Giáo dân Cồn Dầu tiếp tục bị uy hiếp

0:00 / 0:00

Theo giáo dân Cồn Dầu đang trong nguy cơ bị cưỡng chế, thì lệnh cưỡng chế mới nhất ấy sẽ diễn ra vào thứ Sáu, 22 tháng 3 này, thay vì thứ Ba, 12 tháng 3 vừa rồi:

"Tôi mới xem TV vừa xong, nó công bố ngày 22 tháng Ba này là thời hạn chót bắt buộc 5 hộ Cồn Dầu ấy phải chấp hành chủ trương di dời. Hôm trước thì thời hạn chót là ngày 12 tháng Ba."

Sống trong lo âu, sợ hãi

Các giáo dân nạn nhân kể lại rằng trong mấy ngày qua, họ đã lên phường, lên quận ra sức xin được ở lại nơi chôn nhau cắt rốn và gần Giáo Đường, nhưng giới cầm quyền “bắt buộc chừng đó thì hay chừng đó thôi”. Tức là, theo các giáo dân này, từ hôm nay cho tới thứ Sáu ngày 22 tháng Ba, họ lo ngại nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế; và các giáo dân khẳng định “đành cho cưỡng chế chứ không bao giờ đồng ý di dời”. Một giáo dân khác cũng thuộc trong 5 hộ sắp bị cưỡng chế cho biết:

"Nếu họ làm thì cứ làm thôi chứ chúng tôi đâu biết đối phó thế nào. Bây giờ họ cưỡng chế thì cưỡng chế, chớ chúng tôi không thể làm gì mà chống, đối phó với chính quyền được ! Bây giờ họ chụp mũ nhiều lắm. Họ lợi dụng lời nói sơ hở của mình là chụp mũ liền. Họ ngày nay gởi giấy cưỡng chế, ngày mai gởi giấy cưỡng chế, cưỡng chế mãi mãi nên người dân bây giờ rất lo âu; lo âu không biết phải sống như thế nào, sống ra sao ! Rồi ngày mai sẽ ra sao đây ? Bị cưỡng chế rồi biết ở nơi đâu ? Không biết thế nào ! Chúng tôi cứ lo âu, sợ sệt !"

Tình cảnh “kẻ ở người đi” ngoài ý muốn của giáo dân Cồn Dầu được một dân oan khác trong cuộc mô tả:

"Cảnh mà chính quyền làm quá, cứ mời lên mời xuống, uy hiếp giáo dân, chứ thực ra, những người còn ở lại Cồn Dầu đây muốn ở lại 100%. Xóm Đạo này từ nguyên thủy cho đến giờ đã một trăm mấy chục năm rồi; thấy buồn ghê ! Tự nhiên giáo dân lâm vào tình trạng tan rã, kẻ đi đây người đi đó. Vì sự bắt buộc nên họ mới ra đi, chứ không phải họ muốn đi đâu."

Hành động của giới cầm quyền, theo các giáo dân, không đúng như những gì được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông khi quyền lợi chính đáng của người dân bị cưỡng bức:

"Trong khi trên truyền thanh, truyền hình thì nói là quyền lợi của mỗi người dân nhưng thấy thực tế không có đúng. Đất đai của người dân ở đây, nếu như giới cầm quyền làm đúng, thì sao lại họ không đi ? Còn bây giờ giới cầm quyền nói thì được, nhưng vấn đề là không có đúng."

Trước tình cảnh của giáo dân - và cả Xóm đạo Cồn Dầu - như vậy, các giáo dân Cồn Dầu ở Hoa Kỳ hiện phản ứng ra sao, nhất là liên quan đến tài sản và mồ mả thân nhân của họ tại xóm Đạo Cồn Dầu ? Trước hết, về vấn đề tài sản, được biết trong số hơn 100 giáo dân Cồn Dầu tại Hoa Kỳ, có khoảng 6 gia đình có chủ quyền tài sản ở Cồn Dầu và hiện là công dân Mỹ. Chủ quyền này của họ thể hiện qua di chúc hoặc giấy chủ quyền từ xưa còn lại. Ông Trần Thanh Tùng, cư ngụ tại North Carolina và là đại diện các gia đình Cồn Dầu tại Hoa Kỳ cho biết kế hoạch đòi lại tài sản của các giáo dân như sau:

"Họ đã gởi đơn đến các vị dân biểu hoặc nghị sĩ tại các tiểu bang nơi họ ở, cũng như gởi thư lên Bộ Thương Mại Hoa Kỳ - lên ông Ron Kirk, viên chức Mỹ chuyên về thương trường của VN trong GSP, tức Quy chế Ưu đãi Thuế quan Tổng quát, mà VN muốn Hoa Kỳ chấp thuận để được bớt hoặc miễn thuế. Chúng tôi đã nêu vấn đề này lên trong chiến dịch đòi tài sản của công dân Mỹ. Và chúng tôi đã nhận được thư trả lời của ông Ron Kirk, cho biết rằng ông quan tâm; ông cũng cho biết là hiện giờ việc chấp thuận cho VN được quy chế GSP vẫn còn để mở. Họ không xúc tiến hồ sơ này, và họ nói rằng khi nào họ quyết định mở lại hồ sơ đó thì họ sẽ liên lạc với chúng tôi, những gia đình công dân Mỹ có tài sản tại VN để mà nêu lên sự quan tâm đó. Đồng thời chúng tôi cũng nhận được những thư của các vị dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ, trả lời chúng tôi rằng họ dã đưa vấn đề đó lên Bộ Ngoại Giao và bộ phận thương lượng ở VN trong vấn đề GSP. Và họ sẽ thông báo cho chúng tôi bất cứ lúc nào có trả lời từ Bộ Thương Mại Hoa Kỳ."

Xóa sổ nghĩa trang Cồn Dầu?

Nghĩa trang Cồn Dầu. Photo courtesy of nuvuongcongly
Nghĩa trang Cồn Dầu. Photo courtesy of nuvuongcongly (Nghĩa trang Cồn Dầu. Photo courtesy of nuvuongcongly)

Và vấn đề có lẽ quan trọng hơn, liên quan Nghĩa Trang Cồn Dầu, ông Trần Thanh Tùng cho biết:

"Hơn 100 giáo dân từ Cồn Dầu hiện ở rải rác tại 8 tiểu bang Mỹ. Chúng tôi vận động để trước hết là họ xác định quyền trưởng tộc của họ. Bởi vì hầu hết những gia đình Cồn Dầu này là những người con trưởng trong gia đình. Do đó họ đã làm một văn bản gởi về bên VN, xác định quyền trường tộc, là họ có quyền quyết định về vấn đề mồ mả của thân nhân họ trong gia tộc.

Và không có ai có quyền quyết định về những mồ mả này nếu không có sự đồng ý của họ. Đồng thời, họ đã gởi văn thư lên các vị dân biểu và nghị sĩ tại những tiểu bang nơi họ cư trú, đồng thời gởi lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo rằng họ có quyền quyết định trong vấn đề nghĩa trang, vấn đề mồ mả của cha ông của họ, vì đó là di sản tinh thần và cũng là máu mủ ruột thịt của họ còn lại bên quê nhà vốn đang bị chính quyền Đà Nẵng muốn di dời đi mà không có sự đồng ý của họ. Họ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ can thiệp để chính quyền Đà Nẵng không xoá số Nghĩa Trang Cồn Dầu."

Nhắc tới Nghĩa Trang Cồn Dầu, có một điểm quan trọng cần nêu lên ở đây, theo ông Trần Thanh Tùng, thì lý do mà giới cầm quyền muốn di dời, muốn “thanh toán, xoá sổ” nghĩa trang này là họ nói rằng trong chương trình đô thị hoá, họ không muốn có một nghĩa trang ở giữa thành phố vì gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, cũng ngay tại khu đô thị này, họ lại có nghĩa trang liệt sĩ của những người gọi là “có công với cách mạng”. Như vậy, câu hỏi được nêu lên là tại sao nghĩa trang liệt sĩ thì giới cầm quyền xây dựng, bồi đắp khang trang trong khi họ muốn xoá sổ một nghĩa trang lịch sử hơn 100 năm của Giáo Xứ Cồn Dầu ?