Chấp nhận một vai trò lớn hơn của Trung Quốc?

Sự lớn mạnh của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng lan rộng của nước này khiến nhiều người nghĩ rằng những nước lớn như Hoa Kỳ, Úc có thể sẽ phải đối mặt với việc chấp nhận một vai trò lớn hơn của Trung Quốc ở Châu Á.

0:00 / 0:00

Chia sẻ quyền lực với Trung Quốc

Việc các nước lớn phải chấp một vai trò lớn hơn của Trung Quốc trở thành một chủ đề nóng được bàn cãi trong thời gian gần đây. Sự kiện này nổi lên sau khi giáo sư Hugh White (thuộc trường ĐH Quốc gia Úc về Châu Á Thái Bình Dương) cho ra đời cuốn sách “Sự lựa chọn Trung Quốc” (The China Choice) trong đó tập trung giải thích vì sao Hoa Kỳ nên chia sẻ quyền lực với Trung Quốc.

Theo giáo sư Hugh White, khi Trung Quốc trở thành nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới; Hoa Kỳ đối diện với việc chọn một trong 3 điều: cạnh tranh, chia sẻ quyền lực và nhường sự lãnh đạo trong khu vực Châu Á.

Đối với giáo sư Hugh White, "Tốt nhất Hoa Kỳ nên lựa chọn chia sẻ quyền lực với Trung Quốc và buông lỏng uy thế tối cao của Washington". Đó là chia sẻ của ông về cuốn sách trên kênh của trường ĐH Quốc gia Úc:

Tính ngược về ít nhất 4 thập kỷ trước, mối quan hệ giữa Washington – Bắc Kinh được giới phân tích đánh giá là dựa vào bối cảnh Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, theo GS Hugh White, Trung Quốc không còn chấp nhận vị trí đứng đầu (primacy) của Hoa Kỳ trong trật tự quyền lực ở Châu Á. Trái lại, sức mạnh Trung Quốc sẽ phát triển đến mức cân bằng thậm chí đảm nhận luôn vai trò của Mỹ.

Nói về khả năng chấp nhận một vai trò lớn hơn của Trung Quốc, GS Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason) cho rằng nó còn tùy vào hai điểm:

Tốt nhất Hoa Kỳ nên lựa chọn chia sẻ quyền lực với Trung Quốc và buông lỏng uy thế tối cao của Washington<br/>GS. Hugh White

"Điều đó tùy thuộc vào hai điểm. Thứ nhất là chính trị nước Mỹ dẫn đến khả năng của Mỹ. Khả năng đó của hai phía là thực tiễn tức tài chính mà Mỹ không có nhiều nữa và thứ hai là khả năng tinh thần là Mỹ có muốn làm hay không. Hiện nay, có rất nhiều người Mỹ muốn hòa hoãn với Trung Quốc và sợ chiến tranh với Trung Quốc. Tùy những nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào. Về chiến lược thì dĩ nhiên Mỹ phải tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình trước hành động của Trung Quốc tại Châu Á TBD nhưng còn tùy vào chính trị nội bộ. Nhưng nếu Mỹ yếu quá, dân chúng không muốn thì họ cũng phải tìm cách tương nhượng, cũng có nghĩa là để Trung Quốc có một vai trò lớn hơn".

Thực tế, không còn là một nước quá yếu và bị Hoa Kỳ bỏ quá xa về sự giàu có, Trung Quốc đã dần bộc lộ tham vọng tăng cường sự ảnh hưởng của mình về nhiều mặt. Người ta bắt đầu hoang mang về cái giá mà các nước lớn phải trả một khi tham vọng này có thêm chất xúc tác là tinh thần dân tộc của Trung Quốc. Đó cũng là quan ngại của nhiều chuyên gia Úc.

Không phải điều dễ làm

Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) nói chuyện với quân đội Úc và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại căn cứ Darwin hôm 17/11/2011. AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) nói chuyện với quân đội Úc và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại căn cứ Darwin hôm 17/11/2011. AFP (Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) nói chuyện với quân đội Úc và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại căn cứ Darwin hôm 17/11/2011. AFP)

Phát biểu trong buổi ra mắt cuốn sách "Sự lựa chọn Trung Quốc" tại viện Lowy (Úc), ông Paul Keating, nguyên Thủ tướng Úc cho thấy ông đồng quan điểm với giáo sư Hugh White. Người từng đứng đầu chính phủ Úc nhiệm kỳ 1991-1996 cho rằng "Chúng ta (Úc) cần một kết cấu nhằm giúp Trung Quốc can dự vào khu vực hơn là tìm cách thống trị họ".

Với việc Úc đang tập trung thương mại vào vùng Bắc Á điển hình là Trung Quốc, đó được xem như một điểm để ủng hộ cho phát biểu của ông Paul Keating.

Với 61 năm quan hệ đồng minh, Úc được xem là một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong chính sách trở lại Châu Á của Washington. Điều này được đánh dấu bằng việc Úc chấp nhận cho Hoa Kỳ triển khai 2500 quân Thủy quân lục chiến ở Darwin. Nhưng ông Paul Keating đã lên tiếng cảnh báo rằng Úc không nên theo Hoa Kỳ một cách mù quáng, ám chỉ Úc nên chấp nhận sức mạnh của Trung Quốc.

Trong quyển sách của mình, giáo sư Hugh White khuyến nghị rằng Hoa Kỳ chia sẻ quyền lực bằng cách đối xử với Trung Quốc một cách công bằng như những nước khác. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc đang được xem là căng thẳng và chia sẻ quyền lực với Bắc Kinh ở vùng Châu Á không phải là một việc dễ làm. Chính vì thế việc chấp nhận vai trò lớn hơn của Trung Quốc ở Châu Á không phải là một quan điểm mà ai cũng chấp nhận.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã lên tiếng nói ông không thấy rằng Hoa Kỳ cần giảm sự hiện diện hoặc rút lui khỏi khu vực, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cùng tham gia vào Châu Á.

Chúng ta (Úc) cần một kết cấu nhằm giúp Trung Quốc can dự vào khu vực hơn là tìm cách thống trị họ<br/>Ông Paul Keating

Còn ông Rory Medcalf, giám đốc chương trình An ninh Quốc tế tại viện Lowy gần đây cũng viết rằng việc chia sẻ quyền lực với Trung Quốc khiến ông lo ngại về sự ảnh hưởng của Trung Quốc và lo ngại về mối quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản. Lo ngại của ông Rory Medcalf không có gì khó hiểu nếu biết rằng cũng vì chống lại sự ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản mà đã có một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm.

Mỗi khi có một quyết định quan trọng, các nhà hoạch định chính sách phải mất nhiều thời gian để tranh đấu. Việc chấp nhận một vai trò lớn hơn của Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Hồi thể kỷ 19 - 20, một số nước Châu Âu đã ngồi lại bàn thảo và đồng ý với nhau một số điều. Sự kiện này được biết đến như một “Buổi hòa nhạc Châu Âu (Concert of Europe) mà phải đến 100 năm mới đến hồi kết thúc. Và dĩ nhiên, khả năng cũng như kết quả của một “Buổi hòa nhạc Châu Á?” cũng khó có thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Theo dòng thời sự: