ASEAN: Thử thách, khó khăn và triển vọng

0:00 / 0:00

Thứ Sáu vừa qua, tại buổi hội thảo về "ASEAN : Thử Thách, Khó Khăn Và Triển Vọng", diễn ra ở Phân Khoa Quốc Tế Đại Học Thammasat của Thái Lan, vấn đề nhiều lần được các học giả Singapore, Thái Lan và Trung Quốc nêu lên là sự tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa TQ với các nước ASEAN, đặc biệt với Philippines và Việt Nam.

Sau buổi hội thảo, để hiểu rõ hơn về lập trường và cái nhìn của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp mà Bắc Kinh cho là ASEAN không thể tháo gỡ và giải quyết, Thanh Trúc phỏng vấn ông Zhang Xishen, giáo sư thỉnh giảng người Trung Quốc tại Phân Khoa Quốc Tế đại học Thammasat:

Trung Quốc nhất quyết không quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Zhang Xishen, Trung Quốc là một trong năm nước đối thoại với ASEAN, vậy theo ông Bắc Kinh thực sự có xem trọng và có muốn giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên hai khu vực biển mà Manila gọi là biển Tây Philippines và Hà Nội gọi là biển Đông hay không?

GS. Zhang Xishen: Đó là vấn đề lớn cho Trung Quốc và cho các nước thành viên ASEAN, đặc biệt đối với Philippines và Việt Nam. Cả hai quốc gia này đều yêu cầu mang vấn đề tranh chấp biển đảo ra trước ASEAN.

Thế nhưng Trung Quốc một mực giữ tư thế không thay đổi rằng đây chỉ là vấn đề song phương và vì thế chỉ có đối thoại song phương để giải quyết mà thôi. Đó là sự khác biệt trong cách nghĩ của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam.

Trong khi đó những nước thành viên khác của ASEAN như Thái Lan, Singapore, Lào và Kampuchia, do không có tranh cãi với Trung Quốc về lãnh vực này, nên cũng không muốn dính dự sâu vào vấn đề . Đó là điều khác biệt thứ hai mà cũng là sự khác nhau giữa các nước trong ASEAN trước vấn đề tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa.

Thanh Trúc: Thưa ông, trong lúc chưa có hướng giải quyết tranh chấp thì tàu Trung Quốc vẫn đi vào vùng bãi cạn Scalborough thuộc Philippines hoặc đến vùng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 18, Trung Quốc lại gởi một đội tàu hải giám đến biển Đông gọi là để tuần tra định kỳ. Phải chăng Trung Quốc muốn chứng tỏ có toàn quyền trên biển Đông?

Trung Quốc một mực giữ tư thế không thay đổi rằng đây chỉ là vấn đề song phương và vì thế chỉ có đối thoại song phương để giải quyết mà thôi. Đó là sự khác biệt trong cách nghĩ của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam

GS. Zhang Xishen

GS. Zhang Xishen: Xin nhớ từ năm 1992 Trung Quốc từng cam kết cùng khối ASEAN là không giải quyết tranh chấp trên biển bằng vũ lực mà bằng đường lối hoà bình. Đó là lập trường của Trung Quốc. Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn gởi tàu chiến hay tàu quân sự đến biển Nam Trung Hoa để chứng tỏ tư thế của mình về vấn đề tranh chấp, những chiếc tàu đó hoàn toàn không phải là tàu của quân đội Trung Quốc.

Thanh Trúc: Thưa giáo sư, trong phần thuyết trình tiến sĩ Prapat Thepchatree, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN của đại học Thammmasat, nhấn mạnh rằng những hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển gọi là thuộc chủ quyền Philippines hay Việt Nam chẳng hạn, đã kích thích tự ái dân tộc và lòng yêu nước của người dân các quốc gia liên quan...

GS. Zhang Xishen: Đúng tôi có nghe thấy

Thanh Trúc: Trong khi đó ông lại nói ASEAN cần thận trọng khi đề cập đến vấn đề an ninh khu vực, điều này có nghĩa gì?

GS. Zhang Xishen: Tại sao tôi nói ASEAN cần thận trọng khi đối diện với vấn đề an ninh khu vực là tại vì khi ASEAN thực sự chú trọng đến an ninh trong vùng thì cũng cần thấy rõ sự can thiệp từ các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ, nếu các nước lớn và mạnh can dự vào tình hình biển Đông Nam Á thì rất khó cho ASEAN giữ vai trò hay vị trí lãnh đạo của khối.

Điểm thứ hai tôi muốn nêu lên ở đây khi bảo ASEAN phải thận trọng là vào lúc tình thế chứng tỏ Hoa Kỳ muốn quay trở lại Châu Á và muốn can thiệp ít nhiều vào tình hình tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa mà quí vị gọi là biển Đông đó, thì rõ ràng cũng sẽ rất khó cho ASEAN tìm được sự quân bình trong quan hệ của khối đối với các cường quốc khác.

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Zhang Xishen, hôm 23 tháng Giêng vừa qua, chính phủ Philippines loan báo muốn đưa vấn để tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trên vùng biển Tây Philippines ra một Toà Á Trọng Tài theo qui định tại Điều 287 và Phụ Lục VII của UNCLOS Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982. Ông nghĩ thế nào?

Trung Quốc hiển nhiên luôn chống lại ý đồ gọi là quốc tế hóa những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các nước lân bang trong ASEAN vì cho rằng đây là vấn đề song phương chứ không phải vấn đề đa phương hay vấn đề quốc tế

GS. Zhang Xishen

GS. Zhang Xishen: Trung Quốc hiển nhiên luôn chống lại ý đồ gọi là quốc tế hóa những vụ tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các nước lân bang trong ASEAN vì cho rằng đây là vấn đề song phương chứ không phải vấn đề đa phương hay vấn đề quốc tế. Thành thử một khi Philippines nhất mực đòi đưa ra Toà Án Quốc Tế (International Court Of Justice) hoặc hơn thế một Tòa Án Trọng Tài (An Arbitral Tribunal) theo Công Ước gì gì đi nữa thì Trung Quốc cũng sẽ bác bỏ thực tế đó mà thôi.

Thanh Trúc: Thưa ông, trong thời gian qua, nhất là năm 2012, rất nhiều lần ngư dân và tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị chận bắt, bị đánh và bị đoì tiền chuộc bởi những người trên những chiếc tàu mà báo chí Việt Nam gọi là tàu lạ chứ không gọi thằng đó là tàu Trung Quốc. Tại sao tàu Trung Quốc lại sử dụng vũ lực trên ngư trường và ngư dân Việt Nam?

GS. Zhang Xishen: Đó không phải là vũ lực mà có thể là tranh cãi về quyền lợi kinh tế giữa ngư dân hai bên. Những chuyện như thế xảy ra không dính dáng tới hành động quân sự nào từ phía Trung Quốc.

Thanh Trúc: Câu hỏi sau cùng, nếu có cơ hội góp ý trực tiếp với Bắc Kinh hầu nhanh chóng giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đối với các nước ASEAN trong đó có Việt Nam thì ông sẽ nói gì?

GS. Zhang Xishen: Điều tôi có thể góp ý luôn luôn là vấn đề phải được tháo gỡ và giải quyết trong tinh thần hoà bình.

Vừa rồi là cách trả lời về tình hình tranh chấp biển Đông của học giả Trung Quốc, giáo sư Zhang Xishen, đến từ đại học Bắc Kinh, đang là giáo sư thỉnh giảng ở Phan Khoa Quốc Tế đại học Thammasat của Thái Lan. Rất tiếc vì không có một học giả hay chuyên gia nào về Biển Đông của Việt Nam nên chúng tôi không thể thực hiện bài phỏng vấn để biết về lập trường của Việt Nam trong chuyện này.

Theo dòng thời sự: