Hội nghị Trung ương 12 bàn về nhân sự lãnh đạo

0:00 / 0:00

Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khai mạc hôm nay tại Hà Nội và tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam có bài phát biểu khai mạc.

Đây là một hội nghị được cho là quan trọng chuẩn bị cho đại hội đảng cộng sản Việt Nam Khóa 12 dự kiến diễn ra vào năm tới, mà nhiều người mong đợi có những đổi thay so với lâu nay.

Nhân sự mới và chuyện ‘thoát Trung’!

Trang mạng Chính phủ Việt Nam loan tin hội nghị trung ương lần thứ 12 diễn ra trong tuần này từ ngày 5 đến 11 tháng 10, Bộ chính trị sẽ trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan/đơn vị trực thuộc trung ương; báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự bộ chính trị, ban bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung Tâm Minh Triết làm chủ Biển Đông trình bày một số nhận định hiện nay về vấn đề nhân sự cấp cao sẽ được đưa ra vào năm tới:

“ Về cơ bản, nhân sự phải đi theo đường lối. Hiện nay đường lối không thấy thay đổi gì, vẫn là Mác- Lê nin đã phá sản. Đường lối như thế ‘dơi không ra dơi, chuột không ra chuột’, không rõ ràng.

Thế thì hiện nay đang có mấy xu hướng tranh luận như thế này: một là lệ thuộc Tàu nhiều hay ít, thoát ra thế nào? Nhưng xu hướng lệ thuộc Tàu bị phá sản, nên đó là một khả năng có sự tương đối thống nhất với nhau: phải bảo vệ đất nước, phải thoát Trung. Thoát Trung là dân gian nói thôi chứ ‘họ’ không nói.

Về cơ bản, nhân sự phải đi theo đường lối. Hiện nay đường lối không thấy thay đổi gì, vẫn là Mác- Lê nin đã phá sản. Đường lối như thế 'dơi không ra dơi, chuột không ra chuột', không rõ ràng

Ông Nguyễn Khắc Mai

Thứ hai vẫn giữ đường lối Mác- Lê nin như hiện nay nhưng có khuynh hướng điều chỉnh nhỏ giọt. Ví dụ chủ trương vẫn giữ Mác- Lê nin, vẫn giữ Hồ Chí Minh, vẫn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng phải tăng cường coi trọng kinh tế tư nhân.

Còn khuynh hướng nữa là ‘muốn tử tế’ thì phải thay đổi chế độ.”

Thay đổi chính sách!

Một nhà nghiên cứu Việt Nam hiện đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, vào cuối tháng 8 vừa qua cho rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung Quốc sau đại hội đảng 12 còn tùy thuộc vào thái độ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phát biểu:

“ Về chính sách đối ngoại (của Việt Nam) kể cả sau đại hội 12 khả năng có những đột biến, có những thay đổi lớn về chính sách đối ngoại thì tôi nghĩ khả năng đó tương đối thấp. Tôi nghĩ những chính sách hiện tại vẫn được tiếp tục; tuy nhiên tiếp tục trong chiều hướng nào? Ví dụ chuyển động của chính sách đối ngoại của Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra nhanh hay chậm là tùy thuộc nhiều vào động thái của Trung Quốc trên Biển Đông hơn thay đổi về mặt lãnh đạo hay thay đổi về mặt chính sách của Việt Nam. Theo tôi ở một mặt nào đó chính sách của Việt Nam mang tính chủ động, nhưng ở một khía cạnh khác thì lại chủ động theo nghĩa đối phó với các hành vi, các bước đi của Trung Quốc trên Biển Đông. Cho nên phải chờ xem Trung Quốc có tiếp tục hung hăng, hiếu chiến hay không hay họ có cách tiếp cận khác. Trong trường hợp họ tiếp tục có những hành động gây hấn, hiếu chiến thì các chuyển động chính sách của Việt Nam sẽ nhanh hơn, sẽ dễ có các bước đi táo bạo hơn; nếu không cứ như tình hình hiện tại thì theo tôi ít có khả năng đó. Và các điều chỉnh nếu có sẽ xảy ra từ từ, tiệm tiến hơn là có những thay đổi lớn.”

Lệ thuộc kinh tế ‘Trung Quốc’

Trong khi đó giáo sư Ngô Vĩnh Long, Khoa Sử, Đại học Maine Hoa Kỳ vào tháng 8 chỉ ra tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam cũng như thực tế Trung Quốc đang bỏ tiền ra mua đất đai, bất động sản và thuê hay mua kho bãi để chứa hàng như là hoạt động khuynh loát của Trung Quốc về mặt kinh tế đối với Việt Nam.

Trung Quốc đưa hàng vào Việt Nam có hai lý do: một ở bên nước họ quá nhiều hàng tồn kho, nếu không đẩy đi thì không vay tiền được của ngân hàng thêm nữa để sản xuất; hai họ đẩy hàng sang Việt Nam để chờ Hà Nội ký TPP và nói đó là hàng của Việt Nam và dùng cái đó để xuất đi

giáo sư Ngô Vĩnh Long

“ Từ 6-7 năm nay các tỉnh được quyền sử dụng đất, trừ những nơi nào dính đến an ninh quốc gia. Trung Quốc đưa người đến tận các tỉnh và huyện tìm mọi cách để mua chuộc các lãnh đạo ở đó. Đó cũng là điều mà tại sao chúng ta thấy bao nhiêu vấn đề lem nhem trong vấn đề đất đai. Đất đai rất quan trọng đặc biệt ở các tỉnh duyên hải hay các tỉnh gần thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tôi cho ví dụ là những kho hàng ở chung quanh Hà Nội, Sài Gòn giá một bộ vuông ( square foot) tùy nơi từ khoảng 3,5 đến 4 đô la mấy. Trong khi giá một bộ vuông kho hàng ở Boston là 2,10 đô la và ở Los Angeles cũng khoảng 2,10 đến 2,20 đô la. Theo điều tra của một số người và của tôi thì Trung Quốc mướn những kho để đưa hàng của họ vào. Đó là lý do vì sao mà giá đắt đến như vậy.

Trung Quốc đưa hàng vào Việt Nam có hai lý do: một ở bên nước họ quá nhiều hàng tồn kho, nếu không đẩy đi thì không vay tiền được của ngân hàng thêm nữa để sản xuất; hai họ đẩy hàng sang Việt Nam để chờ Hà Nội ký TPP và nói đó là hàng của Việt Nam và dùng cái đó để xuất đi. Cho nên số tiền vào rất nhiều, chẳng hạn năm ngoái ‘nhập siêu’ của Trung Quốc với Việt Nam là 20 tỷ đô la. Số tiền này rất lớn: hai lần số tiền Việt Nam xuất siêu sang Mỹ. Năm nay chưa hết năm mà nhập siêu của Trung Quốc đối với Việt Nam đã 32 tỷ đô la rồi.

Vậy đặt câu hỏi ‘số tiền lớn đó đi đâu?’ Nó được dùng để mua đất đai, thuê hay mua kho hàng và kể cả mua địa ốc tại Sài Gòn và một số chỗ khác. Cho nên nhìn vào ‘lũng loạn’ kinh tế của Trung Quốc, tôi thấy còn nguy hiểm hơn tình hình Biển Đông nữa. Có thể họ ‘rục rịch’ ở Biển Đông để đánh lạc hướng nhằm gây ảnh hưởng trên đất liền.”

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng cần phải chờ xem và ông hy vọng sẽ có những chuyển động được nói là kiên quyết hơn với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thì cho rằng dù bất cứ ai được đưa vào các chức vụ lãnh đạo đất nước đều cần phải vì dân, vì nước chứ không thể vì ý thức hệ cộng sản mà theo ông này đã quá lỗi thời. Ông Nguyễn Khắc Mai so sánh việc Nga đã từ bỏ chủ nghĩa đó như cưa bỏ ‘cặp sừng trâu’; trong khi ấy Hà Nội qua dự thảo báo cáo chính trị đại hội đảng 12 được phổ biến thì chưa thấy có gì đổi thay mà dường như lại tiếp tục đi vào ngõ cụt của chiếc sừng trâu mà Nga từng cưa bỏ.