Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi

Nông nghiệp Việt Nam sắp thay đổi lớn cả về cấu trúc lẫn thể chế và chính sách theo đề án tái cấu trúc được hé lộ.

0:00 / 0:00

Mặc dù năm 2011 Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo trị giá 3,5 tỷ USD nhưng sản xuất lúa gạo hầu như đã tới ngưỡng và không có chủ trương gia tăng sản lượng mà chú trọng hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân. Đây là một trong những thí dụ được nói tới trong đề án tái cấu trúc nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn trụ sở ở Hà Nội nhận định rằng, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp khá rộng lớn từ kết cấu kinh tế cho tới tổ chức thể chế và chính sách. TS Đặng Kim Sơn giải thích:

"Trước hết là tái cơ cấu về kết cấu của ngành nông nghiệp. Chẳng hạn trước đây tập trung ngành trồng trọt là chính, trong đó cây lương thực nhất là cây lúa chiếm tỷ trọng quan trọng, bây giờ trong tổng thể ngành nông nghiệp thì phần chăn nuôi chắc là sẽ tăng lên, phần thủy sản sẽ tăng lên, phần về lâm nghiệp cũng sẽ đóng một vị trí xứng đáng hơn hiện nay.

Như vậy phần của trồng trọt sẽ giảm đi một cách tương đối, trong trồng trọt mà những ngành có lợi thế so sánh có nhu cầu thị trường cao, thí dụ các cây công nghiệp như là cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, rau, cây ăn quả sẽ tăng hơn so tương đối với cây lương thực. Trong tổng thể của nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng sẽ có sự thay đổi về kết cấu.”

Mọi sự cải cách đều bắt nguồn từ thể chế và chính sách, tái cơ cấu nền nông nghiệp cũng thế, trong mục đích phát triển bền vững và chú trọng lợi tức và đời sống người nông dân. TS Đặng Kim Sơn tiếp lời:

“Sẽ có sự thay đổi lại về thể chế tổ chức, tức là vai trò của các nông lâm trường quốc doanh trước đây tương đối sẽ giảm bớt so với vai trò của kinh tế tư nhân của các trang trại, của các doanh nghiệp… Rồi là công tác cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh hơn.

Trong thể chế thì các tổ chức làm dịch vụ công thì sẽ được trao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm mạnh hơn và áp dụng cơ chế thị trường một cách triệt để hơn.

Đấy là về thể chế còn về chính sách thì sẽ thay đổi cách làm mới để mà đưa ra các động lực để khuyến khích, để kích thích các thành phần kinh tế tự chủ trong công việc, tự huy động nội lực về tài nguyên về trí tuệ tự ra quyết định trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Nhìn chung quá trình tái cơ cấu là trong kết cấu kinh tế, trong tổ chức thể chế và trong chính sách.”

Nan đề kinh tế tiểu nông

000_Hkg604724-250.jpg
Người nông dân và con trâu trên một cánh đồng ở miền Bắc VN. AFP photo (Người nông dân và con trâu trên một cánh đồng ở miền Bắc VN. AFP photo)

Việt Nam có kế hoạch tái cơ cấu nền nông nghiệp mà một trong những mục đích chính là gia tăng giá trị cho cả chuỗi sản xuất. Thí dụ sản xuất lúa gạo, cà phê hoặc nuôi thủy sản với sự hứa hẹn người nông dân sẽ được hưởng phần lợi nhuận tương xứng so với công sức của mình.

Tuy vậy các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp Việt Nam chỉ có thể cải thiện chứ không thể cởi bỏ cái áo tiểu nông chật chội. Đứng về mặt lý thuyết muốn sản xuất lớn phải có sự tích tụ ruộng đất, diện tích canh tác bình quân của một hộ nông dân Việt Nam chỉ vào khoảng 0,7 héc-ta do với mức vài héc-ta của các nước trong khu vực, chưa nói đến nông hộ bình thường hàng trăm héc-ta ở Hoa Kỳ, Canada hay Australia.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đưa ra điều kiện tối thiểu về diện tích canh tác để một hộ nông dân có thể sống với cây lúa:

"Bốn người một gia đình, sinh hoạt con cái ăn học đàng hoàng thì ít gì cũng phải có 2 héc-ta, chứ dưới 2 héc-ta là không sống được, không đáp ứng được nhu cầu. Trung bình mỗi vụ lúa thu nhập khoảng 70 triệu-80 triệu, cái đó cũng tạm đáp ứng được nhu cầu của gia đình.”

Trong sản xuất lúa gạo, Bộ NN-PTNT đề ra chủ trương nông hộ nhỏ cánh đồng lớn hay còn gọi là cánh đồng mẫu lớn, giúp tăng giá trị cho hạt gạo nhờ sản xuất đồng nhất và áp dụng cơ giới hóa. Năm nay tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt khoảng 20.000 héc-ta trên tổng diện tích một vụ lúa là 1.600.000 héc-ta, tức là rất khiêm tốn. Và dù những cánh đồng mẫu lớn thành công thì lợi ích rõ ràng vẫn thuộc về những ai có nhiều ruộng đất đóng góp, nó không thể là đôi đũa thần đối với những nông hộ quá nhỏ bé, bởi vì có tăng gấp đôi thu nhập thì họ vẫn cứ nghèo.

Sẽ có sự thay đổi lại về thể chế tổ chức, tức là vai trò của các nông lâm trường quốc doanh trước đây tương đối sẽ giảm bớt so với vai trò của kinh tế tư nhân của các trang trại, của các doanh nghiệp…

TS Đặng Kim Sơn

Như vậy cốt lõi của phát triển nông nghiệp hiện đại vẫn là vấn đề tích tụ ruộng đất. TS Đặng Kim Sơn phát biểu trên báo Nông Nghiệp nhân dịp đầu năm mới Nhâm Thìn rằng, muốn tích tụ đất đai cần sửa đổi Luật Đất đai, thậm chí sửa đổi Hiến pháp vì liên quan tới vấn đề sở hữu.

Nhưng để tích tụ ruộng đất sẽ phải giải bài toán công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân ra đi từ nông nghiệp. Tất nhiên với thu nhập cao hơn khi họ làm nông trong điều kiện có quá ít ruộng đất. Thứ hai tạo thị trường đất đai, cải thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân ở lại có thể tích tụ ruộng đất. Sau hết là phát triển nông thôn, sản xuất qui mô lớn với các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Tất cả những nan đề vừa nêu vẫn đang ở phía trước, muốn thực hiện nó cần nhiều thời gian. Nhưng điều quan trọng nhất là giới lãnh đạo Việt Nam có chấp nhận đổi mới tư duy, có cách nhìn thoáng hơn về vấn đề tư hữu và đất đai hay không.

Theo dòng thời sự: