bố không bị ràng buộc gì với Thỏa ước Genève về miền Đông Ukraine vừa được Mỹ, Liên Âu, Nga và Ukraine đạt được hôm thứ năm.

Lãnh tụ tự phong của lực lượng tự nhận là "Cộng hòa nhân dân Donetsk", Denis Pushilin, nói các tay súng của ông chỉ rời khỏi công thự chiếm của chính quyền Donetsk sau khi Thủ tướng và Tổng thống lâm thời của Ukraine cũng rời khỏi những cơ sở mà họ đã chiếm cứ bất hợp pháp từ cuộc đảo chính ở Kiev.

Thêm vào đó, phe thân Nga muốn mọi điều kêu gọi lực lượng thân Nga buông súng phải đi kèm với việc quân đội Ukraine rút khỏi Slaviansk và Kramatorsk.

Lực lượng ly khai ở Slavyansk cũng cố thủ bên trong bộ chỉ huy cảnh sát với 6 thiết vận xa mà họ lấy được của lữ đoàn 25 nhảy dù Ukraine hôm thứ tư.

Dường như ngay sau khi ký kết thỏa ước Genève hôm thứ năm, phương Tây đã nghiêm trọng cảnh báo Nga về tình trạng này.

Hai Ngoại trưởng Mỹ và Nga trong phòng họp hội nghị 4 bên về Ukraine, Genève, 17 tháng tư, 2014 - AFP photo
Hai Ngoại trưởng Mỹ và Nga trong phòng họp hội nghị 4 bên về Ukraine, Genève, 17 tháng tư, 2014 - AFP photo (AFP photo )

Phương Tây và Ukraine đổ hết trách nhiệm cho Nga về mọi hoạt động của lực lượng thân Nga ở Ukraine. Ngoại trưởng Kerry tuyên bố chỉ trong vòng 1 tuần nếu quân ly khai không thi hành những quyết định của thỏa ước, phương Tây sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Moskva, mà hiện đang được trì hoãn để chờ Nga tỏ thiện chí.

Đầy nghi ngại

Tổng thống Barack Obama cũng tỏ ra nghi ngờ về những gì người Nga sẽ thi hành. Sau khi thỏa ước ký kết, ông đã tuyên bố không chắc chắn được điều gì vào lúc này.

Ông nói thêm, nếu không có tiến triển trong mấy ngày tới, ý nói trong vòng 1 tuần lễ, thì những hậu quả thêm nữa sẽ được thi hành, cộng lên những lệnh cấm vận với nhiều viên chức cao cấp thân cận với Tổng thống Putin.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon tuyên bố tình hình còn vô cùng bấp bênh, và ông mong đợi các bên tỏ bày ý hướng nghiêm chỉnh trong việc thực thi thỏa ước Genève ngày 17 tháng 4, 2014.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm thứ sáu nói với quốc hội Kiev rằng ông cũng không có niềm hy vọng cao về việc thỏa ước được có hiệu lực.

Cứu gỡ thể diện?

Tổng thống Nga, hôm thứ năm, lúc bốn bên đang thảo luận về Ukraine, đã lên truyền hình đối thoại với dân Nga về vấn đề Ukraine. Ông cảnh cáo chính quyền Kiev đang để tình hình trôi vào vực thẳm nội chiến. Ông nói thêm, Nga có quyền đưa quân vào Ukraine, nhưng rất hy vọng không phải sử dụng quyền ấy vì cuộc đàm phán sẽ giải quyết vấn đề trong hoà bình. Tổng thống Putin còn nhắc lại quan điểm của ông, cho rằng chính phủ Kiev hiện nay là bất hợp pháp.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng thỏa ước nếu được thi hành sẽ cứu gỡ thể diện cho Moskva.

Ngoại trưởng Nga hẳn đã không chấp nhận ngồi cùng bàn thương thảo với chính quyền Ukraine mà Tổng thống Putin không nhìn nhận là hợp pháp, và ông Lavrov hẳn cũng không nhượng bộ bất ngờ trên bàn hội nghị, nếu Liên Bang Nga không e ngại trước những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây đang như gươm kề cổ. Đòn chí tử đối với Nga là cấm vận xuất khẩu vũ khí, rồi đến dầu khí.

Quả là châu Âu thực lòng không muốn phải cùng chịu tổn hại, tuy nhẹ hơn, với Moskva, trong tình thế liên lập của kinh tế toàn cầu ngày nay, một khi đi đến chỗ phải trừng phạt Moskva, nước cung cấp 30% nhu cầu hơi đốt của châu Âu. Tuy nhiên nhà lãnh đạo được cho là ngần ngại nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã tỏ ra đồng tâm nhất quyết sử dụng đến biện pháp sau cùng đó, vào khi cần thiết.

Moskva chế diễu những biện pháp cấm vận cá nhân các viên chức cao cấp thân tín ủa Tổng thống Putin, nhưng các biện pháp trừng phạt sắp tới lại là một chuyện hoàn toàn khác, khó gây được nụ cười chế diễu.

Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp bàn chuyện cấm vận Nga - AFP photo
Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp bàn chuyện cấm vận Nga - AFP photo (AFP photo)

Tiến triển, với nhiều hệ luận đáng lo

Thỏa ước bốn bên được coi là một bước tiến triển lớn lao cho quan hệ giữa Nga với phương Tây đang trong tình trạng xấu nhất kể từ thời chiến tranh lạnh đến nay. Tuy nhiên nhiều vấn đề lê thê vẫn còn đó.

Trước hết và ngay trước mắt là vấn đề thi hành thỏa ước. người ta quy trách cho Nga về mọi hoạt động của lực lượng ly khai, từ chiếm giữ cơ sở chính quyền đến tổ chức trưng cầu dân ý, và nay là vấn đề giải giáp, rút lui khỏi các cơ sở ấy, dưới sự giám sát của Tổ chức Hợp tác hoà bình châu Âu, có Nga là một thành viên.

Tuy vậy trong thỏa ước không hề có một điều khoản nào về thời gian thi hành việc giải giáp, rút quân. Và đó chỉ mới là trở ngại đầu tiên của việc thi hành thỏa ước.

Sự kiện Tổng thống Putin phủ nhận tính pháp lý của chính phủ Kiev, và lời kêu gọi Kiev phải tôn trọng ý kiến người dân miền Đông, nói rõ hơn là những vùng có sắc dân Nga ở Ukraine, là nhưng tiền đề cho nhiều vấn đề phức tạp về sau. Ông Putin cũng không giấu diếm sự khinh thị đối với các nhà lãnh đạo chính phủ Kiev hiện nay, kể cả hai ứng cử viên Tổng thống Ukraine cho kỳ tuyển cử 25 tháng 5 sắp tới.

Điều kiện về một liên bang?

Khi chú tâm đến việc quân ly khai không chịu rời khỏi những công thự và đường phố họ chiếm giữ, người ta ít nói tới lời tuyên bố của Ngoại trưởng Sergei Lavrov về điều khoản các bên thỏa thuận rằng hiến pháp Ukraine sẽ được sửa đổi để các địa phương có được quyền tự trị rộng rãi hơn.

Không muốn làm việc với Kiev, Tổng thống Putin đòi làm việc với ai? Hay ông sẽ đòi hỏi một cuộc bầu cử khác theo ý người Nga, hay một hiến pháp sửa đổi theo chiều hướng liên bang để ông "không phải sử dụng quyền" xâm lấn lãnh thổ Ukraine?

Moskva dường như rất muốn một số tỉnh thành miền Đông Ukraine trở thành những Cộng hòa tự trị trong một liên bang, có tiếng nói mạnh mẽ về chính sách kinh tế và đối ngoại của liên bang.

Chỉ có như thế họ mới ngăn cản được khuynh hướng thân phương Tây của người dân Ukraine, mà người nói tiếng Nga gọi đồng loạt là những thành phần cực hữu.