Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc với sự yểm trợ của phi cơ, tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám đã hạ đặt, khoan thăm dò và di chuyển ở vùng biển Việt Nam từ ngày 2/5 đến nay đã bước sang tháng thứ hai.
Tình hình bế tắc, vì sao?
Học giả Đinh Kim Phúc một nhà nghiên cứu biển Đông từ Saigon bày tỏ sự thất vọng lớn lao về các đối sách và cách thực hiện của nhà nước trong vụ giàn khoan HD 981. Ông nói:
“Vấn đề giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đến nay đã một tháng. Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những tuyên bố hết sức rõ ràng, những quan điểm được nhân dân ủng hộ. Nhưng rất tiếc rằng, hình như có một lấn cấn gì đó trong đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay về giải quyết vấn đề trong mối quan hệ với Trung Quốc… Và qua những phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh Bộ trưởng Quốc phòng ở Singapore vừa qua đã làm cho mọi người thất vọng.”
Theo Học giả Đinh Kim Phúc, những hành động của Trung Quốc khởi nguồn từ năm 1956 khi đánh chiếm phần phía tây, phần phía đông quần đảo Hoàng Sa rồi đến năm 1974 là cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, đến năm 1988 đánh chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa và đỉnh điểm là giàn khoan HD 981 kéo vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Tất cả những hành động này Trung Quốc đã vi phạm điều 2 khoản 4 Hiến chương Liên Hiệp Quốc có nghĩa là dùng vũ lực đánh chiếm vùng lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Học giả Đinh Kim Phúc nhấn mạnh:
“Đây là một hành động xâm lược chứ không gọi là xung đột, cũng không gọi là va chạm trên biển, là một Bộ trưởng Quốc phòng mà lại hạ thấp tính chất xâm lược của Trung Quốc vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ vì tình hữu nghị 16 chữ vàng 4 tốt để dời giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế lãnh thổ Việt Nam là một ảo tưởng.
Mình là người trong cuộc, mình là người bị xâm lược nhưng vẫn mong kẻ xâm lược ban bố cho một số đặc ân gì đó thì hoàn toàn là ảo tưởng. Tôi hoàn toàn thất vọng trong vấn đề này. <br/> - Học giả Đinh Kim Phúc
Tôi đã thất vọng với phát biểu của ông Bộ trưởng Quốc phòng và tôi từng nói rằng, cái ý thức hệ đồng chí anh em đã không giải quyết được trọn vẹn thắng lợi của Việt Nam tại trận Điện Biên Phủ thể hiện ra Hội nghị Genève 1954. Ý thức hệ cũng không cứu Việt Nam ra khỏi việc mất biển đảo và ngày hôm nay ý thức hệ đó đã chứng minh là lạc hậu lỗi thời nhưng một số người vẫn còn bám vào ý thức hệ đó thì tôi không biết rằng đây là chiến lược hay chiến thuật.
Nhưng dù chiến thuật hay chiến lược thì vẫn là một sai lầm nghiêm trọng trong đối sách với bọn xâm lược, trong khi những cường quốc trên thế giới họ thấy được sức yếu của Việt Nam, thấy được chính nghĩa của Việt Nam, họ lên tiếng ủng hộ. Mình là người trong cuộc, mình là người bị xâm lược nhưng vẫn mong kẻ xâm lược ban bố cho một số đặc ân gì đó thì hoàn toàn là ảo tưởng. Tôi hoàn toàn thất vọng trong vấn đề này.”
Cơ hội đang bị bỏ lỡ
Dư luận rất thắc mắc về việc Nhà nước cứ mãi chần chừ chưa sử dụng biện pháp pháp lý, hay nói cụ thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Trên báo chí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng giải pháp đấu tranh pháp lý đã được nhà nước chuẩn bị hàng chục năm nay, còn thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định.
TS Phạm Chí Dũng, nhà bình luận độc lập từ Saigon phát biểu:
“Tôi có cảm giác bộ chính trị Việt Nam luôn luôn có tình trạng ngần ngừ chần chừ và không quyết đoán, lúc này thì ông Nguyễn Tấn Dũng nói chờ Bộ Chính trị, nhưng mà tôi có cảm giác là Bộ Chính trị đang chờ ông Nguyễn Tấn Dũng. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng lại có vẻ đang chờ ông Phạm Bình Minh, ông Phạm Bình Minh sắp tới có thể đi Mỹ theo lời mời của ông John Kerry. Tất cả mọi người chờ nhau, tóm lại là nhà nước Việt Nam hình như đang chờ động thái từ phía Mỹ. Phía Mỹ đã tuyên bố thẳng thắn thẳng thừng đối với Trung Quốc như vậy rồi thì người Việt Nam còn chờ cái gì nữa và nếu như người Việt Nam không hành động, thì làm sao phía Mỹ có thể ra tay được và có thể tăng cường hạm đội 7 để giúp cho Việt Nam bảo vệ lãnh hải trên biển Đông được.”
Phải chăng Việt Nam đang bỏ lỡ thời điểm thích hợp nhất để sử dụng biện pháp pháp lý chống lại việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam. Học giả Đinh Kim Phúc đưa ra nhận định:
Phía Mỹ đã tuyên bố thẳng thắn thẳng thừng đối với Trung Quốc như vậy rồi thì người Việt Nam còn chờ cái gì nữa và nếu như người Việt Nam không hành động, thì làm sao phía Mỹ có thể ra tay được... <br/> - TS Phạm Chí Dũng
" Tôi nghĩ rằng việc trung Quốc kéo giàn khoan HD 981, đây là thời điểm chín mùi để Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình không còn thời cơ nào nữa cả. Vì bản thân Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, không phải mới đây thời Tập Cận Bình, hay trước đây thời Hồ Cẩm Đào mà Đặng Tiểu Bình đã định nghĩa ‘chủ quyền thuộc ngã gác tranh chấp cùng nhau khai thác’, đây là phương châm bất di bất dịch của Trung Quốc và Trung Quốc ôm mộng nuốt trọn biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Đừng ảo tưởng đối với Trung Quốc và cũng đừng ảo tưởng đối với cường quốc nào vào bênh Việt Nam, bảo vệ Việt Nam, vì mỗi cường quốc họ đều có quyền lợi của họ. Việt Nam phải biết phát huy nội lực của mình để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ. Còn những ai không biết phát huy nội lực, không biết biến thời cơ thành sức mạnh, không tranh thủ được sự đồng thuận của thế giới thì lịch sử muôn đời sẽ nguyền rủa kẻ đó.”
Vào thời điểm ngày thứ 31, Trung Quốc duy trì giàn khoan HD 981 và lực lượng tàu chiến, máy bay chiếm cứ vùng biển Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, một nhà hoạt động xã hội dân sự hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng nhận định:
“Bối cảnh Việt Nam có một bất hạnh đó là ở gần Trung Quốc, nó cài cắm người để nó lèo lái thì đó là một bất hạnh vô cùng cho dân tộc Việt Nam. Theo cái đà kiểu như thế này thì mất nước là cái chắc…”
Tuy vậy, GSTS Nguyễn Thế Hùng nhận định rằng, cùng tắc biến và đây là cơ hội cho một nước Việt Nam thay đổi xây dựng thể chế dân chủ, mọi người dân thực sự làm chủ đất nước của mình. Theo lời ông tới một lúc nào đó cả dân tộc sẽ vùng lên như là thác đổ thì không có thế lực nào ngăn cản được. GSTS Nguyễn Thế Hùng tin rằng thể chế dân chủ sẽ giúp cho Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc.