Những mũi tên bảo vệ Biển Đông được Mỹ gửi tới Việt Nam

0:00 / 0:00

Chuyến công du Hoa Kỳ của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từ ngày 1 tháng 10 được dư luận đánh giá là thành công nhất trong các cuộc công du của tất cả giới chức cao cấp Việt Nam từ trước tới nay. Đặc biệt trong những bài nói chuyện của ông và kết quả Việt Nam được mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ, điều mà từ nhiều năm qua Hà Nội đã vận động không mệt mỏi để đạt tới.

Kể từ khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng thăm Washington vào tháng 7 năm 2013, mối bang giao Việt-Mỹ được nâng lên tầm “đối tác toàn diện” kèm theo đó là quan hệ giữa quân đội hai nước ngày càng được cải thiện. Việt Nam đã thấy viễn cảnh mở ra lớn hơn trong việc hợp tác quốc phòng với Mỹ đặc biệt là vận động để Quốc hội Hoa Kỳ cho phép bải bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, được ban hành từ năm 1985.

Sau đó 10 năm, việc bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995 đã kéo Mỹ vào gần với Hà Nội hơn mặc dù còn rất nhiều bất đồng trên hồ sơ nhân quyền, một vấn đề gai góc mà Mỹ luôn tìm cách đối phó với Việt Nam khi Hà Nội thường xuyên sách nhiễu, đàn áp và giam giữ các nhà bất đồng chính kiến hay đấu tranh dân chủ nhân quyền.

<br/>Tôi chờ đợi có các cuộc thảo luận hiệu quả về các vấn đề song phương, làm thế nào để tăng cường mối quan hệ của chúng ta, và cũng có thể thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm của chúng ta.<br/> - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh <br/>

Rất kiên nhẫn trong việc thuyết phục Việt Nam nới lỏng cách nhìn nhận nhân quyền, thay đổi đối xử với người bất đồng chính kiến cũng như chuẩn bị thiết lập một đối tác quan trọng khi trở lại Châu Á Thái Bình Dương, từ năm 2006, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán trang thiết bị quân sự phi sát thương cho Việt Nam. Bước đi này mở ra cho Việt Nam một cánh cửa mới nhằm tiếp cận với kho vũ khí hiện đại và lớn nhất thế giới hầu tự trang bị cho mình sức mạnh bảo vệ đất nước, nhất là đối phó với sự chèn ép của người láng giềng Trung Quốc lúc nào cũng hăm he ngoài Biển Đông.

Tuy nhiên, dù Việt Nam nhiều lần yêu cầu trong đó có cả công khai và gợi ý, Washington nhất định không bán vũ khí sát thương cho Hà Nội khi tình hình nhân quyền của Việt Nam chưa được cải thiện.

Ngày 1 tháng 10 năm 2014 khi ông Phạm Bình Minh được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tiếp đón tại Bộ Ngoại Giao, phát biểu ngắn gọn và ý nghĩa, ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói:

Cảm ơn ông Ngoại trưởng đã mời tôi đến thăm chính thức Hoa Kỳ. Từ khi thành lập quan hệ đối tác toàn diện, chúng ta đã có nhiều thành tích trong tất cả các lĩnh vực - kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, và các khu vực khác.

Vì vậy, tôi đến Hoa Kỳ ngày hôm nay để gặp gỡ và làm việc với các đồng nghiệp Mỹ để xem xét các mối quan hệ song phương giữa hai nước. Tôi chờ đợi có các cuộc thảo luận hiệu quả về các vấn đề song phương, làm thế nào để tăng cường mối quan hệ của chúng ta, và cũng có thể thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm của chúng ta. Cảm ơn quý vị.

Kết quả cuộc gặp

Các cuộc thảo luận mà Bộ trưởng Ngoại giao chờ đợi không lâu khi ngay ngày hôm sau kết quả đáng khích lệ đối với Hà Nội đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa kỳ thông báo: Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki cho biết Hoa Kỳ sẽ cho phép bán vũ khí sát thương dùng cho an ninh trên biển nhưng chỉ trên cơ sở từng loại vũ khí cụ thể. Các vũ khí được chuyển giao sẽ bao gồm tàu chiến và máy bay, đặc biệt là trang bị dành cho cảnh sát biển Việt Nam. Những vũ khí quốc phòng có liên quan đến an ninh biển sẽ được bán cho Việt Nam nhằm giúp Hà Nội tăng cường sức bảo vệ bờ biển của mình.

Ông Phạm Bình Minh trong phiên họp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 02/10/2014. AFP photo
Ông Phạm Bình Minh trong phiên họp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 02/10/2014. AFP photo (Ông Phạm Bình Minh trong phiên họp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 02/10/2014. AFP photo)

Việc chấp nhận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam căn cứ trên các tranh chấp Biển Đông ngày một nóng bỏng mà Trung Quốc là một yếu tố hàng đầu. Hoa kỳ cho biết không riêng Việt Nam, Philippines và Indonesia cũng sẽ nhận được những lô vũ khí để trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển của họ.

Trước chuyến đi của ông Phó Thủ tướng, Việt Nam đã thả nhỏ giọt vài tù nhân lương tâm như cách mà Hà Nội vẫn thường làm để chứng tỏ với Mỹ rằng họ có thiện chí trong các yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên sự quyết đoán và gây hấn các nước làng giềng của Trung Quốc mới là yếu tố mạnh mẽ khiến Quốc hội Mỹ chấp nhận thỉnh cầu của Việt Nam và sự chuẩn thuận này còn một ý nghĩa khác vượt lên những chiếc máy bay giám sát P-3 Orion mà dư luận vẫn đang chú ý.

Giáo sư Tương Lai, một lão thành cách mạng, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội Việt Nam cho biết suy nghĩ của ông về chuyến đi của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh:

Tôi cho đấy là một tin rất vui vì đầu xuôi thì đuôi lọt và điều này cũng nói lên cái thành công của Bộ trưởng Phạm Bình Minh, không hổ là con cụ Nguyễn Cơ Thạch, người mà trước đây trong cuộc họp đáng xấu hổ ở Thành Đô bọn Tàu đã phải ra áp lực đòi phải loại bỏ ông Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, sau đó cũng loại bỏ ra khỏi Bộ chính trị luôn. Những người lãnh đạo lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Linh, như Đỗ Mười đã phải chấp nhận nhượng bộ nhục nhã như thế. Lần này Phạm Bình Minh đến Mỹ với tư thế của một Phó Thủ tướng, giống như một nhà Ngoại giao họ đánh giá ông ta là một trong những nhà ngoại giao kinh nghiệm nhất Châu Á.

Tôi cho đấy là một tin rất vui vì đầu xuôi thì đuôi lọt và điều này cũng nói lên cái thành công của Bộ trưởng Phạm Bình Minh, không hổ là con cụ Nguyễn Cơ Thạch ...<br/> - Giáo sư Tương Lai

Tôi cảm thấy được động viên khi ông nói trực tiếp với nhà ngoại giao người mỹ trực tiếp bằng tiếng Anh. Khi ông ta nói: “We can not change the history, but we can change the future” tôi nghĩ đây là một câu nói chứa đựng nhiều ý nghĩa trong đấy. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng mà có thể thay đổi tương lai. Khi ông kết luận bài phát biểu về quan hệ Việt Mỹ thì thay đổi về tương lai đó nó hứa hẹn rất nhiều điều.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh rất sắc nét khi trả lời báo chí về mọi vấn đề. Ông tỏ ra là một viên chức ngoại giao lão luyện và phản ứng nhanh nhạy trước các câu hỏi mà hầu hết viên chức khác của Việt Nam không thể hay không dám trả lời.

Trong phiên họp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Center for Strategic International Studies (CSIS), khi một phóng viên từ Thượng Hải (Trung Quốc) hỏi rằng Việt Nam sẽ giữ quan hệ với Trung Quốc như thế nào trong tương lai trong ứng xử về tranh chấp Biển Đông trong khi tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ như hiện nay, ông Minh trả lời như sau:

Việt Nam có chính sách ngoại giao với rất nhiều nước khác nhau, quan hệ đa quốc gia, có nghĩa là chúng tôi phát triển quan hệ với tất cả các nước chứ không riêng nước nào. Chúng tôi đã thành lập bang giao với nhiều nước và Trung Quốc có mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam còn đối với Hoa Kỳ chúng tôi cũng có mối quan hệ đối tác toàn diện và sự phát triển quan hệ với Hoa kỳ không gây nguy hại gì cho bất cứ quan hệ của nước nào. Đây là chính sách của Việt Nam nó không lệ thuộc vào một quốc gia nào trong khi phát triển bang giao đối với một quốc gia khác.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hoàn thành vai trò của mình sau nhiều nỗ lực của cả hai phía, tuy nhiên phần còn lại vẫn là Bộ chính trị Việt Nam. Quyết định đối phó với Trung Quốc không phải chỉ vũ khí tối tân, đắt tiền là đủ, nó còn tùy thuộc vào việc đặt quyền lợi dân tộc, đất nước vào đâu khi trong các cuộc đàm phán câu chữ xã hội chủ nghĩa, ý thức hệ và các lý luận cộng sản vẫn là tiền đề đè bẹp mọi ước nguyện của nhân dân thì vũ khí tối tân cách nào cũng đều vô ích.