Sửa đổi Hiến pháp theo kịch bản đã dàn dựng?

0:00 / 0:00

Sau khi người dân Việt trong và cả ngoài nước ngày càng dồn dập góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 theo lời kêu gọi của nhà nước, nổi bật nhất là Kiến nghị 72, Thư của Hội đồng Giám mục VN, Tuyên bố của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVN Thống Nhất, Tuyên bố của Công dân Tự do, “Tuyên ngôn Nguyễn Đắc Kiên”, thì hiện phía cầm quyền huy động toàn lực từ phương tiện truyền thông, nhân vật có tiếng, sinh viên, cựu chiến binh, cán bộ về hưu, tổ dân phố, quần chúng tự phát, dư luận viên, xã hội viên… để cáo buộc, chụp mũ, răn đe những người mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cáo giác là “những kẻ suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, cần phải xử lý”.

“Ngây ngô” đến “phát ngượng”

Qua bài “Vì sao TBT Nguyễn Phú Trọng phải lên tiếng răn đe trong việc sửa Hiến pháp?”, blogger Kami lưu ý tới hiện tượng “lên đồng tập thể” chưa từng có của đủ phần tử bảo vệ vị thế độc quyền lãnh đạo vĩnh viễn của đảng vốn ráo riết xuất hiện trên phương tiện truyền thông nhà nước trong mấy ngày nay.

Ông Huỳnh Kim Báu, Chủ tịch Hội Trí thức TPHCM phản ứng:

Bày ra trò lấy ý kiến sửa đổi làm gì cho tốn thời gian, tốn công sức, giờ phản bác phân bua điếc cả tai trên ti vi. <br/> Blogger Người Buôn Gió

“Chuyện công lao quá khứ với hiện tại là hai phạm trù khác nhau. Anh có thể có công với quá khứ nhưng bây giờ có tội với tương lai. Không thể xét đoán công với tội mà cả dân tộc này chịu sự cai trị của Đảng suốt đời như vậy. Trong khi đó dân tộc, đất nước có trước Đảng. Trước khi là một Đảng viên thì là người Việt Nam đã, cái đó là điều hiển nhiên cho nên không thể lấy lập luận đó để bảo vệ đảng.”

Blogger Kami bày tỏ ngạc nhiên khi thấy “cuộc hầu đồng tập thể” trong mấy tuần nay trên phương tiện truyền thông nhà nước với đầy đủ “ban bệ và các nhân vật quan trọng” góp phần vào “toan tính kỹ lưỡng” nhằm đe doạ người dân góp ý không đúng với ý đảng, đó là chưa kể những bài viết với lập luận “ngây ngô” khiến độc giả “phát ngượng”, vừa “bực mình, vừa buồn cười lại vừa có chút thương hại”. Theo blogger Kami thì “Trong bối cảnh sự tín nhiệm của nhân dân đối với đảng CSVN đã xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử 83 năm hoạt động và 68 năm ở vai trò đảng cầm quyền thì những hành động đáp trả mang tính cố thủ như trên là những dấu hiệu đáng lo ngại” cho đảng; và phản ứng “lạ lùng” của đảng và nhà nước như vậy chẳng khác nào “khư khư như ông từ giữ oản”. Do đó, theo nhận xét của Kami, việc đảng, nhà nước, và cả những thành phần “lên đồng tập thể” vừa nói, ra sức tung hô Điều 4 cho sự lãnh đạo độc tôn và vĩnh viễn của đảng, không chấp nhận “tam quyền phân lập”, duy trì sở hữu toàn dân về đất đai, quân đội và công an phải trung thành với đảng… Tất cả đều không ngoài mục đích “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản”.

Blogger Quê Choa qua bài “Hướng dẫn dư luận viên trả lời Kiến nghị 72” cũng đồng ý với blogger Kami, cho rằng “bảo vệ Đảng như rứa càng làm mất uý tín Đảng, càng làm cho người ta thấy Đảng đang đuối lý và quanh co”. Rồi blogger Quê Choa, tức nhà văn Nguyễn Quang Lập, nêu lên câu hỏi và tự trả lời:

“Vì sao không tam quyền phân lập?- Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản!

Vì sao đất đai phải sở hữu toàn dân?- Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản!

Vì sao quân đội phải trung thành với Đảng?- Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản!

Vì sao không được bỏ điều 4?- Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản!”

Kêu gọi nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên Đài truyền hình VTV. Screen capture.
Kêu gọi nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên Đài truyền hình VTV. Screen capture.

Vẫn theo Quê Choa thì cả 7 kiến nghị trong Kiến Nghị 72, cả những câu hỏi cụ thể như vì sao Bản Giốc, vì sao Hoàng Sa, vì sao Bauxite, vì sao Vinashin, vì sao Vinalines…vân vân và vân.. , các dư luận viên vẫn cứ kiên quyết trả lời đanh thép: Vì giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản! Cứ trả lời như thế nhất định “bọn suy thoái” sẽ phải câm miệng.

Qua bài “Đúng hết thì còn lấy ý kiến gì?”, blogger Người Buôn Gió nêu lên câu hỏi rằng “Lấy ý kiến mà kiểu vừa đang lấy vừa đe thế, hỏi có khách quan không?”. Tác giả thắc mắc:

“Có ai đòi sửa đổi hiến pháp đâu, hiến pháp vẫn đang thế, chính trị đang thế, xã hội vẫn thế, quân đội vẫn thế và nhân dân vẫn thế. Bày ra trò lấy ý kiến sửa đổi làm gì cho tốn thời gian, tốn công sức, giờ phản bác phân bua điếc cả tai trên ti vi. Tự dưng ông bày ra thì người ta có ý kiến, bao giờ thống nhất thời hạn các ý kiến xong thì tập hợp công bố, sau đó mới phân trần, giải thích. Đằng này ý kiến còn đang lấy mà các ông đã lợi dụng truyền thông để đe dọa là đóng góp phải thế này, không được thế kia, như thế kia là phạm tội chống phá chính quyền.”

Blogger Người Buôn Gió nhân tiện lưu ý tới phương tiện truyền thông nhà nước rằng “cái nơi tồn tại bằng tiền dân” thì bây giờ đem phục vụ cho mục đích của đảng cầm quyền. Thời lượng phát sóng để phục vụ người dân qua tin tức liên quan chuyện làm ăn, y tế, giáo dục… bỗng nhiên, hơn 2 tuần nay, chỉ lo phục vụ cho chuyện hiến pháp nhằm bảo vệ vai trò cầm quyền của đảng. Blogger Người Buôn Gió kết luận:

“Thôi, đã cầm quyền, và đã thấy đúng hết thì chấm dứt luôn cái trò lấy ý kiến. Tuyên bố chấm dứt việc lấy ý kiến ở đây và huỷ bỏ những ý kiến đóng góp trước đó, lý do vì giai cấp cầm quyền đã thấy đúng hết rồi không phải đóng góp là gì nữa cho mất thời gian tiền bạc, công sức. Nếu ai thắc mắc việc không lấy ý kiến thì cứ trả lời đơn giản:

Đúng hết thì còn lấy ý kiến làm gì?”

Một trò bịp?

Những ai tin rằng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được đảng - nhà nước CSVN nghiêm túc tiếp thu thì có lúc sẽ đau tim mà chết. <br/> Nguyễn Bắc Truyển

Qua bài “Về việc góp ý xây dựng Hiến pháp mới”, blogger Bùi Tín lưu ý rằng thực ra đảng nhân dịp này chỉ để củng cố vai trò lãnh đạo độc tôn, duy nhất, mang tính độc quyền của đảng Cộng sản khi uy tín của đảng đã xuống thấp nhất, khi lãnh đạo của đảng bị đông đảo nhân dân đánh giá “không có tâm, không ngang tầm, hư hỏng”, bị “lòng tham không đáy” khiến đà suy thoái vượt ra ngoài vòng kiểm soát, khi dân chúng, kể cả đảng viên, đang vô cùng thất vọng, tuyệt vọng.

Nhưng khi kịp nhớ lại bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mà phía cầm quyền đưa ra và kêu gọi người dân góp ý thì nhà báo Bùi Tín cho đó là “trò bịp của lãnh đạo” đã “phơi bày rất rõ”, khi họ giật dây cho Ban dự thảo của Quốc Hội sửa chữa, bổ sung toàn là những tiểu tiết, thứ yếu trong bản Hiến pháp 1992, chứ không đả động gì đến những điều chủ chốt mà người dân mong muốn đổi thay, từ Điều 4, các vấn đề về sở đất đai, về chuyện tam quyền phân lập cho tới việc chỉ đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Tệ hại hơn nữa,blogger Bùi Tín lưu ý, họ lại thêm 2 điểm trong dự thảo Hiến pháp lần này vốn không hề có trong tất cả 4 Hiến pháp trước đó, đó là các lực lượng vũ trang nhân dân (gồm quân đội và công an) trước tiên phải trung thành với đảng rồi mới tới tổ quốc và nhân dân; và có trách nhiệm bảo vệ đảng và nhà nước trước, rồi mới tới nhân dân sau. Nhà báo Bùi Tín nhận xét:

“Đây là thay đổi cốt lõi nhất, khi Bộ Chính trị nhận ra tình hình lâm nguy của đảng, đảng bị dân ghét và khinh, bị không ít tướng lĩnh, sỹ quan chiến sỹ và cựu chiến binh phê phán rất nghiêm khắc, lại thấy trong Mùa Xuân Bắc Phi, quân đội Tunisia, Ai Cập đã dứt khoát ngả hẳn về phía nhân dân, cùng nhân dân lật đổ chính quyền độc tài tham nhũng. Bộ Chính trị ở Hà Nội đã giật mình hoảng sợ, liền dùng việc sửa Hiến pháp để buộc chặt các lực lượng vũ trang vào cỗ xe có thể sắp lâm nguy của mình.”

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại buổi họp báo việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Photo courtesy of vtc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại buổi họp báo việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Photo courtesy of vtc.

Qua bài “Đảng CSVN có nên tiếp tục lãnh đạo không?”, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển khẳng định rằng đảng không nên kêu gọi quân đội bảo vệ đảng, điều đó là “vô vọng”.

Tại sao? Vì, theo tác giả, "Người lính chỉ bảo vệ đất nước, quyền lợi của họ nằm trong quyền lợi của người dân. Hãy nhìn sang Ai-Cập, Lybia... để thấy cái kết cục của những kẻ đã từng được các tướng lĩnh quân đội ủng hộ. Còn người lính rời bỏ quân ngũ họ trở thành dân đen, không có lý do gì họ chống lại đồng bào và người thân của mình. Nhân dân Việt Nam sẳn sàng chết cho đất nước nhưng sẽ không chết thay cho bất kỳ một đảng phái chính trị nào. Xin nhớ lấy điều đó để mà răn mình".

Sau khi đưa ra “một lời khuyên” rằng “đừng nên nói láo” trong thời đại thông tin “đi nhanh như ánh sáng” giữa lúc người dân “chưa bao giờ tín nhiệm đảng CSVN” trong vai trò lãnh đạo đất nước dù trước đây họ đành phải cúi đầu vì sợ hãi trước cái đói, nhà tù, cái chết thì nay họ đang lên tiếng, đang “tính sổ” với giới cầm quyền, luật sư Nguyễn Bắc Truyển kết luận rằng:

“Những ai tin rằng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được đảng - nhà nước CSVN nghiêm túc tiếp thu thì có lúc sẽ đau tim mà chết. Việc kêu gọi nhân dân lấy ý kiến là trò chơi chính trị, một hình thức mị dân không hơn không kém. Sẽ không có bất kỳ sự thay đổi dù đó là nguyện vọng đa số người dân: điều 4 được giữ nguyên, không có sở hữu tư nhân đất đai, quyền con người bị xuyên tạc, không có việc trưng cầu dân ý Hiến pháp... Các sửa đổi chỉ mang lại các lợi thế cho đảng CSVN tiếp tục độc quyền cai trị. Từ đây cho đến khi có bản Hiến pháp mới, nhiều màn hài kịch sẽ được show up để hợp thức hóa với dư luận quốc tế (họ chẳng quan tâm người dân trong nước). Không ai ngạc nhiên khi Quốc hội CSVN sẽ thông qua Hiến pháp mới với 100% phiếu tán thành, tất cả đã được dàn dựng.”

Xin cảm ơn quý vị vừa theo dõi Tạp chí Điểm Blog hôm nay. Thanh Quang kính chúc quý vị mọi điều an lành.