Trong làng sân khấu có những từ ngữ để gọi cho từng nghiệp vụ chuyên môn mà ai đó rơi đúng vào, thì y như rằng trong một sớm một chiều sẽ mang danh ngay.
Những ngôn từ hầu như bất di bất dịch, hễ nói ra là người ta hiểu ngay người đó thuộc thành phần nào trong làng cải lương như: Đào thương, đào lẳng, đào mụ, đào con, kép mùi, kép độc, kép lão, hề, thầy đờn (tức nhạc sĩ), thầy tuồng (tức soạn giả), công nhân, dàn cảnh, và có cả... dượng đào.
Trong buổi nói chuyện này, tôi nói riêng về dượng đào, cũng là một thành phần trong cải lương mà từ lâu nay ít ai để ý đến, do bởi dượng đào chỉ ở hậu trường sau bức màn nhung, nhưng lại thường hay gây sóng gió cho đoàn hát, xưa nay phần nhiều là vậy.
Ngoài giới
Nếu như có những cuộc hôn nhơn của người trong giới với nhau thì ngôn từ để gọi người chồng không có gì thay đổi. Thí dụ như Út Bạch Lan kết hôn với Thành Được thì thiên hạ vẫn gọi Thành Được là kép mùi; đào Thanh Nguyệt lấy chồng là soạn giả Mộc Linh, hoặc đào Kiều Oanh kết hôn với soạn giả Yên Lang thì người ta vẫn gọi 2 chàng này là soạn giả như thường. Còn như bầu gánh lấy vợ đào hát như trường hợp bầu Hoài Nhân của đoàn Sao Ngàn Phương có vợ là đào Kiều Hoa, thì người đời vẫn gọi Hoài Nhân là ông bầu, chứ không gọi thêm danh từ nào khác. Tóm lại các cô đào mà lấy chồng người trong giới là chuyện thường tình, chẳng có gì lạ, và danh từ để gọi người chồng vẫn giữ nguyên như nghiệp vụ của các chàng ta.
Thế nhưng, các đào hát mà lấy chồng không phải người trong giới thì đức lang quân của nàng được phong chức “dượng đào” ngay liền để gia nhập làng cải lương. Đó là quy luật bất thành văn, chạy trời không khỏi nắng, các dượng đào nhà ta dù muốn dù không cũng phải lãnh chức. (Vấn đề nầy chỉ ngầm hiểu mà thôi, nhưng ai cũng biết).
Một khi được phong chức rồi thì dượng đào mặc nhiên là thành viên của gánh hát mà đào ta đang cộng tác. Dù rằng chẳng làm lợi ích gì cho đoàn hát, cho nghệ thuật nhưng đoàn hát đi đâu thì chàng đi theo đó, chẳng một ai thắc mắc gì cả, chỉ có cái là không được trả lương. Người ta nói có lẽ do vấn đề không được trả lương này mà dượng đào Trọng Viễn bị đào Ngọc Loan Anh cho ra rìa luôn chăng?
Thiên hạ nói "cưới đào hát là cầm chắc sự đau khổ trong tay," và đó cũng là ý kiến hay thành kiến của nhiều người đã trải đời khá nhiều. Vậy mà cũng có người trong giới ký giả đã "cả gan" cưới đào hát, để rồi sau đó khổ tâm không ít như trường hợp Trọng Viễn cưới cô đào hát Ngọc Loan Anh, mà một dạo đã là đề tài bàn tán cho người trong giới.
Năm 1965 đoàn Hoa Thủy Liên hát ở Sài Gòn, cô đào chánh trẻ Ngọc Loan Anh có nhan sắc và hình vóc của cô đào đại ban, nổi danh nhờ báo chí thời đó đăng ảnh đề cập đến khá nhiều. Và người ta cũng biết người lăng xê cho cô mạnh nhứt là ký giả kịch trường Trọng Viễn (em của nhà báo Việt Định Phương), do đó mà Ngọc Loan Anh đã phải lòng anh chàng ký giả này. Thế nhưng, mối tình của họ hình như bị người cha nuôi ngăn cản, nên có một lần đoàn Hoa Thủy Tiên dừng bước giang hồ lưu diễn ở Sa Đéc, thì đào trẻ Ngọc Loan Anh cắt tóc gởi cho chàng (cắt ngắn thôi chớ không phải cạo trọc như ni cô), xong cô vào ngôi chùa ở thị trấn ấy. Nhưng rồi, nàng còn ở tuổi vị thành niên, nhà chùa không nhận vì không có cha mẹ thuận ưng cho tu hành nên cô trở về với đoàn hát.
Nàng đã có gởi thơ cho chàng rằng: "Em yêu anh mãi. Năm ngoái ở Sa Giang vì phiền cha mẹ nuôi ngăn cản, em đã cắt tóc vào chùa..."
Nàng nặng tình đến thế, tưởng đâu sẽ lâu dài, nhưng chẳng bao lâu thì có chuyện. Sau vụ đó vài tháng thì gia đình đào Ngọc loan Anh chấp thuận cho cô thành hôn với Trọng Viễn. Việc đầu tiên là... tiền, chàng ta lo chạy tiền, có người nói có lẽ chàng ta bán đất của ông cụ để lại ở Rạch Giá?
Cuốn gói theo đào
Đám cưới rỡ ràng, hai họ dự đám khá đông. Chàng ký giả kịch trường Trọng Viễn đang làm việc cho tờ báo Tia Sáng, nhưng khi cưới được cô đào Ngọc Loan Anh thì chàng ta nghỉ làm báo, mà cuốn gói theo nàng để rày đây mai đó, gạo chợ nước sông. Vất vả như thế nhưng dượng đào nhà ta cũng vui vẻ chấp nhận, ráng đi theo để canh chừng, vì e rằng sẽ bị anh kép nào đó cuỗm mất cô vợ trẻ đẹp mới cưới của mình.
Những người trong đoàn Hoa Thủy Tiên kể lại rằng, hằng đêm đào Ngọc Loan Anh diễn ngoài sân khấu, thì dượng đào Trọng Viễn luôn ngồi phía sau cánh gà nhìn ra đã tỏ vẻ khó chịu, bực bội, nhứt là những lúc đào ta mùi mẫn với chàng kép chánh. Vì vậy cho nên có những lúc tấm màn nhung vừa buông xuống vãn hát là vợ chồng hục hặc một lúc mới yên.
Nhưng sự việc trên chỉ một phần nhỏ thôi, mà vấn đề chính là trong khi mọi người trong đoàn hát ai cũng có lương đêm, chỉ một Trọng Viễn là không có. Không còn lãnh tiền ở nhà báo, mà tiền gánh hát cũng không thì lấy chi đây để sống chứ? Bởi vậy suốt mấy tháng đi theo đoàn chàng ta phải sống nhờ tiền lương của vợ, một gánh nặng cho đào ta.
Khi đoàn Hoa Thủy Tiên lưu diễn vùng Cao Nguyên, từ Dakto dọn xuống Kontum thì Ngọc Loan Anh lại phát cơn điên loạn, kêu khóc thảm thiết và gọi đích danh chồng là Trọng Viễn, đuổi anh này hãy về Sài Gòn tự do lấy vợ để cho cô ta thong thả hát xướng.
Trọng Viễn nghĩ rằng trong việc này có người chia rẽ vợ chồng anh. Và anh cả quyết rằng ông cha nuôi của Ngọc Loan Anh đã dùng bùa ngải làm cho vợ anh điên loạn, nên chi anh đã tống cho cha vợ nuôi mấy loi rồi thu xếp đồ đạc ra phi trường bay ngay về Sài Gòn.
Về đến Sài Gòn chàng ký giả Trọng Viễn buồn khổ, không đến hậu trường các rạp hát như mọi khi, cũng không đến nhà báo Tia Sáng mà anh ta cộng tác. Rồi đến một ngày nọ không lâu lắm, người ta thấy anh chàng xuất hiện ở Ngã Tư Quốc Tế với thân hình tiều tụy, mặt mày ủ rũ, đầu cổ tóc tai bù xù... Gặp người quen hỏi cũng không buồn trả lời.
Có lẽ để dứt luôn với quá khứ hay sao, mà thời gian sau đó đào Ngọc Loan Anh đổi tên là Trang Đài lên truyền hình, đóng kịch, đóng phim, ca tân nhạc v.v... Nàng đã dứt khoát hẳn với Trọng Viễn. Thế là xong, coi như mất chức dượng đào.
Ăn theo
Dượng đào cũng đặc biệt được hưởng quyền lợi của nghệ sĩ, như trường hợp chồng của cô đào Trang Kim Nga. Thời kỳ trước 1975 trong phái đoàn nghệ sĩ xuất ngoại nọ, có cái tên nam nghệ sĩ Huỳnh Xuân Thưởng, người trong giới không rõ đó là kép nào nên xôn xao lên dữ dội.
Giữa lúc mọi người đang đánh cá với nhau tưng bừng thì lão soạn giả Điêu Huyễn cho biết: Nó là thằng Thưởng, chồng già khú của nàng Trang Kim Nga đó. Chẳng là nó trước đây khoái cải lương lắm, nên mới vung tiền ra mà cưới đào hát để nó được là dượng đào. Rồi lấy hơi đào, nó tự xưng là nghệ sĩ tháp tùng đi Tây chơi đó mà.
Nhờ lãnh chức dượng đào mà tên chàng ta được nằm trong danh sách phái đoàn Văn Nghệ Việt Nam đi Âu Châu vào đầu thập niên 1970.
Và sau đây một dượng đào nữa, đó là dượng đào Đổng Lân chồng nữ nghệ sĩ Thanh Nga.
Mối tình của Thanh Nga với Đại Úy Mẫn khoảng hơn một năm thì tan vỡ, Thanh Nga như một chiếc lá trong cơn bão lốc của tình trường, dư luận được dịp đồn đãi lung tung, gán cho nàng đủ các nhân vật, từ ngài đại sứ cho đến cậu công tử con nhà buôn hột xoàn danh tiếng nọ...
Thời gian sau Thanh Nga lại xuất hiện chung với ông Luật Sư Phạm Duy Lân, nguyên Đổng lý văn phòng Bộ Thông Tin, mà người ta gọi là Đổng Lân.
Ông Đổng Lân cưng Thanh Nga hết cỡ, nàng đi đóng phim ở đâu cũng có chàng theo bên cạnh, tay che dù, tay quạt mát, thật hạnh phúc vô cùng, thấy nàng ngồi nắng là ông chịu không nổi. Song phải có nắng như vậy thì mới đủ ánh sáng quay phim...
Ông phàn nàn:
“Điện ảnh của mình còn thiếu phương tiện quá, không có một dàn đèn nào đủ dùng để quay phim ngoài trời...”
Thế rồi ông cầm dù che nắng cho Thanh Nga, và khi nào bắt đầu quay, đạo diễn hô “cho đèn nhé” thì ông mới kéo nghiêng dù qua một bên nhường chỗ cho ánh nắng chan hòa, để đủ sức sáng thu hình vào ống kính. Tiếng đạo diễn vừa hô “cắt” là ông đã che ngay dù như cũ cho Thanh Nga khỏi bị “nắng ăn, vừa sợ nàng đen mà vừa ngại nàng sổ mũi, nhức đầu lại nhõng nhẽo...
Lúc tạm nghĩ, Thanh Nga và ông Lân vào nơi có bóng mát tâm sự nhau, ông Lân cầm quạt và... quạt lia.
Rồi ông vui miệng kể chuyện cho anh em nghe về những ngày ông cùng Thanh Nga ra Huế, nàng đóng phim "Nắng Chiều" cho hãng Lido. Ông nói, ""Nắng chiều" là phim màu, nhưng cũng trông vào ánh sáng mặt trời như những phim khác. Thành thử có hôm Nga và tôi cùng với đoàn quay phim tới địa điểm ngồi chơi, xơi nước, tán dóc thả đàn rồi lại vui vẻ... đi về, vì không có nắng."
Mỗi ngày, ông Lân lái chiếc xe hơi hiệu Honda xinh xắn chở người đẹp Thanh Nga đi chỗ này, chỗ nọ, Thanh Nga tươi cười nói chuyện vui vẻ ríu rít như chim...
Tùy theo vị thế của cô đào mà các dượng đào cũng được ăn theo, như trường hợp dượng đào Đổng Lân nhờ Vương Hậu Thanh Nga lừng danh tên tuổi mà Đổng Lân cũng nổi tiếng hơn tất cả các người cùng cảnh ngộ.
Dượng đào Đổng Lân luôn bám sát Thanh Nga như hình với bóng, riết rồi người ta không còn phân biệt ông là người trong hay ngoài giới, mà điển hình là trong một cuộc bầu bán ở Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu ở đường Cô Bắc, Sài Gòn, dượng đào Đổng Lân cũng được bầu vào một chức vụ trong ban chấp hành.