Người đoạt giải nhất cuộc thi tranh bảo tồn loài Voọc Cát Bà

Nhiều tổ chức quốc tế và nước ngoài đang hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác bảo tồn thiên nhiên.

0:00 / 0:00

Vừa qua, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cùng với Dự án Bảo tồn Loài Vọoc Cát Bà tổ chức cuộc thi thiết kế tranh bảo vệ loài vọoc tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Một nghệ sĩ đồ họa tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Đỗ Ngọc Duyến, được trao giải nhất cuộc thi đó.

Trong chuyên mục Khoa học-Môi trường kỳ này, Gia Minh nói chuyện cùng ông Đỗ Ngọc Duyến về một số thông tin cuộc thi cũng như công cuộc bảo vệ loài vọoc Cát Bà nói riêng và tình hình bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam nói chung.

Nâng cao nhận thức công chúng

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tại khu dự trữ sinh quyển Cát Bà hiện chỉ còn lại chừng từ 50 đến 60 cá thể loài vọoc đầu vàng thân đen. Đây là loài thú duy nhất còn sót lại của thế giới mà chỉ ở Cát Bà mới có mà thôi.

Thống kê cho biết là hồi thập niên 80, số vọoc ở Cát Bà còn chừng từ 2400 đến 2700 con. Trước đó vào thập niên 60, số này là 3000 con.

Bắt đầu từ năm 2000, một số tổ chức trên thế giới đã cử chuyên gia đến Cát Bà để tiến hành các họat động giúp bảo vệ loài vọoc quí hiếm này. Một dự án mang tên Dự án Bảo tồn Vọoc Cát Bà được hình thành. Và người giám đốc đầu tiên của dự án là bà Rosi Stenke. Bà này là một tiến sĩ về loài linh trưởng Châu Phi, tiến sĩ về đười ươi. Và giám đốc hiện nay là ông Rick Passaro, người Mỹ.

Nhân dịp trao giải thưởng cho tranh bích họa của ông Đỗ Ngọc Duyến, giám đốc Rick Passaro của Dự án Bảo tồn Loài Vọoc Cát Bà phát biểu rằng ‘sự nhận thức của công chúng và các biện pháp bảo vệ được thực thi nghiêm nhặt là cách thức duy nhất để bảo vệ loài vọoc Cát Bà khỏi bị tuyệt chủng hoàn toàn. Bức tranh này và cuộc thi này đã đi được một chặng đường dài trong việc thực hiện vấn đề nâng cao nhận thức công chúng.’

Bản thân ông Đỗ Ngọc Duyến hiện nay không còn sinh sống tại đảo Cát Bà, nhưng đó là nơi ông trải qua bốn năm trong giai đọan đầu đời từ năm lên hai đến sáu tuổi. Tất cả những gì còn đọng lại trong ông về một đảo Cát Bà với loài vọoc đặc trưng là một vùng đất hoang sơ chưa bị khai phá nhiều như hiện nay. Ông cho biết:

Tôi sống từ năm hai tuổi đến năm sáu tuổi ở ngòai Cát Bà. Quê nhà tôi trong Hải Phòng, nhưng bố tôi chuyển công tác ra đó nên cả gia đình ra đó theo. Tôi cũng chỉ nhớ hồi đó ra ngoài ấy thì rất hoang vu. Khi đó mẹ tôi đi làm xa thì mọi người phải hú chứ không gọi, vì nếu gọi tiếng người thì thú dữ như hổ nghe thấy sẽ theo mình để ăn thịt. Hú như tiếng vượn.

Hồi đó là chừng năm 1978. Hồi đó nhà tôi nuôi một con khỉ nhỏ và xích ở cửa. Đó chỉ là một con khỉ thường thôi và loài này ở Cát Bà nay rất nhiều, chứ không phải loài vọoc.

Như lời kể của ông Đỗ Ngọc Duyến thì dù sống ở ngay tại đảo Cát Bà, thế nhưng ông cũng chưa có dịp tận mắt chứng kiến được loài vọoc quí hiếm đặc trưng của vùng đất đó; mặc dù vào những năm ấy số vọoc tại Cát Bà vẫn còn cả vài ngàn con.

Khi tham gia cuộc vẽ tranh do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Dự án bảo tồn loài vọoc Cát Bà tổ chức, bản thân ông Đỗ Ngọc Duyến phải tìm hiểu qua các phương tiện khác nhau, nhất là tra cứu các thông tin liên quan loài này trên Internet:

Tôi lên mạng search tìm thông tin loài vọoc, nhưng loài vọoc ở Cát Bà chỉ duy nhất tại đó có. Tôi thấy có nhiều lọai vọoc rất đẹp, nhưng con vọoc Cát Bà khác hẳn những loài vọoc khác. Nên trong tranh tôi có những điểm nhấn để người xem có thể nhận biết đó là con vọoc Cát Bà.

Bộ lông trên đầu của nó như ngọn lửa, hai chùm lông hai bên mang tai xòe ra. Vọoc chà vá thì xòe ra nhưng cụp xuống, còn vọoc Cát Bà thì lông trên đầu màu vàng hay trắng. Đó là những điểm rất dễ nhận dạng của con vọoc Cát Bà.

Cần sự hỗ trợ của nhà nước

Tác phẩm đạt giải nhất của anh Đỗ Ngọc Duyến. Photo courtesy of phapluattp.vn
Tác phẩm đạt giải nhất của anh Đỗ Ngọc Duyến. Photo courtesy of phapluattp.vn (Tác phẩm đạt giải nhất của anh Đỗ Ngọc Duyến. Photo courtesy of phapluattp.vn)

Theo ông Đỗ Ngọc Duyến, người đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế tranh bảo vệ loài vọoc Cát Bà, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng loài này bị suy giảm đến mức gần như tuyệt chủng là do tình hình phát triển một cách tràn lan và nạn săn bắt loài vọoc một cách vô tội vạ không được chính quyền ngăn chặn.

Cát Bà bây giờ, qua những thông tin mà tôi tìm hiểu để vẽ bức tranh đó, thì Cát Bà đã phần nào thay đổi và phát triển hơn nhiều. Nếu bây giờ mà tôi ra thì căn nhà tôi ở ngày xưa không còn nữa, vì căn nhà đó nằm ở lưng chừng núi. Trí nhớ thì hồi đó còn quá nhỏ không thể tưởng tượng được hết. Nhưng bây giờ thay đổi nhiều, đẹp cho du lịch nhưng phá họai sự hoang sơ của nó. Và như vừa rồi theo Đại sứ quán Hoa kỳ thì số vọoc từ 3000 con còn chừng 50 con thì đó là đi ngược phát triển chứ không phải phát triển.

Đối với họat động của Dự án Bảo tồn loài vọoc Cát Bà hiện do một người Hoa Kỳ là ông Rick Passaro làm giám đốc, ông Đỗ Ngọc Duyến có nhận xét:

Tôi thấy việc làm của Dự án bảo tồn loài vọoc Cát Bà, họ có những hành động, chương trình rất cụ thể để giúp cho người dân biết đến để họ có ý thức bảo vệ sinh quyển và những loài động vật tại đó thế nào.

Trong khi đó với tư cách là người tham gia vào công tác giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong nỗ lực chung giúp bảo tồn loài vọoc quí hiếm ở Cát Bà, ông Đỗ Ngọc Duyến, có một số nhận xét về họat động tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã nói riêng và thiên nhiên nói chung tại Việt Nam của các cơ quan chức năng như sau:

Thực sự tôi thấy Nhà Nước với thành phố không có những hành động gần như thế (của Dự án Bảo tồn Loài Vọoc Cát Bà). Khi họ phát triển những khu resort tại đó thì họ đã phá đi cảnh quan thiên nhiên và lấn đi phần sống hoang dã của các loài động vật. Phát triển ra đó, họ phá rừng, phá núi. Tôi thấy có một ngọn núi rất đẹp mà họ xẻ ngang để đi ra bãi tắm. Như thế phá đi môi trường sống của những loài sinh vật mà chỉ còn tồn tại trong Sách đỏ mà thôi.

Nói không đi đôi với việc làm là một tình trạng vẫn diễn ra lâu nay tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên. Theo tiết lộ của những người từng làm việc với các quan chức phụ trách môi trường, thì sau những cuộc họp tổng kết, phát động hô hào bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, chính những vị vừa phát biểu đã liên hoan bằng những loài thú được chế biến thành những món đặc sản để đãi đằng họ.

Ông Đỗ Ngọc Duyến bày tỏ mong muốn cá nhân trong lĩnh vực này như sau:

Cần phải có những tổ chức bảo tồn độc lập không liên quan đến chính quyền và tài chính trong nước thì mới có thể làm được, chứ để cho chính quyền địa phương thì chắc không làm được.<br/>Ông Đỗ Ngọc Duyến <br/> <br/>

Vấn đề này theo tôi thấy nhận thức của mọi người là quan trọng nhất. Dù bản thân không tham gia trực tiếp, nhưng khi thấy người khác có hành động tàn sát họặc sát hại thì phải góp ý, cảnh báo để tạo nên phản ứng dây chuyền trong cộng đồng. Nếu làm ngơ thì không thể giúp cho các chương trình đang thực hiện.

Cần phải có những tổ chức bảo tồn độc lập không liên quan đến chính quyền và tài chính trong nước thì mới có thể làm được, chứ để cho chính quyền địa phương thì chắc không làm được.

Trong buổi lễ trao giải thưởng cuộc thi thiết kế tranh bảo vệ loài vọoc Cát Bà, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông David Shear phát biểu rằng ‘việc săn bắt động thực vật hoang dã đang làm mất đi di sản thiên nhiên của Việt Nam, đẩy các loài voi, hổ, rùa và các loài linh trưởng như loài vọoc Cát Bà tới bờ tuyệt chủng. Nếu chúng ta muốn các thế hệ con cháu của chúng ta biết tới những loài động vật nguy cấp theo cách mà chúng ta biết ngày hôm nay, chúng ta phải bảo vệ những loài động vật này và các khu vực sinh sống của chúng.’

Trong khi người nước ngòai lo lắng cho sự tồn vong của những loài động, thực vật quí hiếm của Việt Nam, thì nhiều người trong nước, đặc biệt là cơ quan chức năng vẫn cứ loay hoay chưa thể đạt được hiệu quả trong các biện pháp đề ra.

Theo dòng thời sự: