Bản tuyên bố chung của APEC nêu rõ các mục tiêu cần phải tiến đến bao gồm gia tăng hỗ trợ tăng trưởng, khuyến khích bình ổn tài chánh và khôi phục niềm tin.
Tuyên bố cũng cho thấy các nhà lãnh đạo APEC tán đồng ý kiến phải xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới mọi hình thức, một mặt siết chặt an ninh lương thực nhưng mặt khác lại không giới hạn xuất khẩu lương thực cho dù tình trạng khô hạn đang gây ảnh hưởng xấu cho nông nghiệp ở Hoa Kỳ và Liên Bang Nga, là 2 quốc gia sản xuất lượng lúa mì lớn nhất toàn cầu.
Bản tuyên bố chung của APEC 2012 cũng nói đến khủng hoảng nợ nần của một số nước Châu Âu, cho rằng điều này sẽ tạo bất lợi toàn cầu và kêu gọi các quốc gia đang sử dụng đồng EURO bằng mọi giá phải giải quyết.
Bên cạnh những cam kết cùng hợp tác phát triển kinh tế, thượng đỉnh APEC năm nay còn được chú ý tới vì những căng thẳng ngoại giao xảy ra giữa một số quốc gia thành viên.
Thủ Tướng Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda, cho hay không gặp Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc và Tổng Thống Nam Hàn Lee Myung-bak, điều đó xác nhận căng thẳng do cuộc tranh chấp chủ quyền các vùng đảo giữa Nhật với Trung Quốc và Nhật với Nam Hàn đang ở mức rất cao.
Trong cuộc họp báo trước khi thượng đỉnh kết thúc, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vẫn bày tỏ thái độ cứng rắn của Bắc Kinh, nói rằng chủ quyền quần đảo Điếu Ngư thuộc về Hoa Lục, đồng thời nói rõ là chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Đảo Điếu Ngư được người Nhật gọi là Senkaku là vùng đảo hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản, đồng thời cũng là đầu mối gây nên tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc.
Với Nam Hàn và Nhật Bản, căng thẳng xảy ra liên quan đến quần đảo được gọi là Dokdo theo tiếng Hàn hay Takeshima theo tiếng Nhật. Đảo này đang nằm trong vòng kiểm soát của Seoul, và tháng trước Nhật Bản lên tiếng phản đối khi Tổng Thống Nam Hàn Lee Muyng-bak cùng phái đoàn chính phủ đến thăm đảo này.
Ngay cả cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh đạo Philippines và Trung Quốc cũng không thành hình, cho dù trước khi rời Manila lên đường phó hội, các phụ tá của Tổng Thống Benigno Aquino có nói rằng mục tiêu quan trọng nhất của ông là cuộc thảo luận với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào để giảm bớt căng thẳng đang xảy ra giữa 2 nước ở Biển Đông.
Bằng lời lẽ mang tính ngoại giao, Ngoại Trưởng Alberto del Rosario của Philippines cho báo chí biết cả 2 bên đã cố gắng để dàn xếp cuộc gặp nhưng không thành công, vì Chủ Tịch nhà nước Trung Quốc quá bận rộn.
Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Đào lại có cuộc gặp riêng với Chủ Tịch nước Việt Nam là ông Trương Tấn Sang, gặp Tiểu Vương Brunei và đại diện của Đài Loan, là 3 quốc gia nằm trong danh sách những nước đang tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng không mạnh mẽ lên tiếng phản đối các hành vi gây hấn của Trung Quốc bằng Philippines.
Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc cũng tuyên bố tại APEC rằng duy trì hòa bình, ổn định và đà phát triển của vùng Châu Á-Thái Bình Dương là lợi ích chung của các nước, và tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm phải góp phần làm điều này.
Trước khi rời Thượng Đỉnh APEC, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton có đưa ra phát biểu nói rằng đã đến lúc tất cả mọi quốc gia can dự vào vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông và Biển Hoa Đông phải cùng nhau làm giảm mức căng thẳng, tiến đến giải quyết tranh chấp bằng cách gia tăng nỗ lực về mặt ngoại giao.
Bà Ngoại Trưởng Mỹ cũng cho hay đã thảo luận với lãnh đạo 2 nước đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản về điều này, nói thêm là bà tin cả Tokyo lẫn Seoul đều biết rõ quan điểm của Washington.
Các bản tin được giới truyền thông Mỹ phổ biến cũng cho biết trong cuộc gặp riêng với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, bà Clinton kêu gọi Maxcơva đóng vai trò chủ động hơn ở Châu Á-Thái Bình Dương, để cùng với Hoa Kỳ kiềm chế căng thẳng leo thang ở biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo dòng thời sự:
- Lãnh đạo các nước châu Á Thái Bình Dương kêu gọi đoàn kết
- Việt Nam kêu gọi Trung Quốc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau
- Nga sẽ tăng cường hợp tác kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương
- Chủ tịch Trương Tấn Sang dự Hội nghị APEC 2012
- Chủ tịch TQ báo động tình trạng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng Châu Á
- Ngoại trưởng Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC
- Trung Quốc lại cảnh báo Nhật về vấn đề tranh chấp biển đảo
- Vì sao Nhật lại mua quần đảo Senkaku?
- Nhật - Hàn lại căng thẳng vì đảo tranh chấp
- Mỹ muốn các nước đưa ra bộ quy tắc ứng xử Biển Đông