Sau một tuần không biểu tình chống Trung Quốc, Chủ Nhật 22 tháng Bảy hôm nay người Hà Nội lại hưởng ứng lời kêu gọi trên mạng, tuần hành về gần vườn hoa đối diện đại sứ quán Trung Quốc. Những người đi biểu tình và không đi biểu tình nghĩ gì trước các động thái mới rồi của Trung Quốc hàm ý biển Đông hoàn toàn thuộc về chủ quyền của họ, bất chấp mọi lời phản đối từ phía Việt Nam? Thanh Trúc thuật lại như sau:
Thể hiện lòng yêu nước
Có mặt trong đoàn người biểu tình sáng Chủ Nhật hôm nay, anh Nguyễn Chí Đức, người đã bị công an hành hung, xô ngã và đạp vào mặt khi đi biểu tình chống Trung Quốc hồi năm ngoái, phát biểu:
Ô. Nguyễn Chí Đức
Nguyễn Chí Đức: "Một hành trình biểu tình rất khí thế và hào hùng mặc dù trời rất nắng. Không ngờ tinh thần và ý chí thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh hải của nhân dân Việt Nam rất nhiệt huyết. Cũng giống như mọi khi, tôi cảm thấy lần nào cũng tràn đầy cảm xúc, rạo rực và khí thế."
Thanh Trúc: Thưa anh có nghĩ sẽ tiếp tục có biểu tình cuối tuần tới không?
Nguyễn Chí Đức: "Chủ Nhật tới có hay không thì tôi cũng không thể nói trước được, ví dụ như tuần vừa rồi là có một buổi đua xe đạp Trường Sơn của bên quân đội tổ chức, là mình cũng phải thông cảm, chương trình đã được lên kế hoạch trước rồi. Mình tuy là thể hiện lòng yêu nước thật, cũng rất hào hùng và người ta cũng cảm thấy như vậy, nhưng mình cũng nên tránh những cuộc mà chính phủ và nhà nước người ta tổ chức. Nếu tuần sau có những cuộc đấy thì mình phải tránh thôi. Nhưng mà nó khác với những cuộc mà người ta làm ra để cản trở biểu tình thì ý nghĩa nó khác."
Thanh Trúc: Theo như anh nói thì người dân đi biểu tình chống Trung Quốc không nao núng trước những lời lẽ hàm ý đe dọa của chủ tịch ủy ban nhân dân Nguyễn Thế Thảo, vậy hôm nay mọi người đi biểu tình trong tinh thần như thế nào, quan điểm và nguyện vọng dân ra sao tính đến lúc này?
Nguyễn Chí Đức: "Tôi nghĩ dù lo lắng và có hay không thì tôi không biết, nhưng mà quan điểm lúc này là ý đảng và ý dân phải chung một hướng. Có thể cách thể hiện của quan chức ngoại giao nó khác, nhưng cái bản chất bây giờ là phải chung một lòng phải đoàn kết.
Chính quyền Bắc Kinh đã dã tâm và càng ngày càng lấn tới rồi, nó khác với 2007 là chỉ tuyên bố một cách chung chung, tuyên bố trên giấy là thành lập huyện Tam Sa. Còn 2011 thì họ cắt cáp và bây giờ họ vào địa phần mình rồi, họ tuyên bố chủ quyền và những lô dầu khí rồi, càng ngày càng mức độ nguy hiểm rồi.
Cho nên lúc này phải vượt qua nỗi lo sợ, không những người dân đi biểu tình vượt qua nỗi lo sợ mà chính quyền cũng phải vượt qua nỗi lo sợ. Chứ không kiểu này là mất nước thôi. Mất biển mất đảo mà còn bị khống chế là rất nguy hiểm cho tiền đồ dân tộc. Chính quyền mà nhún bước là mất nước ngay. Trong quá khứ chính quyền nào mà quyết tâm bảo vệ tổ quốc, đoàn kết dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân thì chắc chắn sẽ làm nhụt ý chí của chính quyền phương Bắc.”
Thanh Trúc: Anh Nguyễn Chí Đức có thể cho biết hôm nay công an có đông không và họ có động thái nào gọi là cản trở người biểu tình chống Trung Quốc không?
Nguyễn Chí Đức: "Tôi nhận thấy lần này họ rất nhũn nhặn, lịch sự, và họ cũng rất đôn đáo trong việc phân luồng giao thông. Hôm nay trời nóng nực mà các anh em công an rất đôn đáo trong chuyện chặn đường và phân luồng. Một lẽ tại vì cuộc biểu tình này rất đông người, đi xuống cả lòng đường tại vì đông quá, cho nên họ đã tìm cách phân luồng đường. Có một cái ý nào đó là trước sức ép của dư luận, trước sức ép của quốc tế mà ngăn chận và đán áp biểu tình thì nó rất ảnh hưởng đến lòng dân. Lòng dân đây không phải là chuyện người đi biểu tình đâu mà còn bao nhiêu người quan sát nữa."
Vừa rồi là cuộc trò chuyện giữa một người đi biểu tình chống trung Quốc hôm nay ở Hà Nội, anh Nguyễn Chí Đức.
Cần người tổ chức
Trong khi đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn yên lặng trước lời kêu gọi tập hợp hôm nay để biểu tình chống Trung Quốc đăng tải trên mạng.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Theo quan điểm của ông Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh:
Ông Lê Hiếu Đằng: "Thật ra ở đây tụi tôi không chủ trương Chủ Nhật nào cũng đi biểu tình. Không biết là anh em có đi theo lời kêu gọi trên mạng không nhưng tôi nghe nói Sài Gòn không có biểu tình. Tôi nghĩ cái đó cũng không có gì lạ cả, thật ra quần chúng người ta cũng sôi sục nhưng mà người ta cũng thấy phải có tổ chức này nọ chớ, người ta cũng ngại nhiều vấn đề lắm. Nếu không có người tổ chức thì người ta không đi được, nó như vậy."
Thanh Trúc: Thưa ông có nghĩ rằng lý do người dân thành phố Hồ Chí Minh không đi biểu tình vì nghĩ rằng sự đàn áp ngăn chận cản trở của công an và chính quyền ở đây mạnh mẽ và có hệ thống hơn?
Ông Lê Hiếu Đằng: "Tất nhiên bây giờ nói chung trong xã hội Việt Na người ta còn sợ lắm. Bộ máy công an cảnh sát đồ sộ như vậy mà. Người ta vẫn còn sợ, nhất là thành phố Hồ Chí Minh gọi là vùng giải phóng, nhiều gia đình còn liên quan thế này thế kia, thành ra về mặt tâm trạng tâm lý mà nói thì người ta còn ngại, ngại hơn là ở Hà Nội. Bởi Hà Nội nói gì thì nói cũng gia đình thương binh liệt sĩ gia đình bộ đội rất nhiều, nhiều thành người ta không ngại. Đó cũng là cái tâm lý ảnh hưởng đến các cuộc biểu tình.
Ngoài ra thì cũng đúng là thành phố Hồ Chí Minh lại dùng biện pháp mạnh để mà trấn áp biểu tình. Tôi cho rằng lãnh đạo của thành phố như vậy là không được. Ngay bây giờ tin là Trung Quốc đưa tàu đổ bộ đến Trường Sa thì như vậy là như thế nào? Người dân đi biểu tình là một nhu cầu chính đáng, do đó chúng tôi cũng thấy khi cần thiết là phải đi biểu tình. Và khi đi biểu tình thì chúng tôi cũng sẽ có những đề nghị những đòì hỏi đối với chính quyền là không được trấn áp không được bắt bớ như cuộc biểu tình ngày 1 tháng Bảy vừa qua.”
Hôm qua, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung Quốc loan tin là cử tri thuộc ba quần đảo mà Trung Quốc gọi là thành phố Tam Sa đã đi bỏ phiếu bầu Hội Đồng Nhân Dân.
Đó là cử tri thuộc 15 khu vực ở Tây Sa thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, Nam Sa thuộc Trường Sa của Việt Nam, và Trung Sa cũng nằm trong khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Trước đó, ngày 23 tháng Sáu, chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa và chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng lên tiếng phản đối quyết định của Trung Quốc lập thành phố Tám Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Những động thái mới như đẩy mạnh việc thành lập Tam Sa, tiến hành bầu cử hội đồng nhân dân trên khu vực Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, xảy ra một ngày sau khi phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực hiện DOC tức Bản Tuyên bố cung cách ứng xử của các bên trên biển Đông sao cho hiệu quả, cũng như cùng ASEAN tham vấn để hoàn chỉnh COC tức Bộ qui tắc ứng xử của các nước trên biển Đông.
Theo dòng thời sự:
- Tại sao họ đi biểu tình?
- Hệ lụy của lần xuống đường chống Trung Quốc hôm 1/7/2012
- VN vẫn chủ trương đàn áp biểu tình chống TQ
- Huế, Sài Gòn, Hà Nội đồng loạt biểu tình chống Trung Quốc
- Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hillary Clinton
- "Cuộc chiến mới" của Việt Nam và Trung Quốc
- Âm mưu của Bắc Kinh