[ Nghe bài nàyOpens in new window ]
[ Tải xuống - download Opens in new window ]
Vào trung tuần tháng 3 vừa qua, đài truyền hình Mỹ CBS đã tổ chức một cuộc đua có tên gọi Amazing Race đến Hà Nội. Đây là một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng của Mỹ thu hút hàng triệu người xem trên toàn nước Mỹ. Những người tham gia cuộc đua, mỗi tuần, được đến một địa điểm khác nhau trên thế giới và đây là cơ hội cho họ tìm hiểu văn hóa, và lịch sử của nơi mình đến.
Cuộc đua lần đầu tiên đến Hà Nội của những người Mỹ có nhiều điểm đáng chú ý và đã gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong người dân Mỹ về cuộc đua này.
Người Mỹ tức giận
Có lẽ đối với rất nhiều người Mỹ, được đến Hà Nội tham quan, du lịch tìm hiểu là một cơ hội tốt để biết về đất nước, con người Việt Nam. Đối với những người làm chương trình Amazing Race của đài truyền hình CBS, có lẽ đây cũng là điều mà họ mong muốn những người tham gia cuộc đua trong show truyền hình thực tế đạt được khi họ quyết định chọn Hà Nội là điểm đến của những người đua. Nhưng điều mà đài truyền hình CBS không ngờ, và có thể là cả những người phối hợp tổ chức cuộc đua ở Hà nội cũng không nghĩ tới là một sự phản đối mạnh mẽ của những người Mỹ sau khi cuộc đua được phát sóng vào trung tuần tháng 3 vừa qua.
Chân ướt chân ráo đến Việt Nam, những người Mỹ ở đủ mọi lứa tuổi háo hức tìm hiểu Hà Nội, ngay lập tức được tham gia cuộc thi đầu tiên là nghe bài hát về Đảng Cộng sản. Đây là bài hát không lạ với nhiều người Việt Nam, nhưng rõ ràng là rất xa lạ với những người Mỹ. Những người Mỹ không biết tiếng Việt phải ngồi xem một màn trình diễn hoành tráng của các em thiếu niên, nghe và cố nhớ lời của bài hát để rồi sau đó tìm các từ đúng với lời của bài hát trong một phòng kế bên, nơi có treo các hình áp phích cổ động của Đảng Cộng sản.
Ngay sau khi chương trình phát sóng, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến Việt Nam, ông James Koutz đã viết thư phản đối đến CBS, chỉ trích việc cho các người thi nghe bài hát ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông này trích lời của một cựu chiến binh kỳ cựu khác nói rằng:
Chương trình được gọi là 'Amazing Race', nhưng tôi thích gọi là 'the Amazing Gall' (sự trơ tráo kinh ngạc). <br/>-Cựu chiến binh Mỹ Legion<br/> <br/>
"Là một cựu chiến binh thủy quân lục chiến đã từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam hai lần, tôi cảm thấy hết sức xúc phạm cho bản thân mình và đất nước của chúng ta khi ca ngợi một chính quyền cộng sản đã không có nhân đạo khi giết chết và tra tấn các đồng minh Việt Nam của chúng ta và bây giờ lại được miêu tả như một điều được chấp nhận trong xã hội của chúng ta".
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, sau khi nghe hát, các đội thi tiếp tục phải chạy đua đến điểm đến thứ hai là hồ B-52 ở Ngọc Hà nơi một phần xác của chiếc B-52 bị rơi vẫn còn được lưu lại như một dấu tích của chiến tranh.
Cuộc đua tiếp theo này đã khiến các cựu chiến binh Mỹ cảm thấy bị xúc phạm hơn cả bởi họ cho rằng đó là sự xúc phạm tới hàng chục ngàn người Mỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến Việt Nam. Bức thư của cựu chiến binh Koutz, người đứng đầu hội Cựu chiến binh Mỹ Ameerican Legion, viết:
"Chương trình được gọi là ‘Amazing Race’, nhưng tôi thích gọi là ‘the Amazing Gall’ (sự trơ tráo kinh ngạc). Trong một chương trình phát sóng có vẻ phảng phất của Tokyo Rose, các người đua đã đến thăm di tích B-52 ở Việt Nam, nơi có xác của máy bay B-52 bị bắn rơi trong cuộc chiến Việt Nam. Điều không được chiếu là những phi hành đoàn đã bị giết hay những gia đình Mỹ đau khổ bị bỏ lại phía sau. Bộ Quốc Phòng khuyến khích người Mỹ trân trọng và ghi nhớ những cựu chiến binh Việt Nam cho những hy sinh của họ 50 năm về trước. Hội cựu chiến binh coi đây là một nghĩa vụ quan trọng. Chúng chỉ muốn là kênh truyền hình đã từng cho chúng ta một Kate Smith – nổi tiếng với bài hát của cô ấy ‘God Bless America’ – sẽ trở lại với cội nguồn vĩ đại và không sốt sắng phát sóng một chương trình tuyên truyền chống Mỹ như vậy."
Cuộc chiến Việt nam theo cách gọi của người Mỹ đã kết thúc vào năm 1975 và đã khiến hơn 3 triệu người Việt và 58,000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Ngay sau khi chương trình phát sóng, đài truyền hình Fox của Mỹ cũng có dành khoảng 5 phút bình luận trong chương trình The five nổi tiếng của kênh truyền hình này để chỉ trích cuộc đua tới Hà Nội. Người dẫn chương trình Greg Gutfelt nói:
"Hình ảnh di tích máy bay B-52 rơi là biểu tượng cho hàng chục ngàn người Mỹ đã ngã xuống vì tự do."
Còn ông Bob Beckel, một người dẫn khác của chương trình, thì nói về những người thực hiện chương trình ở Hà Nội như sau:
"Những người đó muốn những người Mỹ nhìn thấy di tích B-52 và phải nghe bài hát về đảng cộng sản mà thực chất là một bài hát chống Mỹ, đó là một chương trình của đảng cộng sản."
Người Hà Nội bị xúc phạm
Ở Việt Nam, không nhiều người biết đến chương trình ‘Amazing Race’ này vì điều dễ hiểu là nó được phát ở nước Mỹ. Nhưng khi được nghe nói về chương trình ở Hà Nội, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của những người tổ chức chương trình ở Hà Nội. Nữ nhà văn Thùy Linh, người làng gốc Ngọc Hà nơi có di tích B-52 và hiện đang sống ở đó bật cười khi nhận xét về chương trình:
"Mình nghĩ cái đó không phải tiêu biểu cho Hà Nội. Nếu mà đến mà gặp ngay hai sự kiện đó thì có lẽ là gần như chưa đến Hà Nội."
Theo nhà văn Thùy Linh, việc đưa những người tham gia cuộc đua đến hồ B-52 là một cử chỉ không lịch sự từ nước chủ nhà:
"Mình cho rằng đó là không lịch sự. Một người trước đó là đối thủ của mình, trong cuộc chiến tạm gọi là người Mỹ đã thua mà ngay đầu tiên đến mà cho họ xem cái đó thì mình cho là bất lịch sự."
Nữ nhà văn Thùy Linh cũng nói đến những ngày kỷ niệm điện biên phủ trên không, ngày 30 tháng 4 là những ngày lễ kỷ niệm lớn ở Việt Nam về cuộc chiến chống Mỹ. Nhà văn Thùy Linh cho rằng chính phủ đã làm quá lố khiến người dân cũng không còn quan tâm đến những ngày này, đó là chưa kể Việt Nam và Mỹ giờ đã bình thường hóa quan hệ được 18 năm, và người dân hai nước vẫn đang cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh, quên đi hận thù.
Blogger Nguyễn Tường Thụy thì bức xúc với việc những nhà tổ chức bắt người thi phải nghe và nhớ lời bài hát về đảng cộng sản, ông coi đây là sự kém cỏi về văn hóa.
Mình cho rằng đó là không lịch sự. Một người trước đó là đối thủ của mình, trong cuộc chiến tạm gọi là người Mỹ đã thua mà ngay đầu tiên đến mà cho họ xem cái đó thì mình cho là bất lịch sự.<br/> -Nhà văn Thùy Linh
"Điều đó không những người Mỹ bức xúc, bản thân tôi là người Việt mà bắt tôi hát những bài như thế với điều kiện này khác thì tôi cũng không làm những chuyện đó. Bản thân tôi sang các nước khác hoặc người nước khác sang đây cũng không đồng tình với điều này và tôi thấy điều này là cực kỳ kém cỏi về trong văn hóa."
Bật cười khi mới nghe về hai cuộc thi đầu tại Hà Nội, nhưng nữ nhà văn Thùy Linh cũng không giấu nổi sự bức xúc. Chị cho rằng người Hà nội đã bị tổn thương với chương trình này.
"Đó đâu phải là tinh hoa của Việt Nam, đâu phải là tinh hoa của Hà Nội, văn hóa của Hà Nội, đâu phải là cái đẹp nhất của Hà Nội. Nếu bạn bè thế giới mà đến mà mình giới thiệu như thế mà mình là người Hà Nội, mình Hà Nội gốc, mình cảm thấy đó như một sự xúc phạm, tổn thương."
Chương trình Amazing Race ở Hà Nội rõ ràng đã không đem lại kết quả như mong đợi kể cả trong những người tổ chức ở Mỹ lẫn Việt Nam. Đài truyền hình CBS sau đó đã lên tiếng xin lỗi người dân Mỹ về chương trình. Với những người tham gia tổ chức chương trình ở Việt Nam, nếu như mục đích tuyên truyền của họ là đưa bài hát ca ngợi đảng cộng sản và hình ảnh di tích hồ B-52 chiếu rộng rãi trên truyền hình nước Mỹ, chắc chắn là họ đã đạt được mục đích của mình. Nhưng nói như nhà văn Thùy Linh thì đây chỉ là một sự non nớt, thất bại của tuyên truyền.