Kể từ đầu năm đến nay, đã có vài đợt tăng giá thuốc âm thầm, và sắp đến đây viện phí tại khu vực TPHCM dự định sẽ tăng giá vào đầu tháng 8/2013. Giá thuốc và viện phí tăng khiến cho người dân thêm phần lo lắng.
Tăng viện phí đến 75%
Vào ngày 20/6/2013 Sở y tế Tp.HCM đã có báo cáo với cấp chính quyền Ủy Ban Nhân Dân Tp.HCM về việc tăng giá viện phí từ 65% đến 75% khung mức tối đa và được dự kiến sẽ áp dụng bắt đầu từ ngày 1/8/2013 .
Theo thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã cho phép sở Y tế TP.HCM tăng mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tại Tp.HCM như sau: giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tăng 3,75 lần, khung giá một ngày giường bệnh tăng 7,42 lần, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng 3,44 lần. Trong đó các thủ thuật, tiểu thủ thuật nội soi tăng 5,97 lần; các phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa tăng 4,62 lần...
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám Đốc sở y tế thành phố Đà Nẵng, cho biết lý do tăng viện phí toàn quốc như sau:
“Mục đích, mục tiêu để tăng viện phí do Bộ Y Tế đưa ra vì giá từ năm 1995 đến nay thì vấn đề đã không còn phù hợp mà việc tăng viện phí này chỉ thu một phần chi phí thôi, chứ không thu toàn bộ viện phí, ví dụ như là: chi phí vật tư tiêu hao mất đi, hay sử lý nước thải, hoặc một số trong cấu thành giá. Nhưng việc tăng giá này sẽ không ảnh hưởng đến người dân.”
Tăng viện phí do Bộ Y Tế đưa ra vì giá từ năm 1995 đến nay thì vấn đề đã không còn phù hợp mà việc tăng viện phí này chỉ thu một phần chi phí thôi, chứ không thu toàn bộ viện phí. <br/> -BS Ngô Thị Kim Yến
Và cũng có thông tin, sau khi tăng viện phí thì sẽ tăng phí bảo hiểm Y Tế đối với người dân tại thành phố Hồ Chí Minh.
Song song việc viện phí , hiện người bệnh còn phải chịu tình trạng nhiều bác sĩ khám điều trị cho bệnh nhân hiện nay tại các bênh viện chỉ biết móc túi bệnh nhân, vô trách nhiệm trong nghề nghiệp, y đức không còn, kê đơn thuốc cho bệnh nhân thì bừa bãi.
Thông thường bác sĩ chủ yếu kê các loại thuốc nào được các nhà phân phối trả hoa hồng cao có cả thuốc nội lẫn thuốc ngoại. Những loại thuốc đặc trị ngoại nhập thì bệnh nhân phải tự trả tiền túi, vì các loại thuốc này không nằm trong danh sách thuốc bảo hiểm, còn nếu trong đơn thuốc toàn những loại thuốc nội, thì bệnh nhân có uống hoài cũng không hết bệnh. Chị Hương một cán bộ hưu trí, bị bệnh cao huyết áp, có thẻ bảo hiểm, đã có một thời gian dài đi khám bệnh thường xuyên ở bệnh viện nhà nước, Chị cho biết nỗi sợ khi đi khám bệnh tại đây:
“Bây giờ mà cho Chị 1 cây vàng để vào bệnh viện 115 để khám bệnh, Chị cũng không vào Chị sợ lắm, nhất là bệnh viện 115, hai là bệnh viện Gò Vấp, bệnh viện 115 cho Chị uống thuốc, mà vừa uống thuốc thì huyết áp Chị lên 20/16, còn nhịp tim Chị thì trên khoảng 40, Chị phải vô cấp cứu, uống thuốc ở trong bênh viện thì hết bệnh, còn về đến nhà thì huyết áp Chị tăng lên, cứ tí là nó làm cho Chị mệt, mà Chị vẫn còn đang đi làm thì làm sao Chị chịu đựng nổi, Chị cứ suy nghĩ mãi, chắc Chị chết quá, cứ nằm viện không sao chịu nổi, nếu mà nghĩ làm cứ nằm trong bệnh viện hoài cũng không chịu nổi nữa, Chị bây giờ chuyển vào bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ khám đến bây giờ luôn.”
Không minh bạch
Bà Mai, Giám đốc một công ty phân phối Tân dược tại Việt Nam, xin được giấu tên công ty, chia sẻ với chúng tôi về việc người bệnh sử dụng bảo hiểm:
“Những ngừời nghèo ở Việt Nam thường sử dụng thuốc với giá rất thấp khi sử dụng bảo hiểm, như thuốc giảm đau, các nhà phân phối cung cấp cho bảo hiểm thì chỉ có 280 vnđ hoặc 300vnđ /viên, nhưng ở những bệnh viện nước ngoài hay tư ở Sài Gòn thì họ dùng thuốc giảm đau như Effer giá hơn 10 ngàn một viên, thuốc mua là do người dân lựa chọn, tại sao người ta lựa chọn?”
Bà Giám đốc Mai cho chúng tôi biết tiếp các công ty phân phối dược phẩm đều có phong thư phần trăm hoa hồng cho Bác sĩ kê toa thuốc:
Nếu nhìn giá thuốc bán tại thị trường Việt Nam thì nó ổn, nhưng thực chất thì mỗi nơi sẽ bán chênh lệch khác nhau. <br/> -Bà Giám đốc Mai
“Mỗi loại thuốc nhập khẩu về Việt Nam, các nhà phân phối đều có trích ra phần % tiếp thị (Marketing), hoặc là quảng cáo, thì nhà phân phối sẽ không sử dùng số % đó mà thay vào đó để dành cho Bác sĩ, có qua, có lại thôi, đâu có chuyện gì khó đâu, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nếu không dùng thì đưa vào cho Bác sĩ.”
Trong cuộc thảo luận về phương án luật Đấu thầu giá thuốc tại Quốc hội sáng ngày 20/6/2013 Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phát biểu giá thuốc hiện nay tăng như "máy bay trực thăng không có chỗ đỗ". Tại Việt Nam, hiện có khoảng 4.000 điểm bán thuốc lẻ trên toàn quốc, mỗi nơi mỗi giá. Cục kiểm tra dược với sự quản lý không chặt chẽ , đã không thể nào kiểm soát được giá thuốc Tây đang bán trên thị trường, và đã tạo cho các nhà phân phối dược phẩm sự độc quyền, có hệ thống phân phối chồng chéo với nhau, thao túng thị trường thuốc Tây khiến cho bệnh nhân chịu thiệt thòi. Bà Giám đốc Mai cho chúng tôi biết về tình trạng giá thuốc Tây được bán tại thị trường Việt Nam như sau:
"Trong việc bán giá thuốc, các nhà phân phối đều có đăng ký giá bán thuốc với cục quản lý dược, mà nếu mình bán vượt qua giá bán đăng ký đó là không cho phép, thường đăng ký giá bán ở Bộ Y Tế cao hơn so với giá bán cho các đại lý cấp một từ 5% đến 10%, để cho các Đại lý cấp một họ thủ, để các Đại lý cấp hai, hoặc ba sẽ không bán cao hơn với giá đó. Đại lý cấp một thường thì bán rẻ hơn từ 5% đến 10% họ nhận hàng trực tiếp với nhà máy (nhà phân phối chính thức). Nếu nhìn giá thuốc bán tại thị trường Việt Nam thì nó ổn, nhưng thực chất thì mỗi nơi sẽ bán chênh lệch khác nhau."
Trong tình hình hiện nay, hầu như tất cả mọi thứ giá cả sinh họat đều tăng như xăng, gas, điện… khiến cho đời sống người dân rất khó khăn . Và viện phí - thuốc cũng tăng càng làm cho người không may bị bệnh tât và thân nhân của họ càng thêm đau khổ với đời sống chật vật hơn nữa.