Nhìn lại một năm thông điệp của Thủ tướng

0:00 / 0:00

Đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bản thông điệp đầu năm mới, đề cập vấn đề cải cách thể chế theo xu hướng dân chủ hóa. Một năm trôi qua, thông điệp 2014 của Thủ tướng đã thực hiện được đến đâu và đã gặp những trở ngại gì?

Không được thực tế hóa?

Vào dịp đầu năm mới, các nguyên thủ quốc gia thường sử dụng thông điệp đầu năm để chuyển tải sự cam kết và hành động cụ thể của mình với dân chúng trong một năm sắp tới.

Năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có thông điệp gửi tới dân chúng, điểm chính của bản thông điệp này đã cho rằng nguồn động lực thúc đẩy phát triển phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.

Đặc biệt trong thông điệp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập vấn đề cải cách thể chế theo xu hướng dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền. Đồng thời thừa nhận: "Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp "song sinh" trong một thể chế chính trị hiện đại. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. " .

Nhận xét về việc hiện thực hóa thông điệp năm 2014 của Thủ tướng sau một năm, Nhà giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà nội nhận xét:

Ngay từ đầu năm tôi đã nghĩ rằng cái thông điệp này sẽ không đi đến đâu, mà là một sự lập lờ theo tôi đánh giá. Ông ấy nói thì hay, thì đẹp lắm, cho rằng dân chủ là tư tưởng lớn, là xu thế khách quan, mà tôi thấy cái quyền dễ nhất nhà nước có thể nhân nhượng đó là quyền ăn, quyền nói. <br/> -Võ Văn Tạo

“Cái quan trọng và chúng tôi muốn nghe nói đến nhất là vấn đề chống tham nhũng, tuy vậy nó đã không được đề cập trong thông điệp này. Theo dõi một năm 2014 kết thúc, chúng tôi thấy rằng chả có gì đặc biệt. Tình hình kinh tế thì vẫn bí bét như cũ, tình hình dân chủ hóa đất nước thì chưa có gì tiến bộ đáng kể và vi phạm nhân quyền, dân chủ thì hết sức nặng nề. Tôi cho rằng vấn đề Dân chủ không được thực hiện, còn vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền thì nói một đằng, nhưng làm một nẻo.”

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, cho rằng thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng với nhiều mỹ từ và bằng những lời có cánh đã khiến cho nhiều người ngộ nhận, khi cho rằng đây là sự khởi đầu của công cuộc đổi mới lần thứ 2, kể từ sau năm 1986.

Nhà báo Võ Văn Tạo nói với chúng tôi:

“Ngay từ đầu năm tôi đã nghĩ rằng cái thông điệp này sẽ không đi đến đâu, mà là một sự lập lờ theo tôi đánh giá. Ông ấy nói thì hay, thì đẹp lắm, cho rằng dân chủ là tư tưởng lớn, là xu thế khách quan, mà tôi thấy cái quyền dễ nhất nhà nước có thể nhân nhượng đó là quyền ăn, quyền nói… Thế mà trong năm 2014 vừa rồi, tôi chẳng thấy có sự tiến bộ về dân chủ gì cả. Mới gần đây thôi, kể cả đầu năm và giữa năm liên tiếp các bloggers, các trì thức họ đã phản biện rất tốt mà vẫn cứ bị bắt.”

LS Nguyễn Văn Đài tiếp lời:

“Những quyền tự do dân chủ của người dân chưa bao giờ được áp dụng trên thực tế, cho nên nó luôn là nỗi khát khao. Cho nên khi thông điệp của ông Dũng đưa ra nó đã nhận được sự chào đón của mọi tầng lớp người dân. Tuy vậy, trong một năm qua tôi hết sức thất vọng vì nó chưa thực hiện được một chút nào.”

Buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội hôm 29/7/2014.
Buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội hôm 29/7/2014. (Courtesy chinhphu.vn)

Trả lời câu hỏi, nguyên nhân do đâu khiến cho thông điệp của Thủ tướng không được thực tế hóa?

LS Nguyễn Văn Đài thấy rằng nguyên nhân chính là do thông điệp đầu năm 2014 chỉ là ý chí của riêng Thủ tướng, mà theo ông không phải là chủ trương của Đảng CSVN.

LS Nguyễn Văn Đài cho hay:

“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên dám đề cập tới vấn đề đó, nên tôi nghĩ rằng thông điệp này không phải là đại diện cho tiếng nói chính thống của Đảng CSVN. Do vậy đó cũng là vấn đề trở ngại nhất do nội bộ Đảng CS họ chưa có sự thống nhất và sự quyết tâm trao quyền lực lại cho người dân. Đó là trở ngại duy nhất.”

Không khả năng đáp ứng nhu cầu cải cách?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng với bộ máy nhà nước như hiện nay thì theo ông không có khả năng đáp ứng được nhu cầu cải cách.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nói:

“Đây là những cản trở của chính bộ máy, không chỉ ở một cấp nào đó mà nó trải dài ở tất cả các cấp. Trong các nguồn lực để phát triển đất nước thì bộ máy này quan trọng lắm, mà đây là cái cản trở ghê gớm mà người ta không chịu thay đổi. Cho nên theo tôi cho rằng nguyên nhân là do bộ máy.”

Khi được hỏi, theo ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thực tâm muốn tiến hành cải cách như tuyên bố hay không?

Tôi muốn gửi tới ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một thông điệp là: nếu ông Thủ tướng mong muốn đất nước VN có dân chủ, mong muốn người dân VN được hưởng những giá trị nhân quyền thì ông hãy quyết tâm cải cách. <br/> -LS Nguyễn Văn Đài

LS Nguyễn Văn Đài tỏ ý tin tưởng, ông nói với chúng tôi:

“Tôi cho rằng từ tâm khảm của ông Thủ tướng thì cũng muốn một nước VN có tự do dân chủ và người dân VN không bị xấu hổ khi đi ra thế giới bên ngoài. Và dựa trên nền tảng của những giá trị tự do đó sẽ đem lại sự thịnh vượng không chỉ cho thế hệ người VN ngày nay, mà cho cả thế hệ mai sau nữa. Song quan điểm của ông Thủ tướng không trùng với quan điểm của Đảng được, rõ ràng là quan điểm của Thủ tướng và người đứng đầu Đảng CSVN là mâu thuẫn và nó không phù hợp với nhau.”

Nhà báo Võ Văn Tạo thấy rằng một khi không cải cách thể chế chính trị thì mọi thứ cải cách chỉ là vô nghĩa, theo ông đó là điều rất khó đối với ông Thủ tướng trong lúc này.

Nhà báo Võ Văn Tạo tiếp lời:

“Nếu mà được như thế thì tôi nghĩ ông Nguyễn Tấn Dũng nên đi theo cái hướng cải cách, đó là điều tốt nhất. Nhưng không đơn giản để làm việc đó, bởi vì lực cản trong Đảng nó lớn lắm. Bởi vì hàng mấy trăm con người ở vị trí rất cao, dưới nữa là hàng nghìn, hàng vạn người có bổng lộc gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên một mình ông Dũng khó làm nên chuyện, kể cả thực bụng ông ấy có muốn.”

Khi được hỏi, đầu năm 2015 ông muốn nhắn nhủ gì đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay không?

LS Nguyễn Văn Đài nói với chúng tôi:

“Với tư cách là một công dân VN, cũng như 90 triệu người dân khác. Qua buổi PV của Đài Á châu Tự do tôi muốn gửi tới ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một thông điệp là: nếu ông Thủ tướng mong muốn đất nước VN có dân chủ, mong muốn người dân VN được hưởng những giá trị nhân quyền thì ông hãy quyết tâm cải cách. Chúng tôi là những công dân sẽ luôn ủng hộ các tư tưởng cải cách đó, cho dù gặp trở ngại nào nhưng nếu ông biết dựa vào người dân và ông sẽ là người đi vào lịch sử VN với những tư tưởng cải cách của ông.”

Một năm cũ đã trôi qua, mọi ý tưởng về cải cách thể chếtheo xu hướng dân chủ hóa của Thủ tướng trong thông điệp đầu năm thì vẫn còn nằm trên giấy. Vì còn biết bao trở ngại mà một mình ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không dễ có thể vượt qua. Nhưng nếu như ông Thủ tướng biết lấy dân làm gốc và là trung tâm của quyền lực thì việc khó mấy chắc chắn ông sẽ thành công.