Những ý kiến cho rằng chiến dịch chống tham nhũng đang tiến lên
Vào tháng Năm, năm 2017, sau Hội nghị trung ương lần thứ năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, một cựu ủy viên trung ương đảng giấu tên nói với đài RFA rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang diễn biến một cách tích cực.
Trong hội nghị này ông Đinh La Thăng, một Ủy viên Bộ chính trị bị cách chức, đồng thời mất luôn chức là người đứng đầu đảng bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì những sai phạm của ông có liên quan đến việc quản lý tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đến tháng 10/2017, Đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị trung ương lần thứ sáu. Tại hội nghị này một viên chức cao cấp của đảng bị kỷ luật là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên trung ương đảng, ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật vì những cáo buộc có liên quan đến việc nhận quà biếu, cũng như những sai phạm trong vấn đề quản lý đất đai.
Ngay sau vụ kỷ luật này, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng nói với đài RFA rằng bản án kỷ luật này là một hành động kịp thời và nghiêm khắc của Đảng Cộng sản.
Hai tháng sau đó ông Đinh La Thăng, bị bắt giam để điều tra về những việc liên quan đến những vụ án tham nhũng lớn của ngành ngân hàng và dầu khí.
Cho tới nay vẫn không thấy chiến dịch này (kê khai tài sản quan chức) được triển khai tới mức độ nào. Trong khi đó thì lại có những bằng chứng rất rõ là dường như ông Nguyễn Phú Trọng lại lơ đi những vấn đề tài sản quan chức bị dư luận công phẫn lên án.<br/>-Nhà báo Phạm Chí Dũng.
Việc bắt giữ ông Thăng gây nên một sự chú ý rất lớn đến chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản trong hai năm qua vì ông Thăng là viên chức cao cấp nhất của Đảng Cộng sản bị công khai bắt giam cho đến nay. Trước đó trong một thời gian dài, nhiều cán bộ cao cấp của Tập đoàn dầu khí lần lượt bị bắt giam, mà trong đó nổi tiếng nhất là ông Trịnh Xuân Thanh, một cấp dưới của ông Thăng, được cho là đã bị cơ quan an ninh Việt Nam sang Đức bắt cóc mang về Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, từ Singapore nói với báo mạng VNexpress bản Anh ngữ rằng vụ bắt ông Thăng, cũng như vụ kỷ luật ông Xuân Anh là chỉ dấu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đang gia tăng cường độ.
Những ý kiến cho rằng chống tham nhũng chỉ là chuyện phe phái
Tuy nhiên có những ý kiến vẫn cho rằng những bản án kỷ luật hay bắt giam này vẫn là chuyện tranh giành quyền lực nội bộ, phe phái bên trong Đảng Cộng sản mà thôi. Một trong những người có ý kiến này là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội.
Chuyện phe phái mà ông Nguyễn Quang A đề cập được cho là xung đột kéo dài từ lâu giữa một bên là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng, với bên kia là những viên chức cao cấp của chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sau Đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực chính trị. Sau đó người ta thấy một loạt các quan chức được ông bổ nhiệm bị kỷ luật, thậm chí có người đã về hưu cũng bị cách chức như ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trường Bộ Công Thương. Và đến cuối năm 2017, đến lượt ông Đinh La Thăng, người được thăng tiến mạnh mẽ dưới thời Thủ tướng Dũng.
Những người nghi ngờ chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Trọng chỉ là một cuộc chiến phe phái đưa ra nhận định rằng chỉ có những quan chức liên quan đến cựu Thủ tướng Dũng mới nằm trong tầm ngắm. Nhiều vụ tình nghi tham nhũng khác như ở Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa,…vẫn không bị đụng đến.
Trong những vụ này nổi tiếng nhất là một quan chức tại tỉnh Yên Bái là ông Phạm Sỹ Quí, nguyên Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh này, với nhiều sai phạm về kê khai tài sản và quản lý đất đai, được dư luật đặt câu hỏi là số tiền khổng lồ ông Quí dùng để xây nhà đắt tiền có phải là tiền tham nhũng hay không.
Ngày 2 tháng 12, trước khi ông Thăng bị bắt vài ngày, gia đình ông Quí bị phạt 500 triệu đồng, nhưng cho đến nay chưa có một vụ điều tra nào liên quan đến ông được công bố cả.
Sau Hội nghị trung ương sáu, ông Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị nội bộ Việt Nam sống ở Sài Gòn cho chúng tôi biết rằng mặc dù đã nắm hết quyền lực nhưng cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn rất là vất vả:
"Muốn làm cái này thì phải làm chuyện có liên quan đến tài sản của quan chức. Từ tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra chủ trương là kiểm tra tài sản đến 1000 quan chức. Lúc đó bà Lê Thị Thủy là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, có thể nói là một kênh tuyên giáo của ông Nguyễn Phú Trọng đã tuyên truyền khá rầm rộ cho chuyện này. Nhưng mà cho tới nay vẫn không thấy chiến dịch này được triển khai tới mức độ nào. Trong khi đó thì lại có những bằng chứng rất rõ là dường như ông Nguyễn Phú Trọng lại lơ đi những vấn đề tài sản quan chức bị dư luận công phẫn lên án."
Ông Dũng cho rằng hiện nay việc chống tham nhũng của ông Trọng phải đối mặt với sự liên kết của nhiều cán bộ cao cấp có chân trong ngành tư pháp và lĩnh vực kinh tế, vì thế có những vụ việc tình nghi tham nhũng nhưng ông Trọng không thể làm gì được.
Hiện nay người ta vẫn đang thảo luận ý kiến phải chăng là nếu như muốn kiểm soát quyền lực thì vẫn phải thực hiện tam quyền phân lập.<br/>-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Chống tham nhũng ở Việt Nam thiếu một thể chế cần thiết
Mặt khác có những ý kiến cho rằng việc chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay không có một thể chế để cho việc ấy có hiệu quả.
Vào tháng 10 năm 2017, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà nghiên cứu kinh tế ở Hà Nội nói với chúng tôi:
" Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chiến dịch sâu rộng, và cho đến nay đạt được rất nhiều tiến bộ về những trường hợp cụ thể. Nhưng chiến dịch đó không thấy có các thay đổi về mặt công khai minh bạch, về mặt giám định độc lập, về mặt giám sát quyền lực. "
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng có ngành tư pháp, cơ quan thực thi pháp luật, nhưng cơ quan này lại do Đảng Cộng sản lãnh đạo chứ không phải là một cơ quan độc lập.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về vụ truy tố ông Đinh La Thăng:
"Đây là Đảng Cộng sản Việt Nam trị ông Thăng chứ không phải là tư pháp hay gì cả."
Trong tất cả những vụ án liên quan đến các quan chức cao cấp, đều là đảng viên Đảng Cộng sản, người ta thấy nổi bật lên là vai trò của cơ quan gọi là Ủy ban kiểm tra trung ương đảng, chứ không phải là tòa án.
Việc đề cao vai trò độc lập của ngành tư pháp bắt đầu được các nhân sĩ trí thức Việt Nam chính thức nêu lên vào năm 2013, khi 72 người ra lời kêu gọi thực hiện thể chế tam quyền phân lập. Nhưng kiến nghị này không được Đảng Cộng sản cầm quyền ghi nhận. Hiến pháp Việt Nam sửa đổi, công bố vào năm 2013, vẫn nói là Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn xã hội. Và việc này bị giới chỉ trích cho rằng là một việc tập trung quyền lực quá cao, dễ dàng tạo điều kiện cho tham nhũng.
Đây là Đảng Cộng sản Việt Nam trị ông Thăng chứ không phải là tư pháp hay gì cả.<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với chúng tôi vào tháng 10 năm 2016:
"Hiện nay người ta vẫn đang thảo luận, có ý kiến phải chăng là nếu như muốn kiểm soát quyền lực thì vẫn phải thực hiện tam quyền phân lập, vẫn phải có một hệ thống giám sát quyền lực như là hệ thống tòa án hiến pháp, rồi là tòa án phải độc lập, chỉ hoạt động theo luật pháp thôi, và còn có những qui định khác như là phải công khai minh bạch, một nền báo chí tự do, tự chịu trách nhiệm, có tin thần xây dựng đối với đất nước. Thì tất cả những cái đó các nước khác người ta đã tổng kết rồi, vấn đề bây giờ là Việt Nam có thực hiện hay không mà thôi."
Trở lại vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, mặc dù đồng ý là việc chống tham nhũng đang gia tăng cường độ, nhưng ông cho rằng việc bắt giữ các quan chức cao cấp là chưa đủ, mà cần có sự thay đổi thể chế chính trị và pháp lý để có thể chống tham nhũng ở mọi mức độ.
Điều Tiến sĩ Hiệp đề cập cũng được vị cựu ủy viên trung ương đảng mà chúng tôi có dịp nói chuyện vào tháng Năm năm nay đồng ý, ông cho rằng phải hướng tới một thể chế tam quyền phân lập để có thể chống tham nhũng có hiệu quả. Nhưng ngay trong những ngày dư luận đang nóng lên về vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng, Đảng Cộng sản lại ra một chỉ thị nói rằng những đảng viên nào đề cập đến tam quyền phân lập sẽ bị khai trừ khỏi đảng.