Những người công khai lên tiếng đấu tranh đối với hành xử bất công về đất đai cũng như công khai cổ xúy các hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục bị sách nhiễu. Hai trường hợp gần đây là của dân oan Lê Thị Ngọc Đa, đi khiếu kiện mất đất từ 1996, ngồi tù 3 năm, và nhà hoạt động Nguyễn Văn Thạnh với những bài viết trên Net.
Khiếu kiện suốt 17 năm
Bà Lê Thị Ngọc Đa là một thương binh, nhiều lần lên thành phố Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội để khiếu kiện mất đất suốt 17 năm qua mà chưa lần nào được giải quyết.
Năm 2011 bà bị bắt, bị biệt giam 7 tháng mới được đưa ra tòa xét xử về tội lợi dụng tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân:
“Tức là phạm vào Điều 258 Bộ Luật Hình Sự, kêu tôi 3 năm 6 tháng tù giam. Đến ngày 31 tháng Tám năm 2013, tôi được đặc xá. Về thì nhà cửa xập xệ hết không ở được, với lại tuổi cao mà ở tù về thì tôi bệnh hoạn liên tục. Tôi lên Củ Chi, mướn nhà trọ ở.”
Tại Củ Chi, công an địa phương không cho bà Lê Thị Ngọc Đa đăng ký tạm trú lâu dài, buộc bà mỗi ngày phải đến trình diện:
Bây giờ cuộc sống của tôi là lúc nào công an cũng theo dõi hết, cho tôi là kích động, cầm đầu khiếu kiện đủ thứ hết. Tôi đi đâu hay làm gì cũng theo dõi, nói tôi đủ thứ hết. <br/> -Bà Lê Thị Ngọc Đa
“Hồi hôm tôi chưa kịp lên trình thì họ vô xét, phạt 1 triệu 500 ngàn vì ở trái phép, về không trình. Bây giờ cuộc sống của tôi là lúc nào công an cũng theo dõi hết, cho tôi là kích động, cầm đầu khiếu kiện đủ thứ hết. Tôi đi đâu hay làm gì cũng theo dõi, nói tôi đủ thứ hết. Từ cái chỗ bức xúc, tài sản bị cơ quan cướp trắng tay, vì chỗ đó mà chuyện của mình tài sản của mình mình đi đòi, cần gì người ta xúi dục.”
Mới đây, hôm 10/12, bà Lê Thị Ngọc Đa lại bị công an bắt giữ một ngày vì cho rằng bà đi biểu tình nhân Ngày Nhân Quyền Quốc Tế:
“Ngày 10 tháng 12 là Ngày Nhân Quyền, tôi nghĩ là Việt Nam ký nhân quyền rồi thì mình cũng phải mừng vì Việt Nam đã có nhân quyền. Tôi đi lên chợ Bến Thành, tôi ngồi ở chỗ bến xe với 5 người ở Đồng Tháp, thì tự nhiên công an đem xe lại kéo tôi lên xe, đưa tôi với 5 người ở Đồng Tháp về ty công an Long An , vô Sở Tiếp Dân của Ủy Ban Tỉnh Long An, hỏi đi đâu, làm gì, ai xúi dục, ai cho tiền, rồi thì chụp hình, quay phim… Đủ thứ chuyện trên đời, công an... Họ nhốt tôi tới chiều, 4 giờ rưỡi mới cho tôi về.”
Trường hợp thứ hai là anh Nguyễn Văn Thạnh, cư ngụ tại Đà Nẵng, liên tục bị đe dọa, chủi rủa và chận đánh khi đi ra ngoài trong 3 ngày 10, 11 và 12 tháng 12.
Là người khởi xướng dự án hỗ trợ bệnh nhân của căn bệnh máu khó đông mà anh mắc phải, năm 2006 Nguyễn Văn Thạnh được giải thưởng của Ngân Hàng Thế Giới qua chương trình Sáng Tạo Việt Nam.
Hai năm gần đây, Nguyễn Văn Thạnh tham gia phong trào Con Đường Việt Nam, cổ súy tư tưởng tự do dân chủ với nhiều bài viết trên Net, đồng thời góp phần vào những sinh hoạt bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 12, Nguyễn Văn Thạnh ra Hà Nội để vận động kiện chủ các nhà máy thủy điện về việc xã lũ bừa bãi gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Đó là lý do khiến anh thường xuyên bị công an theo dõi và có lần đã bị bắt giữ nguyên ngày vì tội cư trú bất hợp pháp.
Đánh người vô cớ
Về những gì xảy ra cho bản thân hôm 10 tháng 12, Anh Nguyễn Văn Thạnh cho biết đó là ngày anh cùng người bạn tên Nguyễn Duy Quang đi ủng hộ tinh thần hai vợ chồng ông Lê Anh Hùng và bà Lê Thị Phương Anh khi họ đến trụ sở công an thành phố Đà Nẵng để xin lấy lại giấy tờ và tài sản bị công an thu giữ từ ngày 7 tháng 12.
Vẫn theo lời anh, lý do là vì trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ công dân vào trụ sở công an làm việc rồi gặp chuyện bất ưng mà có khi dẫn tới trường hợp tử vong một cách đáng ngờ:
“Cặp vợ chồng Lê Anh Hùng và chị Lê Thị Phương Anh cùng người bạn là anh Nguyễn Đức Quốc thông báo là anh em Đà Nẵng ai có khả năng thì đến ủng hộ tinh thần cho họ. Chúng tôi đến quán cà phê đối diện với trụ sở công an thành phố Đà Nẵng ở 80 Lê Lợi. Không chỉ có tôi và Nguyễn Duy Quang mà còn có một số người bạn của anh Hùng và chị Phương Anh nữa.”
Khoảng một tiếng sau, khi thấy cặp vợ chồng Hùng và Phương Anh vừa đi ra vừa lời qua tiếng lại với số người mặc sắc phục đi theo họ khiến người đi đường chú ý dừng lại xem và gây cảnh tắc đường:
Tôi thấy họ xô đẩy chi Phương Anh và chị ngã dúi mà vẫn phản đối lại. Cuối cùng thì cảnh đánh đấm, dằng co và bạo lực xảy ra. <br/> -Anh Nguyễn Văn Thạnh
“Tôi thấy họ xô đẩy chi Phương Anh và chị ngã dúi mà vẫn phản đối lại. Cuối cùng thì cảnh đánh đấm, dằng co và bạo lực xảy ra. Thấy đám đông tụ lại như vậy rất nguy hiểm nên tôi bỏ quán cà phê đó và đi xuống bên kia đồn công an thì có một người dùng chân đạp vào ngực, bụng và chân tôi. Tôi mới la lên là tôi không liên quan gì ở đây hết. Người đó nói không liên quan thì mày đứng đây làm gì, đi chỗ khác. Sau khi đánh xong thì họ chủi họ hăm dọa thì tôi lấy xe chạy qua bên kia đường với mục đích là chở anh Nguyễn Duy Quang đi về.”
Khi quành xe lại thì anh Nguyễn Văn Thạnh thấy anh Nguyễn Duy Quang bị ba bốn người dằng xéo đánh đập rất dã man. Công an sau đó giữ ông Lê Anh Hùng và anh Nguyễn Duy Quang lại , trong lúc chị Phương Anh và đặc biệt người bạn Nguyễn Đức Quốc không bị giữ lại nhưng cũng bị đánh rất nặng.
Hôm sau, ngày 11, trước nhà anh Nguyễn Văn Thạnh có một số người đeo khẩu trang đứng gác. Khi lên đồn công an dò hỏi tin tức người bạn Nguyễn Duy Quang, xe anh Nguyễn văn Thạnh bị một số người khác chạy bám theo:
“Có lúc họ chạy theo ôn hòa, có lúc họ chạy ngay trước mặt, họ cắt ngang và làm những hành vi rất nguy hiểm. Cuối ngày 11 thì anh Nguyễn Duy Quang được thả. Anh cũng bị thương tích trên người và trên mặt.
Sang ngày 12 thì có trách nhiệm đưa anh đi khám bởi vì bị đánh như thế thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Trong quá trình đi khám như vậy thì những người lạ mặt theo dõi tôi rất gắt gao, đông hơn chứ không phải một hay hai xe như ngày 11 và họ lộ liễu hơn. Trên đường về thì số người đeo bám tôi tăng lên, đi kề bên với cự ly gần hơn, chạy vượt lên phía trước hoặc lạng lách nhiều hơn. Đến đoạn gần Đài Liệt Sĩ thì một xe vọt lên phía trước, ném một chai nước vào xe của tôi. Thấy họ manh động quá thì tôi quay trở lại, chạy đến nhà một người quen để nhờ họ đưa về cho an toàn. Vừa quay lại thì một xe chạy tới tông vào xe tôi, nói là “mày đi đứng thế à, mày muốn gì?”, xong anh ta rồ gà tông vào xe tôi một cái nữa. Tôi mất thăng bằng chống xe đứng lại thì anh ta kéo áo tôi, nhận đầu tôi xuống, đánh một chỏ vào lưng tôi và một cú khác vào lưng tôi nữa rồi lên xe bỏ chạy.”
Đến sáng hôm qua, thứ Sáu ngày 13, nhà hoạt động Nguyễn văn Thạnh làm đơn trình báo vụ việc bị hành hung trong ngày 10, 11 và 12 , nộp lên giám đốc công an thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đi ra khỏi nhà thì anh mới hay cổng đã bị buộc lại bằng giây thép và rất khó khăn mới tháo mở ra được.
Vừa rồi là hai vụ trong nhiều trường hợp điển hình của những nhà hoạt động hoặc những người thường tham gia biểu tình hoặc từng đi khiếu kiện, bị công an gây khó dễ khi đi chuyển đi lại nhân dịp ngày 10 tháng Mười Hai tức ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay.