Vì sao “chống tham nhũng” không thể có kết quả tích cực tại Việt Nam?
Trong phiên thảo luận hôm 9/11 của Quốc hội về dự thảo luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, nhiều ý kiến nêu bật lên hoạt động thiếu hiệu quả của ban chỉ đạo PCTN đặt dưới sự điều hành của Chính phủ và đặc biệt là sau 7 năm có luật PCTN nhưng vấn nạn này ở Việt Nam vẫn không hề thuyên giảm.
Thách thức nghiêm trọng
Cả Chính phủ và Đảng Cộng sản đều khẳng định tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng là một thách thức lớn đối với Việt Nam, thế nhưng tệ nạn này không được ngăn chặn và đẩy lùi. Bản thân chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Quốc hội Việt Nam, ông Lê Văn Lân đã phải thừa nhận: "tình hình tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng, với những biểu hiện vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, có những điểm giống và khác nhau so với tình hình tham nhũng ở các nước khác, nhưng đặc điểm nổi bật là tính phổ biến."
Tính phổ biến của tham nhũng tại Việt Nam được ông Lân nhắc tới là sự bao trùm trong nhiều lĩnh vực, ở hầu hết các cấp, các ngành, trước đây, tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thậm chí là cả các tổ chức làm từ thiện, phòng, chống dịch bệnh… và tham nhũng xảy ra ngay tại chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Ông Lê Văn Lân cho rằng người tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn nên cá nhân họ có được nhận thức sâu rộng, am hiểu luật pháp, có mối quan hệ rộng nên rất khó xử lý và phát hiện.
Ô. Lê Văn Lân
Những nhận định trên của vị Chánh văn phòng cũng được minh chứng cụ thể qua đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế hồi đầu tháng 8 năm nay cho biết Việt Nam trong những năm qua thường chỉ đạt được 2,6 – 2,7 trên thang điểm 10 về chỉ số cảm nhận tham nhũng. Những quốc gia có điểm dưới 3 được xem là tham nhũng nghiêm trọng.
Vậy nguồn gốc nào tạo nên tham nhũng tại Việt Nam, L.S Hà Huy Sơn người có nhiều bài phân tích về luật PCTN cho chúng tôi biết:
“Vấn đề gốc rễ của quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam, theo tôi, chính là sự thiếu dân chủ và thiếu minh bạch trong các hoạt động của nhà nước.”
Tham nhũng không chỉ dừng lại ở hoạt động của phía Nhà nước như lời L.S Hà Huy Sơn nhận xét, mà ngay Đảng Cộng Sản cũng phải thừa nhận thất bại trong công cuộc bài trừ tham nhũng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn trên truyền hình sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 6 “thành thật thừa nhận” các sai lầm liên quan đến tham nhũng của một số cán bộ đảng viên.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã phải gióng lên hồi chuông báo động: tham nhũng là thách thức tồn vong của Đảng. Ông cho rằng tham nhũng đang thách thức lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng của người dân.
Tham nhũng từ Ban chỉ đạo?
Quay lại với luật PCTN không hiệu quả dù đã có từ 7 năm qua, trong đề xuất dự thảo luật sửa đổi, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền của tỉnh Lâm Đồng phát biểu rằng những đối tượng nguy cơ tham nhũng cao nhất nằm chính trong Ban chỉ đạo vì thế ông ủng hộ việc thành lập cơ quan điều tra độc lập để chuyên xử lý tội phạm về tham nhũng. Ông nhấn mạnh cần coi tội phạm tham nhũng nguy hiểm như ma túy hay như tội phản quốc.
Lý giải về sự thất bại và sai lầm mà đã 7 năm trôi qua kể từ ngày được ban hành, Luật PCTN không có kết quả, đại biểu Dương Trung Quốc của Đồng Nai phân tích đó là do cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” cụ thể là ban chỉ đạo PCTN lại nằm dưới sự quản lý của Chính phủ. Theo ông Quốc nếu không có những quyết định sai lầm đó thì đã không có sự trả giá quá đắt của những vụ việc như Vinashin hay Vinalines trong thời gian vừa qua. Ông đã ví von cuộc chiến chống tham nhũng giống như “súng nổ rất to nhưng đạn không có đầu” vì không sát thương được ai cả, trong khi đó nhiều người từng bị két án, phạt tù lại thành người được giải oan; còn người có công chống tham nhũng lại bị xét xử như những kẻ tội đồ.
Chia sẻ những bức xúc với tư cách một người đi tố cáo tham nhũng nhưng bị trù dập, một cô giáo là con liệt sĩ, vợ thương binh không nêu tên đã cho chúng tôi biết:
"Bởi vì tôi chống tham nhũng nên tôi bị trù dập, đi tham gia công tác 30 năm, bị trù dập 30 năm nên tôi không có một chế độ gì, tôi là con liệt sĩ, vợ thương binh, cựu thanh niên xung phong mà giờ này tôi không có chế độ gì. Tôi đi đòi mười mấy năm ở ngoài Hà Nội rồi, tôi đòi 30 năm ở Bình Thuận rồi, chính quyền tỉnh Bình Thuận không giải quyết cho tôi, sở giáo dục tỉnh Bình Thuận trù dập vu khống tôi, sắp đến ngày 20/11, ngày nhà giáo Việt Nam tôi rất bức xúc."
Một giáo viên
Nhắc đến tham nhũng, chắc hẳn người ta sẽ nhắc đến công khai tài sản, vậy nhưng đã 7 năm trôi qua, việc minh bạch các khoản thu nhập vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Phân tích về vấn đề này, ông Vũ Trọng Kim khẳng định minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức hiện nay chỉ là kê khai lấy lệ, qua loa và đây là việc làm dung túng cho tham nhũng và lãng phí. Ông thấy rằng kê khai xong lại cất vào ngăn kéo, không ai hay, không ai biết, vậy kê khai tài sản để làm gì?
Trong lần phỏng vấn trước đây khi Nghị quyết TW 4 về phòng chống tham nhũng diễn ra, luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét về nỗ lực chống tham nhũng cụ thể là qua việc kê khai tài sản, ông cho chúng tôi biết:
“Tôi nghĩ rằng Nghị quyết Trung ương 4 chống tham nhũng, và nghị quyết này rất là quyết liệt nếu không thì sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo của đảng đối với đất nước sẽ có nguy cơ mất đi vì người ta không còn tín nhiệm nữa. Tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng trách nhiệm, trước nhất là Ủy ban Kiểm tra về đảng, có khi nhà nước phải cho thanh tra, chẳng hạn con một ông đứng đầu hàng tỉnh có số tiền, tài sản trên một vùng đất nông nghiệp như thế thì số tiền này có nguồn gốc ở đâu?”
Có thể nhận thấy, việc đấu tranh chống tham nhũng là con đường khó khăn bởi tham nhũng tồn tại dưới muôn hình vạn trạng, tham nhũng không chỉ tồn tại ở một tổ chức, một cá nhân, mà nó ẩn chứa trong mọi ngóc ngách của xã hội, ở mọi ngành nghề, không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới. Người ta cho rằng ở đâu đồng tiền còn chi phối được con người, ở đâu quyền lực còn thống trị được lương tâm thì ở đó tham nhũng còn tồn tại.
Các dữ liệu về kinh tế, xã hội đáng chú ý tại Việt Nam
Theo dòng thời sự:
- Scandal in tiền Polymer: Vụ án tình, tiền...
- Thêm chuyện bê bối tình ái trong vụ tiền Polymer
- Úc: thêm một nhân chứng quan trọng cho vụ bê bối in tiền polymer
- Một doanh gia ra tòa do hối lộ quan chức VN
- Việt Nam xác nhận có chuyện không minh bạch trong vụ tiền polymer
- Truy tố thêm một viên chức cao cấp Úc trong Xì-căng-đan in tiền Polymer
- Báo Úc tiếp tục viết bài về vụ Securency
- Báo Úc nêu đích danh ông Lê Đức Thúy nhận hối lộ
- Báo Australia tố cáo cựu Thống đốc Ngân hàng Việt Nam nhận hối lộ