[ Nghe bài nàyOpens in new window ]
[ Tải xuống - download Opens in new window ]
Cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN diễn ra bên lề hội nghị lần thứ 16 của CITES Công Ước Quốc Tế Về Hoạt Động Buôn Bán Động Thực Vật Hoang Dã Nguy Cấp do Thái Lan chủ trì, với sự tham dự của đại biểu gần một trăm quốc gia trên thế giới đã ký kết Công Ước CITES, trong đó có Việt Nam.
Sau cuộc họp, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, tiến sĩ Hà Công Tuấn, dành cho Thanh Trúc một buổi phỏng vấn liên quan. Trước hết ông cho biết:
"Việt Nam trở thành thành viên chính thức của công ước CITES vào năm 1994. Trong suốt thời gian đó chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện những cam kết và những qui định của công ước. Chúng tôi đã ban hành một loạt những chính sách, nguyên tắc, qui định để nội luật hóa công ước CITES, thành lập một hệ thống các cơ quan thực thi mà có cả cơ quan thẩm quyền quản lý về CITES và cơ quan khoa học về CITES ở Việt Nam.
Có thể nói chúng tôi đã có nhiều thành công, tình hình kiểm soát buôn bán các loài hoang dã ngày càng tốt hơn. Tuy vậy Việt Nam, một quốc gia mặc dù là đa dạng sinh học, chúng tôi cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đấy là yêu cầu của sự phát triển với đảm bảo bền vững.
Thứ hai, người dân Việt Nam, nhất là người dân nông thôn sống ở gần rừng, thậm chí ở trong rừng, cũng còn một bộ phận rất đông mà đời sống có thể nói còn khó khăn. Cái thứ ba, chúng tôi cũng biết là một quốc gia đang phát triển, mới thoát khỏi một quốc gia có thu nhập thấp, do vậy chúng tôi rất hạn chế về khả năng tài chính cũng như nguồn nhân lực. Trong giai đoạn mở cửa chúng tôi biết phải tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ, cho những người thực thi pháp luật. Với quyết tâm thì Việt Nam đảm bảo ngày càng thực hiện nghiêm túc hơn những cái thuộc pháp luật. Chúng tôi biết hãy còn đâu đó tình hình vi phạm pháp luật, tình hình xâm hại động vật hoang dã vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên tiến tới là những giải pháp quyết liệt hơn."
Thanh Trúc: Việt Nam đã thành lập Mạng Lưới Thực Thi Pháp Luật Về Động Vật Và Thực Vật Hoang Dã từ năm 2005, nói về mặt thực thi pháp luật thưa ông thứ trưởng ông thấy Việt Nam đã thực thi đúng mức chưa hay vẫn còn lỏng lẻo?
TS Hà Công Tuấn: "Những cố gắng của Việt Nam trong việc thực thi công ước CITES được cộng đồng thế giới khẳng định, nhất là trong việc tái phát triển rừng. Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia có độ che phủ của rừng tăng trong hai thập niên vừa qua. Tuy vậy, chúng tôi còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực thi pháp luật. Chúng tôi thấy cần phải có sự cố gắng của chính phủ cao hơn. Trước hết là sự hợp tác thật tốt giữa các cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời là sự hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hành động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN và toàn cầu."
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Hà Công Tuấn, Việt Nam sẽ bước vào AEC Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN 2015, khi đó thông thương, giao thông và mọi liên lạc trong khu vực cũng mở rộng, vấn đề buôn bán thực vật và động vật hoang dã trong khu vực bị những kẻ săn bắt lợi dụng. Thách thức đó Việt Nam đã tiên liệu được chưa?
TS Hà Công Tuấn: "Chúng tôi có thể nói đã biết tình hình khó khăn ấy và cũng đã có hợp tác song phương với các quốc gia như Nam Phi, chúng tôi đã ký MOU với họ. Rồi với Indonesia, với Lào, Kampuchia và rất có thể ký MOU với cả Trung Quốc để có những hoạt động kiểm soát chung.
Và chúng tôi cũng lường trước những khó khăn tới đây sẽ phải đối mặt. Do vậy, việc tăng cường năng lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo là những phương pháp quản lý tiên tiến phải được tăng cường thêm.
Tôi cũng muốn nói mặc dù còn những khó khăn như vậy, nhưng có việc chúng tôi đã thực thi pháp luật rất thành công. Ví dụ cách đây bốn năm thống kê ở Việt Nam có hơn 4.400 con gấu mà hầu hết nhập từ nước ngoài vào. Chúng tôi đã có những giải pháp quản lý rất chặt chẽ và đến nay thì giảm xuống còn khoảng hơn hai nghìn cá thể. Tức là chúng tôi quản lý không cho tăng thêm và đảm bảo việc chỉ nuôi nhân đạo đến lúc mà cá thể gấu ấy chết đi. Có thể nói đây là những việc rất thành công."
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông thứ trưởng bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn.