Chiều 25/6, tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia, ông Stephen Groff, Phó chủ tịch Ngân Hàng Phát triển Châu Á phụ trách khối Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương đã có buổi thuyết trình về đánh giá vai trò các dự án trợ giúp của ngân hàng này tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Myanmar và so sánh với Việt Nam.
Khu vực năng động
Buổi thuyết trình của ông Stephen Groff tập trung chủ yếu về tình hình các dự án tài trợ của ADB trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Myanmar và thảo luận khi so sánh với Việt Nam.
Theo ông Stephen Groff, kinh tế khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên bản đồ kinh tế toàn cầu, đây là khu vực năng động với tiềm năng phát triển dựa trên thế mạnh dân số, tài nguyên phong phú, thị trường tiêu thụ rộng lớn và đặc biệt là khu vực này ngày càng thu hút được sự quan tâm tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhất là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Trong phần trình bày về khu vực Đông Nam Á, ông Stephen Groff nhấn mạnh đến quốc gia Myanmar, một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế, ông cho biết ADB chỉ mới quay lại thị trường Myanmar khoảng 1 năm rưỡi trở lại đây, còn trước đó, trong suốt 25 năm, ADB chỉ tài trợ cho các chương trình phát triển của dự án Đồng Bằng Sông Cửu Long, mà Myanmar là một thành viên.
Có một vài điểm khá thú vị khi nhận xét về Myanmar, ông Stephen Groff phân tích rằng, nếu với đà tăng trưởng tầm 7-8% như hiện nay, Myanmar có thể đuổi kịp Thái Lan của hiện tại vào năm 2030. Với dân số có đến 70% sống ở vùng nông thôn, nên lĩnh vực nông nghiệp, điện lực và năng lượng sẽ là những ngành thu hút được nhiều đầu tư nhất trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, giáo dục, y tế, hệ thống ngân hàng, tài chính cũng là những lĩnh vực chủ chốt được giới đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, điểm mà Stephen Groff khẳng định là vai trò của các cấp quản lý điều hành tại Myanmar sẽ là nhân tố chủ chốt để đưa Myanmar đến với sự phát triển trong tương lai.
Trong phần thảo luận của ông Stephen Groff với giới báo chí, chủ đề thu hút được nhiều quan tâm là so sánh những thuận lợi và khó khăn của Myanmar rút ra từ bài học cải cách của Việt Nam.
Ông Stephen Groff cho rằng những gì Myanmar có thể học được từ Việt Nam là việc huy động tính hiệu quả của các cấp quản lý, theo đó, Việt Nam đã khá thành công sau quá trình đổi mới từ năm 1986 với việc mở cửa thị trường và theo đuổi nền kinh tế thị trường thay cho chế độ quản lý tập trung, tự cung tự cấp như trước đây. Hơn thế nữa trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có những biến chuyển mạnh, thu hút được giới đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế, Việt Nam cũng đã cố gắng đáp ứng những yêu cầu của các thể chế tài chính quốc tế, nhằm giản lược hóa vai trò của khối doanh nghiệp Nhà nước và để tư doanh phát triển hơn. Tuy nhiên, việc làm này vẫn còn chậm và chưa đáp ứng được mọi yêu cầu mà ADB cũng như IMF và WB đề đạt. Thông qua bài học Việt Nam, ông Groff khuyến nghị Myanmar cần nhìn vào những thách thức của hệ thống ngân hàng mà Việt Nam đang đối mặt, cũng như cần có những chính sách điều tiết hợp lý để khống chế lạm phát và đảm bảo được tăng trưởng như hiện tại, tránh trường hợp phát triển quá nóng dẫn tới như những hệ lụy mà Việt Nam trải qua sau một thời gian dài.
ADB và Việt Nam
Sau khi buổi thuyết trình kết thúc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Stephen Groff để nghe ông phân tích về những khía cạnh mà ADB đang quan tâm đến Việt Nam.
Vũ Hoàng: Thưa ông Stephen Groff, được biết ADB là một đối tác hợp tác khá lâu đối với Việt Nam, vậy theo ông, tính hiệu quả của các khoản vay hay các khoản viện trợ chính thức (ODA) cho Việt Nam tính đến thời điểm này ra sao?
Thách thức lớn nhất mà VN hiện phải đối mặt là cần giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, điểm tôi muốn nhấn mạnh là vấn đề doanh nghiệp nhà nước. <br/> -Stephen Groff
Stephen Groff: Tôi nghĩ rằng các khoản viện trợ chính thức (ODA) đóng một vai trò lớn đối với sự phát triển ở Việt Nam và cũng nhiều dự án đã được thực hiện thành công. Tuy thế, vẫn còn nhiều thách thức với những dự án được tài trợ bằng vốn ODA, chẳng hạn tốc độ giải ngân nguồn vốn vay của Việt Nam vẫn còn chậm, hoặc một số dự án đầu tư thiếu hiệu quả, cụ thể là những công trình như cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cống. Vì những lý do đó, đòi hỏi quá trình xét duyệt ODA cho Việt Nam cần cẩn trọng hơn.
Vũ Hoàng: Trong tương lai sắp đến, những khoản cho vay và các kế hoạch của ADB tại Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?
Stephen Groff: ADB vẫn là một đối tác cam kết của Việt Nam và vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để phát triển kinh tế quốc gia và mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân nơi đây. Hiện tại, Việt Nam là một nước có mức thu nhập trung bình thấp vì thế các khoản hỗ trợ ODA cho Việt Nam cũng thay đổi cả về số lượng lẫn sự ưu đãi. Đây là lúc Việt Nam cần xem xét lại vai trò của nguồn vốn ODA trong quá trình phát triển hạ tầng để sao cho đồng vốn có hiệu quả nhất.
Vũ Hoàng: Trong phần trình bày, ông có nhắc đến những khó khăn mà Việt Nam đang đối mặt và khuyến cáo nên Myanmar nên tránh, vậy theo ông, hiện tại thách thức lớn nhất dưới góc nhìn của một nhà tài trợ những khoản vốn vay cho các dự án phát triển tại Việt Nam, ông thấy đâu là khó khăn nhất?
Stephen Groff: Đây quả là một vấn đề lớn. Theo tôi, thách thức lớn nhất mà Việt Nam hiện phải đối mặt là cần giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, điểm tôi muốn nhấn mạnh là vấn đề doanh nghiệp Nhà nước, điều này đã được tôi nhắc đến trong bài trình bày, nghĩa là phải cải tổ khối doanh nghiệp Nhà nước, giảm bớt vai trò của nhóm này trong nền kinh tế vì nhóm này hiện đang nắm giữ nhiều nguồn vốn, trong đó có cả các dòng ODA. Cuối cùng, chính là hệ thống ngân hàng, ở đây tôi muốn nhắc đến sự minh bạch về các khoản nợ của hệ thống ngân hàng có liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước. Vì thế mối quan hệ phức tạp này cần phải được giải quyết thì Việt Nam mới đảm bảo được sự phát triển ổn định và cân bằng trong thời gian tới.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông rất nhiều.
Xin được nhắc lại, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một thể chế tài chính đa phương cung cấp các khoản tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các nước châu Á xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội. Trụ sở chính của ADB nằm tại Manila, thủ đô Phillippines.