Một số điểm được đặc biệt chú trọng là phải bảo đảm bí mật cho người tố cáo, không để người bị tố cáo chủ trì giải quyết việc tố cáo mình, không trù dập, trả thù người tố cáo. Đỗ Hiếu tổng hợp các thông tin liên quan để gởi đến quý vị.
Không phải quy định của luật
Bản hướng dẫn nêu rõ là việc tố cáo trong Đảng phải được xem xét, giải quyết chậm nhất trong vòng 90 ngày, kể từ khi nhận được tố cáo với cấp tỉnh trở xuống và 180 ngày với cấp trung ương. Kết quả giải quyết phải được thông báo cho người tố cáo.
Tổ chức hay đảng viên nhận được báo cáo phải bảo đảm bí mật cho người tố cáo, không để lộ tên người tố cáo, không trù dập, trả thủ người tố cáo, không cản trở, dìm bỏ, không xem xét, giải quyết tố cáo, không bao che việc làm sai trái của đối tượng bị tố cáo.
Đây là quyết định của Đảng, chứ không phải quy định của luật, còn luật thì phải giữ nguyên tắc độc lập, giải quyết tố cáo thì không thể liên quan đến hành vi tố cáo.
LS TrầnVũ Hải
Mặt khác, bản hướng dẫn mới được phổ biến trên báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi rõ là không giải quyết tố cáo từ người dấu tên, mạo tên, không ghi địa chỉ, Đảng cũng không giải quyết việc tố cáo tập thể có hơn một người ký tên. Đảng viên bị xử oan, sai đã được cơ quan tố tụng sửa sai hoặc thay đổi mức án thì phải khẩn xem xét lại kỷ luật với đảng viên đó, kể cả trường hợp đã chết.
Vừa đón nhận thông tin về việc xử lý nghiêm hành vi cản trở, dìm bỏ tố cáo trong Đảng, từ Hà Nội, luật sư TrầnVũ Hải bày tỏ ý kiến của ông:
“Đây là quyết định của Đảng, chứ không phải quy định của luật, còn luật thì phải giữ nguyên tắc độc lập, giải quyết tố cáo thì không thể liên quan đến hành vi tố cáo. Đối với Đảng có lẽ chưa có quyết định rõ như vậy, cho nên Ban Kiểm Tra mới đề xuất quy định đó.”
Luật sư TrầnVũ Hải cho biết việc xử lý, áp dụng kỷ luật, kiểm tra, giám sát đối với đảng viên hoàn toàn khác biệt với pháp luật do chính phủ ban hành:
“Tôi có đọc qua câu chuyện đấy thì thấy là chỉ nói về nội bộ Đảng, chứ không nói trong chính quyền, hai cái đó khác nhau. Việt Nam có hệ thống đơn từ tố cáo trong Đảng, ông nọ tố cáo ông kia thì có Ban Kiểm Tra Đảng hay Ban Bí Thư giải quyết. Có thể dẫn tới việc người tham gia giải quyết là người tự tố cáo hoặc liên quan, là anh chị em hoặc có hành vi liên đới với nhau. Đối với chính quyền thì đã có luật khiếu nại và tố cáo, vừa được quốc hội thông qua và ban hành hôm qua. Trong Đảng thì có hệ thống riêng, bây giờ mời nói tới việc giải quyết tố cáo là không liên quan đến việc mình giải quyết, hoặc không phải là đối tượng mà mình bị tố cáo. Tôi chưa nghiên cứu nên chưa thể bình luận gì cả, mình chưa được là đảng viên.”
Từ quy định đến thực tế
Nhận định về chuyện giải quyết tố cáo tại Việt Nam, một người có 42 năm phục vụ Đảng Cộng Sản Việt Nam, cựu đại tá Bùi Tín, nay là nhà báo tại Paris, Pháp nhấn mạnh:
Ở Việt Nam, luật pháp có rất nhiều, đã có luật về khiếu kiện, vấn đề xét đơn tố cáo, nhưng luật là một đằng, có thực hiện hay không là đằng khác.
Bùi Tín
“Ở Việt Nam, luật pháp có rất nhiều, đã có luật về khiếu kiện, vấn đề xét đơn tố cáo, nhưng luật là một đằng, có thực hiện hay không là đằng khác. Ví dụ như luật hành chính nói rõ là khi nhận được đơn tố cáo, thì những đơn vị nhận đơn tố cáo, phải trả lời là đã tiếp nhận tố cáo đó, và sẽ được xem xét như thế nào. Ở trong nước mấy chục năm nay, bao nhiêu kiến nghị, tố cáo, không ai trả lời hết, như kiến nghị của đại tướng Võ Nguyên Giáp, gửi Chủ tịch nước, gửi quốc hội, cũng không được trả lời là đã nhận được, hay giải quyết làm sao, về kiến nghị đối với Tổng cục II, gửi tất cả 3 lần. Từ chỗ ghi thành luật, rồi có áp dụng hay không là chuyện khác.”
Theo ông thì ở Việt Nam có những vi phạm luật nhưng vẫn không ứng dụng:
“Phải nên cảnh giác ngay cả với những điều mà luật cho là hay, nhưng vẫn không hề được áp dụng, vì Việt Nam chưa xây dựng được một chế độ pháp quyền, những người vi phạm luật không bị đụng chạm gì hết.”
Ông phân tích vì sao Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phải ban hành quyết định hướng dẫn việc giải quyết và xử lý nghiêm hành vi tố cáo:
“Ba quyền hiện nay vẫn chưa được phân lập, như ở bất cứ một nước dân chủ nào, hiện nay cả 3 quyền đều tập trung trong tay Đảng. Đảng nắm hành chính, luật pháp, hệ thống tòa án, làm luật là Đảng, thi hành luật cũng là Đảng, xử án cũng là Đảng, do đó không thể có chế độ pháp quyền, công bằng được. Người mà đứng ra khiếu nại, tố cáo, không được trả lời là nội dung tố cáo đúng hay sai, mà có thể bị trả thù vì Đảng nắm toàn quyền trong tay, mà không hề được trả lời một cách minh bạch, trước toàn dân hay trước hệ thống tư pháp.”
Vấn đề tố cáo vi phạm hay hành động tham nhũng cũng được quốc hội nêu ra tại kỳ họp thứ hai quốc hội khóa 13 hiện nay.
Nhiều người ở Việt Nam, cả dân thường và Đảng viên Đảng Cộng sản, đều quan ngại về tình trạng người can đảm đứng ra tố cáo các vi phạm luật pháp của người khác từng bị trù dập, hay trả thù mà không được cơ quan chức năng bảo vệ.
Quyết định hướng dẫn như vừa nêu cũng như luật về tố cáo khiếu nại cần chặt chẽ có những qui định bảo vệ nguồn tố cáo như thế mới có thể khuyến khích hoạt động tích cực tham gia đấu tranh chống lại điều xấu trong xã hội.