Diễn viên Kiều Chinh với Tết cổ truyền nơi xứ người

Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh trong những ngày giáp năm chia sẻ cảm nghĩ của bà về những cái Tết tại hải ngoại, nơi bà và gia đình hơn ba mươi năm đã quen sống trong nếp văn hóa tuyền thống Việt Nam qua những ngày tết.

0:00 / 0:00

Không đâu bằng tết quê nhà

Mặc Lâm : Thưa chị K iều Chinh, vậy là thêm một cái tết nữa ở bên ngoài Việt Nam mà gia đình chị cũng như hàng triệu người Việt tha huơng khác vui hưởng trong hoàn cảnh " tha hương " theo đúng nghĩa của từ này…Chị có th cho biết cảm nghĩ của một người xa quê quá lâu như chị, bắt đầu rời Hà Nội, vào Sài Gòn , rồi sang tới Mỹ….tâm tình chị ra sao trong những ngày cuối năm này, thưa chị?

Kiều Chinh : Thưa anh Mặc Lâm, thật ra thì mỗi lần Tết đến mình lại thêm một tuổi nữa rồi. Nhưng thêm một tuổi thì lại càng nhớ tới thời hãy còn nhỏ, và nhớ nhất là thời hãy còn ở lại với đại gia đình tức là gia đình bố mẹ mình ở Hà Nội. Bởi vì không có cái Tết nào giống như cái Tết thuở nhỏ khi mà còn ở trong gia đình ở Hà Nội cả. Cái không khí Hà Nội mùa lạnh vào dịp Tết với phong tục cổ truyền nó đẹp lắm và sau này mình không còn nữa.

Trở lại với câu hỏi của anh là khi đã sang tới Hoa Kỳ rồi, khi mình đã trở thành con người lưu vong rồi thì cái Tết ở những năm đầu tại đây chỉ cố để mà giữ lại không khí cổ truyền của gia đình của mình mà thôi. Để cho con cháu chúng nó còn nhớ đến cái nào là Tết, cái nào là giỗ tổ tiên – ông bà – bố mẹ. Dần dần sau này, thưa anh, cộng đồng Việt Nam càng ngày càng đông và khi người ta dần dà ổn định rồi thì cộng đồng cũng có những khu phố, những hội chợ, những cửa hàng, v…v… nó mang lại không khí Tết đó anh ơi!

Cũng có cành đào, cũng có bánh tét, bánh chưng, cũng có mứt, cũng cóTết lắm. Nhưng mà dầu sao đi chăng nữa thì cũng không thể nào Tết như mình đã nói ở trên, tức là dù sao cũng không thể nào Tết như hồi mình hãy còn ở bên quê nhà cả.

Mặc Lâm : Dạ. Như chị nói , những kỷ niệm từ Hà Nội chị nhớ nhiều lắm, nhưng từ Hà Nội chị vào trong Nam một thời gian rất lâu, ở tại Sài Gòn, dầu muốn hay không vẫn còn trên đất nước Việt Nam nó cũng khác nhiều với cái Tết hải ngoại này, phải không thưa chị?

Kiều Chinh : Dạ thưa anh, vâng, dĩ nhiên! Thời ở Sài Gòn thì đối với tôi cũng không bằng thời tôi còn ở Hà Nội, đối với riêng cá nhân tôi. Cái thời gian nó lạ lắm anh ạ. Quảng đời mình nó chia làm ba giai đoạn, một giai đoạn ở Hà Nội, một giai đoạn ở Sài Gòn, và một giai đoạn ở bên Mỹ. Thật sự tính ra thì thời gian mình ở bên Mỹ nó dài hơn thời gian mình ở Sài Gòn, và thời gian mình ở Sài Gòn nó dài hơn thời gian mình ở Hà Nội, nhưng không hiểu sao mình vẫn nghĩ Hà Nội là đẹp nhất.

Nhưng mà dầu sao đi chăng nữa thì cũng không thể nào Tết như mình đã nói ở trên, tức là dù sao cũng không thể nào Tết như hồi mình hãy còn ở bên quê nhà cả. <br/>Kiều Chinh

Có lẽ tại lúc đó mình hãy còn trẻ, hãy còn ở với bố mẹ, và cái không khí lúc đó nó khác. Bây giờ trở lại với Tết thời ở Sài Gòn thì cũng đẹp lắm, thưa anh. Lúc đó mình đã có gia đình riêng rồi, mình ở chung với gia đình của chính mình, tức là cái gia đình mà lúc bấy giờ mình đã lấy chồng, gia đình bố mẹ chồng, rồi sau này mình có con, thì lúc đó Tết cũng còn rất Việt Nam, thưa anh.

Mặc Lâm : Tôi có dịp về Little Saigon vài lần vào dịp Tết, thưa chị, không khí bên ngoài cũng pháo, cũng hoa, bánh chưng, bánh tét, đại khái bề ngoài cũng có vẻ Tết, nhưn g tôi thấy sao trong lòng có cái gì lạt lẻo và cảm nhận của mình đối với không khí đó nó không được như quê hương của mình, tuy rằng quê hương mình nghèo nàn, khốn khổ hơn nhiều lắm. Chị có chia sẻ với cảm giác này hay không, thưa chị. Và mỗi năm đến mình càng buồn thêm khi mà nghĩ những cái Tết như vậy.

Kiều Chinh : Dạ, thưa anh, có anh ạ. Trở lại câu hỏi của anh về Tết ở Sài Gòn đó, thì lúc đó nó vẫn còn không khí Tết, nhưng mà đối với riêng tôi thì nó không giống như hồi tôi ở Hà Nội, bởi vì có lẽ thời tôi ở Hà Nội thì tôi được hưởng trọn vẹn Tết thời còn nhỏ, còn bố mẹ ông bà. Thời gian mình vào Sài Gòn thì mình đã có gia đình riêng của mình, mình trở thành người chủ gia đình, mình có con, có bổn phận với bố mẹ gia đình nhà chồng thì cái không khí nó khác đi.

Và bây giờ sang tới bên Mỹ, mình trở thành người sống lưu vong bên Mỹ, dù rằng bây giờ đã trên ba mươi năm thì nó đã có khu phố Little Saigon và cũng có rất nhiều gian hàng, chợ búa cũng như là chùa chiền, cũng có đốt pháo đủ thứ nhưng riêng gia đình tôi, cá nhân tôi không còn ăn Tết như hồi xưa ở Việt Nam nữa. Bây giờ tôi chỉ còn có cúng ngày Ông Công Ông Táo, cúng Đêm Giao Thừa, đón rước tổ tiên về ăn Tết.

Rồi ngày Mùng Một cúng để cho các con các cháu tới. Rồi ngày Mùng Hai, Mùng Ba các con các cháu chúng trở lại đi làm, mình không còn cúng đủ lễ như là ở Việt Nam nữa. Chỉ còn chờ đến Mùng Bốn lại cúng hóa vàng thôi. Khi ở Việt Nam thì ngày nào cũng cúng, ngày Mùng Một cũng cúng, ngày Mùng Hai cúng, ngày Mùng Ba cúng, ngày Mùng Bốn cũng cúng để tiếp ông bà tổ tiên về ăn Tết với mình. Bây giờ thì chỉ có ngày Mùng Một có con cháu chúng nó về, rồi ngày Mùng Hai, Mùng Ba thì chỉ còn có mình mình thắp nhang, trà nước mời các cụ thôi. Tới ngày Mùng Bốn thì cúng hóa vàng. Nếu ngày Mùng Bốn rơi vào weekend – ngày nghỉ thì các con các cháu chúng nó còn về. Còn nếu không thì lại chỉ còn có mỗi mình thì thắp nhang thôi. Thành thử cái không khí không thể nào như Tết hồi xưa nữa.

Đồng thời ở trong nhà thì năm nào cũng vậy tôi phải làm cơm cúng, ví dụ như những món mà hồi xưa hồi mình còn nhỏ ở với bố mẹ thì có những món Miền Bắc hay nấu đó anh, chẳng hạn như măng hầm, măng hầm chân giò phải có, thịt đông dưa chua phải có, dưa cải muối, toàn là ở nhà làm cả. Còn bây giờ sang đây, thứ nhất là bánh chưng các thứ này kia mình đâu có làm lấy nữa, mà đều đi mua cả. Rồi thịt đông cũng chẳng nấu nữa, bánh chưng thì đi mua, nhưng mà cũng còn cố giữ lại một chút hương vị cho các con các cháu nó biết, tức là năm nào cũng phải có măng hầm, cũng phải có thịt kho, cũng phải có cá kho, nghĩa là mình cũng cố thôi, cố giữ lại một chút hương vị vậy thôi.

Gìn giữ phong tục Tết xưa

Một phụ nữ miền Bắc mặc áo dài đi mua hoa đào tại Hà Nội hôm 07/02/2013. RFA photo
Một phụ nữ miền Bắc mặc áo dài đi mua hoa đào tại Hà Nội hôm 07/02/2013. RFA photo (Một phụ nữ miền Bắc mặc áo dài đi mua hoa đào tại Hà Nội hôm 07/02/2013. RFA photo )

Mặc Lâm : V âng. P hong tục tập quán của mình là Mùng Một Tết Cha, Mùng Ba Tết Thầy, các con nó về ngày Mùng Một, điều đó quan trọng với tinh thần Tết để mình cảm thấy gia đình sum họp, thưa chị. C hị là một người thành công từ trong nước ra và khi qua bên Mỹ thì chị hội nhập liền, chị không có giai đoạn nào bị trở ngại với văn hóa Mỹ, có nghĩa là chị không hề bị lệ thuộc các con. Chị nuôi con, chị giáo dục con trong nền văn hóa v ừa Mỹ vừa Việt rất đàng hoàng. Thế nhưng trong giai đoạn 30 năm vừa qua khi các con của chị trở về trong ngày Tết như chị vừa nói, thì các con của chị trở về thăm chị trong ngày Tết có trong tâm trạng tự nguyện, trong tinh thần của Việt Nam về thăm cha mẹ trong niềm vui, trong niềm hạnh phúc, hay là nó chỉ làm theo như một quán tính, một thói quen được chị giáo dục mà bên ngoài xã hội thì không có ai hết, chỉ có mỗi gia đình của chị không thôi, chị có thấy điều đó không?

Kiề u Chinh : Dạ thưa anh, riêng đối với gia đình tôi thì các cháu vẫn còn giữ phong tục Việt Nam lắm anh ạ, có lẽ tại vì gia đình các cháu lớn lên ở trong cái không khí đó. Tôi hãy còn giữ ngày giỗ, các ngày giỗ bên nội bên ngoại chẳng hạn, thì các con nó cũng hiểu ra được điều đó quan trọng như thế nào.

Rồi Tết cũng giữ đầy đủ như vậy. Các con tôi khi chúng có gia đình, chúng có con của chúng, thì chúng cũng tiếp tục làm như vậy, cho tới bây giờ, năm nay, anh có biết không, năm nay tôi có nói rằng là “Năm nay mẹ hy vọng rằng là chính các con sẽ là người làm Tết và mẹ là người được tới dự”. Tôi nói như vậy mà không biết các cháu có làm nổi hay không. Thế nhưng mà mình cũng cố gắng giữ được cái phong tục đó càng lâu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, thưa anh.

Mặc Lâm : G ia đình chị tuy rằng giữ được phong tục tốt như vậy nhưng mà dầu muốn hay không thì đó chỉ là cá nhân, chỉ là một gia đình đơn lẻ giữa cộng đồng. Chị nhìn thấy cộng đồng Cali, đại khái những người chung quanh chị, có được bao nhiêu gia đình như gia đình của chị?

Kiều Chinh : Tôi thấy cũng nhiều lắm chứ. Nói về tất cả, toàn diện thì tôi không dám nói, nhưng mà nói về một số gia đình bạn bè, những người mà tôi quen biết, hoăc là mình thấy sinh hoạt ngoài cộng đồng, ở ngoài đường ngoài phố, chùa chiền, thì mình thấy có anh ạ. Cũng nhiều người người ta ăn Tết lớn lắm, họ cũng làm linh đình lắm, không giống như tôi vì tôi chỉ làm nhỏ thôi, chỉ giữ nền nếp phong tục thôi. Nhiều người họ ăn uống linh đình lắm. Cũng quần áo mới, cũng lì xì, cũng đánh bài, cũng đi chơi này kia. Tôi thì lại không, tôi chỉ làm Tết nho nhỏ thôi, trong nhà thôi.

Chúng tôi chỉ là những người tham dự thôi. Còn thật sự bây giờ người tổ chức lại là thế hệ trẻ, cái đó cho mình niềm hy vọng cho tương lai nhiều lắm.<br/>Kiều Chinh

Mặc Lâm : Và chị có tin rằng truyền thống này sẽ kéo dài, sẽ lập được một thói quen mới trong cộng đồng hải ngoại hay không, thưa chị?

Kiều Chinh : Tôi hy vọng như vậy, anh ạ. Tôi hy vọng như vậy bởi vì có sự chứng tỏ rằng một số bạn trẻ bây giờ họ tham gia rất mạnh vào những phong trào gìn giữ văn hóa phong tục. Bằng chứng là hội chợ Tết bây giờ là do chính các hiệp hội của sinh viên tổ chức, như vậy chứng tỏ rằng chính các sinh viên, những thế hệ trẻ là những người đang đứng ra để làm những công việc gìn giữ văn hóa, chứ không phài là những người như chúng tôi nữa. Chúng tôi chỉ là những người tham dự thôi. Còn thật sự bây giờ người tổ chức lại là thế hệ trẻ, cái đó cho mình niềm hy vọng cho tương lai nhiều lắm.

Mặc Lâm : Thưa chị Kiều Chinh, thật là thú vị khi được chia sẻ với chị những suy nghĩ và kinh nghiệm của chị đối với cái Tết Việt Nam ở xứ người. Xin chúc chị và gia đình một Năm Mới vui vẻ, hạnh phúc và bình an.

Kiều Chinh : Thưa, cảm ơn anh. Tôi cũng xin chúc anh và toàn thể đại gia đình Đài Á Châu Tự Do một Năm Mới được mọi sự bình yên. Và nhân đây tôi cũng xin gửi lời chúc toàn thể tất cả những người Việt Nam, tất cả những gia đình Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có Năm Mới được nhiều sức khỏe, được mọi sự bình an.

Theo dòng thời sự: