Đổi mới nông nghiệp: bài toán khó của Thủ tướng

0:00 / 0:00

Trong thông điệp đầu năm 2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Nam Nguyên phỏng vấn ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh An Giang, người từng khởi xướng “hợp tác 4 nhà” nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp khi còn tại chức và không được quan tâm. Đối với nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng, từ An Giang trước hết ông Nguyễn Minh Nhị nhận định:

Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi thấy nó cũng không mới, nhiều người đã nói rồi nhưng mà có cái mới là Thủ tướng chính thức nói. Cái mới ở chỗ đó chứ nhiều người đã nói mà văn kiện của Trung ương, của địa phương cũng đề cập tới. Tuy vậy, từ lâu nay nói nhưng mà làm thì chưa đúng tinh thần đặt nông dân vào vị trí trung tâm, làm thì nó hơi chệch cho nên quyền lợi của nông dân có khó khăn, không đạt được ý muốn đặt người dân vào trung tâm. Ở đây có điểm mới là lần đầu lãnh đạo nói bài bản "có đầu có đũa".

Nam Nguyên: Trong thông điệp Thủ tướng nhìn nhận yếu kém của nền nông nghiệp kinh tế hộ manh mún và kêu gọi đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng … Nhưng ngay trước thông điệp Hiến pháp 2013 của VN và Luật Đất Đai vẫn không công nhận quyền tư hữu đất đai mà ở đây là tư hữu ruộng đất, chỉ nâng mức hạn điền và thời hạn sử dụng, vấn đề thu hồi đất cũng chưa giải quyết tốt . Như vậy gút thắt cũ vẫn còn đó liệu tái cơ cấu có thể thành công?

Tôi thấy nó cũng không mới, nhiều người đã nói rồi nhưng mà có cái mới là Thủ tướng chính thức nói. Cái mới ở chỗ đó chứ nhiều người đã nói mà văn kiện của Trung ương, của địa phương cũng đề cập tới

Ông Nguyễn Minh Nhị

Ông Nguyễn Minh Nhị: Có thể là sẽ thành công một mức độ nào thôi chứ không mỹ mãn được. Bởi vì cái gốc của vấn đề này chưa ráo rẽ được thì kết quả cuối cùng cũng không thể mỹ mãn.

Nhưng mà dù sao đi nữa đây cũng là một bước tiến, tiến từng bước thì sẽ giành thắng lợi từng phần. Sẽ phải giải quyết đồng bộ nhiều chuyện lắm, thứ nhất phải làm sao tích tụ đất đai, một người phải canh tác nhiều héc-ta. Bây giờ anh lãi 50% hay 100% nhưng anh làm có nửa héc-ta thì chẳng nhằm gì so với 4 năm nhân khẩu trong gia đình. Trước hết đất đai phải nhiều thì lợi tức mới cao. Thứ hai là tổ chức làm sao từ khâu giống, nước, phân tới khâu thu hoạch phải bảo đảm giá thành thấp và đầu ra bảo đảm tiêu thụ ở mức ổn định và bảo đảm có lợi tức. Đó là hai điều kiện bản thân của nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn ngày 21-11-2013
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn ngày 21-11-2013

Ngoài ra còn có một vấn đề nữa là phải chủ động rút bớt lực lượng lao động trong nông nghiệp ra để cho nhân khẩu trong nông nghiệp thấp thì thu nhập nông nghiệp đầu người mới tăng lên. Muốn thực hiện việc này thì phải chủ động chương trình đào tạo nghề và bằng chính sách chuyển dịch lao động phát triển dịch vụ để thu hút lao động về phía đó. Nếu không thì xuất khẩu lao động như hiện nay cũng không thể giải quyết hết. Đó là vấn đề thứ ba rất quan trọng trong việc đưa nền kinh tế theo hướng công nghiệp, chẳng những công nghiệp hiện đại mà nông nghiệp cũng phải hiện đại.

Theo tôi ưu tiên nhất là phải tái cơ cấu hệ thống tổ chức bộ máy quản lý của ngành nông nghiệp. Quan điểm của tôi là tổ chức theo ngành dọc, tức là bộ trưởng nông nghiệp là người chịu trách nhiệm nền nông nghiệp của đất nước

Ông Nguyễn Minh Nhị

Nam Nguyên: Thưa ông, có nhiều ý kiến nói là để tái cơ cấu nông nghiệp thành công như Thủ tướng đưa ra trong thông điệp 2014 thì hầu như phải có một cuộc cách mạng đổi thay toàn bộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhưng với hiện trạng VN thì sẽ phải rất lâu dài. Theo ông những vấn đề ưu tiên nhất cần làm ngay là gì ?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Theo tôi ưu tiên nhất là phải tái cơ cấu hệ thống tổ chức bộ máy quản lý của ngành nông nghiệp. Quan điểm của tôi là tổ chức theo ngành dọc, tức là bộ trưởng nông nghiệp là người chịu trách nhiệm nền nông nghiệp của đất nước. Quản lý ở đây là những sản phẩm chủ yếu như gạo, cao su, cà phê, cá, mía đường ..v..v..những món chủ yếu thôi, như vậy mới điều hành được. Chứ bây giờ một cây lúa mà nhiều tỉnh điều hành sẽ bị phân tán, khách hàng sẽ lợi dụng sự phân tán mà người ta đè mình, đó là chưa nói tới cái dở, chủ quan của mình tự cạnh tranh với nhau, hạ giá làm thiệt thòi cho nông dân như vấn đề con cá chẳng hạn.

Tôi đã từng làm nông nghiệp tôi đề xuất từ lâu rồi, một người chỉ huy thì hay hơn là nhiều người chỉ huy làm phân tán. Thứ hai nữa là, làm cái gì cũng phải có tổ chức, muốn ăn một bữa cơm thì cũng phải phân công người nấu, chứ không cũng chẳng có cơm mà ăn. Làm lúa hay làm gì cũng phải có tổ chức, vì tổ chức của nông dân chưa tốt cho nên các công đoạn của quá trình sản xuất đó, gọi là dịch vụ bị phân tán và giá thành đội lên, mỗi cái một chút…một chút…cuối cùng lợi nhuận của nông dân không được nhiều. Thí dụ một cái máy cày làm cho 5 mẫu đất thì sẽ tốt hơn là nó đi cày chỉ một mẫu rồi một mẫu khác phải đi xa hơn nữa, thì chi phí vận chuyển sẽ cao. Cho nên vấn đề sản xuất lớn rất là khó, tổ chức lại rất là khó.

Đề án của Bộ đưa ra thì thường mục đích yêu cầu lớn nhưng về giải pháp sự khả thi yếu, rất là khó. Thí dụ đảm bảo lợi nhuận đạt 30%, cụ thể phải giải quyết những khâu gì để bảo đảm cái đó?

Ông Nguyễn Minh Nhị

Thứ ba nữa là thị trường thì tự do nhưng Chính phủ phải có trách nhiệm chủ yếu về vấn đề giá cả của những mặt hàng nông dân làm ra. Tất nhiên không phải là bao cấp mua gì hết, nhưng phải điều hành chánh sách vĩ mô để làm sao tăng lợi tức cho người nông dân. Điều đó hết sức quan trọng. Theo tôi trước mắt có ba vấn đề đó phải làm sao giải quyết được còn nếu không thì nó cũng cứ như cũ thôi.

Nam Nguyên: Đề án tái cơ cấu nông nghiệp được phê duyệt, nhiều chuyên gia cho là chưa đáp ứng yêu cầu cải cách cần thiết. Thí dụ mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân vào năm 2020 nhưng lại lấy mức lợi tức cách đây nhiều năm làm mốc, như vậy thực tế không tăng bao nhiêu vì trượt giá và lạm phát. Thưa ông nhận định gì?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Đề án của Bộ đưa ra thì thường mục đích yêu cầu lớn nhưng về giải pháp sự khả thi yếu, rất là khó. Thí dụ đảm bảo lợi nhuận đạt 30%, cụ thể phải giải quyết những khâu gì để bảo đảm cái đó? Một chuyện nữa phải chống phá giá, làm hạ giá sản phẩm của nông dân. Nhưng nếu người ta phá thì phải làm sao…không nghe nói…thì cũng như không. Cho nên mặt giải pháp là quan trọng lắm mà không cụ thể cho nên mục tiêu thì nói lớn vậy nhưng thường là khó đạt được.

Nam Nguyên: Cảm ơn ông Nguyễn Minh Nhị đã trả lời chúng tôi.