Sau một Chủ nhật 10 tháng 7 với cuộc biểu tình chống Trung Quốc của một số người bị dẹp tan ngay từ lúc khởi phát, tinh thần của những người yêu nước dường như lại sôi sục suốt những ngày qua, nhất là khi lại có tin quân đội Trung Quốc dùng sung tiểu liên và dùi cui đánh dập thuyền truởng Nguyễn Thừa, ở Đức Phổ Quảng Ngãi, cướp đi cả tấn cá mà tàu này đánh được tại khu vực Hòang Sa, rồi đuổi tàu ra khỏi nơi đó.
Một trong những người công khai hưởng ứng lời kêu gọi tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc vào ngày chủ nhật 17 tháng 7 là giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt Nhân Đà lạt của Việt Nam.
Ông đã đến từ rất sớm tại khu vực tập trung và ông cho Đài Á Châu Tự do biết về nguyên nhân phải tham gia cuộc biểu tình:
“Chúng tôi là những công dân trước những hành động của Trung Quốc như thế chỉ biết phải đi biểu tình. Theo tôi mỗi người ở cương vị của mình đều phải có hành động trước hành động của Trung Quốc. Những ngư dân hằng ngày bám biển là anh hùng, còn việc biểu tình so với họ còn nhỏ bé.”
Tuy nhiên cuộc biểu tình mà mọi người mong muốn góp phần nói lên tiếng nói của bản thân trong việc bảo vệ chủ quyền và tòan vẹn lãnh thổ cũng bị dẹp ngay như hồi tuần trước ngày 10 tháng 7.
Một thanh niên tham gia biểu tình cho biết tình hình vào lúc cuộc dồn người lên xe búyt đang xảy ra lúc 8:45’: "Số này đang ở Đường Điện Biên Phủ thì bị dồn lên xe búyt. Trên xe có chừng 40 người, trong đó 20 người đeo băng đỏ…"
Chính giáo sư Phạm Duy Hiển vào lúc 8:50 cũng cho biết những người biểu tình đang bị công an đuổi...
Một vị trí thức nổi tiếng khác là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, khi đang trong đòan biểu tình cũng cho biết: "Tôi đang đứng giữa đòan biểu tình và bị họ giải tán."
Tin cho biết công an không bắt những nhân sĩ trí thức như những người khác, và số này vẫn cố tuần hành biểu tình trong nổ lực ngăn chặn, xé lẻ đòan người ra.
Vào lúc 9:20 chúng tôi liên lạc đuợc với tiến sĩ Nguyễn Quang A và được ông cho biết:
"Mọi người đi rất tuần tự, tử tế và công an chặn hết chỗ này đến chổ kia. Lùa mọi người đi ngược rồi đi xuôi. Chẳng hiểu thế nào. Lần này dùng bạo lực trấn áp hơn nhiều. Có người nói 3 xe buýt lùa anh em lên xe. Cũng có người nhắc hôm nay là ngày mà cách đây mấy mươi năm Cụ Hồ có nói ‘Không có gì quí hơn độc lập tự do’ với công an, nhưng hình như họ quên hết lời dạy đó rồi."
Một người theo cuộc biểu tình từ sáng cho đến lúc 9:40 cho biết một số thông tin tổng quát về cuộc biểu tình và tình hình cho đến lúc đó như sau:
"Ban đầu bà con đứng ở góc Nguyễn Tri Phương- Trần Phú, có nhiều trí thức như Ts Nguyễn Quang A, gs Nguyễn Huệ Chi, Ts Nguyễn Xuân Diện, blooger Phạm Víết Đào, nhà văn Nguyễn Hòang Đức…, đó là những người mà tôi biết.
Khi mọi người hô ‘Hòang Sa, Trường Sa của Việt Nam’ thì có xe đi qua với loa nói vấn đề đã được Nhà Nước giải quyết nên mọi người phải giải tán, không tụ tập ảnh hưởng an ninh trật tự, bị kẻ xấu lợi dụng… Nếu không sẽ phải bị bắt lên xe búyt… Có những người đã bị bắt như anh Quyền, anh Ngữ, chị Hằng…
Lúc này thì mọi người đi bộ được một đọan, nay thì bị chặn. Ông Nguyễn Quang A bị chặn ở đuờng Điện Biên Phủ và đường ngang và không cho ông đi…"
Đến trước 10 giờ thì nhóm do tiến sĩ Nguyễn Quang A dẫn đầu được cho biết giải tán và sẽ nhóm lại tại một điểm khác.
Một người tham gia cho biết tìm cách ra Bờ Hồ nhưng rồi anh không biết tại đó những nguời biểu tình có thể nhóm lại hay không vì theo anh đánh giá:
"Thấy an ninh ở đó cũng đông lắm và họ rất ‘rắn’. Sự việc còn dài, mọi người ôn hòa thôi; nhưng việc tụ tập cũng khó vì họ ‘rắn’ quá."
Trong khi đó, trả lời RFA trong lúc đang bị công an bắt giữ, ông Ngô Duy Quyền, chồng nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân cho biết:
.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc với những người tham gia cuộc biểu tình trong ngày 17 tháng 7 tại Hà Nội đến sau 10 giờ sáng thì được cho biết mọi nổ lực nhóm lại đều bất thành.
[ Bài ca mới cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài GònOpens in new window ]