Sử dụng máy móc trong nông nghiệp là tất yếu
‘Máy móc nông nghiệp trong hoạt động sản xuất gạo: một thách thức cho ASEAN’ là tên gọi của kỳ hội thảo do Đại học Naresuan phối hợp cùng Bộ Lúa gạo của Thái Lan tổ chức.
Ban tổ chức không dùng từ hội thảo mà sử dụng từ ‘thượng đỉnh’ để nói đến hoạt động này vì đó là một cuộc tập trung đầu tiên qui tụ những nhà khoa học hàn lâm trong lĩnh vực lúa gạo đến để chia xẻ những hiểu biết và quan điểm của họ trong lĩnh vực sử dụng máy móc để sản xuất lúa gạo.
Giáo sư- tiến sĩ Sujin Jinahyon, chủ tịch Đại học Naresuan, là người lâu nay có những nghiên cứu thực tiễn giúp phát triển ngành nông nghiệp Thái Lan cho rằng để nước Thái giành lại vị thế quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới thì đất nước này phải thực hiện cho được ba chiến lược. Thứ nhất là tri thức, thứ hai là năng suất và thứ ba là sáng kiến. Một trong những biện pháp để có thể giúp giải quyết nạn thiếu hụt lao động nông nghiệp hiện nay của Thái Lan là phải cơ giới hóa.
Có ý kiến cho rằng nếu bắt nông dân sắm sửa thêm nông cụ sẽ khiến chi phí gia tăng. Tuy nhiên theo các nhà khoa học nông nghiệp thì nông dân có thể hợp tác với nhau, chung vốn mua máy móc làm việc trên những khoảng ruộng hơn ra theo phương thức hợp tác để có được lợi nhuận cao hơn. Nếu quản lý tốt, việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp sẽ giúp giảm bớt chi phí, giúp tăng năng suất và như thế họ có thể có
khả năng cạnh tranh cao hơn nữa với những nước cùng xuất khẩu mặt hàng gạo.
Nếu quản lý tốt, việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp sẽ giúp giảm bớt chi phí, giúp tăng năng suất và như thế họ có thể có khả năng cạnh tranh cao hơn nữa với những nước cùng xuất khẩu mặt hàng gạo
Vấn đề đối với lĩnh vực sản xuất lúa gạo hiện nay tại những quốc gia như ở Đông Nam Á là làm thế nào để có thể gia tăng sản lượng khi mà số nông dân tham gia hoạt động này ngày càng giảm bớt.
Làm nông trong tình hình thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay khi mà hiện tượng ấm nóng toàn cầu gây ra bao bất lợi không lường trước được cũng là nguy cơ bấp bênh cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Giới khoa học đều đồng ý là chỉ có cơ giới hóa mới có thể giúp giải được bài toán đó.
Giám đốc Tiếp thị của Hãng nông cụ Kubota Siam, ông Jamonwut Tamnanjit, khẳng định rằng hiện nay đã có những tiến bộ đầy ấn tượng về các loại máy nông nghiệp.Trong mỗi giai đoạn sản xuất lúa gạo đều có những máy móc tương thích.
Thành tựu và khó khăn trong nông nghiệp VN
Việt Nam cũng cử đại diện đến tham gia thượng đỉnh hàn lâm quốc tế về máy móc nông nghiệp tại Đại học Naresuan ở Chiang Mai. Một trong những đại biểu có phát biểu tại hội nghị là tiến sĩ Phạm Văn Tấn- phó giám đốc Phân Viện Cơ Điện Nông nghiệp và Công nghệ Sau Thu hoạch.
Ông cho biết những điểm mà ông đem đến với hội nghị:
Thành tựu nổi bật là ngành cơ điện nông nghiệp ở các khâu từ khâu làm đất đến khâu chăm sóc gồm thủy lợi- tưới nước, bón phân, phun thuốc rồi đến khâu thu hoạch, sấy- làm khô đến khâu sấy, bảo quản và xay xát
TS Phạm Văn Tấn
Điểm chính mà tôi muốn trình bày phát triển của ngành cơ khí nông nghiệp của Việt Nam qua các thời kỳ. Đó là từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ sau giải phóng- thời kỳ các trạm máy kéo; thời kỳ mở cửa phát triển nông nghiệp cho đến ngày nay.
Tôi cũng trình bày những khó khăn kèm theo những thành tựu về phát triển cơ điện nông nghiệp và nhất là công nghệ và thiết bị sau thu hoạch lúa hiện nay, cũng như những thử thách trong thời gian sắp tới đối với các thiết bị trong ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam; những giải pháp để có thể khắc phục, vượt qua những thử thách đó, nhằm để phát triển một cách bền vững ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam và nâng cao đời sống người nông dân.
Tiến sĩ Phạm Văn Tấn nói rõ những thành tựu trong lĩnh vực phát triển cơ điện nông nghiệp của Việt Nam như sau:
Thành tựu nổi bật là ngành cơ điện nông nghiệp ở các khâu từ khâu làm đất đến khâu chăm sóc gồm thủy lợi- tưới nước, bón phân, phun thuốc rồi đến khâu thu hoạch, sấy- làm khô đến khâu sấy, bảo quản và xay xát. Có thành tựu quan trọng nhất là khâu làm đất rồi chăm sóc, thu hoạch…
Thành tựu nổi bật sau thụ hoạch là các máy móc xay xát lúa gạo.Hiện nay Việt Nam đã vươn ra thế giới, xuất khẩu những dây chuyền xay xát lúa trên thế giới và chiếm lĩnh hầu như toàn bộ thị trường máy xay xát ở Việt Nam. Các công ty chế tạo các thiết bị xay xát lúa gạo như Satake, một công ty sản xuất những máy xay xát lúa gạo cũng khó thâm nhập thị trường Việt Nam.
Những khó khăn là trong chuỗi cung ứng lúa gạo từ khâu làm đất cho đến khâu xay xát lúa gạo thì sự phát triển không đồng đều ở tất cả các công đoạn
TS Phạm Văn Tấn
Ông Phạm Văn Tấn cũng thừa nhận những thử thách tồn tại mà Việt Nam phải vượt qua:
Những khó khăn là trong chuỗi cung ứng lúa gạo từ khâu làm đất cho đến khâu xay xát lúa gạo thì sự phát triển không đồng đều ở tất cả các công đoạn. Có những công đoạn có thể đáp ứng hầu như 100% nhu cầu ví dụ làm đất, tưới nước, xay xát…; nhưng có những khâu chưa đáp ứng được cao đó là các khâu thu hoạch ( chiếm chừng 60% nhu cầu), rồi khâu sấy chỉ chiếm khoảng 40% nhu cầu, rồi khâu bảo quản chiếm khoảng chừng 30-35% nhu cầu. Kèm theo sự đáp ứng nhu cầu chưa đạt như thế về số lượng; song song đó về mặt chất lượng của từng khâu- chất lượng về công nghệ, về thiết bị cần phải được nghiên cứu để cải thiện thêm.
Thông tin cho biết đến trung tuần tháng 11 năm nay Việt Nam đã xuất khẩu được 6 triệu 700 ngàn tấn gạo với kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ đô la. Với tình hình như hiện nay thì mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay là có thể đạt được.
Tuy nhiên Việt Nam chỉ mới đạt được về số lượng còn giá cả thì giá xuất khẩu một tấn gạo của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với gạo xuất khẩu của Thái Lan.
Vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp không phải là vấn đề mới của Việt Nam. Đây cũng là một trong những biện pháp được chính phủ đề ra và Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông Thôn nói đến khá nhiều. Tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu như tiến sĩ Phạm Văn Tấn trình bày là sự phát triển không đồng đều.
Đại học Naresuan của Thái Lan qua kỳ hội nghị trong ba ngày 26 đến 28 tháng 11 vừa nói bày tỏ mong muốn khởi sự biến nơi đó thành một trung tâm học thuật tập trung kiến thức máy móc nông nghiệp kết nối mọi thông tin liên quan trong lĩnh vực này cho thời gian tới giữa các quốc gia ASEAN.
Theo dòng thời sự:
- Tìm giải pháp thay thế mua tạm trữ gạo
- Tại sao nông dân sợ hãi "mua tạm trữ"
- Đề xuất giúp nông dân tự tạm trữ lúa
- Nỗi khổ nông dân: lúa nhiều nhưng giá thấp
- Những câu hỏi từ Đồng Bằng Sông Cửu Long
- Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi
- Đồng bằng Cửu Long: bấp bênh giá lúa
- 20 năm nữa nông dân trồng lúa mới khá
- Lúa gạo bất ổn cả sản xuất lẫn đầu ra
- Lại tái diễn được mùa rớt giá
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?