“Nạn nhân Khmer Đỏ” biểu tình phản đối lãnh đạo đảng đối lập

Khoảng 20.000 người tiến hành biểu tình tại Công viên Tự do ở giữa thủ đô Phnom Penh để bày tỏ sự phẫn nộ đối với lời phát biểu được loan đi và nói là từ một vị lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất tại Campuchia. Đó là ông Kem Sokha, với trích dẫn cho rằng ông nói nhà tù khét tiếng Toul Sleng là do Việt Nam dàn dựng lên. Người biểu tình nói phát biểu như thế là vu cáo, xuyên tạc lịch sử, và xúc phạm những người bỏ mạng tại nhà tù Tuol Sleng.

Cuộc biểu tình này được Bộ Nội vụ cho phép hôm ngày 7/6. Những người biểu tình gồm hàng chục ngàn người dân từ 9 quận của thủ đô Phnom Penh cùng với các tỉnh lân cận thủ đô, như tỉnh Kandal, Prey Veng, Tà Keo, Kampong Cham, Kampong Chhnang và tỉnh Kampong Thom. Họ tập hợp biểu tình tại Công viên Tự do, sau đó đoàn biểu tình diễu hành đến trước trụ sở của Đảng Cứu Quốc.

Đây là cuộc biểu tình ôn hòa lớn nhất trước mùa bầu cử nhằm chống lại ông Kem Sokha, quyền Chủ tịch Đảng Cứu Quốc để buộc ông này chịu trách nhiệm trước phát biểu của mình. Ông Chum Mey, Chủ tịch Hiệp hội các nạn nhân trong chế độ Khmer Đỏ hay còn gọi là Hội Ksaem Ksan, đứng đầu tổ chức cuộc biểu tình phát biểu rằng người biểu tình đòi lãnh đạo đảng đối lập đến Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng xin lỗi nạn nhân.

Ông Chum Mey nói:

Ông Chum Mey, Chủ tịch Hội các nạn nhân của Khmer Đỏ phát biểu trước hàng chục ngàn người biểu tình
Ông Chum Mey, Chủ tịch Hội các nạn nhân của Khmer Đỏ phát biểu trước hàng chục ngàn người biểu tình (RFA photo)

“Việc Kem Sokha phát biểu Việt Nam đã dàn dựng nhà tù Tuol Sleng, chúng tôi không thể chấp nhận. Phát biểu kiểu này có nghĩa là Tòa án xét xử Khmer Đỏ hiện nay cũng là sự dàn dựng của Việt Nam. Ông Kem Sokha là nhà chính trị thiếu trách nhiệm. Đảng đối lập muốn đổi người đứng đầu chính phủ mà theo tôi không thể đổi được vì tất cả đường sá giao thông, thủy lợi đều có hết rồi. Trước đó, các nạn nhân đã an tâm vì Kaing Guek Eav đã xin lỗi nhưng bài phát biểu mới đây của Kem Sokha đã làm cho các nạn nhân đau khổ trở lại.”

Nhà tù Tuol Sleng, nơi từng được mệnh danh là địa ngục trần gian dưới thời Khmer Đỏ. Nay là Bảo tàng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ trong thời gian cầm quyền từ năm 1975 – 1979 khi trước đó từng là trường phổ thông trung học. Năm 1975, trường được chuyển thành nhà tù với tên gọi nhà tù S-21 và được xây thêm hàng rào điện, phòng hỏi cung và phòng tra tấn. Trong thời gian 4 năm cầm quyền, Nhà tù Tuol Sleng đã giam giữ khoảng 17.000 người dân, phần lớn là thành viên hoặc lính trước đó của Khmer Đỏ bị kết tội phản bội.

Các nạn nhân phẫn nộ như vậy là do chính phủ Campuchia công bố một đoạn băng ghi âm phát biểu của ông Kem Sokha mà không có nguồn gốc và ngày tháng thực tế. Đoạn băng ghi âm này có vẻ mang động cơ chính trị vì sau khi được công bố, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi dân tổ chức biểu tình toàn quốc nhằm chống lại lãnh đạo đảng đối lập này.

Ông Kem Sokha, quyền Chủ tịch Đảng Cứu Quốc cho biết ông cũng là một nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ. Đoạn băng ghi âm được phát tán bị đảng đang cầm quyền cắt xén phát biểu để đưa ra khỏi ngữ cảnh.

Ông Kem Sokha nói với RFA:

“Tôi chưa bao giờ nói nhà tù Tuol Sleng là một nhà tù được dàn dựng. Tôi có nhiều bài phát biểu về nhà tù Tuol Sleng này nhiều năm nay và tôi cũng có công nhận là nơi Khmer Đỏ tra tấn, giam giữ và cáo buộc những người lương thiện một cách bất công.Theo tôi, đảng Nhân dân Campuchia đã dàn dựng sự việc này vì họ thấy đảng đối lập đang nhận được sự ủng hộ từ người dân trong và ngoài nước. Người dân và quốc tế đang quan tâm đến nạn phá rừng, cưỡng chế đất dân và vi phạm nhân quyền cho nên họ dàn dựng đoạn băng ghi âm này.”

Vẫn theo ông, hiện nhiều nạn nhân đã chấp nhận lời giải thích của ông tuy nhiên chỉ có một, hai người trong Hội Ksaem Ksan kích động dân biểu tình vì có người ủng hộ phía sau.

Các nhà phân tích chính trị độc lập xứ này nhận định việc Thủ tướng Hun Sen muốn có làn sóng biểu tình chống lãnh đạo đảng đối lập đã và đang đẩy các thành viên của đảng phái chính trị vào thế bế tắc không nhìn mặt nhau, biến tình hình chính trị trở nên tồi tệ hơn vào trước ngày bầu cử. Nghiêm trọng hơn, sự việc sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia nếu có tranh cãi và phát sinh bạo lực.

Nhà phân tích chính trị Campuchia là Tiến sĩ Kem Ley nói rằng phát biểu của ông Hun Sen là sự ủng hộ lớn cho dân, đặc biệt là gây sức ép các quan chức nhà nước và thành viên của đảng Nhân dân Campuchia phải tham gia biểu tình càng nhiều hơn, vì phát biểu của người đứng đầu nhà nước rất nhạy cảm, Tiến sĩ khẳng định sự cáo buộc và kích động cuộc biểu tình kiểu này là có ý đồ chính trị. Theo Tiến sĩ, chính phủ cần giúp tổ chức một diễn đàn để lãnh đạo đối lập giải thích và làm rõ phát biểu của mình.

Tiến sĩ Kem Ley:

“Nếu chính phủ giúp can thiệp, không để dân phẫn nộ và nới rộng hoạt động vận động tranh cử thì chính phủ càng có uy tín. Sau cuộc biểu tình này sẽ có nhiều vấn đề xảy ra vì họ là người dân lương thiện thiếu thông tin xác đáng.”

Trong khi đó, 9 trong số 10 thành viên trong Hội đồng quản trị Hội Ksaem Ksan phát đi một thông cáo rằng họ giữ quan điểm trung lập, không tham gia trong cuộc biểu tình. Mục đích thành lập Hội là để đoàn kết, hòa hợp, xây dựng đất nước, không phải để chia rẻ dân tộc. Theo đó, Hội đồng quản trị sẽ yêu cầu có một Đại hội nhằm chọn ra một Chủ tịch mới có tinh thần hòa hợp dân tộc và xây dựng đất nước thật sự. Còn ông Bou Meng, Phó Chủ tịch Hội Ksaem Ksan, viết thêm trong một thông cáo riêng rằng: “Trường hợp ông Chum Mey tổ chức biểu tình chống ông Kem Sokha là trường hợp cá nhân. Không phải tổ chức bởi Hội Ksaem Ksan hay nạn nhân trong Hội. Tôi không muốn lợi dụng tên tuổi là nạn nhân để hưởng phúc lợi từ các chính trị gia.”

Ông Bou Meng và 8 thành viên khác trong Hội đồng quản trị nhấn mạnh cuộc biểu tình này không được Hội đồng quản trị và các nạn nhân trong Hội thống nhất. Nhưng ông Chum Mey nói:

“Cuộc biểu tình hôm nay xuất phát từ sự phẫn nộ, cáo buộc trắng trợn vì nhiều người phải bỏ mạng tại nhà tù này. Đối với phát biểu của Bou Meng là quyền của ông ấy. Ông ấy muốn nói thế nào cũng được. Cuộc biểu tình không hề có liên quan đến chính trị.”

Phó chủ tịch Bou Meng trưng ra sách vở nói về tội ác của Khmer Đỏ - RFA photo
Phó chủ tịch Bou Meng trưng ra sách vở nói về tội ác của Khmer Đỏ - RFA photo (RFA photo )

Về đoàn biểu, được hàng trăm cảnh sát giúp mở đường và bảo vệ khác hẳn với các cuộc biểu tình trước đó thường bị ngăn cản và dùng bạo lực. Trong đoàn biểu tình này cũng có rất nhiều thành phần quan trọng trong chính phủ Thủ tướng Hun Sen. Song, cũng có nhiều quan chức, công nhân viên chức nhà nước bộc bạch rằng họ bị cấp trên bắt buộc tham gia biểu tình. Nếu không có mặt thì sẽ bị cách chức hoặc đuổi việc.Riêng đối với học sinh, sinh viên mà RFA được tiếp cận đều trả lời giống nhau rằng họ tham gia biểu tình vì được trả tiền 5$ (100.000VNĐ) cho một người.

Người dân từ tỉnh Kampong Speu cho biết: "Chúng tôi đến từ tỉnh Kampong Speu. Tôi đến đây biểu tình vì được trả tiền 10$ (200.000VNĐ) nhưng tôi ủng hộ ông Kem Sokha vì đảng đối lập có chính sách giúp dân rõ ràng."

Thực tế, sau khi Thủ tướng Hun Sen bày tỏ mong muốn có một đạo luật cấm phủ nhận chế độ Khmer Đỏ được hơn một tuần, dự luật đã được Quốc hội thông qua. Cuộc biểu tình cũng bắt nguồn từ bài phát biểu của Thủ tướng Hun Sen hôm 30/5 kêu gọi và ủng hộ làn sóng biểu tình toàn quốc để chống lại ông Kem Sokha.

Chế độ Khmer Đỏ đã bị lật đổ vào năm 1979, gần 2 triệu người dân Campuchia đã bị giết hại dưới chế độ này. Trước phiên xử ngày 27/5/2013, các lãnh đạo Khmer Đỏ như Nuon Chea, Khieu Samphan vẫn khẳng định một số lãnh đạo trong chính phủ ông Hun Sen hiện nay là người chịu trách nhiệm của chế độ Khmer Đỏ. Theo đó, họ cáo buộc Việt Nam đã xúi dục, kích động, chia rẽ dân tộc Campuchia nhằm nảy sinh bất đồng, phá hoại khối đoàn kết và sự phát triển đất nước.