Kho chứa lúa gạo và qui trình ngược

0:00 / 0:00

Đồng bằng sông Cửu Long đã cải thiện một mức độ nhất định về cơ giới hóa sau thu hoạch sản xuất lúa gạo. Nhưng việc bảo quản, tồn trữ và xay xát theo qui trình ngược vẫn tồn tại gây tổn thất không nhỏ.

Trò chuyện với chúng tôi, TS Phạm Văn Tấn, chuyên gia công nghệ sau thu hoạch hiện sống và làm việc ở Nam bộ nói rằng, ít người để ý tới chuyện có sự khác biệt giữa trữ lúa thay vì trữ gạo, cũng như qui trình sản xuất ngược được áp dụng lâu nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Sự lạc hậu trong sản xuất dẫn tới tổn thất sau thu hoạch, ước tính vào thời điểm đầu năm 2012 là 13,7%, trong đó ở công đoạn sấy và tồn trữ tính chung đã gần 7%.

Hàng năm đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn 21 triệu tấn lúa như vậy chỉ riêng 2 khâu sấy và tồn trữ tổn thất gần 1,5 triệu tấn, chưa kể qui trình ngược làm phẩm chất gạo kém đi nhiều. Nhưng tại sao lại gọi là sản xuất theo qui trình ngược, cũng như vì sao lại gây thiệt hại. TS Phạm Văn Tấn giải thích:

“Lúa sau khi thu hoạch được nông dân bán lúa tươi, thương lái mua về phơi phóng tới độ ẩm 16%-18%. Sau đó đưa vào bóc lức, độ ẩm có thể giảm còn 15,5%-16,5%. Kế tiếp gạo được xát trắng, để có thể đóng gói bảo quản hoặc vận chuyển, gạo được sấy lại đến độ ẩm 14% để chống mốc. Đó là qui trình ngược vì đúng ra phải sấy lúa khô tới 14% sau đó mới xay xát và đóng gói chứ không sấy gạo lại.”

Theo lời TS Phạm Văn Tấn, do hạt lúa độ ẩm còn cao đưa vào hệ thống xay xát thì gạt gạo chưa đủ cứng để chống lại sự chà sát cơ học của các thiết bị này và bị gẫy vỡ. Khi bị gẫy vỡ như thế thì nó tăng diện tích tiếp xúc với các bề mặt ma sát của thiết bị, làm giảm lượng gạo trắng. TS Phạm Văn Tấn tiếp lời:

“Nếu xay xát lúa ở độ ẩm 14% thì tỷ lệ thu hồi gạo trắng có thể lên tới 69%, còn nếu xay xát ở độ ẩm cao thì tỷ lệ thu hồi từ 60-65%, lượng gạo trắng mất từ 5-10%. Lượng gạo nguyên cũng giảm tương ứng với gạo trắng. Đó là thiệt hai về lượng, bên cạnh đó còn có thiết hại về chất, bởi vì khi hạt gạo độ ẩm còn cao đưa vào hệ thống xay xát thì bị tăng nhiệt, quá trình biến đổi chất lượng của nó diễn ra rất nhanh, làm cho những giống lúa thơm bị giảm mùi thơm đặc trưng rất nhiều. Giảm cả về lượng và chất thì nó làm giảm giá trị hạt gạo, đây là nhược điểm cơ bản của qui trình ngược.”

Sản xuất theo qui trình ngược bắt nguồn từ vấn đề nông hộ nhỏ lẻ, doanh nghiệp ăn xổi chỉ muốn hưởng chênh lệch giá mua thấp bán thấp. Do đó không đầu tư kho chứa lúa theo tiêu chuẩn kỹ thuật, mà chỉ làm kho chứa gạo ngắn ngày chờ xuất khẩu.

Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, tổng lượng kho chứa gạo là hơn 4 triệu tấn; trong khi kho chứa lúa chỉ trên dưới 1 triệu tấn. Tuy vậy thông tin ghi nhận, đa số doanh nghiệp xây dựng kho chỉ để đối phó với qui định kinh doanh xuất khẩu gạo và không đạt yêu cầu kỹ thuật tồn trữ.

TS Phạm Văn Tấn phát biểu:

“Theo sự hiểu biết của tôi, tổng lượng kho ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3,5 triệu tấn. Qui định là kho chứa lúa nhưng trên thực tế hầu hết kho hiện nay là chứa gạo, chứ không thể chứa lúa và những kho đó theo dạng nền bê tông có mái che. Thành ra yêu cầu đáp ứng bảo quản lúa đúng kỹ thuật để đảm bảo chất lượng lúa thì hầu hết các kho ở đồng bằng sông Cửu Long là không thể.”

Nam bộ từng có một vài xi-lô chứa lúa từ thế kỷ trước nhưng công nghệ lạc hậu không đồng bộ và không thích hợp. Gần đây một vài doanh nghiệp có dự án xi-lô mới để chứa lúa hoặc gạo đồ, nhưng tổng sức chứa hơn chục ngàn tấn còn quá khiêm nhượng với sản lượng 21 triệu tấn lúa mỗi năm của đồng bằng sông Cửu Long.

Theo TS Phạm Văn Tấn, nếu trữ lúa trong xi-lô hiện đại thì có thể trữ lúa trên một năm, còn chứa ở các nhà kho mái che bình thường thì chỉ chứa được dưới ba tháng. TS Phạm Văn Tấn tiếp lời:

“Hiện nay hầu hết là chứa gạo ngắn hạn dưới ba tháng để kinh doanh lương thực. Còn đơn vị nào chứa trên ba tháng thì phải lau bóng lượng gạo đó lại vì gạo bị ẩm vàng khi lau bóng lại cho trắng thì tổn thất thêm 3-4% nữa.”

Thông tin ghi nhận, ở đồng bằng sông Cửu Long từ hai năm nay đã có những doanh nghiệp tư nhân bắt đầu sản xuất lúa gạo theo qui trình thuận. Nhưng diện tích vùng lúa còn quá nhỏ, chỉ vài chục ngàn héc-ta so với 1,6 triệu héc ta tổng diện tích một vụ lúa chính ở khu vực này. Đó là các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đáng chú ý và thành công nhất là mô hình của Công ty bảo vệ thực vật An Giang. Nông dân hợp tác với công ty trồng những giống lúa theo hợp đồng tạo thành một vùng nguyên liệu đồng nhất và được hỗ trợ đầu vào. Công ty này bao tiêu lúa cho nông dân và trữ lúa theo qui trình thuận.

Qui trình thuận chỉ là một nút thắt trong cả chuỗi sản xuất lúa gạo, từ người trồng lúa tới thương nhân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nhưng liệu các nhà hoạch định chính sách tái cơ cấu nông nghiệp có thể gỡ nút thắt này đảo ngược qui trình được hay không, vấn đề xem ra không hề đơn giản.